

Không đầy một tuần lễ nữa, Trung Quốc sẽ sống trong không khí tưng bừng rộn rã của ngày hội thể thao lớn nhất thế giới được trông đợi trong suốt 4 năm qua - Thế vận hội Olympic 2008 - sẽ chính thức diễn ra từ 8 đến 24-8-2008 tại Bắc Kinh.
Chạy nước rút
Trong những ngày này, Bắc Kinh đang hối hả hoàn thành những công việc cuối cùng cho Thế vận hội Olympic 2008. Đây là Thế vận hội tốn kém nhất trong lịch sử phong trào Olympic.
Trung Quốc đã chi khoảng 20-40 tỷ USD cho sự kiện thể thao trọng đại này. Đến nay, có 31 điểm thi đấu đã hoàn thành, trong đó chỉ riêng sân vận động quốc gia có hình tổ chim đã ngốn mất hơn nửa tỷ USD.
Để đón khách du lịch sang Trung Quốc trong dịp này, 112 khách sạn, gần 3.000 nhà hàng, cửa hàng, hiệu thuốc, siêu thị, 90 nhà bảo tàng, 49 rạp chiếu phim... cũng sẵn sàng.
Đã có 7 triệu vé xem các trận thi tài được bán ra, trong đó 75% vé được bán cho người Trung Quốc. Vào ngày 8-8-2008, các đoàn vận động viên cùng quan chức từ gần 200 quốc gia và vùng lãnh thổ với số lượng lên tới khoảng 50.000 người sẽ có mặt tại Bắc Kinh để tham dự lễ khai mạc.
Tuy chấp nhận cho Trung Quốc đăng cai tổ chức Olympic lần thứ 29, Ủy ban Olympic quốc tế cùng nhiều nước EU và Bắc Mỹ vẫn tỏ ý quan ngại về chất lượng môi trường ở nơi thi đấu, đặc biệt là chất lượng không khí. Vì thế, chính phủ Trung Quốc đã dành 10 tỷ USD cho các chương trình bảo vệ môi trường, nhất là sân vận động Tổ Chim và khu thể thao dưới nước có tên là Giọt Nước.
Trung Quốc đã sắm thêm nhiều thiết bị radar, xây dựng nhiều trạm quan sát, phóng vệ tinh theo dõi thời tiết và cam kết sẽ dự báo thời tiết cho từng sân vận động ở Bắc Kinh cũng như mỗi thành phố tổ chức sự kiện Olympic tại Trung Quốc.
Để hài lòng Ủy ban Olympic quốc tế, Trung Quốc sẽ phải thông tin dự báo thời tiết ba giờ một lần cho ba ngày liên tiếp, một yêu cầu cao hơn cả Olympic Sydney năm 2000.
Theo kế hoạch làm sạch không khí của chính quyền thành phố, bắt đầu từ cuối tháng 7, khoảng 3,3 triệu xe hơi ở Bắc Kinh sẽ lưu hành theo quy tắc “biển chẵn đi ngày chẵn, biển lẻ đi ngày lẻ”. 150 nhà máy ô nhiễm bị tạm đóng cửa. Các công trình xây dựng gây ồn ào và bụi bặm ở thủ đô sẽ bị dừng toàn bộ. Các nhà máy hóa chất, nhà máy điện và các xưởng kim loại cũng buộc phải cắt giảm khí thải 30%.
Để giảm tải lượng xe lưu thông, Bắc Kinh đã mở thêm 3 tuyến tàu điện ngầm, 34 tuyến xe buýt mới. Các ga tàu điện ngầm cũng sẽ không quá đông như dự tính bởi các nhà máy được yêu cầu bố trí lệch ca và các công sở sẽ mở cửa muộn hơn bình thường một giờ.
Ngày 21-7, giao thông ở thủ đô Bắc Kinh (Trung Quốc) đã thông suốt hơn trong ngày làm việc đầu tiên kể từ khi bắt đầu chiến dịch “lọc không khí”, chuẩn bị cho Thế vận hội 2008.
Một trong những lo lắng lớn nhất của ban tổ chức Olympic Bắc Kinh là chăm sóc y tế. Ban tổ chức đã thực hiện nhiều chiến dịch tuyên truyền, vận động và kiểm tra nghiêm ngặt vệ sinh an toàn thực phẩm tại các nhà hàng quán ăn.
