Qua dây nói, anh Hiến (2) triệu tập tôi về bộ có việc cần. Tôi vẫn đinh ninh như mọi bận, về nhận chủ trương mới. Tôi hỏi anh Hiến có phải chuẩn bị gì không. Anh chỉ cười và bảo: “Bình thường”. Ai ngờ đến lúc này anh mới nói thật với tôi là “Bác gọi”.
Trong đời, lần đầu tiên, đây là một vinh dự quá bất ngờ - một hạnh phúc cao nhất đối với tôi. Đến giữa rừng, một ánh lửa đàng xa soi đường đưa chúng tôi về một căn nhà nhỏ. Anh Chiến (bảo vệ Bác) ra gặp và hướng dẫn chúng tôi đến một nơi khác. Đi một quãng nữa thì đến ngôi nhà lá. Tôi không ngờ nơi đây là Phủ Chủ tịch, là nơi luận bàn việc nước của Chính phủ Trung ương - trung tâm lãnh đạo toàn dân chống Pháp - nơi tập trung trí tuệ và sức mạnh của dân mình. Và ông cụ khoác áo kaki bạc màu ngồi đó, là Bác Hồ.
Trong khoảnh khắc, tôi còn tần ngần đứng lại bên ngoài. Anh Hiến bước vào trước, đến khi Bác lên tiếng gọi: “Chú Sửu đó phải không?”, tôi mới bừng tỉnh. Ôi sung sướng quá, tôi líu lưỡi:
– Thưa Bác, có cháu đây ạ?
Trời sắp sửa sang thu, chưa rét, nhưng ở rừng sâu đêm có sương lạnh, Bác đang ngồi sưởi và suy nghĩ.
Bác chỉ một khúc gỗ bên đống lửa và ra hiệu bảo chúng tôi ngồi. Tôi đợi chờ, chưa dám ngồi gần, Bác dịu dàng kéo xích tôi lại và bằng một giọng ấm áp, Bác hỏi:
– Chú có biết vì sao hôm nay Bác gọi lên không?
– Thưa không ạ, cháu nghe đồng chí Bộ trưởng Lê Văn Hiến gọi lên họp ở bộ, cháu cũng chưa rõ việc gì.
– Bác muốn nghe chuyện nhà máy của các chú làm ăn, chiến đấu ra sao?
Thật là lúng túng, tôi trình bày tóm tắt, nhiều đoạn ngập ngừng, đại thể như thế này:
– Anh chị em công nhân theo lời Bác kêu gọi đã cùng toàn dân đứng lên đánh giặc, cứu nước. Nhà máy giấy Đáp Cầu đã tiêu thổ kháng chiến. Nhà cửa, kho tàng đã phá hủy. Máy móc thiết bị được dời về chiến khu. Sau khi nhà cửa, lán trại dựng xong, ngày 19-8-1947 nhà máy trong rừng lại bắt đầu hoạt động như cũ.
Trước hết, Bác dạy tôi phải chú trọng đến việc nâng cao đời sống cho công nhân. Bác nói:
– Kháng chiến còn dài, phải biết tăng gia sản xuất và tiết kiệm, tránh lãng phí. Chi bộ Đảng phải quan tâm đến đời sống và học tập của anh chị em thợ trẻ.
Tôi say sưa nghe kỹ từng lời, từng chữ. Bác tiếp tục nói:
– Nhà máy đã che kín chưa? Khi tàu bay bắn phá thì anh chị em ẩn nấp ở đâu?
Thực ra nhà máy chúng tôi chưa có kế hoạch gì cả, mình lại còn non nớt, chưa có kinh nghiệm, lại xem thường, nên tôi báo cáo:
– Gần rừng, nếu có việc gì chúng cháu kéo chạy ra rừng, hoặc thưa Bác chạy vào sườn núi ạ!
Bác lắc đầu:
– Không được đâu, thế là chủ quan lắm. Ngày mai về khai hội chi bộ Đảng các chú phải tổ chức đào hầm tránh máy bay, phải che chắn máy móc cẩn thận. Nếu bỏ chạy thì không sản xuất được mà còn bị lộ sẽ nguy hiểm. Còn người, còn máy thì còn sản xuất và còn đánh Pháp được. Con người là rất quý. Các chú phải bảo vệ cẩn thận.
