Bác để tình thương cho chúng con

“Vợ chồng tôi xây đền tưởng niệm Bác để người dân Gia Lai và Tây Nguyên có điều kiện đến thắp hương thành kính nhớ về Bác, tạ ơn Bác”. Đây là lời tâm sự của ông Nguyễn Đình Cẩn và bà Đặng Thị Đến ở tổ 6, phường An Phú, thị xã An Khê (Gia Lai) khi gặp chúng tôi đến thắp hương tưởng niệm Bác ở ngôi đền do chính tay ông bà xây dựng cách đây gần 2 năm.
Bác để tình thương cho chúng con

“Vợ chồng tôi xây đền tưởng niệm Bác để người dân Gia Lai và Tây Nguyên có điều kiện đến thắp hương thành kính nhớ về Bác, tạ ơn Bác”. Đây là lời tâm sự của ông Nguyễn Đình Cẩn và bà Đặng Thị Đến ở tổ 6, phường An Phú, thị xã An Khê (Gia Lai) khi gặp chúng tôi đến thắp hương tưởng niệm Bác ở ngôi đền do chính tay ông bà xây dựng cách đây gần 2 năm.

  • Chuyện tình nhảy núi

Sau tuần hương tưởng niệm Bác, chúng tôi được hai vợ chồng bà Đến mời đi tham quan khung cảnh xung quanh ngôi đền. Không phải là “thi sĩ” để cảm nhận cảnh đẹp bằng những câu thơ sâu lắng, trữ tình… song tất cả chúng tôi đều có chung một nhận xét là rất đẹp và ấn tượng. Ly cà phê vơi chưa đầy nửa, bà Đến đã bưng lên mời khách một mâm ngũ quả đẹp mắt mà theo bà, là sản phẩm cây nhà lá vườn sau khi đã thắp hương cúng Bác.

Cùng nhâm nhi cà phê và “điểm tâm” thêm mấy món trái cây quen thuộc như ổi, mãng cầu, đu đủ…, bà Đến vừa kể cho chúng tôi nghe chuyện tình cảm động của vợ chồng bà trong những ngày kháng chiến và đặc biệt chuyện “Xây đền tưởng niệm Bác Hồ” ngay trong khuôn viên nhà mình với một tình cảm cao quý và lòng biết ơn Bác.

Vợ chồng bà Đến thắp hương tưởng niệm Bác.

Vợ chồng bà Đến thắp hương tưởng niệm Bác.

Sinh ra trên vùng đất Quế Sơn thuộc tỉnh Quảng Nam được coi là “quê hương cách mạng kiên cường”, đầu năm 1970, trong dòng người lánh nạn, cơ duyên đã đưa người con gái đất Quảng này gặp và đem lòng thương “da diết” một chàng trai ở Đình Quang, Vĩnh Thạnh (Bình Định). Yêu thì nhiều lắm, nhưng cái khó buộc họ chưa cưới được là vì ông Nguyễn Đình Cẩn đang mang trên mình bộ quân phục lính chế độ Sài Gòn.

Với suy nghĩ “thương không hẳn là quên phận mình với dân tộc, với Tổ quốc”, cứ một lần bên người yêu “mặc nhầm áo lính” là mỗi lần bà Đến động viên chàng rũ bỏ “bụi đời”, để sống hướng thiện có ích cho xã hội, gia đình và con cái sau này. Một lần, hai lần, rồi ba lần chưa xuôi cái bụng, nhưng đến lần thứ tư, thứ năm thì chàng trai đất võ Bình Định đã “trúng quẻ” người yêu và đồng ý cùng người con gái đất Quảng vượt đèo lên An Khê – Gia Lai lập nghiệp.

