Bác luôn trong tim chúng tôi

Bác luôn trong tim chúng tôi
  • Giáo sư Trần Văn Giàu: Nhớ một “chữ kiệm” của Bác Hồ
Bác luôn trong tim chúng tôi ảnh 1

Tôi nghĩ: Một trong tầm tư tưởng sâu sắc của Bác Hồ là vấn đề đạo đức cách mạng. Bác coi đây là gốc, là nền tảng của cách mạng. Người làm cách mạng phải biết hiểu những chuẩn mực đạo đức “trung với nước, hiếu với dân; cần, kiệm, liêm chính; chí công vô tư”. Đó cũng là sự kế thừa đạo đức truyền thống dân tộc. Phẩm chất đạo đức cách mạng Bác nêu ra không phải là điều gì cao xa mà là những điều giản dị. Khi Bác đề xuất công việc gì cho ai, người đó cũng dễ dàng tiếp thu và có thể làm được việc.

Và chính Bác luôn là người thực hiện gương mẫu đạo đức ấy. Tôi nhớ lúc ở miền Bắc, có lúc được dùng cơm chung với Bác Hồ, tôi để ý thấy Bác không bao giờ để cơm rơi, cơm thừa. Có lúc tôi ăn xong vẫn còn thừa một ít trong chén, Bác nhắc ngay đừng để lãng phí một hạt gạo nào của nhân dân. Tôi hiểu ra và ăn sạch chén. Một kỷ niệm khác về chuyện mặc. Năm đó tôi cũng được cơ quan may tặng bộ quần áo mới. Gặp tôi trong bộ quần áo mới, Bác hóm hỉnh nhận xét ngay: “Bộ nút áo này đẹp quá nhỉ!”. Tôi hơi bối rối vì biết Bác tế nhị nhắc khéo bộ nút áo của tôi có lẽ là trông phô trương quá mà lúc này thì đất nước mình còn khó khăn lắm…

Nhắc lại một chút kỷ niệm nhỏ về Bác Hồ, tôi càng thấy ý nghĩa về chữ “kiệm” trong đạo đức cách mạng của Bác Hồ lớn lao biết chừng nào. Chỉ riêng chữ “kiệm”, suy ngẫm lại trong xã hội hiện tại, chúng ta thấy còn biết bao điều, biết bao tiền của nhân dân bị lãng phí!

  • Bác sĩ Ngô Văn Quỹ: Tôi thấy dấu ấn của Bác Hồ ở mọi người…
Bác luôn trong tim chúng tôi ảnh 2

Năm 1946, tôi được cử đi cùng 12 anh em Bình Xuyên mang 35kg vàng ra Hà Nội đóng góp cho “Tuần lễ vàng”. Ông Chánh Văn phòng Bộ Quốc phòng hỏi tôi có mong muốn gì? Không được tự tin lắm, tôi nói ước mơ lớn nhất của mình là được gặp Bác Hồ. Không ngờ yêu cầu được đáp ứng, tôi được đưa đến Phủ Chủ tịch ở đường Ngô Quyền. Lúc đó khoảng 17 giờ 30, tôi lo rằng Bác đã về rồi. Thế nhưng, khi chúng tôi vào phòng làm việc, thấy Bác vẫn còn ngồi đó. Sau khi nghe giới thiệu về nhiệm vụ chúng tôi vừa hoàn thành, Bác cười, cho tôi một điếu thuốc, rồi ân cần hỏi thăm sức khỏe của chúng tôi và về chuyến đi. Lần đó tôi chỉ gặp Bác vỏn vẹn hơn 10 phút.

Lần thứ hai, vào năm 1950, tôi cùng một số đồng chí được cử đến huyện Lộc Bình (Lạng Sơn) để tổ chức lớp đào tạo cán bộ cho những vùng mới giải phóng. Đêm ở rừng rất buồn. Khoảng 20 giờ, trong lúc đang tán gẫu, chúng tôi quá đỗi bất ngờ và xúc động khi được Bác Hồ đột ngột đến thăm. Lúc này Bác gầy đi rất nhiều so với khi tôi được gặp lần đầu. Bác ngồi giữa, hỏi thăm sức khỏe, công việc, rồi dặn rằng chúng tôi đang sống và làm việc bên cạnh đồng bào thiểu số, phải chú ý cư xử sao cho thật tốt để đồng bào yêu mến và tôn trọng. Bác trò chuyện với chúng tôi đến khoảng 22 giờ rồi đi.

Được gặp Bác chỉ hai lần ngắn ngủi, thế nhưng mãi mấy mươi năm sau này, qua hai cuộc kháng chiến, tôi vẫn như luôn thấy dấu ấn của Bác ở khắp nơi, trong từng cách nghĩ, cách cảm, cách làm việc, và trong tác phong của mỗi người, của cả dân tộc.

