Bà Rá - Nối dài cánh sóng

Bà Rá - Nối dài cánh sóng

Núi Bà Rá (thị xã Phước Long tỉnh Bình Phước) có độ cao 723m so với mặt nước biển, là một trong những thắng cảnh du lịch lý thú của tỉnh Bình Phước. 20 năm trước, trên đỉnh núi heo hút ấy, quanh năm chỉ có sương mù và không một lối đi. Nhưng có những người với tinh thần chân cứng đá mềm đã xây dựng Trung tâm Tiếp vận phát thanh truyền hình ngay trên đỉnh núi Bà Rá trong điều kiện vô vàn khó khăn. Nhờ đài tiếp vận này cả một vùng trũng rộng lớn của tỉnh Bình Phước gồm các tỉnh miền Đông và Tây Nguyên được phủ sóng.

Một góc khu nghỉ mát trên núi Bà Rá. Ảnh: S.T.

Một góc khu nghỉ mát trên núi Bà Rá. Ảnh: S.T.

1. Chúng tôi được anh Phan Minh Hoàng, Giám đốc Đài Phát thanh - Truyền hình Bình Phước, đưa về Phước Long thăm lại núi Bà Rá vào những ngày đầu hè đầy nắng và gió. Nhưng trên đỉnh núi, tiết trời vẫn mát mẻ theo từng cơn gió lồng lộng xào xạc núi rừng. Màu xanh phủ trùm trên ngàn cây ngọn cỏ, hoa dại lặng lẽ mà tươi rói khoe đủ sắc màu dọc theo triền núi. 2/3 đoạn đường lên núi bây giờ đã trải nhựa thênh thang, phần còn lại phải vượt 1.767 bậc tam cấp mới lên đến đỉnh núi, không như ngày xưa phải mở đường mòn mà đi.

Đến lưng chừng núi gặp ngay đồi Bằng Lăng chập chùng, in đậm một màu tím thẫm giữa mây trời bao la trắng xóa. Giám đốc Hoàng ra dấu chúng tôi dừng lại, anh chỉ tay xuống chân núi, thuyết minh rành rọt như một hướng dẫn viên du lịch chuyên nghiệp: “Dưới kia là hồ Thác Mơ huyền thoại. Huyền thoại vì có những truyền thuyết đầy bi tráng đã đi vào sử thi của những mối tình thấm đẫm nước mắt của những chàng trai, cô gái Stiêng. Huyền thoại vì công sức dời non lấp biển của người Bình Phước đã biến hồ Thác Mơ rộng 12.000ha thành nhà máy thủy điện tầm cỡ quốc gia, cung cấp điện và nước cho một vùng rộng lớn. Bên cạnh đó, di tích Nhà tù Bà Rá, một thời nổi tiếng địa ngục trần gian, vừa là nơi rừng thiêng nước độc, người dân địa phương thường gọi Bơnom Brah, có nghĩa là núi thần, mấy ai lên núi có bao giờ quay trở lại. Nơi đây còn giam cầm, đày ải dã man nhiều chiến sĩ cách mạng trước những đòn tra tấn tàn ác của những cai ngục máu lạnh. Bởi vậy xưa kia, khi ai đó làm việc gì trái quấy, thường bị lên án là đày đi Bà Rá cho đáng tội, như một hình phạt nặng nề nhất”.

Khi đến đồi bằng lăng, chúng tôi gặp một đoàn khách khoảng 50 người, là đoàn viên Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh đang cắm trại chuẩn bị cho đêm sinh hoạt “Về nguồn”. Một người trong đoàn cho biết là để giáo dục truyền thống cách mạng, noi gương những người đi trước, một lòng kiên trung với Đảng, hiếu với dân, đã đổ xương máu cho sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước, đơn vị thường đến đây tổ chức sinh hoạt vào những ngày lễ trọng đại.

Nơi đây vào ngày 4-10-1995 đã được Bộ Văn hóa - Thông tin công nhận Di tích Lịch sử văn hóa cấp quốc gia và có xây dựng một đền tưởng niệm các chiến sĩ và nhân dân đã hy sinh tại núi Bà Rá qua hai thời kỳ kháng chiến chống Pháp và đánh Mỹ, có công bảo vệ ngọn núi thiêng liêng này, để mở đường về Phước Long anh hùng xây chiến thắng.

2. Trong ngày vui kỷ niệm 20 năm thành lập Trung tâm Tiếp vận phát thanh truyền hình Bà Rá, mọi người vây quanh những người từng trấn thủ nơi đây, yêu cầu kể chuyện hồi xưa. Ông Đỗ Toàn Trung, giám đốc đầu tiên của Đài Phát thanh - Truyền hình Bình Phước, kể lại những gian nan vất vả của những người chinh phục đỉnh cao Bà Rá.

Ông nói: “Ngày ấy, những người đi khảo sát thực tế, cầm rựa phác cây mà đi, đi tay không thôi, chẳng mang theo gì hết, vậy mà lên đến đỉnh núi mệt không thở ra hơi. Khi bắt tay vào xây dựng, tôi thật không ngờ sức lực và ý chí của mỗi thành viên trong đội thi công đã vượt quá sức tưởng tượng. Đường đi trơn trợt, trên lưng gùi từng viên gạch, bao xi măng, khoanh sắt nặng nề, lần từng bước mà đi. Có người chỉ vác một lần rồi nằm thở dốc, người nào khỏe lắm, một ngày cũng chỉ đi được hai lần. Quả thật, khi công trình hoàn thành, phải nói là của một đồng, công một nén”.

