“Chỉ tiêu thu ngân sách là chỉ số rất quan trọng để đo lường kinh tế vĩ mô và sức khỏe của nền kinh tế. Ngân sách mất cân đối là thấy ngay hậu quả. Tổng thu ngân sách của thành phố năm 2013 hoàn thành, gần bằng 1/3 của cả nước”, trong cuộc trò chuyện với phóng viên Báo SGGP nhân chuyến làm việc tại TPHCM mới đây, GS-TS Vương Đình Huệ, Trưởng ban Kinh tế Trung ương, nhận xét như trên.
- Phóng viên: Với những nội dung Ban Thường vụ Thành ủy TPHCM báo cáo với lãnh đạo Ban Kinh tế Trung ương, điều gì để lại ấn tượng nhất với đồng chí về kết quả phát triển kinh tế - xã hội của TPHCM thời gian qua?
>> GS-TS VƯƠNG ĐÌNH HUỆ: Có 3 điểm nhấn ấn tượng về tình hình kinh tế - xã hội của thành phố mà tôi quan tâm. Thứ nhất là về các chỉ tiêu quan trọng, trong đó có chỉ tiêu thu ngân sách; chỉ tiêu về GDP và đặc biệt là chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của thành phố. Trong 3 năm, CPI thành phố khoảng 6,9%, riêng năm 2013 là 5,2% chỉ bằng 3/4 CPI bình quân của cả nước. Tăng trưởng cao năm 2013 đạt 9,3%, bằng 1,7 lần tốc độ tăng GDP bình quân chung của cả nước, nhưng lạm phát thấp. Đây là bài học thực tiễn của thành phố về quản lý, điều hành và tạo nên sự khác biệt lớn so với các địa phương khác, trong khi thành phố là địa bàn chịu sự tác động nặng nhất từ những ảnh hưởng bất lợi của khủng hoảng kinh tế thế giới đối với Việt Nam.
Điểm nhấn thứ 2 là thành phố rất quan tâm đến doanh nghiệp. Quan tâm không chỉ tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, mà còn chủ động hỗ trợ tích cực doanh nghiệp, tạo mọi điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp phát triển. Đặc biệt, chương trình kích cầu, bảo lãnh doanh nghiệp, kết nối ngân hàng và doanh nghiệp rất ấn tượng.
Điểm nhấn thứ 3 rất đáng chú ý là Chương trình bình ổn giá góp phần kiềm chế lạm phát của thành phố. Năm 2013 thành phố đã “cắt” hẳn ngân sách hỗ trợ, nhưng vẫn vận động được doanh nghiệp tiếp tục thực hiện chương trình, đồng thời khuyến khích hệ thống ngân hàng tham gia hỗ trợ doanh nghiệp bình ổn giá.
Ba điểm nhấn trên của TPHCM là những kinh nghiệm quý báu trong thực tiễn phát triển kinh tế - xã hội rất cần được nghiên cứu, tổng kết, rút kinh nghiệm và không chỉ riêng cho TPHCM mà còn vận dụng ở các địa phương trong cả nước.
- Trong cuộc trò chuyện với báo chí cuối năm, đồng chí đã từng cảnh báo: “Đừng bao giờ nghĩ lạm phát “trùm chăn ngủ”. Lạm phát tuy được kiềm chế nhưng nguy cơ tăng trở lại vẫn còn”. Vậy TPHCM nên tập trung các vấn đề gì để kiềm chế lạm phát, đạt được các chỉ tiêu kinh tế đã đề ra?
Như tôi đã nói, năm 2011 chỉ số giá tiêu dùng cao hơn 18%, nhưng từ đó đến nay, chúng ta luôn đảm bảo được mức năm sau thấp hơn năm trước, năm 2012 xuống còn 6,81% và năm 2013 chỉ ở mức tăng hơn 6%, mức thấp nhất trong 10 năm gần đây. Nếu không có một chính sách tốt trong điều hành nền kinh tế vĩ mô và không có các chính sách tài khóa, tiền tệ đúng hướng thì kết quả đó rất khó đạt được. Nhất là trong điều kiện Việt Nam phải chịu rất nhiều tác động về vấn đề lạm phát, ở nhiều hướng, cả chi phí đẩy, cả cầu kéo và đặc biệt là lạm phát kỳ vọng, thường khiến CPI tăng rất mạnh, nhưng Chính phủ đã điều phối rất nhanh và kịp thời nên chúng ta có được kết quả kiềm chế lạm phát tốt hơn.
Trong bối cảnh đó, điều khác biệt của thành phố là tăng trưởng rất cao nhưng lạm phát lại thấp. Thành phố nên tiếp tục phát huy những kết quả đạt được, quyết tâm thực hiện kế hoạch đã đề ra trong Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thành phố lần thứ IX; kiên trì các giải pháp kiềm chế lạm phát của Trung ương và vận dụng sáng tạo vào điều kiện thực tiễn của thành phố; tập trung tái cấu trúc nền kinh tế chủ yếu trên 3 lĩnh vực quan trọng (tái cơ cấu đầu tư với trọng tâm là đầu tư công; cơ cấu lại thị trường tài chính với trọng tâm là tái cấu trúc hệ thống ngân hàng thương mại và các tổ chức tài chính; tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước mà trọng tâm là các tập đoàn kinh tế và tổng công ty nhà nước do thành phố quản lý).
