Áp dụng Việt GAP: Vải thiều Lục Ngạn không lo rớt giá

Áp dụng Việt GAP: Vải thiều Lục Ngạn không lo rớt giá

Từ cuối tháng 5 đầu tháng 6, từng đoàn ô tô tải tấp nập kéo về vùng trồng vải Bắc Giang. Mới đầu vụ, giá vải thiều lên xuống từng giờ. Nhưng ở Lục Ngạn, các chủ vườn vẫn bình thản vì vải thiều nơi đây sản xuất theo quy trình Việt GAP, giá luôn ổn định và cao gấp hai, ba lần vải ở các huyện lân cận.

Đầu năm, do thời tiết nắng nóng, khô hạn nên vải thiều Bắc Giang có ra hoa nhưng không đậu quả. Theo khảo sát, sản lượng vải thiều ở tỉnh Bắc Giang vụ này giảm 50%, còn khoảng 127.796 tấn. Riêng vùng Lục Ngạn, vụ vải thiều năm nay ước đạt 60.000 tấn, giảm hơn một nửa so năm rồi. Ông Chu Văn Báo, Trưởng phòng Nông nghiệp huyện Lục Ngạn cho biết: Năm được mùa nhất, tổng thu nhập vải thiều toàn huyện cũng chỉ đạt xấp xỉ 500 tỷ đồng. Vụ vải năm nay tuy sản lượng giảm trên 50% nhưng được giá, cho nên tổng thu từ trái vải trên địa bàn cũng ước đạt giá trị từ 480 - 500 tỷ đồng.

Áp dụng Việt GAP: Vải thiều Lục Ngạn không lo rớt giá ảnh 1

Vải thiều Lục Ngạn có giá trị kinh tế cao nhờ áp dụng Việt GAP

Năm 2006, Lục Ngạn áp dụng thí điểm quy trình sản xuất vải thiều sạch theo tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm Việt Nam (gọi tắt là Việt GAP). Từ 15ha thí điểm ở thôn Trại 3, Cầu Cao, xã Quý Sơn cho kết quả tốt, đến năm 2009, diện tích vải áp dụng Việt GAP tăng lên 2.500ha ở 12 xã. Những nơi áp dụng quy trình sản xuất vải thiều tiêu chuẩn Việt GAP giá trị mỗi kg bán tại vườn đều cao hơn hai lần giá vải ở những nơi không áp dụng quy trình Việt GAP.

Để người nông dân nắm vững quy trình sản xuất vải sạch theo tiêu chuẩn Việt GAP, Viện Bảo vệ thực vật Trung ương phối hợp với Phòng Nông nghiệp, Trung tâm Khuyến nông huyện, mỗi năm mở hàng chục lớp tập huấn kỹ thuật cho hàng ngàn hộ sản xuất vải thiều. Nhờ đó, quả vải có vỏ màu hồng đẹp, không sâu bệnh, không có dư lượng thuốc bảo vệ thực vật.

Ông Nguyễn Văn Đông, Chủ tịch UBND xã Hồng Giang, cho biết: “Toàn xã có 310ha vải thiều ở 11 thôn đều áp dụng quy trình Việt GAP, vừa bảo đảm chất lượng quả vải sạch vừa bảo vệ môi trường. Khách vào vườn vải mùa thu hoạch, không khí trong lành, không có mùi thuốc trừ sâu, mùi phân tươi như trước đây. Mấy năm gần đây vải thiều Hồng Giang còn được xuất khẩu đi Trung Quốc, Campuchia. Qua đó, giúp tỷ lệ đồng bào dân tộc trong xã giảm nghèo còn 2,48%”.

Vụ vải năm nay, Lục Ngạn triển khai áp dụng Việt GAP ở 20 xã thuộc vùng chỉ dẫn địa lý vải thiều với diện tích 13.000 - 14.000ha. Để giúp sản xuất, tiêu thụ vải thiều bền vững, Lục Ngạn đã thành lập Hiệp hội Hoa quả với sự tham gia của các hợp tác xã, tổ liên gia có nhiệm vụ giúp các hộ nông dân thực hiện đúng quy trình kỹ thuật Việt GAP, từng bước khắc phục tình trạng đua nhau trồng vải thiều theo phong trào. Huyện chỉ đạo những vùng đồi cao, thiếu nước, thổ nhưỡng không thích hợp, kiên quyết chuyển sang trồng rừng kinh tế. Vùng thổ nhưỡng phù hợp, vận động nông dân trồng, chăm sóc vải theo quy trình Việt GAP, đảm bảo giá trị kinh tế cao, ổn định, khắc phục tình trạng “được mùa rớt giá” như những năm trước.

Vừa qua, huyện Lục Ngạn có đem 1.600kg trái vải đẹp và một cây vải đi dự hội chợ hoa quả ở Khu du lịch Suối Tiên, TPHCM. Trên tuyến quốc lộ 31, huyện Lục Ngạn còn tổ chức 5 điểm giới thiệu vải thiều sạch và thường xuyên mời các doanh nghiệp đầu mối về tham quan, bàn việc tiêu thụ vải thiều thuận lợi.

Bằng những nỗ lực phối hợp có hiệu quả giữa “4 nhà”, Lục Ngạn một lần nữa khẳng định giá trị, vị thế của cây vải thiều, giúp đồng bào dân tộc thiểu số vùng vải thiều Lục Ngạn có cuộc sống ngày càng khá hơn.

HOÀNG TIẾN

Tin cùng chuyên mục