Còn Phó Giám đốc Đài Phát thanh Truyền hình Bình Phước Phan Văn Thảo, người được nhiều người gọi tên “chúa núi” vì anh suốt 15 năm ròng rã làm trưởng đài phát sóng nơi đây, nói một câu nhẹ tênh: 15 năm nhưng quãng thời gian đó dài vô hạn, với biết bao mùa mưa nắng, gian nan thử thách, những cơn sốt rét rừng kéo dài hàng tháng, đối diện với cái chết nhẹ như lông hồng.

Anh Thảo kể chuyện hồi xưa: “Có thể nói, đài Bình Phước có chiều dài nhất nước, từ phòng biên tập ở Bình Dương đến nơi phát sóng ở Bà Rá ngót nghét 140km. Sau đó đài chuyển về Đồng Xoài cũng có khoảng cách xa nhất vì phòng biên tập ở Đồng Xoài đến nơi phát sóng ở Bà Rá cũng phải 50km. Trước kia, khi mới tách tỉnh Sông Bé thành 2 tỉnh Bình Dương và Bình Phước, đài Bình Phước tạm thời đặt trụ sở tại đài Bình Dương ở thị xã Thủ Dầu Một. Sau khi thu băng xong, phải tức tốc chạy về Phước Long cho kịp giờ phát sóng”. Anh Thảo nhớ lại lần đó, anh Khắc Chân, nhân viên của trung tâm phát sóng, đang trực tại đồi Bằng Lăng, nhận được băng thì chỉ còn khoảng nửa giờ nữa tới giờ phát chương trình. Anh phải cầm băng chạy một mạch từ đồi Bằng Lăng lên tới đỉnh chỉ có 20 phút cho kịp giờ phát sóng, thường đi bộ phải mất hơn một giờ. Chạy đến nơi anh ngất xỉu vì đuối sức.

Anh Thảo cười nói hóm hỉnh, cái chất khôi hài từ thời làm “chúa núi” Bà Rá: “Ngày nay, Đài Phát thanh - Truyền hình Bình Phước đã truyền dẫn bằng viba từ trung tâm đài ở thị xã Đồng Xoài lên Bà Rá để tiếp phát, đồng thời truyền dẫn qua hệ thống mạng truyền hình cáp Bình Phước - Phú Mỹ đến nhiều khu đô thị trong tỉnh, chuyển phát qua vệ tinh Vinasat-1 phủ sóng toàn quốc và các nước lân cận. Song, những kỷ niệm truyền dẫn phát sóng trước đây vẫn là hoài niệm của một thế hệ tiên phong ngày ấy”.

3. Ngày nay, tiếp bước các bậc cha anh một thời chân cứng đá mềm chinh phục đỉnh cao núi Bà Rá, hơn 20 năm qua, hàng năm vào ngày 5-1 Đài Phát thanh - Truyền hình Bình Phước tổ chức “Giải chạy Việt dã chinh phục đỉnh cao Bà Rá” đã trở thành một giải thể thao chính thức trong hệ thống Đại hội Thể dục thể thao toàn quốc. Hàng năm, có hàng ngàn vận động viên trên khắp mọi miền đất nước về tranh tài leo núi. Bây giờ giải đã trở thành giải quốc tế, vì có nhiều vận động viên của hai nước Lào và Campuchia tham dự. Bình Phước vào những ngày này đã thực sự thu hút khách du lịch đến tham quan, vui chơi đông nghẹt trên khắp các ngả đường.

Đồng chí Nguyễn Tấn Hưng, Bí thư Tỉnh ủy Bình Phước, ân cần: “Lãnh đạo tỉnh luôn tin tưởng vào quá trình 20 năm hình thành, phát triển của Đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh Bình Phước nói chung và Trung tâm Phát thanh - Truyền hình Bà Rá nói riêng. Tin rằng với đội ngũ lành nghề, đủ tri thức, đủ tài năng và tâm huyết, với hạ tầng cơ sở vật chất kỹ thuật hiện đại và ngày càng hoàn thiện, Trung tâm Phát thanh - Truyền hình Bà Rá sẽ vượt qua tất cả để khẳng định là đội ngũ tiên phong trên mặt trận văn hóa tư tưởng tại địa phương. Không chỉ hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ “nối dài cánh sóng” của Đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh Bình Phước, Trung tâm Phát thanh - Truyền hình Bà Rá còn phải hoàn thành tốt hơn nữa trọng trách của một trung tâm phát sóng quốc gia có tầm cỡ trong khu vực miền Đông Nam bộ và Nam Tây Nguyên, góp phần cùng với các cơ quan thông tin - truyền thông trong tỉnh Bình Phước hoàn thành tốt sứ mệnh của mình, giữ vững làn sóng phát thanh truyền hình phục vụ nhân dân”.

Nguyễn Tường Lộc

Tin cùng chuyên mục