Bác về Tân Trào - châu Tự Do

Chúng tôi ngược bờ sông Đáy về phố huyện Sơn Dương. Hai bên đường dọc theo Nông trường chè Tân Trào, những bụi cây trinh nữ ngại nắng khép chặt lá lại. Những con suối lũ dềnh lên ào ào cuốn những cành cây gãy chảy ra sông. Từ đây còn 12km nữa là đến Tân Trào – thủ đô lâm thời của cách mạng Việt Nam thời trước khởi nghĩa, chúng tôi dừng chân nghỉ ở huyện lỵ.
Bác về Tân Trào - châu Tự Do

Chúng tôi ngược bờ sông Đáy về phố huyện Sơn Dương. Hai bên đường dọc theo Nông trường chè Tân Trào, những bụi cây trinh nữ ngại nắng khép chặt lá lại. Những con suối lũ dềnh lên ào ào cuốn những cành cây gãy chảy ra sông. Từ đây còn 12km nữa là đến Tân Trào – thủ đô lâm thời của cách mạng Việt Nam thời trước khởi nghĩa, chúng tôi dừng chân nghỉ ở huyện lỵ.

Sơn Dương những ngày tiền khởi nghĩa gọi là châu Tự Do, cái tên gọi ấy có từ rằm tháng ba năm 1945. Ôn lại những ngày lịch sử chói lọi và đầy kinh ngạc ấy, người dân Sơn Dương còn nhắc nhớ một buổi bình minh sáng tươi, đội Cứu quốc quân 3 hạ đồn Đăng Châu lần thứ hai, giết tri phủ Đèo Văn Phú, bắt tri châu Hoàng Thế Tâm, giải phóng cả vùng cánh cung rộng lớn của thượng huyện.

Đồng chí Bí thư huyện ủy, người đã từng theo Thượng tướng Song Hào, kể cho chúng tôi nghe về một buổi sáng tinh mơ sáu mươi lăm năm trước, Sơn Dương ngày ấy nổi dậy bằng giáo mác và súng khai hậu cướp Châu đường, phá kho thóc, bắt các hào lý nộp ấn, sắc và triện đồng. Từ đấy UBND cách mạng châu Tự Do ra đời. Chính quyền cách mạng đầu tiên ở nước ta được thiết lập ngay tại một huyện nhỏ.

Trung tuần tháng 5 năm 1945, Bác từ Sơn Dương về Tân Trào. Các anh Song Hào cùng một số đồng chí đến đình Hồng Thái đón Bác. Hồng Thái có một mái đình năm gian dựng trên một khoảnh đất khá rộng. Một cây đa xum xuê giờ đã sắp mục với tám cành lớn ngả bóng mát che rợp mái đình. Hai mươi bốn cây cột lim và hai vế câu đối khắc song song trên đôi cột chính giữa đình:

Đễ Giang tả bão lính nguyên hội
Ngọc tĩnh hữu triều thụy khí chung

Đôi câu đối ngợi ca cảnh kỳ vĩ nơi đây: bên trái sông Đáy bao quanh, nguồn linh thiêng tụ về. Giếng Ngọc chầu bên phải, khí đẹp chung đúc. Sau đình Hồng Thái có bản làng và một cái giếng trong xanh như ngọc ở ngay đầu thôn, nhân dân thường gọi là giếng Ngọc. Hồng Thái là cửa ngõ của Tân Trào, xã Tân Trào mỗi bề dài ngót 8km, trên 50km² diện tích thì rừng già và núi đã chiếm đến quá ba phần tư. Căn cứ địa Tân Trào lấy sông làm hào, lấy núi làm lũy chở che vị trí chiến lược quan trọng này. Muốn về thủ đô khu giải phóng phải qua dòng sông Đáy và bốn con suối sâu.

