Bài dự thi ký văn học chân dung “Người đương thời”

“Bà mụ vườn” của hoa và trái

“Bà mụ vườn” của hoa và trái

Buổi chiều Đà Lạt mưa bay lất phất, cùng hai người bạn, tôi tìm đến Thung lũng đào hoa. Mấy năm nay, từ Hội hoa Xuân TPHCM, từ những thông tin trên báo, đài, tôi đã nghe nói nhiều về nghệ nhân Bùi Văn Lời (Mười Lời), người “thêm sắc cho hoa” cho TP hoa Đà Lạt, người được nguyên Phó Chủ tịch nước Trương Mỹ Hoa trao tặng giấy chứng nhận “Nghệ nhân trồng hoa Việt Nam”.

Thung lũng hoa, vương quốc hoa của ông Mười Lời nằm trên đường Lê Hồng Phong, khách tham quan có thể tìm thấy dễ dàng qua tấm bảng đóng vào một cây thông đầu ngõ: Thung lũng đào hoa.

“Bà mụ vườn” của hoa và trái ảnh 1

Ông Mười Lời trong vườn nhà.

Mảnh vườn 6.000m² trải ra trước mắt tôi một màu xanh dịu mát, màu xanh của những cây quỳnh, cây đào và điểm xen nhiều sắc hoa lộng lẫy bởi biết bao hoa trái sởn sơ từ bàn tay chăm sóc của người đàn ông yêu hoa.

Chúng tôi đi từng bước theo các bậc thang dẫn xuống thung lũng, rồi theo chân ông Mười Lời thăm thú mọi góc vườn. Câu chuyện giữa chủ và khách cứ mở ra... mở ra... như một thế giới diệu kỳ, tuyệt mỹ trong những câu chuyện cổ tích.

Đào Nhật Tân... ở Đà Lạt

Những ai yêu sử đều biết về “Cành đào Nguyễn Huệ”, một giai thoại của tình yêu. Tương truyền sau chiến thắng Đống Đa, bước chân vào thành Thăng Long năm Kỷ Dậu (1789), Nguyễn Huệ đã sai người phi ngựa về Phú Xuân trao cho công chúa Ngọc Hân một cành hoa đào, vừa mang ý nghĩa báo tin chiến thắng, vừa thể hiện tình yêu của ông với bà. Nhà thơ Chế Lan Viên đã nói hộ tâm tình người anh hùng áo vải trong mấy câu thơ rất đẹp:

Chẳng phải Thăng Long, chẳng phải đào,
Mai vàng xứ Huế có khuây đâu,
Đào ơi theo ngựa về cung nhé
Nở cạnh đài gương sắc chiến bào...
(Cành đào Nguyễn Huệ)

Vườn ông Mười Lời ở phương Nam mà cũng thắm sắc hoa đào khi mùa xuân đến. Mùa này, những cây đào chỉ xanh um cành lá nhưng đến mùa xuân, cả một vùng thung lũng sẽ rực rỡ những hồng đào, liễu đào, bích đào… Theo ông Mười Lời thì từ sau ngày đất nước thống nhất, đào Nhật Tân - Hà Nội đã theo bà con vào Nam mỗi dịp tết nhưng cung không đủ cầu. Người ta thích vì đào Nhật Tân có cánh đúp, hoa dày, màu sắc rất đẹp.

Ngắm hoa đào xứ Bắc mà ông trăn trở mãi vì Đà Lạt chỉ có anh đào, hoa từng chùm, cánh nhỏ. Nhân dịp năm 1997 ra thăm thủ đô, ông được tiến sĩ Nguyễn Viết Tùng, Hiệu trưởng Trường Đại học Nông nghiệp 1 - Hà Nội và một số thầy trong trường hướng dẫn về làng đào Nhật Tân tham quan, học hỏi, tìm hiểu cách trồng, chiết ghép và chăm sóc cây hoa đào. Sau đó, ông Mười Lời đã mạnh dạn đưa một số cành đào Nhật Tân vào Đà Lạt trồng thử.

Ông Mười kể: “Máy bay từ Hà Nội về Nha Trang lúc 12 giờ trưa, đáp xe về Đà Lạt lúc 4 giờ chiều. Trời sắp tối nhưng không thể để qua ngày mai được, bởi cành đào có thể bị khô nhựa do đã cắt nhiều ngày, tôi phải đốt đèn ghép hết những cành hoa đào Hà Nội vào cây anh đào”. Không chỉ có vậy, suốt 17 tháng ông đã gắn bó như hình với bóng cùng cây đào, vui mừng khi thấy những mầm hoa đào Nhật Tân ghép trên cây đào Đà Lạt phát triển xanh tươi.

