Công tác triển khai chuẩn bị hàng hóa tết tại TPHCM đang diễn ra như thế nào? TPHCM đã và đang làm gì để kiểm soát cung - cầu, ổn định giá cả thị trường? Phóng viên Báo SGGP đã phỏng vấn bà Lê Ngọc Đào, Phó Giám đốc Sở Công thương TPHCM, để làm rõ những vấn đề này.
Chuẩn bị hàng hóa tết vượt kế hoạch
° Phóng viên: Thưa Phó Giám đốc, bà có thể đánh giá tổng quan về thị trường hàng hóa cũng như kế hoạch chuẩn bị nguồn hàng phục vụ Tết Giáp Ngọ 2014 tại TPHCM?
°Bà LÊ NGỌC ĐÀO: Năm 2013 đi qua với quá nhiều khó khăn, thách thức, sức mua tăng không đáng kể, cùng sự tác động và chi phối của một số nhân tố khác đi kèm như thiên tai, dịch bệnh, giá cả một số mặt hàng thiết yếu có xu hướng tăng (xăng dầu, gas,…) đã tác động không nhỏ đến thị trường, hoạt động của các doanh nghiệp (DN). Thực hiện nghiêm chỉ đạo của UBND TPHCM về đảm bảo chuẩn bị đầy đủ nguồn lương thực, thực phẩm thiết yếu cung ứng cho người tiêu dùng TP, đặc biệt trong dịp Tết Giáp Ngọ 2014, các sở - ngành trong Tổ Công tác Chương trình Bình ổn thị trường xác định rõ nhiệm vụ, trách nhiệm, phân công công việc cụ thể đến các đơn vị, triển khai quyết liệt và có hiệu quả, góp phần thực hiện mục tiêu kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, đảm bảo an sinh xã hội trên địa bàn TP.
Về kế hoạch chuẩn bị hàng tết, đến nay hầu hết các DN đã và đang triển khai theo đúng tiến độ và gặp nhiều thuận lợi. Tại nhiều DN, lượng hàng chuẩn bị vượt kế hoạch TP giao.
°Bà có thể nói cụ thể hơn về kế hoạch chuẩn bị hàng tết của TP?
Để đảm bảo hàng hóa phục vụ cho 10 triệu dân TP, chúng tôi xác định có ba nguồn cung cho thị trường TP là từ các DN tham gia chương trình bình ổn thị trường chiếm 30% - 40%; các chợ đầu mối lớn chiếm từ 50%-60% nhu cầu thị trường và các DN khác từ 10% - 20%.
Bằng nguồn vốn của DN và vốn vay từ các tổ chức tín dụng tham gia chương trình bình ổn với lãi suất ưu đãi, năm nay các DN đã chuẩn bị cho sản xuất, dự trữ hàng hóa trong 2 tháng trước và sau Tết Giáp Ngọ 2014 với tổng trị giá gần 7.600 tỷ đồng, tăng gần 2.200 tỷ đồng (tăng 40,5%) so với Tết Quý Tỵ 2013. Trong đó, tổng giá trị hàng hóa cung ứng cho bình ổn thị trường là 4.901 tỷ đồng, tăng 1.879 tỷ đồng (62,17%) so với Tết Quý Tỵ 2013.
Về hàng hóa, khả năng cung ứng của DN bình ổn tăng bình quân 114% so với kế hoạch TP giao, lượng hàng trong chương trình tăng bình quân 69,7% so với kết quả thực hiện Tết Quý Tỵ 2013. Nhiều mặt hàng được chuẩn bị với số lượng lớn, khả năng chi phối từ 30% - 60% nhu cầu thị trường như dầu ăn (61,5%), đường (75,4%), thịt gia cầm (66%), trứng gia cầm (47,8%), thực phẩm chế biến (64,7%), thịt gia súc (32,2%).
Bên cạnh các DN sản xuất, Sở Công thương đã làm việc với các DN phân phối, hệ thống siêu thị, trung tâm thương mại và các DN không tham gia chương trình bình ổn. Đến nay, các đơn vị đã hoàn tất kế hoạch chuẩn bị hàng tết. Cụ thể, Siêu thị Co.opMart, Maximark, Citimart, Giant, BigC,... đều chuẩn bị lượng hàng tăng gấp 2-3 lần tháng thường. Đối với các DN sản xuất bánh mứt, kẹo, nước giải khát, rượu bia lớn, sở cũng đã làm việc để nắm chắc khả năng cung ứng hàng hóa cho thị trường với mức tăng bình quân từ 10% - 20% so với cùng kỳ Tết Quý Tỵ 2013.
Ổn định giá, tăng cường khuyến mãi
°Như vậy là chúng ta có thể yên tâm về nguồn hàng. Nhưng để hàng hóa không rơi vào tình trạng khan hiếm giả tạo, gây sốt giá, Sở Công thương sẽ triển khai những biện pháp gì?
°Rút kinh nghiệm từ việc sốt giá trứng gia cầm trong dịp Tết Quý Tỵ 2013, cùng với việc tăng cường đi thực tế, kiểm tra tại nguồn, năm nay sở đã yêu cầu các DN sản xuất và phân phối lên kế hoạch thật chi tiết, cụ thể. Đối với DN sản xuất phải đưa ra được số lượng hàng hóa thật cụ thể như lượng hàng do DN chủ động đầu tư sản xuất hoặc liên kết với các vệ tinh, khả năng cung ứng và chi phối thị trường,… Với các DN phân phối cũng phải có kế hoạch kinh doanh đối với từng mặt hàng thiết yếu, đồng thời tiến hành đặt hàng chi tiết cho các DN sản xuất để tạo sự kết nối tốt để chủ động hơn trong quá trình cung ứng và phân phối hàng hóa.