Hôm ấy vào giữa trưa hè, nắng chói, đồng chí Võ Nguyên Giáp đưa Bác về. Bác dừng lại trước đình ngắm cảnh vật. Những ngọn núi Nản Đen, Kẹm Him, Khao Nhì… vách dựng cao hàng trăm mét, dây leo um tùm. Những dãy rừng lim, rừng phách hoa nở tím viền lấy xã Tân Trào. Bác ngắm dòng sông khe nước. Những dòng khe xinh đẹp, uyển chuyển: đây khe Bòng, suối Thia, kia ngòi Sung, khe Cả chằng chịt dọc ngang vây quanh các bản đồng bào Tày, đồng bào Trại rồi chảy ra ngòi Thung nhập vào sông Đáy. Những ruộng lúa phì nhiêu, những vườn cây ăn quả, bãi chuối xanh rậm bên những bờ sông, ven suối.

Bác có vẻ hài lòng với cảnh núi non và dân cư ở vị trí xung yếu này. Bác cho nơi này là đất dụng binh được “tiến khả dĩ công, thoải khả dĩ thủ”. Ở đây có đường qua đèo De, đường đi Thanh La, đường về Minh Khai và từ các nơi ấy ta có thể đi Bắc Thái, Cao Bằng, qua Vĩnh Yên, Phú Thọ, hoặc về tận Hà Giang, Yên Bái…

Bác Hồ trên đường công tác ở Việt Bắc. Ảnh: Tư liệu
Bác Hồ trên đường công tác ở Việt Bắc. Ảnh: Tư liệu

Hôm về Tân Lập (Tân Trào) Bác mặc áo chàm ngắn đã sờn, xẻ hông kiểu áo Nùng, vai vắt chiếc khăn mặt bông, chân đi giày rơm đã rách có dây quai buộc. Bác đội mũ đen, tay cầm gậy nhỏ. Năm ấy râu Bác chưa bạc, nước da sương nắng sạm đen. Bác gầy, hai gò má nổi cao, nhưng đôi mắt vẫn sáng. Đồng bào kết bè đưa Bác sang sông. Bác về đến bản vừa lúc đồng bào nhen lửa thổi cơm chiều. Lão đồng chí Tiến Sự chỉ cho chúng tôi theo lối Bác bước lên nhà sàn. Hồi ấy, nhà cũ của đồng chí Tiến Sự có cầu thang xoay về phía Đông. Bác bước vào nhà, chào hỏi mọi người thân thiết như người cha đi lâu ngày, nay trở về thăm con cháu.

Hồi ấy dân bản gọi Bác là “đồng chí già” hoặc “đồng chí cụ”, cũng có khi gọi là “đồng chí thượng cấp”. Bà con trong bản thấy ông cụ đã cao tuổi, không biết từ bản nào về mà chăm chỉ lạ thường. Đêm đêm cụ ít ngủ, làm việc đến khuya. Việc gì cụ cũng làm, ai ai cụ cũng thương yêu, chăm sóc. Lúc gà rừng vừa vỗ cánh gáy chào rạng đông, cụ đã dậy, vác ống bương đi lấy nước dưới suối. Ông cụ quét nhà, ông cụ tưới rau, hoặc có khi đắp lại mương nước ở bờ ruộng. Làm xong những việc lặt vặt ấy, cụ mời ngồi vào chiếu, bên bàn máy chữ đặt trên khúc gỗ để làm việc.

Bác thường nghe đồng chí Hoàng Quốc Việt báo cáo tình hình công tác, hoặc đồng chí Văn (Võ Nguyên Giáp) đến xin ý kiến. Tiếng máy chữ tí tích đều đều và có lúc rất khẩn trương. Cũng từ đây những lời hiệu triệu, những bản chỉ thị kêu gọi đồng bào đánh Tây, đánh Nhật, cướp chính quyền giành tự do; những bức thư ký tên Hồ Chí Minh tung khắp núi rừng, về trung du, xuống tận đồng bằng, truyền đi khắp nước.

