Bị xâm phạm tác quyền

“Bà đỡ” sâm Ngọc Linh khiếu nại lên Bộ Y tế

“Bà đỡ” sâm Ngọc Linh khiếu nại lên Bộ Y tế

Mới đây, một bạn đọc “đặc biệt” đã đến Báo SGGP khiếu nại về trường hợp tác quyền bị xâm phạm. “Đặc biệt” bởi người khiếu nại chính là một vị tiến sĩ đã dành cả đời để nghiên cứu về một loài cây quý hiếm của Việt Nam. Đó là tiến sĩ Nguyễn Thới Nhâm, tác giả công trình khoa học cấp Nhà nước về sâm Ngọc Linh (sâm K5).

“Bà đỡ” sâm Ngọc Linh khiếu nại lên Bộ Y tế ảnh 1

TS Nguyễn Thới Nhâm cùng cuốn sách vi phạm tác quyền. Ảnh: T.M.

Tiếp xúc với đại diện CLB Chống hàng giả và Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng Báo SGGP, TS Nguyễn Thới Nhâm đưa ra một quyển sách với tựa đề “Sâm Việt Nam và một số cây thuốc họ nhân sâm” do Nhà xuất bản Khoa học và Kỹ thuật ấn hành (năm 2007). Phần tên tác giả trên cuốn sách được ghi rõ: PGS. TS Nguyễn Thượng Dong (chủ biên), TS Trần Công Luận và TS Nguyễn Thị Thu Hương. Theo TS Nhâm, các tác giả trên đã vi phạm tác quyền nghiêm trọng vì nội dung trong cuốn sách phát hành năm 2007 này trùng khớp hầu hết với tài liệu nghiên cứu cây sâm Khu 5 từ năm 1981. Lúc đó, đây là tài liệu nghiên cứu chuyên đề do ông Nhâm làm chủ nhiệm đề tài và biên tập. Trong đơn khiếu nại ngày 26-11-2007 gửi đến Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Quốc Triệu và Hội đồng chức danh giáo sư Nhà nước, TS Nhâm cũng khẳng định: “Các tác giả nêu trên đã lấy toàn bộ số liệu về nghiên cứu cây sâm K5 trong 21 năm tôi làm chủ nhiệm đề tài, biên tập sẵn và in thành sách đứng tên cá nhân mình”.

Theo TS Nhâm, sau khi biết thông tin tác quyền của mình bị xâm phạm, ông đã nhiều lần yêu cầu các tác giả trên sớm đính chính, bỏ tên các tác giả và thay vào đó là phải gửi văn bản chính thức xin lỗi. Tuy nhiên sau đó, ông chỉ nhận được một lá thư từ TS Nguyễn Thị Thu Hương (một trong 3 đồng tác giả cuốn sách trên). Nội dung lá thư, TS Thu Hương nêu rõ: “Với tư cách là học trò và là cộng sự chính trong một số công trình nghiên cứu về dược lý cây sâm Việt Nam và cây đinh lăng trong giai đoạn từ 1983 đến 1993, tôi xin lỗi vì đã không xin phép ý kiến của Tiến sĩ là tác giả chính, đồng thời là chủ nhiệm đề tài cấp bộ và cấp Nhà nước về công trình nghiên cứu cây sâm Việt Nam, khi sử dụng tài liệu gốc về dược lý để biên tập một số phần trong quyển sách (mặc dù trong cách biên tập, tôi đã cải biên và cập nhật rất nhiều so với bản gốc). Tôi xin rút kinh nghiệm cho những lần biên tập sau này của bản thân…”. TS Nhâm cho rằng, lá thư này đã làm ông ấm lòng, tuy nhiên, vấn đề quan trọng là TS Nguyễn Thu Hương chỉ là một thành viên và lại không phải là chủ biên. Trong khi đó, các tác giả còn lại, trong đó  chủ biên là TS Nguyễn Thượng Dong, đến nay vẫn không có bất cứ phản hồi nào đối với ông. “Thực ra, tôi khiếu nại vì trọn cả cuộc đời mình đã gắn liền với nghiên cứu về cây sâm Ngọc Linh. Các em dù sao cũng chỉ là học trò của tôi, nếu lỡ cách thực hiện chưa đúng mà biết sửa sai thì tôi sẵn sàng tha thứ. Nhưng thái độ của hai tác giả còn lại làm tôi rất buồn”.

Trước năm 1990, các công trình nghiên cứu về cây sâm Ngọc Linh đã được đánh mã số, không cho công bố tiếng Việt nhằm bảo vệ vùng sâm. Vì lý do đó, sâm Ngọc Linh được đưa vào đề tài nghiên cứu tên Sâm K5, vùng sâm Ngọc Linh cũng được gọi là vùng núi T. Đến năm 1997, kết quả nghiên cứu giá trị cây sâm do TS Nguyễn Thới Nhâm làm chủ nhiệm đề tài đã đưa cây sâm K5 từ một loại cây không tên tuổi, sống trong rừng sâu núi cao, trở thành cây sâm quý nhất nước ta, là một trong bốn cây sâm quý nhất thế giới. Cũng từ đó, giới khoa học trong và ngoài nước đã ưu ái gọi TS Nguyễn Thới Nhâm là “bà đỡ” của cây sâm Ngọc Linh.

TS Nguyễn Thới Nhâm cũng cho biết, điều càng khiến ông bức xúc hơn là kể từ khi đơn khiếu nại được gửi lên Bộ trưởng Bộ Y tế đến nay đã hơn 3 tháng nhưng phía Bộ Y tế vẫn chưa có văn bản trả lời. Trong khi đó, theo Điều 34 của Luật Khiếu nại tố cáo, trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày nhận đơn khiếu nại thuộc thẩm quyền giải quyết của mình và không thuộc một trong các trường hợp quy định tại Điều 32 của luật này, người giải quyết khiếu nại lần đầu phải thụ lý để giải quyết và thông báo bằng văn bản cho người khiếu nại. Trường hợp không thụ lý giải quyết thì phải nêu rõ lý do. Trong Điều 36 của Luật Khiếu nại tố cáo cũng ghi rõ, thời hạn giải quyết khiếu nại lần đầu không quá 30 ngày, kể từ ngày thụ lý đơn. Đối với vụ việc phức tạp thì thời hạn giải quyết khiếu nại có thể dài hơn, nhưng không quá 45 ngày, kể từ ngày thụ lý.

Trong khi đó, sau khi nhận được đơn tố cáo của TS Nguyễn Thới Nhâm về trường hợp hai tác giả Nguyễn Thượng Dong và Trần Công Luận vi phạm quyền tác giả và một số vấn đề có liên quan, ngày 27-12-2007 Hội đồng chức danh giáo sư Nhà nước (HĐCDGSNN) đã có văn bản phản hồi TS Nhâm. Văn bản này khẳng định, HĐCDGSNN đã yêu cầu các HĐCDGS cấp cơ sở và ngành lưu ý trong quá trình thẩm định hồ sơ của các ứng viên nói trên (ông Dong là ứng viên chức danh giáo sư, ông Luận là ứng viên chức danh phó giáo sư) . Kết quả là ông Dong không được thông qua ở hội đồng cấp cơ sở, còn ông Luận không được thông qua ở hội đồng ngành.

Vì sao đến nay trong khi HĐCDGSNN đã có cách giải quyết minh bạch trong phạm vi của mình thì lãnh đạo Bộ Y tế vẫn không giải quyết hay có ý kiến phản hồi khiếu nại của TS Nguyễn Thới Nhâm?

Tường Minh

Tin cùng chuyên mục