Về giá bán, năm nay các DN đã cam kết ổn định, không tăng giá trong 2 tháng tết (tức 1 tháng trước tết và 1 tháng sau Tết Giáp Ngọ 2014, kể từ ngày 1-1-2014 đến ngày 28-2-2014). Ngoài ra, các DN cũng đăng ký với Sở Công thương về kế hoạch giảm giá bán hàng thiết yếu như thịt gia súc, thịt gia cầm, trứng gia cầm, gạo,… trong những ngày cận tết để hỗ trợ người dân nghèo có thể mua sắm hàng hóa đón tết.
Mặt khác, sở cũng tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường, trong đó lực lượng chính là quản lý thị trường, Thanh tra Sở Tài chính, các đội kiểm tra liên ngành. Ban quản lý chợ chịu trách nhiệm về công tác quản lý giá, kiểm tra, xử lý các trường hợp vi phạm pháp lệnh giá, tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền thực hiện văn minh thương mại, không đầu cơ, găm hàng.
°Trên thực tế, việc chuẩn bị nguồn hàng dồi dào, phong phú là chưa đủ, điều quan trọng là phải đưa hàng hóa đó đến tay người tiêu dùng. Sở Công thương sẽ triển khai mạng lưới phân phối hàng tết như thế nào, thưa bà?
|
°Đúng như vậy. Trong quá trình triển khai thực hiện chương trình bình ổn thị trường, lãnh đạo TP đã xác định song song với công tác tạo nguồn hàng có chất lượng, giá bán ổn định thì việc phát triển mạng lưới phân phối đóng vai trò rất quan trọng. Từ quan điểm này, trong những năm gần đây, chương trình bình ổn đã nhận được sự quan tâm, vào cuộc của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội trong việc phát triển điểm bán, đưa hàng bình ổn đến đông đảo người tiêu dùng TP.
Tính đến nay, tổng số điểm bán của 4 chương trình bình ổn là 7.783 điểm bán, tăng 850 điểm so với đầu chương trình (thực hiện từ ngày 1-4-2013); triển khai thực hiện 967 chuyến bán hàng lưu động tại các quận ven, huyện ngoại thành, khu công nghiệp - khu chế xuất. Theo kế hoạch, trong tháng cao điểm Tết Giáp Ngọ 2014, các DN phấn đấu thực hiện tăng từ 180 đến 200 chuyến bán hàng lưu động so với chỉ tiêu kế hoạch hàng năm đã được ký kết. Đồng thời, tiếp tục đưa vào hoạt động thêm nhiều siêu thị Co.opMart và các cửa hàng tiện lợi, cửa hàng Co.op liên kết với Hội Liên hiệp Phụ nữ, cửa hàng thanh niên… để phục vụ tốt nhất nhu cầu mua sắm của người dân. Tôi cho rằng, nếu việc mở các siêu thị, cửa hàng cần có thời gian thì việc đưa hàng tết thông qua các chuyến bán hàng lưu động là biện pháp tối ưu để hàng hóa đến tay người tiêu dùng vùng ven và các huyện ngoại thành nhanh và hiệu quả nhất.
Dự báo sức mua tăng 20%
°Còn điều gì khiến bà lo lắng? Bà tâm đắc nhất điều gì trong việc triển khai chuẩn bị hàng hóa trong dịp tết năm nay?
°Tôi có thể nói ngay, đó là sức mua khiến tôi lo lắng nhất. Điều này có cơ sở bởi năm 2013 sức mua trên thị trường chưa hoàn toàn hồi phục. Trong trường hợp sức mua không tăng tương xứng so với sự chuẩn bị hàng hóa, sẽ rất khó cho DN. Tuy nhiên, do các ngày lễ, tết đến khá gần nhau nên hy vọng sức mua sẽ tăng tốc trong những tuần cuối cùng của năm. Từ thực tế này, chúng tôi đưa ra dự báo sức mua dịp tết năm nay có thể tăng 20% so với Tết Quý Tỵ 2013.
Điều tôi tâm đắc nhất đó là năm 2013 - năm đầu tiên TPHCM không thực hiện việc ứng vốn ngân sách cho DN vay với lãi suất 0% để chuẩn bị hàng hóa, phục vụ tết. Nhưng điều khiến chúng tôi vui là chương trình vẫn nhận được sự vào cuộc mạnh mẽ của các DN, của 5 ngân hàng thương mại, thông qua việc cam kết cung ứng vốn 1.960 tỷ đồng, với lãi suất ưu đãi (ngắn hạn 6%/năm, trung và dài hạn 10%/năm). Đến nay, có 21 DN có nhu cầu vay vốn và được cấp hạn mức tín dụng và đã giải ngân thực hiện kế hoạch chuẩn bị hàng hóa phục vụ tết là 976,9 tỷ đồng.
Qua từng năm, các DN đã ngày càng lớn mạnh, thể hiện bản lĩnh của mình qua việc tự đầu tư và liên kết đầu tư, tạo ra nhiều mô hình sản xuất, kinh doanh mới. Chính điều này đã làm nên sự khác biệt cho chương trình bình ổn thị trường năm 2013 cũng như mùa kinh doanh Tết Giáp Ngọ 2014.
Với sự năng động, sáng tạo của các DN cộng với sự chỉ đạo sát sao của lãnh đạo TP, tôi tin rằng thị trường tết năm nay sẽ không xảy ra tình trạng thiếu hàng, tăng giá đột biến.
°Cảm ơn bà!
THÚY HẢI (thực hiện)