Ban ngày bận việc, tối tối Bác dành ít thì giờ gặp gỡ dân bản. Tiếng lành đồn xa, các gia đình quanh xóm đến thăm “đồng chí già”, nghe đồng chí kể chuyện đánh Tây, Nhật, nhất là những lời khuyên bảo của đồng chí về việc tăng gia, tiết kiệm, về học tập, về tình hình thời sự… Cách giáo dục của Bác bao giờ cũng nhẹ nhàng, nhưng rất sâu sắc.

Vào một ngày cuối tháng 5 năm 1945, giặc Nhật cho 500 quân cùng lừa ngựa chở súng đạn bất ngờ tiến đánh Tân Trào, hòng tiêu diệt đầu não và lực lượng cách mạng non trẻ của ta. Tân Trào lúc bấy giờ như một chiếc gai lưỡi hùm trước mắt chúng. Mặc dầu hôm đó ta chưa kịp bố trí, nhưng nhân dân đã hết lòng chở che, báo cho đồng chí Môn, đồng chí Thâm và đồng chí Long Giang đưa quân ra chặn đánh ở các ngả và ở đèo Chắn. Nhân dân hết lòng ủng hộ bộ đội chiến đấu. Giặc Nhật đành phải bỏ lại dưới chân đèo nhiều xác chết, rồi hoảng sợ rút lui. Và từ đó, chúng không dám bén mảng đến đất Thánh của cách mạng nữa.

Đình Tân Trào là một ngôi đình nhỏ không lợp ngói mà lợp bằng cọ. Nhưng chính nơi đây đã xảy ra một sự kiện vô cùng trọng đại trong lịch sử đấu tranh của dân tộc ta. 14 giờ 30 phút ngày 16-8-1945 Đại hội đại biểu Quốc dân nhóm họp ở đây. Trên 60 đại biểu khắp các tỉnh ở ba miền Trung, Nam, Bắc, Việt kiều ở Xiêm, Lào kéo về chật cả ngôi đình bé nhỏ, mở hội non sông.

Đồng chí Trường Chinh báo cáo trước Quốc dân Đại hội về vấn đề chuẩn bị Tổng khởi nghĩa và thành lập Ủy ban giải phóng dân tộc. Đại hội cử Bác làm Chủ tịch ủy ban. Đó là chính phủ lâm thời và là Nhà nước dân chủ nhân dân đầu tiên của ta. Tại nơi đây, cụ Hồ Chí Minh lần đầu ra mắt đại biểu quốc dân. Các chiến sĩ Giải phóng quân bắn ba loạt súng chào mừng và ngay chiều hôm đó, dưới gốc đa Tân Trào, nắng xiên qua vòm lá, đồng chí Võ Nguyên Giáp đứng trên mô đất cao đọc bản Quân lệnh số 1 của Ủy ban Khởi nghĩa. Tân Trào từ đấy thật sự trở thành thủ đô lâm thời và là đại bản doanh của quân cách mạng.

Trước cơ hội ngàn năm có một, Việt Nam Giải phóng quân tiến về chiếm Thái Nguyên. Các đơn vị giải phóng quân từ các chiến khu kéo về các tỉnh cùng nhân dân nhất tề nổi lên giành lấy chính quyền. Mệnh lệnh Tổng khởi nghĩa truyền đi từ Tân Trào ngày 18-5-1945, thì Hà Nội khởi nghĩa ngày 19-8, Huế ngày 23-8 và Sài Gòn ngày 25-8.

Chỉ trong vòng một tuần lễ, nhân dân ta đã đứng lên giải phóng toàn bộ đất nước. Sức lay trời chuyển đất của Đại hội Tân Trào là thế. “Dù đốt cháy dãy Trường Sơn cũng kiên quyết giành cho được độc lập”, lời Bác như chim bằng giang rộng cánh, đó là lời của tổ tiên 4.000 năm giục ta lên đường xông trận. 

ĐOÀN MINH TUẤN

Tin cùng chuyên mục