Những ngày đó ông còn hai lần ra vào làng hoa Nhật Tân để tiếp tục học hỏi kinh nghiệm của các nghệ nhân trồng hoa. Để rồi, hoa không phụ lòng người, mùa xuân năm 2000, cây hoa đào ghép đã nở thắm trong khu vườn số 15A Lê Hồng Phong (Đà Lạt).

Từ những bản tin trên báo, đài, nhiều nhiếp ảnh gia khắp nơi cũng về đây chụp ảnh hoa đào như cụ Võ An Ninh, Minh Lộc, Trần Thăng… Cái tên “Thung lũng đào hoa” có từ ngày đó.

Chính trong mùa xuân năm 2000 này, nghệ nhân Mười Lời đã được ban tổ chức Hội hoa xuân Đà Lạt tặng huy chương vàng. Sau đó, tại hội chợ “Tuần lễ xanh quốc tế” tổ chức tại TPHCM, khi thành tích này được nêu trong báo cáo khoa học, ông Mười Lời đã được viện sĩ Vũ Tuyên Hoàng tặng cúp vàng vì sự nghiệp xanh, với bút phê: “Nghệ nhân Bùi Văn Lời chiết ghép nhân vô tính loài hoa đào Hà Nội trên cây đào Đà Lạt, tạo thành một màu hoa đào mới làm nhịp cầu nối thủ đô Thăng Long với thành phố ngàn hoa Đà Lạt”.

Kỳ tích hoa Nhật Quỳnh!

Nghĩ đến hoa quỳnh, mọi người đều biết đó là loài hoa nở và tàn trong đêm, loài hoa có vẻ đẹp kiêu sa và mùi hương ngạt ngào. “Em mang cho tôi một đóa quỳnh, quỳnh thơm hay môi em thơm….” (Bài hát Quỳnh hương của Trịnh Công Sơn), làm nhiều người nao nức muốn được một lần ngắm hoa quỳnh. Muốn xem hoa quỳnh nở, phải thức canh và người yêu hoa sẽ không uổng công khi nhìn hoa từ từ bung cánh, ngát hương.

Vốn là người mê hoa và thích cấy ghép các loài hoa, nhưng ông Mười Lời cũng tâm sự với chúng tôi rằng, chưa bao giờ ông lao tâm khổ nhọc nhiều năm liền như vậy để biến Dạ Quỳnh thành Nhật Quỳnh, hoa quỳnh nở ban ngày.

Cuối năm 2000, sau niềm say sưa chiến thắng về thành tựu ghép đào Nhật Tân vào đào Đà Lạt, ông Mười Lời có dịp đến tỉnh Bình Thuận dự Hội nghị tổng kết 5 năm của Hội Làm vườn VN. “Phát kiến chong đèn để thanh long ra trái theo ý muốn” đã gây ấn tượng đặc biệt cho ông.

Lại nhớ đến một câu chuyện kể về một cô bé khi thấy hoa quỳnh nở trong đêm đã mừng rỡ chạy báo tin cho mẹ “Nhà mình sắp có lộc đến”, ông Mười quyết tìm tòi, học hỏi kinh nghiệm của người làm vườn Bình Thuận, “bắt” hoa quỳnh nở vào ban ngày để mang niềm vui đến cho mọi người.

Trở về thung lũng hoa, ông Mười cần mẫn, kiên trì cấy ghép những bẹ quỳnh vào gốc cây thanh long. Đêm đêm ông cũng chong đèn nhằm kích thích cây tăng trưởng. Người chủ vườn vô cùng mừng rỡ khi thấy những bẹ quỳnh ngày một xanh tốt, nhưng điều ông mong muốn có hoa quỳnh nở ban ngày thì có vẻ xa vời.

Cuộc hành trình của ông được mệnh danh “Phù thủy hoa” ấy kéo dài suốt 5 năm, có lúc tưởng như mỏi mòn, kiệt sức. Nhưng rồi đến một ngày năm 2005, ông Mười Lời nhận ra một điều kỳ diệu ở góc vườn, lần đầu tiên trên bẹ quỳnh, những nụ hoa li ti xuất hiện, bám ở hai bên tàu lá như quy cách ra hoa của hoa quỳnh.

Từ đó, hơn tháng trời ông bám chặt khu vườn, quên ăn bỏ ngủ để chờ hoa quỳnh nở. Hoa quỳnh lại nở đúng vào ban ngày! Thế là Thung lũng đào hoa lại có thêm giống Nhật Quỳnh!

