Ngày 12-9 vừa qua, lần đầu tiên trong một thập kỷ qua, xứ sở chuột túi đã nâng mức cảnh báo đe dọa khủng bố từ “bình thường” lên mức “cao” - mức đồng nghĩa với việc “có nguy cơ xảy ra một vụ tấn công khủng bố”. Ngày 18-9, người dân Australia thảng thốt khi chính phủ triển khai một chiến dịch chống khủng bố lớn nhất từ trước tới nay tại Sydney và Brisbane. Hơn 800 cảnh sát được vũ trang hạng nặng của Australia đã lục soát gần 30 ngôi nhà, bắt giữ 15 đối tượng liên quan.
5 ngày sau vụ truy quét khủng bố rầm rộ này, ngày 23-9, báo chí Australia đưa tin một nghi phạm khủng bố 18 tuổi - từng nghiên cứu kỹ kế hoạch di chuyển của Thủ tướng Tony Abbott - đã bị bắn chết tại Melbourne sau khi người này dùng dao tấn công 2 nhân viên chống khủng bố.
Đến ngày 25-9, với 44 phiếu ủng hộ và 12 phiếu chống, Thượng viện Australia đã nhất trí thông qua dự luật an ninh quốc gia. Theo đó trao quyền hạn lớn hơn cho Cơ quan Tình báo an ninh Australia (ASIO), cho phép cơ quan này được truy cập vào các máy tính cá nhân nằm trong hệ thống máy tính “mục tiêu tình báo” và theo dõi người Australia ở nước ngoài, bất cứ hoạt động tình báo nào cũng có thể được coi là “đặc biệt” và các nhân viên ASIO được miễn trừ xét xử dân sự và hình sự… Đây là những thay đổi lớn nhất của cơ quan tình báo nước này trong vòng 35 năm qua.
Tuy nhiên, những thay đổi này lại đưa một làn sóng Islamophobia (tạm dịch: Nỗi sợ người Hồi giáo) quét qua khắp Australia, đe dọa cộng đồng người Hồi giáo ở quốc gia này khi xuất hiện nhiều hành động căm ghét nhắm vào người Hồi giáo ở Australia.
Từ trước đến nay, chưa có một cuộc khủng bố lớn nào xảy ra tại Australia. Tuy nhiên, sau khi ASIO cho biết có khoảng 160 công dân Australia gia nhập Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng và ít nhất 20 người đã trở về nước, Bộ Ngoại giao nước này khuyên người dân nên theo sát các bản tin và chú ý bất kỳ thông báo nào về tình hình an ninh. Cảm giác bất an đang len lỏi từng góc phố, người dân được nâng cao mức độ ý thức và cảnh giác.
Chaya Bratoeva, nữ kiến trúc sư 35 tuổi, cho biết cô đã được nhận thức rõ hơn về mối nguy hiểm khi vào trung tâm Sydney. “Mặc dù tôi không thay đổi lịch trình hàng ngày của mình, nhưng khi đưa gia đình đi chơi, tôi muốn tránh những khu trung tâm nhộn nhịp. Nếu nguy cơ khủng bố cao hơn bình thường, tôi sẽ hủy bỏ thói quen đi lại bằng tàu hỏa”.
Về phần các tiểu bang thì hiện nay vấn đề đang được chú ý nhất là Kế hoạch an ninh cho hội nghị G20 sắp diễn ra ở Brisbane vào tháng 11 tới. Lực lượng an ninh các cấp liên bang và tiểu bang đã được lệnh gia tăng biện pháp tuần tiễu, bảo vệ những nơi quan trọng như phi trường, bến cảng, các nhà ga xe lửa chính, các trụ sở chính quyền - như Quốc hội liên bang hay Nghị viện các tiểu bang. Bất cứ một địa điểm quan trọng nào cũng có thể là mục tiêu…
Ngày 30-9, cảnh sát Australia đã bắt giữ một người đàn ông tại TP Melbourne với cáo buộc người này đã tài trợ cho một tổ chức khủng bố ở Trung Đông và đang lên kế hoạch thực hiện các vụ tấn công ngay tại Australia. Từ giờ cho tới khi có lệnh mới, công chúng Queensland nay không còn được tự do thăm trụ sở Nghị viện tiểu bang nữa. Australia đã thay đổi. Người Australia đang sợ khủng bố hơn bao giờ hết.
HẠNH CHI