Đây cũng là một phần trong thỏa thuận hoán đổi người tị nạn giữa 2 nước ký dưới thời Tổng thống Mỹ Barack Obama vào cuối năm 2016 theo đó Mỹ sẽ nhận 1.250 tị nạn tại 2 trung tâm của Australia trên đảo quốc Nauru và đảo Manus thuộc Papua New Guinea.
Ngược lại, Australia sẽ bắt đầu nhận tái định cư hàng chục người tị nạn Trung Mỹ trong vài tuần tới. Tổng thống Mỹ Donald Trump không đánh giá cao thỏa thuận này nhưng vẫn nói Washington sẽ tôn trọng.
Khoảng 25 người tị nạn từ các quốc gia như Bangladesh, Iran và người Hồi giáo Rohingya từ Myanmar trên đảo Manus là người đầu tiên nhận được giấy thông báo chấp nhận nhập cư vào Mỹ vào ngày 20-9. Theo Reuters, 25 người còn lại trên quốc đảo Nauru sẽ nhận thông báo vào ngày 21-9.
Gần 2.000 đàn ông, phụ nữ và trẻ em đang ở trại tị nạn trên đảo Manus và Nauru, phần lớn trong số họ đã được 2 nước nhỏ Thái Bình Dương cấp chứng nhận tị nạn. Mặc dù vậy, những người này ở trong các trung tâm giam giữ trong 4 năm trong điều kiện sống không đảm bảo khiến Liên Hiệp Quốc và các nhóm nhân quyền chỉ trích mạnh mẽ.
Australia đang phải chịu áp lực thời gian để định cư cho những người xin tị nạn ở đảo Manus vì trung tâm tại đảo này sẽ đóng cửa vào ngày 31-10.
Dưới chính sách siết chặt điều kiện nhập cư của Canberra, những người xin tị nạn bị chặn trên biển khi đang cố gắng đến Australia sau đó được đưa đến các trung tâm ở Manus và Nauru. Australia cho biết sẽ không bao giờ cho phép những người này được định cư tại Australia.
Australia cho biết thêm, vào tuần trước có khoảng 200 người xin tị nạn vào Australia và bị từ chối họ cũng không đủ điều kiện để tái định cư tại Mỹ và những người từ các nước như Iran không cho phép trục xuất bắt buộc, sẽ được chuyển đến một trại mới ở Manus sau ngày 31-10.