Ông Mười dẫn chúng tôi vào nhà chỉ hình chụp hoa Nhật Quỳnh với năm màu mà ông đã ghép thành công: trắng, đỏ, hồng, vàng, cam. Như sợ chúng tôi chưa hiểu, ông còn giải thích cặn kẽ:

- Phải chong đèn để kích thích Nhật Quỳnh ra nụ. Tuy nhiên, do mỗi loại có số ngày trổ hoa khác nhau nên thời gian chong đèn cũng không đồng nhất. Đối với khí lạnh như Đà Lạt, từ khi ra nụ đến lúc nở thì Nhật Quỳnh màu vàng phải mất 50 ngày, hồng cánh sen là 42 ngày, màu cam và trắng 40 ngày, còn màu đỏ là 37 ngày…

Nghe ông Mười Lời nói chuyện, tôi như lạc vào thế giới của những phù thủy đầy quyền phép, ngọn đũa thần chạm vào đâu là nơi đó nở hoa, bất kể xuân- hạ-thu-đông, bất kể trời đất nắng mưa, nóng lạnh. Nếu không đến tận Thung lũng đào hoa chiều nay, tôi cũng khó tin những điều thông tin trên báo đài là thực.

Loanh quanh khắp thung lũng, ông Mười đã chỉ cho chúng tôi biết bao thứ khác. Kia là cây bơ Đà Lạt mà ông ghép vào đó giống bơ Pháp, bơ Úc để trên các nhánh hiện giờ ba loại cùng lúc lắc trái, tiếc là còn nhỏ quá, chưa ăn được. Rồi đến cây hoa lài có cả hoa trắng, hoa tím thoang thoảng hương thơm. Ở một góc vườn là những giống hoa ông vẫn đem đến Hội hoa Xuân TPHCM mỗi năm.

Vị chủ vườn rất thích đặt tên mới, tên đẹp cho hoa. Chậu càng cua thì ông gọi là “Tiểu quỳnh”, mấy chậu lan tùy theo dáng hoa được đặt là “Thiên lộc”, “Thiên nga”, “Thiên điểu”... Còn nữa, những cây cam Mỹ, quýt Mỹ không hạt hay mận Hậu, hồng giòn trong vườn ông ngon tuyệt. Đi ngang cây nào ông cũng vít cành, bẻ trái cho chúng tôi ăn thử.

Còn tôi thì ngây ngất trong những câu chuyện kỳ tích tạo nên giống hoa mới, cây trái mới như một giấc mơ cổ tích. Ngây ngất vì được thưởng lãm hoa đẹp, vị ngon trái chín và tấm lòng hiếu khách của chủ nhân Thung lũng đào hoa

Bà mụ vườn hoa, trái

Từ chuyến viếng thăm của chúng tôi năm rồi, Thung lũng đào hoa của nghệ nhân Bùi Văn Lời đến nay đã có thêm nhiều nét mới. Người làm vườn không mệt mỏi đó vừa được báo chí nhắc đến với việc ghép táo Fuji, một loại táo đỏ rất ngon ngọt của Nhật lên cây táo nhà. Mối duyên của những người làm vườn Nhật - Việt thật đẹp làm sao khi vị kỹ sư Nhật mang mầm táo từ Tokyo đến ghép vào thân táo Đà Lạt cùng ông Mười Lời, trước sự chứng kiến, ngưỡng mộ của mọi người.

Mới đây, ông Mười gọi điện khoe: “Táo lên được mười mấy cây, đẹp lắm, nhưng không biết có ra trái được không”. Nếu thành công, xứ sở “ngàn hoa” sẽ có thêm một loại trái cây quý. Ông còn vui hơn nữa khi bảo ông bạn Nhật mời ông sang Tokyo chơi. Ừ, có lẽ một ngày không xa, người làm vườn giỏi giang ấy sẽ đặt chân lên xứ sở “Hoa anh đào” để thêm yêu hơn “Thung lũng đào hoa” của mình.

Chung vui cùng những thành tựu mới của nghệ nhân Mười Lời, tôi rất muốn gởi đến ông lòng trân trọng, yêu mến của một kẻ đồng điệu và nói với ông rằng: “Bằng lòng mê say cây cỏ, thiên nhiên và sự cần mẫn sáng tạo của mình, ông đã thực sự là “bà mụ vườn” của hoa trái. Chính đôi tay ông đã cho ra đời những loài hoa quý, trái hiếm”. Một đời người đắm mình với vườn hoa, cây trái được vinh danh như thế, hỏi ông còn mong ước gì hơn? 

NGUYỄN NGỌC TUYẾT

Tin cùng chuyên mục