Những nhiệm vụ thành phố đề ra năm 2014 và 2015 cần tiếp tục kiên trì thực hiện, trong đó phải chú ý phát triển nhanh các ngành công nghiệp hỗ trợ; phát triển 9 nhóm ngành dịch vụ, 4 nhóm ngành công nghiệp trọng yếu có hàm lượng khoa học - công nghệ và giá trị gia tăng cao; tăng dần tỉ trọng giá trị đóng góp của công nghiệp công nghệ cao trong GDP. Đồng thời tiếp tục xây dựng đồng bộ kết cấu hạ tầng, phát triển đô thị bền vững gắn với đẩy mạnh thực hiện các chương trình phát triển đột phá của thành phố.
- Thưa đồng chí, với những khó khăn, thách thức của nền kinh tế hiện nay, liệu trong tương lai TPHCM có còn giữ được vai trò là ngọn cờ đầu của cả nước, đầu tàu của khu vực hay không?
Tại buổi làm việc với Thành ủy TPHCM, các đồng chí lãnh đạo Ban Kinh tế Trung ương đều có nhận thức chung là trong những năm qua, TPHCM luôn năng động, đi đầu và phát triển đồng đều trong nhiều lĩnh vực. Tôi tin rằng, với những thành tích đã đạt được, với trách nhiệm là động lực của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và của cả nước, thành phố sẽ tiếp tục khai thác tối đa lợi thế của mình, tranh thủ sự hỗ trợ tích cực của các ban, bộ, ngành Trung ương; phối hợp chặt chẽ với các địa phương trong vùng và cả nước. Bên cạnh các kế hoạch đã đề ra, thành phố cần tiếp tục kiến nghị về các cơ chế chính sách đặc thù, đặc biệt các cơ chế, chính sách mang tính đột phá cho phép thành phố thực hiện thí điểm theo tinh thần Nghị quyết số 16 của Bộ Chính trị.
Do tính chất quan trọng nên yêu cầu của cả nước đối với TPHCM ngày càng cao hơn, nhiều hơn. Theo tôi, về công nghiệp, bên cạnh việc tiếp tục phát triển 4 ngành trọng điểm, thành phố cần nghiên cứu có chỉ đạo điểm về công nghiệp môi trường. Hiện thành phố đã có doanh nghiệp đi đầu về môi trường nhưng đây vẫn là lĩnh vực mới mẻ, đất nước cần thành phố tiếp tục đầu tư, đi tiên phong. Thành phố cần quan tâm hơn công nghiệp hóa dược, 1 trong 4 ngành công nghiệp giá trị cao nhưng kết quả chưa thực sự đạt được như mong muốn, trong khi thành phố có nhiều lợi thế để phát triển ngành này. Cùng với đó, thành phố cũng cần hết sức quan tâm xây dựng nguồn nhân lực chất lượng cao, có chính sách thu hút, phát triển nhân tài và có chính sách tạo cầu cho việc phát triển kinh tế tri thức, các ngành dịch vụ chất lượng cao như tài chính - ngân hàng. Hiện GDP bình quân đầu người của thành phố đã đạt 4.500 USD nên thành phố cũng cần có chương trình, đề án cụ thể để phát triển các ngành nghề văn hóa như công nghiệp giải trí, phát thanh, truyền hình… Kinh nghiệm nhiều nước đã rất thành công trong những ngành nghề kinh doanh mới nổi này.
- Xin cảm ơn đồng chí!
HỒNG HIỆP (thực hiện)
Vissan chuẩn bị hàng tết tương ứng 853 tỷ đồng
(SGGP).- Chiều 6-1, tại Hội nghị tổng kết hoạt động kinh doanh năm 2013 và kế hoạch năm 2014, ông Văn Đức Mười, Tổng Giám đốc Công ty Vissan cho biết, tính đến thời điểm này, Vissan đã chuẩn bị và dự trữ hàng hóa với tổng giá trị 853 tỷ đồng, gồm 40.000 con heo thịt, 3.800 tấn thực phẩm chế biến, 4.500 tấn thịt các loại. Kế hoạch phân phối hàng tết đã được triển khai rất chi tiết đến 105 cửa hàng giới thiệu sản phẩm của Vissan, các cửa hàng Satrafood, Satramart và hơn 3.000 điểm bán tại TPHCM và các vùng, miền cả nước. Về giá hàng tết, Vissan giữ ổn định đến hết tháng 2-2014, vào những ngày cận tết sẽ giảm giá các mặt hàng thực phẩm tươi sống để hỗ trợ người dân nghèo có thể mua sắm hàng hóa đón tết.
Được biết, tổng doanh thu trong năm 2013 của Vissan đạt 4.700 tỷ đồng, nộp ngân sách nhà nước 270 tỷ đồng, thu nhập bình quân đạt 7,8 triệu đồng/người/tháng. Năm 2014, Vissan phấn đấu đạt tổng doanh thu 4.930 tỷ đồng, tăng 5% so với năm 2013, tiếp tục đẩy mạnh việc đầu tư, xây dựng các dự án mới, trong đó đưa vào hoạt động nhà máy tại Hà Nội để có đủ nguồn hàng cung ứng cho thị trường trọng điểm phía Bắc, chính thức xây dựng hạ tầng cụm công nghiệp Vissan có tổng trị giá 2.000 tỷ đồng đặt tại tỉnh Long An…
HẢI HÀ