  • BS Nguyễn Thị Ngọc Phượng,  Giám đốc BV Phụ sản Từ Dũ: Không có Bác thì người dân Việt Nam mãi chịu nhục nô lệ
Bác luôn trong tim chúng tôi ảnh 3

Khi còn nhỏ tôi đã được nghe các cậu tôi kể nhiều về Bác Hồ.  Qua các câu chuyện đó tôi thấy Bác như một vị thánh. Năm 1954 đến năm 1964, ba mẹ tôi ở Chúp, Công Pông Chàm (Campuchia), thời gian đó hè nào tôi cũng sang thăm ba má và đọc báo của miền Bắc đưa vào. Trong những số báo đó tôi thấy đăng hình của Bác Hồ. Đó là lần  đầu tiên tôi nhìn thấy hình ảnh Bác. Nhìn ảnh tôi cứ nghĩ  bác giống như ông tiên.

Mắt Bác sáng, chòm râu bạc nụ cười quá đôn hậu… Đến năm 1967, khi tròn 23 tuổi, tôi mới có dịp tiếp cận với BS Dương Quang Trung. Mỗi lần gặp tôi BS Dương Quang Trung lại kể nhiều câu chuyện cảm động về Bác Hồ. Cũng thời điểm đó, trong một lần bàn cãi ở nhà chồng, tôi bày tỏ chính kiến của mình. Tôi nói không  có Bác Hồ thì người dân Việt Nam mãi chịu nỗi nhục nô lệ- nỗi nhục mất nước. Nghe tôi nói thế mấy người giúp việc trong gia đình chồng tôi đắc ý lắm! Năm 1969, khi nghe tin Bác Hồ mất tôi đã khóc. Những ngày đó trên đường phố Sài Gòn tôi thấy  khung  cảnh buồn đến nao lòng.

  • Phó GS.TS Đinh Lê Thư (Trường ĐHKHXH&NV): bốn lần gặp Bác - bốn lần ngạc nhiên
Bác luôn trong tim chúng tôi ảnh 4

Là một cô bé quê ở An Giang, mới 8 tuổi tôi đã xa gia đình để tập kết ra Bắc. Lần đầu tiên được gặp Bác Hồ, khi tôi đang học lớp 4 ở Lưu học xá Nam Ninh (Quảng Tây, Trung Quốc). Lần thứ hai tôi được gặp Bác Hồ khi Bác bất ngờ đến thăm Trường học sinh miền Nam số 8, Hải Phòng. Khi ấy, tôi đang học lớp 6. đang ngồi ăn cơm thì bỗng nhiên thấy Bác xuất hiện ở nhà ăn, tôi cũng như các học sinh khác đều chạy ùa lại bên Bác, trong khi đó nhà trường và giáo viên không ai biết Bác đã đến trường… Sau đó, Bác vào nhà bếp xem nhà trường nấu những món gì cho học sinh ăn, Bác đi tận các nơi, xem xét các điều kiện sinh hoạt dành cho học sinh. Lần thứ ba tôi được gặp Bác Hồ khi Bác cùng với ông Chủ tịch nước Tiệp Khắc đến thăm Trường học sinh miền Nam số 4, Hải Phòng.

Lúc này tôi đang học lớp 8, vì là học sinh giỏi, nên tôi vinh dự được nhà trường chọn mang hoa đến tặng Bác Hồ. Bác nhận hoa và đặt tôi ngồi kế bên Bác, Bác lấy nhiều kẹo, nhiều quýt cho tôi và Bác dặn tôi nhớ đem về cho các bạn. Lần thứ tư tôi gặp Bác, cũng là một lần vô cùng bất ngờ. Năm đó, tôi đang học lớp 9. Ngày Tết xa nhà, nên một số học sinh miền Nam được đơn vị bộ đội ở Nông trường nuôi bò sữa Ba Vì đón về ăn Tết. Vui đón giao thừa đến rất khuya, nên sáng sớm mùng một Tết, tôi đang cuộn mình trong chăn để tránh cái lạnh như cắt da ở nông trường thì chợt nghe tiếng kẻng và tiếng kêu: Dậy đi, có Bác Hồ đến!

Tôi thức dậy và rất ngạc nhiên khi biết Bác đã phải đi rất sớm để đến thăm bộ đội lúc trời chưa hửng sáng trong ngày mùng một Tết như thế này!

Bác Hồ đã ra đi, nhưng trong lòng mỗi người, trong lòng tôi, mãi mãi luôn có hình bóng của Bác...

NHÓM PV 

Tin cùng chuyên mục