Áp lực đè nặng nông dân và nhà máy

Huyện Phụng Hiệp, tỉnh Hậu Giang là huyện thu hoạch mía sớm nhất khu vực ĐBSCL. Bắt đầu bước vào vụ thu hoạch mía, nhưng người nông dân ở đây đang trĩu lòng về giá cả.
Áp lực đè nặng nông dân và nhà máy

Vụ mía mới ở ĐBSCL

Huyện Phụng Hiệp, tỉnh Hậu Giang là huyện thu hoạch mía sớm nhất khu vực ĐBSCL. Bắt đầu bước vào vụ thu hoạch mía, nhưng người nông dân ở đây đang trĩu lòng về giá cả.

Nông dân canh cánh nỗi lo

“Năng suất mía bình quân 13 tấn/công và giá mía bán tại ruộng chỉ hơn 800 đồng/kg, tính ra vụ này làm không công” - anh Lê Thanh Sơn, ở xã Tân Phước Hưng, huyện Phụng Hiệp, buồn bã nói. Theo anh Sơn, người trồng mía không có lời bởi chi phí cho sản xuất quá cao, ngoài tiền mua mía hom giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, mướn nhân công chăm sóc đầu vụ, người trồng mía còn phải tốn thêm tiền thu hoạch mía, tính ra giá thành sản xuất mỗi ký mía đã tốn hơn 800 đồng. Đó là chưa kể khi nước lũ về, chi phí thu hoạch mía còn đội lên.

Nhà máy đường khốn đốn vì đường lậu

Nhà máy đường khốn đốn vì đường lậu

Theo một số nông dân, thời điểm này, giá thuê đốn, vác, cân mía từ ruộng xuống tới ghe khoảng 120.000 đồng/tấn nhưng khi nước lũ tràn về, giá thuê có thể lên 150.000 - 160.000 đồng/tấn. Năm 2013, Hậu Giang có hơn 14.000ha mía, trong đó huyện Phụng Hiệp chiếm hơn 9.550ha. Ông Nguyễn Thế Tự, Trưởng phòng NN-PTNT huyện Phụng Hiệp cho biết: “Còn hơn 5.000 ha chưa được khép kín, nếu lũ về chắc chắn ảnh hưởng đến năng suất cũng như sản lượng mía”.

Với giá mía dao động 800 đồng - 900 đồng/kg đầu vụ, nông dân đã than nhưng với các nhà máy đường thì đây lại là mức giá cao trong khu vực. Bình quân giá thành 1kg đường, mía nguyên liệu của nước sản xuất đường lớn trên thế giới dao động 6.000 - 7.000 đồng/kg, trong khi với Việt Nam là 10.000 đồng/kg. “Giá nguyên liệu đầu vào các nhà máy đường cao nhưng thu nhập của người trồng mía không cao. Nếu hạ giá thu mua mía để đảm bảo sức cạnh tranh của đường trong nước sẽ làm cho thu nhập của nông dân trồng mía thấp hơn nữa, điều này không ai muốn. Ngược lại, nếu tiếp tục giữ giá mía ổn định để đảm bảo thu nhập sẽ khuyến khích nông dân phát triển thêm diện tích trồng mía, nguồn cung đường sẽ tăng và càng làm cho tình trạng cung vượt cầu càng lớn. Đây là mâu thuẫn lớn cần được giải quyết” - ông Nguyễn Thành Long, Chủ tịch Hiệp hội Mía đường Việt Nam lo lắng.

Giảm giá thành để hội nhập

Theo Bộ NN-PTNT, niên vụ sản xuất mía đường vừa qua, sản lượng mía đạt trên 19 triệu tấn, sản xuất được 1,53 triệu tấn đường. Diện tích mía cả nước là 298.200ha, tăng hơn vụ trước 15.000ha, năng suất mía bình quân đạt 63,9 tấn/ha (tăng so với vụ trước 2,2 tấn/ha). Giá đường trong 2 năm nay đã bình ổn ở mức chấp nhận, thị trường đường không biến động lớn. Giá đường bình ổn trong mùa Trung thu năm nay là một điển hình. Việt Nam từ chỗ thiếu đường ăn, phải nhập rất nhiều, nay đã thỏa mãn nhu cầu trong nước và có dư để xuất khẩu. Song, lượng đường đang tồn kho của nhà máy đường hiện nay trên 200.000 tấn cùng với áp lực của đường lậu Thái Lan đang đặt cả nông dân và các nhà máy đường vào thế cực kỳ khó khăn.

Với giá thu mua dao động từ 800 đồng - 1.000 đồng/kg mía nguyên liệu, nông dân cho là thấp nhưng các nhà máy đường cho rằng đã “ròng gánh giá”.

Ông Nguyễn Hải, Tổng thư ký Hiệp hội Mía đường Việt Nam nhận định: “Nông dân trồng mía Việt Nam gặp nhiều khó khăn, do sản xuất nhỏ, chưa cơ giới hóa các công đoạn sản xuất, làm thủ công”. Ở Thái Lan, Ấn Độ, Brazil - những quốc gia sản xuất đường với sản lượng lớn, giá mía nguyên liệu từ 24-29 USD/tấn (khoảng 600.000 đồng). Trong khi đó, các nhà máy đường của Việt Nam mua 1 triệu đồng/tấn mía nguyên liệu với chất lượng kém hơn. Vì vậy, giá đường thành phẩm rất khó cạnh tranh với Thái Lan. Các nhà máy đường Việt Nam vẫn phải đối đầu và chịu nhiều áp lực từ đường lậu Thái Lan.

Theo phân tích của giới kinh doanh đường, Thái Lan điều hành sản xuất đường theo 3 “ngạch”. Thứ nhất là bắt buộc nông dân và các nhà máy đường đảm bảo cung ứng trong nước do chính phủ điều hành giá mía và giá đường. “Ngạch” thứ hai là Thái Lan ký hợp đồng cung ứng dài hạn cho các nước trên thế giới do các công ty tư nhân thực hiện dưới sự kiểm soát của chính phủ để đảm bảo thương mãi giữa Thái Lan và các nước trong hợp đồng dài hạn. Cuối cùng là lượng đường thặng dư tương đối lớn, các nhà máy có quyền xuất khẩu dưới bất kỳ hình thức nào. Cho nên, đường lậu, trốn thuế tràn qua biên giới Tây Nam hiện nay chủ yếu thuộc “ngạch” đường thặng dư của Thái Lan.

Ông Nguyễn Thành Long nhận định: Nông dân và các nhà máy đường sẽ gặp nhiều khó khăn lớn trong thời gian tới, bởi mức thuế nhập khẩu đường trong khối ASEAN giảm còn từ 0% - 5% khi cộng đồng kinh tế ASEAN ra đời (hiện tại là 5% - 15%). Vì vậy, Bộ Công thương và Bộ NN-PTNT cần đàm phán kèo dài hạn ngạch thuế quan đến 2020 hoặc ít nhất là áp dụng phương pháp linh hoạt đến hết năm 2018. Đồng thời, Chính phủ sớm có chiến lược đầu tư căn cơ để nông dân cải thiện giống mới, nâng cao năng suất và chất lượng mía, tiến tới hạ giá thành để cạnh tranh với các nước trong khu vực.

Cao Phong

Tin cùng chuyên mục