Thiền sư Vạn Hạnh

Bậc trí giả của lịch sử

Bậc trí giả của lịch sử

Những năm giặc Mỹ leo thang bắn phá miền Bắc, học sinh thị xã Bắc Ninh chúng tôi phải sơ tán về các làng quê nương nhờ cửa Phật. Giờ đây, mỗi khi có dịp trở về chiêm bái chùa Tiêu, tôi có cảm giác thân thương, trìu mến như đang trở về nhà mình vậy. Bao lần bước trên bậc đá cheo leo sườn núi là bấy nhiêu lần tôi thầm khâm phục sự lựa chọn của các bậc cao tăng trí giả.

Bậc trí giả của lịch sử ảnh 1
Tượng thiền sư Vạn Hạnh dựng trên đỉnh Tiêu Sơn.
Ảnh: TRƯƠNG THỊ KIM DUNG

Ngôi chùa trên ngọn Tiêu Sơn chẳng khác Vọng sơn đài, có thể bao quát những cánh đồng, làng mạc trù phú của miền quê quan họ. Chùa Tiêu thuộc trung tâm Phật giáo lớn và cổ xưa nhất của nước ta nên được các triều đại chú ý tu bổ. Nó có kiến trúc quy mô với hệ thống tam bảo, viện cam tuyền, nhà tổ, các bảo tháp... Những công trình còn lại đến ngày nay phần lớn được xây dựng vào thời Lê-Nguyễn. Chùa Tiêu được Bộ Văn hóa Thông tin xếp hạng Di tích Quốc gia vào năm 1991 nhưng danh tiếng của nó đã âm vang trong lịch sử suốt bao thế kỷ.

Hơn đâu hết, chùa Tiêu gắn bó với thân thế - sự nghiệp của sư Vạn Hạnh. Tại chùa Tiêu, Thiền sư đã thực hiện cuộc đời hành trì và những hoạt động chính trị gắn với vận mệnh đất nước Đại Việt.

Theo “Thiền uyển tập anh” và “Đại Nam Thiền uyển truyền đăng lục”, “Vạn Hạnh họ Nguyễn, người Cổ Pháp, sinh trong gia đình nhiều đời thờ Phật. Thời thơ ấu, ngài đã tỏ ra thông minh khác thường, làu thông Tam giáo, nghiên cứu Bách gia chư tử. Xuất gia năm 21 tuổi ở chùa Lục Tổ cùng với Định Tuệ, thờ Thiền ông làm thầy. Vạn Hạnh là một trong những thiền sư xuất sắc bậc nhất của dòng Tỳ-ni-đa-lưu-chi (Vinitaruci) và thành lập thế hệ thứ 12 dòng Thiền Nam phương. Ngài rất am tường Tổng trì Tam ma địa (còn gọi là Bảo vương Tam muội)”.

Xâu chuỗi các sự việc Vạn Hạnh từng trải sẽ “giải mã” được tâm thế và hành động của ông. Vạn Hạnh đã vào đời bằng cửa Nho, ở lại đời bằng cửa Lão và vươn lên, giải thoát bằng cửa Phật.

Với sở học và tài năng siêu việt, trên con đường tu hành, Vạn Hạnh đã dốc toàn bộ tâm lực phù trợ những nhân vật khoan dung, có hoài bão làm cho dân an lạc, nước nhà phồn thịnh.

Thiền sư Vạn Hạnh đã 2 lần cố vấn thành công cho vua Lê Đại Hành phá Tống, bình Chiêm. Với Lý Công Uẩn, sư đã để lại cho hậu thế bài học lịch sử vô giá về sự chọn lựa, đào tạo, huấn luyện người kế vị lãnh đạo quốc gia. Năm Lý Công Uẩn lên 10 tuổi, Vạn Hạnh đón về trực tiếp nuôi dạy và sau này đưa vào triều làm chức Tả thân vệ Điện tiền chỉ huy sứ (phụ trách quân cấm vệ thời Tiền Lê). Khi Lê Ngọa Triều bạo ngược chết, Vạn Hạnh kịp thời động viên Lý Công Uẩn lên ngôi: “Nay xem trong thiên hạ, người họ Lý rất nhiều nhưng không ai bằng Thân vệ, là người khoan từ, nhân thứ, lại được lòng dân chúng mà binh quyền nắm trong tay. Người đứng đầu muôn dân chẳng phải là Thân vệ thì ai đương nổi nữa”.

Nghe lời Thiền sư Vạn Hạnh, Lý Công Uẩn đã tiến hành cuộc thay đổi Vương triều từ Tiền Lê sang Lý mà không gây thảm cảnh đổ máu. Đây là một sự kiện hiếm có trong lịch sử và điều này phù hợp với tinh thần Từ bi hỷ xả của đạo Phật - đạo được Lý Công Uẩn và nhà Lý tôn là quốc giáo.

Chỉ riêng việc tác thành huân nghiệp cho Lý Công Uẩn (974-1028), người sáng lập vương triều hiển hách, kéo dài 216 năm (1009- 1225), đưa Đại Việt lên những đỉnh cao rực rỡ, đã nói lên tầm cỡ vĩ đại của danh nhân văn hóa Vạn Hạnh.

Cũng phải ghi nhận thêm rằng, với Vạn Hạnh, nền văn học chữ viết của dân tộc đã xuất hiện ba loại hình văn học (sấm ký, khuyến, kệ) và ông là một trong số những người hoạt động văn học đầu tiên của nước nhà và dùng văn học để “tải đạo” truyền bá tư tưởng chính trị, giáo dục nhân sinh...

Giờ đây, du khách thăm xứ Kinh Bắc, từ xa hàng cây số đã thấy pho tượng Vạn Hạnh trong tư thế tham thiền giữa trời xanh. Đó không riêng là biểu tượng tôn giáo mà là một trong những dấu ấn văn hóa cho đời sau hướng vọng về cội nguồn dân tộc. 

TRƯƠNG THỊ KIM DUNG

Tin cùng chuyên mục