Cơ quan y tế thành phố Bắc Kinh được giao nhiệm vụ kiểm soát và ngăn chặn tốc độ lây lan của các dịch bệnh truyền nhiễm nếu xảy ra. Cơ quan này còn phải đảm bảo an toàn thực phẩm và kiểm tra các địa điểm diễn ra Olympic để đảm bảo rằng, các nhà hàng, khách sạn, bể bơi, nguồn thực phẩm và nước sử dụng những nơi ấy luôn ‘’sạch’’.
An ninh được thắt chặt với lực lượng bảo vệ lên đến 100.000 người, hơn 300.000 camera được lắp đặt tại các sân vận động, khu thi đấu thể thao. Được biết, cơ quan Công an Bắc Kinh đã tuyên bố trao thưởng cho những thông tin cung cấp về nguy cơ đe dọa an ninh trong thời gian diễn ra Olympic từ 10.000 Nhân dân tệ đến 500.000 Nhân dân tệ, tùy sự quan trọng của thông tin họ nhận được.
Cơ hội vàng cho tiếp thị
Việc chọn Trung Quốc làm chủ nhà Olympic đã thu hút sự quan tâm của nhiều nhà tài trợ - những người kỳ vọng lấy sự kiện này làm đòn bẩy để phát triển thị trường. Động lực tài trợ cho Olympic 2008 khác với 4 năm trước tại Athens khi các nhà tài trợ lúc đó chủ yếu quan tâm đến khả năng cung cấp toàn cầu chứ không quan tâm đến cơ hội phát triển ở thị trường đã bão hòa của Hy Lạp.
Còn tại Bắc Kinh, các nhà tài trợ chủ yếu nhắm đến việc tăng cường sự hiện diện ở thị trường hơn 1,3 tỷ người tiêu dùng. Kết quả cuộc khảo sát mới đây cho thấy 68% người hâm mộ thể thao Trung Quốc thích nhãn hiệu của các nhà tài trợ tại Olympic hơn.
Trước đó, nhiều công ty lớn trên thế giới đã cạnh tranh nhau quyết liệt để giành các hợp đồng tài trợ cho Thế vận hội Olympic 2008. Họ kỳ vọng sẽ tăng thêm khả năng tiếp cận thị trường, nâng cao uy tín thương hiệu, thu được nhiều lợi nhuận từ sự kiện này.
Điều đó cũng dễ hiểu bởi có hơn 1 tỷ người Trung Quốc dự kiến sẽ theo dõi Olympic Bắc Kinh. Đó là chưa tính khoảng 600.000 khách quốc tế đến Bắc Kinh và 4,5 tỷ người trên thế giới xem qua truyền hình.
Ủy ban tổ chức Olympic tự tin tuyên bố - đây sẽ là Olympic “tốt nhất từ trước tới nay” với quy mô lớn hơn, hào nhoáng hơn, tổ chức tốt hơn và khả năng sinh lợi cao hơn. Trước đây, chưa bao giờ một sự kiện thể thao toàn cầu được gắn với cơ hội quảng cáo và lợi nhuận như vậy.
Nhờ sự kiện thể thao toàn cầu trọng đại này, các khách sạn sẽ chật kín khách, và hàng triệu USD sẽ được chi cho các khoản: vé, hàng tiêu dùng và quà lưu niệm.
Nhà sản xuất máy tính Lenovo và một số thương hiệu khác xem Olympic Bắc Kinh 2008 như một cơ hội để quảng bá thương hiệu ở cả trong và ngoài nước. Lenovo là doanh nghiệp Trung Quốc duy nhất là đối tác toàn cầu của Olympic 2008, họ kỳ vọng sự kiện này sẽ giúp thương hiệu máy tính Lenovo vươn rộng ra thế giới.
Những doanh nghiệp được hưởng lợi lớn nhất từ sự kiện này là các nhà sản xuất đồ thể thao. Ngoài hai tên tuổi lớn là Adidas và Nike, hãng Li-Ning của Trung Quốc cũng đặt kỳ vọng phát triển lớn ở Olympic Bắc Kinh.
Trong khi đó, hai tập đoàn sữa lớn đã chi 1 tỷ nhân dân tệ cho chiến dịch tiếp thị Olympic với hy vọng qua đó mở rộng thị phần. Hiệp hội nghiên cứu kinh tế Olympic Bắc Kinh dự đoán - Olympic 2008 sẽ tiếp tục làm lợi cho ngành du lịch nước này trong khoảng một thập kỷ sau khi sự kiện kết thúc.
PHƯƠNG NAM (Tổng hợp)