Trong hàng trăm mẩu chuyện, bài cảm nghĩ của du khách khắp mọi miền đất nước và cả du khách nước ngoài đến tham quan Bảo tàng Hồ Chí Minh - Chi nhánh TPHCM tại Bến Nhà Rồng - ghi vào quyển sổ cảm nghĩ, chúng tôi đọc được một dòng chữ mộc mạc, chứa đựng tình cảm yêu thương, kính trọng Bác vô vàn của một nữ sinh viên Khoa Luật, Trường Đại học Tôn Đức Thắng: “Cảm ơn Người. Mãi kính yêu và đời đời nhớ ơn Bác”…
Cuối dòng cảm nghĩ, cô sinh viên Trường Đại học Tôn Đức Thắng không để lại họ tên, địa chỉ cụ thể. Nhưng những dòng chữ nắn nót, mộc mạc không trau chuốt đã nói lên tất cả lòng kính yêu Bác từ trái tim. “Từ thuở nhỏ đến nay, tôi đã học được ở Bác rất nhiều điều về tư tưởng, đạo đức, phong cách, việc làm vĩ đại của Bác Hồ kính yêu…”, cô nữ sinh viên này viết.
Lật sang trang bên cạnh là dòng tâm sự của một bạn nam sinh viên Trường Đại học Nông Lâm TPHCM: “Mỗi lần đến đây tôi đã vô cùng xúc động trước tình cảm của nhân dân dành cho Bác, cũng như tình cảm của Bác dành cho nhân dân…”. Một dòng chữ nắn nót khác của cậu học trò lớp 5 Trường Tiểu học Nguyễn Bỉnh Khiêm: “Con đã học thuộc 5 điều Bác Hồ dạy, và như thế là đủ cho cuộc đời con sau này rồi”. Cô công nhân ở Tiền Giang viết: “Hơn 100 năm đã trôi qua, nhưng những làn gió mát từ sông Sài Gòn thổi vào làm cho chúng con cứ ngỡ như hơi thở Bác vẫn còn đâu đây...”.
Chúng tôi còn đọc được nhiều dòng chữ tiếng nước ngoài của những du khách người Anh, Australia, Mỹ, Nga… tỏ lòng kính yêu Bác, đã được dịch ra tiếng Việt: “Bảo tàng Hồ Chí Minh nói về cuộc đời của Hồ Chí Minh đã dạy cho tôi nhiều về mẫu hình trong lịch sử Việt Nam. Cống hiến của ông là vô cùng lớn lao đối với người Việt Nam…”, “Tôi muốn được gọi Hồ Chí Minh là Bác như mọi người dân Việt Nam thường gọi. Tôi đã được sống và làm việc ở Việt Nam, dù ngắn thôi nhưng rất quý Bác, vì Bác là Nhà văn hóa, Nhà cách mạng vô sản của thế giới…”.
Mỗi năm Bảo tàng Hồ Chí Minh - Chi nhánh TPHCM đón hàng ngàn lượt đoàn du khách từ khắp nơi đến tham quan, tìm hiểu tư liệu, hiện vật về cuộc đời và sự nghiệp cách mạng vĩ đại của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Dù mỗi người khi đến đây có một cảm xúc, suy nghĩ, học tập khác nhau về tư tưởng, đạo đức, phong cách của Bác, nhưng tựu trung lại vẫn là tình yêu nồng nàn, sự kính trọng, khâm phục dành cho Bác.
Để truyền và giữ lại tình yêu với Bác, rất nhiều cơ quan, đơn vị, tổ chức, doanh nghiệp đã tổ chức các buổi sinh hoạt, thảo luận chuyên đề về tư tưởng, đạo đức, phong cách Bác Hồ và học Bác, làm theo Bác từ những hình ảnh, hiện vật quý trưng bày tại bảo tàng. Qua đó giúp cho mọi người hình thành nên tình cảm, suy nghĩ về giá trị của những phẩm chất tốt đẹp mà Bác đã để lại cho dân tộc ta và các thế hệ hôm nay.
Theo Giám đốc Bảo tàng Hồ Chí Minh - Chi nhánh TPHCM Lưu Thị Tuyết Trinh, hàng năm cứ vào dịp kỷ niệm các ngày lễ lớn như Ngày thành lập Đảng 3-2, Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước 30-4, Ngày sinh Bác 19-5, Quốc khánh 2-9…, nhiều cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp đến dâng hoa, tổ chức lễ báo công dâng Bác, lễ kết nạp Đảng, kết nạp Đoàn, sinh hoạt chuyên đề…, thu hút nhiều thế hệ tham gia.
Những hoạt động này làm sinh động, phong phú thêm cho nét đẹp văn hóa truyền thống, lịch sử và truyền giữ tình yêu Bác cho thế hệ hôm nay. Bảo tàng Hồ Chí Minh - Chi nhánh TPHCM còn phối hợp với nhiều cơ quan, đơn vị, địa phương trên địa bàn tổ chức trưng bày lưu động giới thiệu hình ảnh, tư liệu quý về Bác Hồ, tổ chức các Không gian văn hóa Hồ Chí Minh, góp phần lan tỏa những giá trị tài liệu về cuộc đời và sự nghiệp cách mạng vĩ đại của Bác Hồ.