Bắc Trung bộ lo thiếu nước sản xuất

Năm 2014, khu vực Bắc Trung bộ đón lượng mưa ít, không xuất hiện lũ là điều mừng để người dân vượt qua thiên tai nhưng mặt khác việc mưa ít đang làm đau đầu các nhà hoạch định phân bổ nguồn nước cho ruộng đồng. 
Bắc Trung bộ lo thiếu nước sản xuất

Năm 2014, khu vực Bắc Trung bộ đón lượng mưa ít, không xuất hiện lũ là điều mừng để người dân vượt qua thiên tai nhưng mặt khác việc mưa ít đang làm đau đầu các nhà hoạch định phân bổ nguồn nước cho ruộng đồng. 

Hiện tại, các địa phương Bắc Trung bộ đã báo động việc các hồ chứa nước phục vụ sản xuất đông xuân năm 2014 - 2015 không tích đủ nước có thể làm ảnh hưởng đến năng suất cây trồng, sinh trưởng của lúa cũng như hoa màu. Nguồn sống cho hàng triệu hộ dân có nguy cơ ảnh hưởng nặng. Trung tâm khí tượng thủy văn của các tỉnh Bắc miền Trung cho biết lượng mưa ở các địa phương trên hiện ở mức từ 50% - 60% so với các năm trước.

Trong khi đó, Tổng cục Thủy lợi đánh giá, lượng mưa ở Đông Hà (Quảng Trị) đạt thấp nhất, chỉ ở mức 48% so với cùng kỳ. Sở NN-PTNT Quảng Trị cho biết, việc lượng mưa giảm đã khiến mực nước các hồ chứa ở mức thấp như mực nước tại hồ Nghĩa Hy (Cam Lộ) có dung tích 3,48 triệu m³ nhưng dung tích nước về khoảng hơn 1 triệu m³.

 

Ông Phan Văn Khoa, Giám đốc Sở NN-PTNT Quảng Bình: “Năm nay do lũ lụt không xảy ra, nên chuột và sâu bệnh phát sinh mạnh, vì vậy sở đã tăng cường chỉ đạo điều tra, dự báo dịch bệnh, nhất là chỉ đạo thực hiện diệt chuột ngay đầu vụ đông-xuân để hạn chế thiệt hại xảy ra”.

 

Ông Phan Văn Khoa, Giám đốc Sở NN-PTNT Quảng Bình, đánh giá: “Năm 2014, ở địa bàn có nhiều đợt nắng nóng, mưa ít hơn so với trung bình nhiều năm, nhiều hồ chứa nhỏ bị cạn kiệt, dung tích thiếu hụt so với yêu cầu. Đến thời điểm hiện nay, tổng lượng mưa đo được khoảng xấp xỉ 60% trung bình năm, trong đó lượng mưa các tháng mùa lũ thấp hơn nhiều so với cùng kỳ dẫn đến nguồn nước các hồ chứa có dung tích lớn đạt mức thấp như: An Mã 30%, Cẩm Ly 17%, Tiên Lang 27%, Trung Thuần 20%. Còn lại, đối với các hồ chứa có quy mô nhỏ hầu như dung tích chứa chỉ đạt ở mức thấp so với yêu cầu. Như vậy, tình hình nguồn nước các hồ chứa phản ánh sự khó khăn đối với sản xuất nông nghiệp năm 2015 nói chung và vụ đông-xuân nói riêng”.

Trong khi đó tại Hà Tĩnh, Công ty TNHH MTV Thủy lợi Nam Hà Tĩnh cũng có các báo cáo tương tự. Đơn vị này quản lý 28 hồ chứa, nhưng đến thời cao điểm mưa lũ theo quy luật thì mực nước về đạt thấp, như hồ Kẻ Gỗ có dung tích 106 triệu m³ chỉ đạt hơn 50%. Các hồ khác như Sông Rác, Thiên Tượng, Thượng Tuy… tình hình trữ nước không đủ.

Hiện nhiều nơi ở Quảng Bình đã ra quân diệt chuột bảo vệ mùa màng.

Một điều đáng lo nữa là người dân thông tin, không có lũ, chuột sinh trưởng rất nhanh và nông dân sẽ trở tay không kịp khi vụ đông xuân gieo cấy xuống gặp đúng dịp chuột sinh sản, giống má sẽ bị phá hoại rất nhiều.

Ông Nguyễn Lộc ở An Ninh, Quảng Ninh (Quảng Bình) cho biết: “Lũ lụt thì chạy đọa nhưng nhờ có lũ mà tự nhiên chuột bị diệt chết. Mùa này đến lúc sản xuất vụ đông xuân là mùa chuột đẻ. Nếu có lũ về, nhỏ thôi, ngập đồng thôi thì nông dân được ông trời diệt chuột miễn phí. Chứ như thế này thì cả làng, cả xã phải đi diệt chuột, diệt đủ cách cũng không ăn thua”. Không chỉ chuột mà nhiều bà con nông dân còn cho biết mưa ít, nước về ít, lũ không có cũng là cơ hội cho mầm sống của sâu đục thân, sâu cuốn lá, các loại dịch bệnh không được thau rửa có cơ hội bùng phát làm ảnh hưởng mùa màng của bà con.

Qua tìm hiểu, các địa phương đang gấp rút tìm giải pháp bảo vệ mùa màng vụ đông xuân 2014 - 2015 như thực hiện tưới luân phiên ngay từ đầu vụ, tận dụng các nguồn nước hồi quy để bơm tát phục vụ tưới vụ đông-xuân, tích trữ nguồn nước ở các hồ chứa để phục vụ tưới cho vụ hè thu. 

Tại Quảng Bình, ông Phan Văn Khoa nêu giải pháp: “Phải thực hiện quy trình tưới tiết kiệm nước ngay từ đầu vụ đông-xuân để dành nước về sau và cho vụ hè-thu năm 2015; xây dựng các phương án chống hạn đề phòng hạn xuất hiện trong những tháng cuối vụ”. 

Các địa phương cũng lên phương án chỉ đạo đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu giống lúa theo hướng tăng giống chất lượng, giống có thời gian sinh trưởng trung và ngắn ngày để luồn lách, né tránh mưa rét, úng ngập đầu vụ; tiếp tục đưa giống ngô lai, giống lạc... có năng suất cao, kết hợp đẩy mạnh thâm canh để tăng năng suất, sản lượng. Các công ty TNHH MTV quản lý khai thác công trình thủy lợi các tỉnh Quảng Trị, Quảng Bình, Hà Tĩnh cũng đã chủ động phối hợp với các địa phương cân đối nguồn nước các hệ thống để cùng thống nhất lịch tưới và phương án tưới luân phiên nhằm ứng phó tốt với các nguy cơ hạn hán, thiếu nước diễn biến phức tạp.

MINH PHONG - ANH MINH

Tin cùng chuyên mục