6 năm miệt mài đèn sách trên ghế trường y và những đêm thức trắng thực tập tại bệnh viện, ra trường với tấm bằng khá, giỏi - một tương lai rộng mở tại không ít bệnh viện lớn đang chờ đón nhiều bác sĩ trẻ.
Thế nhưng, từ bỏ cơ hội tốt đó, không ít bác sĩ “9X” tình nguyện, sẵn sàng tới công tác lâu dài ở vùng cao, vùng sâu, vùng xa gian khó nhất của Tổ quốc để đem sức trẻ, lòng nhiệt huyết và kiến thức có được phục vụ đồng bào dân tộc còn gặp nhiều khó khăn trong việc chăm sóc, bảo vệ sức khỏe.
Tuổi trẻ phải cống hiến
Quốc lộ 6 từ Hà Nội lên Điện Biên dài gần 600 cây số với những đèo, dốc quanh co hiểm trở. Sau hơn 10 tiếng xe chạy, chúng tôi tới Trung tâm Y tế huyện Mường Ảng cũng là lúc hoàng hôn buông xuống. Khí lạnh, sương núi kéo đến dày đặc, khiến không gian trở nên mờ ảo. Cách thành phố Điện Biện chừng 50 cây số, Trung tâm Y tế huyện Mường Ảng hiện vẫn là vài dãy nhà lụp xụp, những ánh đèn le lói hắt ra từ phòng bệnh kín bệnh nhân.
Sau những cái bắt tay thật chặt, bác sĩ Bùi Thanh Hải, Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Mường Ảng, không giấu vẻ vui mừng khi đón nhận nữ bác sĩ trẻ người Hà Nội được đào tạo bài bản, tình nguyện lên trung tâm công tác trong thời gian 2 năm - đó là bác sĩ Doãn Thanh Hương (quê Phúc Thọ, Hà Nội). “Cán bộ y tế của Mường Ảng rất thiếu, bác sĩ có trình độ, nhất là chuyên khoa ngoại, sản, nhi... đếm chưa hết đầu ngón tay nên bác sĩ Hương tình nguyện lên công tác tại Mường Ảng thực sự rất đáng quý đối với trung tâm y tế và bà con địa phương...” - bác sĩ Hải bộc bạch.
Bác sĩ trẻ Doãn Thanh Hương khám cho nữ bệnh nhân người dân tộc Thái.
Khuôn mặt vẫn còn tái mét vì chưa hết say xe sau hành trình dài, nhanh chóng khoác chiếc áo blouse trắng vào, cô gái xinh xắn người Phúc Thọ (Hà Nội) vội theo một bác sĩ đã khá lớn tuổi của trung tâm đến phòng bệnh nhân ngay. Nhìn dáng người nhỏ nhắn, mảnh khảnh của Hương, tôi thực sự ngỡ ngàng và cảm phục sự xông xáo của nữ bác sĩ trẻ này. 24 tuổi, tốt nghiệp Đại học Y Hải Phòng, ra trường, trong khi không ít bạn bè cùng trang lứa đôn đáo, chạy vạy khắp nơi để tìm công việc ở thành phố thì Hương lại bất ngờ viết đơn tình nguyện lên công tác tại huyện Mường Ảng - một trong 62 huyện nghèo nhất nước.
Nở nụ cười rạng rỡ nhưng gương mặt đầy rắn rỏi, Hương tâm sự: “Em nghĩ rằng đã là tuổi trẻ được đào tạo, ăn học đầy đủ thì phải cống hiến cho cộng đồng. Những năm học dưới mái trường Đại học Y Hải Phòng, em tham gia nhiều hoạt động xã hội và cảm thấy rất buồn, trăn trở khi biết người dân ở nhiều vùng sâu, vùng xa còn rất khó khăn trong cuộc sống. Cho nên em luôn mong muốn được đóng góp công sức, kiến thức của mình để chăm sóc sức khỏe cho bà con tốt hơn. Khi dự án đưa bác sĩ trẻ làm việc tại 62 huyện nghèo của Bộ Y tế được triển khai về nhà trường, em đã suy nghĩ rất nghiêm túc rồi quyết định viết đơn đăng ký tình nguyện lên công tác tại Mường Ảng. Biết được quyết định này của em, lúc đầu bố mẹ em rất buồn và phản đối vì cả nhà chỉ có 2 anh em, mà em là con út. Thế nhưng, sau khi nghe em phân tích và thuyết phục, hiểu được quyết tâm của em và ý nghĩa của dự án, bố mẹ đã ủng hộ...” - Hương chia sẻ.
