Ba cô giáo dựng trường

Ba cô giáo dựng trường

Từ ngày ba cô giáo quyết định bán bò, gom lúa, mượn đất dựng trường… trẻ con ở một số buôn thuộc xã Ia Trôk, huyện Ia Pa, tỉnh Gia Lai hết cảnh ngồi học dưới sàn nhà.

Bán bò dựng lớp

Khi tốt nghiệp khóa đào tạo giáo viên mầm non vào năm 1980, Ksor Hiêr về dạy ở xã Ama Rơn, rồi chuyển sang dạy ở buôn Chơ Ma, xã Ia Trôk. Lớp học ở làng là những chiếc ghế kê dưới sàn nhà trống vách mượn của dân. Lúc trời lạnh, gió lùa tứ bề kéo theo cái lạnh cắt da. Học trò đều nghèo, áo quần vừa rách vừa thiếu nên đau ốm, bỏ học gần hết.

Ba cô giáo dựng trường ảnh 1

Lớp học của cô giáo Hdô

Nhiều đêm trằn trọc, nghe tiếng gió lạnh len qua từng kẽ ván của ngôi nhà sàn cũ kỹ, cô Ksor Hiêr mơ một ngôi trường kín gió.

Cuối cùng, hai vợ chồng Hiêr quyết định bán 3 con bò, mấy tấn lúa, cộng với tiền dành dụm được chừng 16 triệu đồng, mang đi dựng trường.

Suốt nửa tháng, hai vợ chồng cặm cụi chở từng xe đá, ghép từng mảnh gỗ... rồi một phòng học rộng khoảng hơn 50m² với bộ khung gỗ, vách được dựng bằng ván, nền tráng xi măng “ra đời”.

Có trường mới, dân làng mừng một, trẻ nhỏ mừng mười, ngay sau đó, 23 học trò nhỏ có thêm “mái ấm”. Hiêr kể: “Từ ngày có phòng học này, học sinh tự giác đi học, không phải đến từng nhà gọi như các năm trước. Học sinh của mình quý trường, cháu nào cũng chăm đến lớp”.

Dựng phòng học trên đất mượn

Buôn Tham ở xã Ia Trôk , huyện Ia Pa (Gia Lai) cũng không khác buôn Chơ Ma, cô trò phải dạy, học dưới sàn nhà của dân. Chỉ một cơn gió, bụi đất tung mù mịt, giấy vở xao xác bay. Chính vì thế nhiều cháu bỏ học, suốt ngày dầm mình dưới mưa nắng... Mlô Hsem, cô giáo đứng lớp mẫu giáo nhiều lần nghĩ đến một phòng học cho học sinh nhưng nghèo, đất nhà lại hẹp nên đó cũng chỉ là ước mơ.

Đến năm 1999, Mlô Hsem bàn với chồng mượn đất của chị gái. Với gần 15 triệu đồng tiền dành dụm suốt 8 năm và bán thêm mấy con heo, cùng với số ván gỗ nhà sẵn có, cô Mlô Hsem cùng chồng bắt tay dựng một phòng học… Hôm hoàn thành “công trình nhỏ bé”, đón các cháu vào học, Mlô Hsem rơi nước mắt, nhớ cảnh 30 học sinh co ro trong giá lạnh mùa đông, ròng ròng mồ hôi trong nắng bụi mùa hè…

Mí Khiêm, người chị ruột đã cho Hsem mượn đất xây nhà, nói: “Khi Hsem hỏi mượn đất xây lớp học, mình đồng ý ngay. Em mình có nơi dạy học, trẻ nhỏ cũng có chỗ học hành, tốt quá đi chứ!”. Có phòng học rồi, vợ chồng cô giáo Hsem đóng thêm bàn ghế và tự làm đồ dùng minh họa học tập.

Lớp học còn được cô Hsem khéo tay trang trí bằng những chiếc nỏ, đàn tơ rưng, gùi tre nho nhỏ xinh xinh, những áo - váy với hoa văn đậm nét văn hóa của đồng bào Jơ rai... Hsem kể, Trung thu nào cũng dành tiền mua quà bánh, tổ chức cho học trò vui chơi, phá cỗ. Nhiều cháu nay đã lên lớp 9, lớp 10 nhưng cứ đến ngày 20-11 đều đến chúc mừng cô giáo.

Sửa nhà thành trường

Ở buôn Chơ Ma, cô giáo Hdô được mẹ để lại cho một căn nhà khá rộng. Thương học sinh hàng ngày đi học tạm bợ dưới sàn nhà mượn tạm của một số bà con nên Hdô xin chồng bán lúa, lấy tiền lên thành phố Pleiku mua vật liệu sửa nhà thành một phòng học rộng, thoáng mát. Đồ dùng học tập, tranh ảnh minh họa cũng được vợ chồng Hdô sắm tạm đủ nhờ tiền bán lúa.

Có lớp học mới, có nhiều đồ dùng học tập hơn, trẻ nhỏ buôn Chơ Ma học say sưa đến mức không muốn về nhà, mê mải với những trò chơi lôi cuốn như ghép chữ, câu cá, bắn cung… Không giấu được niềm vui, già làng buôn Chơ Ma cho biết: “Vợ chồng Hdô tốt cái bụng lắm. Từ ngày nó làm cô giáo, trẻ em trong làng biết chữ, biết hát, biết múa, nhiều nhỏ đã học lên cao, sau này còn về làm cán bộ giúp dân làm ăn. Dân làng mình biết ơn Hdô lắm!”.

Thầy Ksor Ther, Phó Trưởng phòng Giáo dục huyện Ia Pa, Gia Lai cho biết, hiện nay lương giáo viên hợp đồng chỉ 600.000đ/tháng, sống rất khó khăn. Tại nhiều buôn, các cô phải mượn nhà dân để dạy, chưa nói đến thiếu thốn về dụng cụ giảng dạy và nhiều cô giáo vẫn phải ở nhờ nhà dân.

Trong hoàn cảnh đầu tắt mặt tối với những lo toan của đời sống riêng lại có những cố giáo dũng cảm dồn tiền bạc, công sức dựng trường, như 3 cô giáo mầm non ở xã Ia Trôk, điều này thật quý giá!. 

Ái Hàn

Tin cùng chuyên mục