Chính quyền thành phố Bắc Kinh, Trung Quốc đang tìm cách chế ngự khói bụi ô nhiễm bằng các biện pháp khẩn cấp như từng được áp dụng thời kỳ tổ chức Olympic 2008. Nhưng vấn đề khẩn cấp hơn là chiến lược giảm khí thải công nghiệp.
Biện pháp tức thời
Mức độ ô nhiễm không chỉ riêng tại Bắc Kinh mà ở nhiều tỉnh phía Bắc Trung Quốc đang trong tình trạng báo động. Tại sân bay Cáp Nhĩ Tân, tỉnh Hắc Long Giang, nhiều chuyến bay đã phải hủy hoặc hoãn do tầm nhìn giới hạn.
Các biện pháp mới được áp dụng tại Bắc Kinh khi chỉ số ô nhiễm đối với các hạt vật chất có đường kính từ 2,5 micromet trở xuống trong không khí (PM 2,5) vượt quá 300 microgram/m3 trong 3 ngày liên tiếp. Chỉ số PM 2,5 ở mức trên 300 đã bị xem là nguy hiểm. Tổ chức Y tế thế giới khuyến nghị chỉ số PM 2,5 hàng ngày phải dưới 20 mới được xem là an toàn. Các biện pháp mới bao gồm: 80% số xe công phải ngừng hoạt động, phương tiện cá nhân sẽ chỉ được phép hoạt động luân phiên theo ngày tùy thuộc vào số cuối cùng của bảng số xe; lượng khí thải từ các nhà máy sản xuất sẽ được giảm 30% bằng cách ngưng hoặc hạn chế sản xuất; các công trình xây dựng phải ngừng đào bới và giải tỏa mặt bằng; đóng cửa trường học.
Trong kỳ tổ chức Olympic 2008, các biện pháp hạn chế giao thông và giới hạn về hoạt động công nghiệp lần đầu tiên được đưa ra áp dụng đã giúp thành phố Bắc Kinh cải thiện phần nào chất lượng không khí.
Người phát ngôn tổ chức Hòa bình xanh tại Đông Á, ông Hoàng Vệ, nói với CNN rằng: “Các biện pháp khẩn cấp mới cho thấy quyết tâm của Chính phủ Trung Quốc giải quyết tình trạng ô nhiễm không khí tại Bắc Kinh, đặc biệt là những quy định hạn chế sử dụng xe hơi và đóng cửa trường mẫu giáo vào những ngày ô nhiễm nặng nề. Điều đó cho thấy rằng chính quyền đã thật sự quan tâm đến các nhóm dễ bị tổn thương”.
Cần chiến lược dài hạn
Theo báo chí Trung Quốc, các biện pháp của chính quyền thành phố Bắc Kinh chưa đủ vì có tới 60% lượng khí thải gây ô nhiễm đến từ các tỉnh lân cận, chẳng hạn như tỉnh Hà Bắc. AP dẫn lời ông Lý Phương, Phó giám đốc Cơ quan bảo vệ môi trường của thành phố Bắc Kinh: “Chúng tôi không kiểm soát Hà Bắc, nhưng đây là một chiến lược ưu tiên cấp quốc gia và hy vọng chúng tôi có thể trở thành một mô hình tích cực”. Với hơn 20 triệu người, Bắc Kinh chứng kiến mức độ ô nhiễm không khí tăng vọt trong năm nay bất chấp việc áp dụng hơn 100 biện pháp kiểm soát khác nhau. Khí thải xe cộ là nguyên nhân của khoảng 1/4 mức độ ô nhiễm, khí thải từ các nhà máy sản xuất dùng than đá chiếm phần còn lại.
Ông Hoàng Vệ cho rằng các biện pháp trên của thành phố Bắc Kinh chỉ mới mang tính “chữa cháy”, vì vậy cần xây dựng một cơ chế liên kết, kết hợp các biện pháp phòng ngừa kiểm soát khẩn cấp. Ví dụ, các nhà máy trong khu vực xung quanh như Nội Mông và tỉnh Sơn Đông có thể bị đóng cửa trước khi phát tán lượng khí thải tới Bắc Kinh. Quan điểm này được nhiều người Trung Quốc ủng hộ trên mạng xã hội Weibo khi cho rằng cần có một chiến lược dài hạn thay vì luôn luôn chờ đợi cho đến khi cuộc khủng hoảng xảy ra. Một số người cho rằng chính các nhà máy là thủ phạm chính chứ không phải ô tô vì từ lúc 3 - 4 giờ sáng không khí đã ô nhiễm.
Tháng trước, Chính phủ Trung Quốc công bố kế hoạch bắt đầu nêu danh sách 10 thành phố bị ô nhiễm không khí hàng đầu vào mỗi tháng với hy vọng rằng sẽ thúc đẩy họ hành động bảo vệ môi trường tích cực. Khi công bố chính sách mới tại hội nghị kiểm soát ô nhiễm không khí lần thứ 18 ở Bắc Kinh vào tháng 9, Phó Thủ tướng Thường trực Trung Quốc Trương Cao Lệ cho rằng: “Trung Quốc phải đặt vấn đề kiểm soát chất lượng không khí như một giới hạn đỏ về sinh thái trong quản lý kinh tế và phát triển xã hội”.
Chưa rõ bao giờ danh sách này được công bố nhưng các thành phố lớn phía Bắc như Bắc Kinh và Thiên Tân cùng các tỉnh lân cận Hà Bắc, Sơn Tây, Nội Mông và Sơn Đông đã ký vào một kế hoạch chính thức tăng tốc độ các biện pháp kiểm soát ô nhiễm không khí.
THỤY VŨ tổng hợp