Đem sức trẻ phục vụ đồng bào
Mất hơn nửa ngày nữa vượt thêm chặng đường dài hơn 200 cây số với những cung đường xoắn ốc, cheo leo như sợi chỉ vắt ngang các dãy núi hiểm trở, chúng tôi cùng với bác sĩ Nguyễn Văn Hiếu (25 tuổi, quê Mê Linh, Hà Nội) lên tới huyện Mường Nhé - mảnh đất biên ải xa nhất, nằm ở cực Tây Bắc của Tổ quốc, nơi ngã ba biên giới Việt Nam - Lào - Trung Quốc. Hơn nữa, Mường Nhé còn là huyện nghèo nhất nước. Cả huyện có 11 xã đều thuộc vùng khó khăn nên việc đi lại và cuộc sống của người dân rất gian khổ. Đối với Hiếu, từ khi còn ngồi ghế giảng đường Đại học Y Hà Nội, cậu đã nung nấu quyết tâm khi ra trường sẽ xin lên công tác tại Tây Bắc để được đóng góp một phần công sức nhỏ bé phục vụ đồng bào. Đặc biệt, sau khi biết Mường Nhé còn nhiều khó khăn về y tế, nhất là rất thiếu y, bác sĩ, Hiếu đã viết thư đăng ký xin lên Mường Nhé công tác ngay sau khi tốt nghiệp. “Công việc ở Mường Nhé chắc chắn sẽ khó khăn, gian khổ hơn nhiều so với các nơi khác, nhưng em không ngại. Em muốn thử thách bản thân và khẳng định tinh thần cống hiến và chia sẻ vì cộng đồng của tuổi trẻ. Lên Mường Nhé, em sẽ cố gắng học hỏi thêm tiếng dân tộc, tìm hiểu phong tục, tập quán của người dân địa phương để công việc khám chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe cho bà con được thuận lợi hơn...” - Hiếu tâm sự.
Bác sĩ trẻ Nguyễn Văn Hiếu trong một lần khám bệnh tình nguyện ở vùng sâu.
Trân trọng và cảm phục hơn khi chúng tôi được biết trong khóa tốt nghiệp cùng năm 2014 với Hiếu ở Đại học Y Hà Nội, có không nhiều bác sĩ trẻ ở Hà Nội can đảm đăng ký lên công tác ở vùng sâu, vùng xa. Tuy nhiên, điều đó không làm ảnh hưởng tới Hiếu mà càng thôi thúc người bác sĩ trẻ ở vùng quê ngoại thành Hà Nội quyết tâm hơn. Cũng vì thế mà đối với yêu cầu của đề án là bác sĩ nam phải cam kết công tác tại nơi tình nguyện trong thời gian tối thiểu 3 năm liên tục, Hiếu không một chút đắn đo chấp nhận ngay.
Xa gia đình, đường sá cách trở, điều kiện sống và công việc ở nơi công tác rất gian khổ, chắc chắn nhiều thử thách, gian nan đang chờ đón Hương và Hiếu, cũng như các bác sĩ trẻ tình nguyện lên công tác ở vùng cao, vùng sâu, vùng xa. Nhưng đối với họ, nỗi lo và thử thách lớn nhất là làm sao có thể đem được hết sức lực của tuổi trẻ và những kiến thức có được vào công việc để chăm sóc sức khỏe cho bà con dân tộc được tốt hơn, góp phần giúp người dân nơi đây vơi đi khó khăn trong cuộc sống.
|
MINH KHANG