Theo bà Đến, lúc đó thị xã An Khê còn nhỏ lắm, chỉ một cụm nhà dân nhỏ lẻ bên này sông Ba, còn lại rất nhiều đồn bót của Mỹ ngụy. Khai hoang, canh tác đất đai trồng lúa, bắp, đậu… và cứ thế 8 đứa con của ông bà ra đời trong niềm vui, hạnh phúc của đôi vợ chồng nhảy núi…

  • Điểm 10 dâng Bác

Cuộc đời cứ bình lặng đi qua như dòng sông ngàn đời vẫn trôi chảy, nếu không có một ngày cuối năm 2007, bà Đến ra tham quan Nghệ An về thăm làng Sen quê Bác, rồi ra Hà Nội vào lăng viếng Bác. Có lẽ là thời gian cuối năm, nên hôm đó có rất nhiều cá nhân, cơ quan, đơn vị làm lễ tổng kết và về báo cáo thành tích với Bác tại quảng trường Ba Đình… tự nhiên bà thấy mình nhỏ bé quá, chưa làm được cái gì để báo công với Bác.

Cũng như tâm trạng của nhiều người dân đất Việt lần đầu tiên được đến thăm và nhìn thấy Bác, bà Đến xúc động nuốt nước mắt vào lòng. Cả cuộc đời Bác dành trọn cho Tổ quốc, cho dân tộc Việt Nam. Không của cải riêng tư, không phân biệt giàu sang, nghèo hèn, dân tộc, tôn giáo… Nghe nội dung giới thiệu của các chị em trong đoàn, bà càng thấy Bác Hồ của đồng bào, của dân tộc mình thánh thiện quá, đức độ, cao cả quá.

Từ suy nghĩ “Bác Hồ là vị Cha chung của dân tộc Việt Nam”, lúc còn sống Bác chưa lên được Tây Nguyên để thăm bà con đồng bào các dân tộc, nhưng trong trái tim Bác lúc nào cũng hướng về Tây Nguyên… Nhớ Bác, biết ơn Bác, nhưng nhiều người dân Tây Nguyên nói chung, Gia Lai nói riêng chưa có điều kiện ra Hà Nội để viếng Bác, nên vợ chồng ông quyết định gom hết tất cả tiền bạc dành dụm được trên 300 triệu đồng để làm đền tưởng niệm Bác.

Đến nay, bà Đến vẫn nhớ như in sáng 27-4-2009, khi gia đình bà bắt đầu khởi công xây dựng đền thờ Bác.

Sau 8 tháng tập trung xây dựng, đền tưởng niệm Bác Hồ được hoàn thành và đón nhiều đoàn cán bộ và bà con đồng bào các dân tộc trên địa bàn, đặc biệt các cháu học sinh đã đến dâng hương tưởng niệm Bác.

Đền được xây theo dạng hình vuông, mái uốn cong như hình tượng một bông sen đang nở trên mặt hồ rộng, dưới nước thả sen, mặt đền hướng về phía Tây Nam, diện tích khoảng 40m2, có cầu bê tông bắc nối tiếp từ trong ra đền. Bên trong, ngoài tượng đài của Bác được trang trọng đặt trên bàn thờ (cấu tạo hình dáng như kiểu bàn thờ tổ tiên, dòng tộc), hai bên tường là những câu thơ được trích đóng trong khung kính như “Bác để tình thương cho chúng con/Một đời thanh bạch chẳng vàng son…”; “Ôi Bác Hồ ơi những xế chiều/Nghìn thu nhớ Bác biết bao nhiêu/Ra đi Bác dặn “còn non nước”/Nghĩa nặng lòng không dám khóc nhiều…”…

Chiều tím dần trong sắc vàng của hoa dã quỳ mộc mạc, các cháu học sinh tan trường dắt tay nhau tung tăng trên phố. Trước cổng đền tưởng niệm Bác, chúng tôi thấy nhiều cháu đã rẽ vào… Chắc hôm nay Bác vui lắm, vì những điểm 10 mà các cháu dâng lên… 

QUANG DŨNG

Tin cùng chuyên mục