Chúng tôi đang băn khoăn, thì Bác lại thân mật hỏi tiếp:
– Các chú ở nhà máy có liên hệ, giúp đỡ bà con nông dân ở địa phương không? Phong tục ở đấy, các chú đã hiểu hết chưa?
– Thưa chưa ạ!
Bác cười, nụ cười rất hiền hậu, khoan dung nhưng cũng rất nghiêm khắc:
– Thế ai cung cấp nguyên liệu cho các chú?
– Bà con các dân tộc ạ!
Bác xòe bàn tay, chỉ từng ngón một, Bác nói:
– Gạo này, thịt này, tre nứa này, các thứ làm ra giấy này, cái gì cũng dựa vào nhân dân. Bà con nông dân ở đâu “hậu đãi” các chú như thế, mà các chú lại ăn ở “bạc bẽo” không liên hệ giúp đỡ bà con. Sau cùng, Bác khen anh chị em thợ Nhà máy giấy Hoàng Văn Thụ đã anh dũng chiến đấu và làm được giấy kháng chiến. Bác dạy:
– Công nhân nhà máy còn phải ra sức học tập phải nêu cao vai trò làm chủ, phải tiến bộ không ngừng, không được tự kiêu, tự mãn. Sau này kháng chiến thắng lợi hoàn toàn, các cô các chú còn phải quản lý nhà máy to lớn hơn.
Đêm ấy ra về, anh Hiến dặn tôi phải đem mọi ý kiến của Bác về báo cáo với chi bộ và bàn bạc với anh em công nhân, phát động thi đua trong nhà máy.
Hôm sau mặt trời lên đã khá cao, tôi trở về đến nhà. Toàn thể cán bộ, công nhân nhà máy đã họp mít tinh để nghe tôi báo cáo và phát động thi đua sản xuất tiết kiệm. Cũng nhờ đó mà tinh thần làm chủ được nêu cao, sáng kiến được nảy nở, phong trào thi đua với chị thợ xeo Nguyễn Thị Soi được toàn thể cán bộ, công nhân tham gia sôi nổi. Chúng tôi tìm tòi làm “than trắng” (thủy điện nhỏ) tiết kiệm được nhiều “vàng đen”, hạ giá thành 20%. Những đường hào, những hầm hố ngang dọc quanh nhà máy, máy móc được đắp ụ che chắn kỹ. Trong những năm kháng chiến, có nơi bị bắn phá đến 12 lần, có cơ sở chịu đựng 18 trận bom mà vẫn bảo vệ được an toàn, hạn chế được thiệt hại.
Vâng theo lời Bác dạy, chúng tôi cuốc nương, phá đồi hoang trồng sắn, trồng khoai. Hàng năm tự túc được trên 3 tháng lương thực, để cho các chiến sĩ có nhiều thóc gạo ăn no đánh khỏe giành thắng lợi. Vâng lời Bác, chúng tôi còn ra sức giúp đồng bào địa phương, đáp đền lại tấm lòng trung hậu và ý chí cách mạng của nông dân, và cũng nhờ thế, tinh thần đoàn kết công nông được tăng cường rõ rệt.
Bác gọi tôi mấy mươi năm về trước, tôi vẫn đinh ninh là Bác vừa gọi tôi mới ngày hôm qua. Bác gọi, cháu luôn luôn có mặt. Thưa với Bác “chúng cháu đã sẵn sàng”.
(1) Đồng chí Đỗ Văn Sửu là Giám đốc Nhà máy giấy Hoàng Văn Thụ. Sau này đồng chí là Vụ trưởng thuộc Bộ Điện than, đã hy sinh khi giặc Mỹ ném bom Hà Nội vào năm 1972.
(2) Đồng chí Lê Văn Hiến, Bộ trưởng Bộ Tài chính, nhà máy giấy trực thuộc bộ này.
ĐOÀN MINH TUẤN
(Ghi theo lời đồng chí Đỗ Văn Sửu) (1)