Ba mũi giáp công

Sau 7 năm TPHCM triển khai thành công chương trình bình ổn giá hàng thiết yếu vào các dịp Tết Nguyên đán, hôm qua 21-6, TPHCM bắt đầu thực hiện việc bình ổn giá hàng thiết yếu quanh năm, bằng việc đưa hàng giá thấp ra thị trường. Đây cũng là nội dung Quyết định 2559 của UBND TPHCM, ban hành ngày 10-6 vừa qua.

Quyết định này, TPHCM trở thành địa phương tiên phong trong việc chủ động cung ứng cho thị trường một lượng hàng dồi dào, đảm bảo chất lượng và giá cả phù hợp. Đây cũng là công cụ hữu hiệu để TPHCM kiềm chế và kiểm soát giá bán các mặt hàng thiết yếu, loại trừ dần hiện tượng thiếu hàng, giá cả tăng đột biến khi có thiên tai, dịch bệnh hoặc vào những dịp mua sắm cao điểm tết.

Theo kế hoạch, lượng hàng bình ổn sẽ chiếm khoảng 20%-40% so với nhu cầu tiêu thụ trên thị trường. Việc xác định nguồn hàng dựa trên nhu cầu tiêu dùng thực tế đối với các nhóm hàng trong từng tháng, trên cơ sở đó cơ quan chức năng cùng với các doanh nghiệp (DN) hoạch định chiến lược dự trữ nguồn hàng cho phù hợp. TPHCM đã chi 380 tỷ đồng, hỗ trợ 14 DN với lãi suất 0% để các DN chuẩn bị và dự trữ 8 nhóm hàng lương thực, thực phẩm. Giá bán các mặt hàng bình ổn được xác định thấp hơn 10% so với giá thị trường và ổn định trong suốt thời gian thực hiện.

Để triển khai được dự án này, trên thực tế từ nhiều năm qua,  TPHCM đã bắt tay thực hiện nhiều đề án song song, trong đó 2 dự án nổi bật là Chiến lược phát triển chăn nuôi tạo nguồn hàng và Quy hoạch hệ thống bán buôn bán lẻ trên địa bàn TPHCM.

Nói như Phó Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thị Hồng, để kiểm soát được giá hàng hóa, chúng ta không thể hô khẩu hiệu suông mà phải có những công cụ hữu hiệu, thông qua việc dự trữ một nguồn hàng dồi dào, phong phú. Ở góc độ thị trường, cho dù chúng ta có đủ hàng nhưng lại không có hệ thống phân phối đến tận tay người tiêu dùng thì chương trình sẽ mất hết ý nghĩa. Vì vậy, việc phát triển nguồn hàng, xây dựng hệ thống phân phối gắn kiểm tra, kiểm soát giá bán các mặt hàng sẽ là “Ba mũi giáp công” để TP triển khai tốt công tác bình ổn giá.

Kế hoạch là vậy, song trên thực tế, nhiều ý kiến lo ngại khi cho rằng, liệu đồng vốn của nhà nước (nói đúng hơn là tiền đóng góp của người dân) có được đầu tư đúng nơi, đúng chỗ hay chúng ta chỉ làm theo phong trào và chạy theo thành tích? Và nữa, đâu là cơ sở xác định giá bán (thấp hơn thị trường 10%) cũng như kiểm soát giá bán?

Việc thực hiện chương trình bình ổn giá các mặt hàng lương thực, thực phẩm quanh năm, ngoài mục tiêu làm công cụ để kiểm soát giá và định hướng giá thị trường, tự thân nó còn mang một ý nghĩa rất lớn. Đó là TP đang tiến tới việc chăm lo bữa ăn hàng ngày cho người dân. Để giải được những bài toán này, ngoài “cái tâm, chữ tín” của các DN tham gia chương trình, vấn đề mấu chốt là công tác thẩm định và kiểm tra, giám sát giá bán phải được thực hiện một cách thường xuyên và đặt lên hàng đầu. Trong quá trình kiểm tra, nếu phát hiện sai phạm phải xử lý thật nghiêm và công khai. Chỉ như vậy, chương trình mới có thể đạt được những mục đích to lớn mà TP kỳ vọng.

TH. HẢI

Tin cùng chuyên mục