Cuộc chiến giữa quân đội Chính phủ Syria và những nhóm quân nổi dậy cùng các nhóm chiến binh thánh chiến người nước ngoài ngày càng ác liệt khiến hàng triệu người Syria phải di tản sang các nước láng giềng và gây ra các vấn đề mới trong khu vực.
Người tị nạn ngày càng tăng
Trong một hội nghị về vấn đề Syria tổ chức tại Jordan ngày 4-5, ngoại trưởng các nước Thổ Nhĩ Kỳ, Iraq, Jordan cùng với Thứ trưởng ngoại giao Ai Cập, Bộ trưởng Phát triển xã hội Lebanon - những nước đang tiếp nhận người tị nạn Syria - vừa lên tiếng thừa nhận áp lực khổng lồ mà dòng người tị nạn Syria đang gây ra đối với Jordan, đồng thời kêu gọi tìm kiếm một cơ chế để cung cấp viện trợ cho người tị nạn Syria.
Thủ tướng Jordan Abduallah Ensour đã thông báo cho các vị đại biểu về những gánh nặng mà Jordan đang phải gánh chịu khi tiếp nhận hơn 1,25 triệu người tị nạn Syria, chiếm khoảng 20% dân số của Jordan, gây ra áp lực to lớn đối với cơ sở hạ tầng cũng như giáo dục, y tế và các dịch vụ khác. Thủ tướng Ensour nói rằng cộng đồng quốc tế gần đây đã làm ngơ trước thảm cảnh của người tị nạn Syria, đồng thời kêu gọi các quốc gia trên thế giới hỗ trợ các nước láng giềng của Syria tiếp nhận người tị nạn của nước này.
Đài tiếng nói nước Nga dẫn dự báo của LHQ cho biết, năm 2014 sẽ có hơn 4 triệu người buộc phải rời khỏi Syria vì xung đột. Sự gia tăng không thể kiểm soát số lượng người di tản chắc chắn sẽ dẫn đến những vấn đề mới trong khu vực. Đến thời điểm này, người tị nạn Syria đã lên tới hơn 2 triệu người. Các chuyên gia LHQ dự đoán, nếu cuộc chiến không chấm dứt, số lượng người chạy khỏi Syria sẽ tăng gấp đôi trong vòng 1 năm qua.
Bà Elena Suponina, người đứng đầu Trung tâm châu Á và Trung Đông (Viện Nghiên cứu chiến lược Nga) cho biết, dòng người tị nạn Syria đang tràn sang Thổ Nhĩ Kỳ, Lebanon, Iraq, Jordan và châu Âu. Nhưng càng xa quê hương, họ càng ít được chào đón. Hiện một số nước đã ngưng nhận người Syria. Ví dụ, người di tản rất khó vào Ai Cập và chỉ có thể vào theo các giấy mời đặc biệt.
Thậm chí, Thổ Nhĩ Kỳ còn ngăn người tị nạn Syria tràn sang bằng cách cho xây các bức tường cao với dây thép gai gắn camera an ninh dọc khu vực giáp biên với Syria. Biên giới giữa Syria với Lebanon ngắn hơn, nhưng quốc gia này cũng trở thành nơi tập trung số lượng lớn người Syria tị nạn. Con số đăng ký chính thức với chính quyền Lebanon đã là hơn 700.000 người.
Tay súng nước ngoài thề quyết chiến
Các chiến binh nước ngoài đang tham chiến tại Syria cũng như cuộc chiến do mạng lưới khủng bố al-Qaeda cầm đầu ở Iraq đã lên tiếng đe dọa nhằm vào các chính phủ phương Tây sau khi hoàn thành nhiệm vụ tại Syria.
Trong một đoạn phim được nhóm Nhà nước Hồi giáo Iraq và cận Đông (ISIL) đăng tải trên mạng, một kẻ tự xưng là người Canada nói rằng các chiến binh đã quyết định sẽ hủy diệt những “kẻ bạo chúa” phương Tây và Arập sau khi hoàn thành sứ mệnh tại Trung Đông. Hàng ngàn chiến binh nước ngoài, chủ yếu đến từ các nước Arập và châu Âu, đang cầm súng chống lại chính quyền Syria. Các cơ quan tình báo phương Tây đã từng cảnh báo rằng những tay súng này có thể gây ra mối đe dọa an ninh tiềm tàng đối với các nước khi chúng quay trở về.
Trong diễn biến liên quan tới tình hình chiến sự tại Syria, ngày 4-5 lực lượng nổi dậy Syria đã đạt một thỏa thuận rút quân khỏi khu vực trung tâm thành phố Homs. Thỏa thuận này đồng nghĩa với việc quân đội của Tổng thống Bashar al-Assad sẽ giành lại quyền kiểm soát Homs kể từ tháng 6-2012. Đây cũng là chiến thắng quân sự hết sức quan trọng đối với chính quyền của ông al-Assad trước thềm cuộc bầu cử tổng thống, dự kiến diễn ra vào ngày 3-6 tới.
VIỆT ANH (tổng hợp)