Cơn lốc phát triển các resort

Bài 1: “Ăn” mất biển

Bài 1: “Ăn” mất biển

Resort - khu nghỉ dưỡng cao cấp- đang phát triển mạnh mẽ dọc bờ biển Ninh Thuận, Bình Thuận, với vẻ đẹp mỹ miều và sang trọng nhờ luôn được trau chuốt, o bế. Tuy nhiên đằng sau nó đã phát sinh nhiều điều đáng lo ngại trước mắt là những tác hại đối với môi trường xung quanh!

  • Tự phát và manh mún

Năm 1995, Bình Thuận trở thành tâm điểm của sự kiện “Nhật thực - chuyện tình vũ trụ giữa mặt trăng và mặt trời”. Mũi Né là điểm nhìn rõ và trọn vẹn hiện tượng thiên nhiên kỳ thú, nên thu hút đông đảo du khách hiếu kỳ. Từ đó, Mũi Né xuất hiện trên bản đồ du lịch trong và ngoài nước, tạo tiền đề cho du lịch Bình Thuận tăng tốc, thu hút hàng loạt nhà đầu tư với quyết tâm biến xứ cát thành khu resort cao cấp.

Bài 1: “Ăn” mất biển ảnh 1

Sớm nhất là khu resort Mũi Né- Hàm Tiến, TP Phan Thiết, với 30 khu resort nằm san sát nhau, trải dài sát mép biển gần 2km. Tất cả các khu resort được xây dựng tại vị trí đẹp nhất: Dưới rặng dừa, sát bãi biển, mặc dù khoảng cách của con đường ven biển với bãi biển chỉ độ 100m. Bà H., chủ resort A tự hào cho biết cơ ngơi này hiện diện tại đây sớm nhất, có diện tích 1,2ha. Resort A được trang trí rất đẹp, từ ngôi nhà lợp tranh, được chăm chút tỉ mẩn, từng ngày.

Tuy nhiên, do mật độ xây dựng dày đặc nên mới 9 giờ sáng không khí trong resort đã khá oi nồng, mặc dù ngay sát bên hông là sóng biển rì rào, lộng gió. Thấy chúng tôi mồ hôi chảy nhễ nhại, bà H. luôn miệng giải thích: “Những resort bên cạnh có mật độ xây dựng cao lắm, có nơi xây 2-3 tầng lận. Chúng tôi được phép cho xây nhà nghỉ 3 tầng, nhưng tôi không xây vì sợ phá vỡ cảnh quan!?”.

Đây là một trong những trường hợp tiêu biểu cho bức tranh của khu resort đầu đàn tỉnh Bình Thuận: Không quy hoạch, quy mô và lối kiến trúc tùy tiện. Có những khu resort với chiều dài mặt tiền hàng trăm mét, nhưng cũng có khu resort chỉ rộng độ 20m hoặc là một khối bê tông ấn xuống bãi biển.

Đặc biệt, khu resort Coco Beach đã xây nguyên bờ tường cao gần 3m bao phủ toàn bộ mặt tiền, làm cho hơi mát của biển không thể lan tỏa vào đất liền. Ở tỉnh bạn Ninh Thuận liền kề, bãi biển Ninh Chữ được biết đến với rừng dương trên 50 năm tuổi. Nhiều người ví von rằng, biển Ninh Chữ là lá phổi xanh, “sân chơi” duy nhất cho thị xã nhỏ bé. Nhưng năm 2000, khu du lịch Hoàn Cầu “xâm chiếm” bãi biển Ninh Chữ.

“Lúc ấy cả thị xã không có khu sinh hoạt nào, biển Ninh Chữ đẹp nhưng hoang sơ. Công ty Hoàn Cầu xin đầu tư tại bãi biển làm khu vui chơi thiếu nhi, nhà hàng nên ai cũng mừng”, bà Hoàng Thị Út Lan, Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận kể. Tỉnh đã tạo cơ chế “thoáng” cho Hoàn Cầu: Khu đất làm khu du lịch nằm đè lên rừng dương (rừng phòng hộ) ban đầu chỉ làm thủ tục giao đất lâm nghiệp, sau đó mới hợp thức hóa bằng hình thức thuê đất trong thời hạn 49 năm. Lối thiết kế của khu du lịch Hoàn Cầu tận dụng triệt để mặt bằng với mật độ xây dựng quá dày, những bức tường đã che chắn toàn bộ tầm nhìn ra biển.

Đến nay, bãi biển Ninh Chữ có 9 dự án được cấp phép xây dựng resort. Một số dự án đi vào hoạt động gồm có Hoàn Cầu, Đen Giòn, Thái Bình, các dự án còn lại đang triển khai xây dựng. Trong đó, dự án lớn nhất là Sài Gòn- Ninh Chữ đang xây dựng khách sạn theo tiêu chuẩn 4 sao - khi công trình hoàn thành, đồng nghĩa với một khối bê tông cao 9 tầng trùm lên bờ biển thơ mộng!

  • Nỗi khổ của cộng đồng

Bãi biển Ninh Chữ là quà tặng của tạo hóa dành cho vùng đất chỉ có “nắng và gió”. Con đường Yên Ninh chạy ven biển, cách bãi biển độ 50-100m, đã ngăn đôi rừng dương và biển. Theo ông Lê Văn Lợi, Giám đốc Sở Thương mại- Du lịch Ninh Thuận thì quốc tế khuyến cáo làm như vậy, còn nhà đầu tư thì cứ muốn xây… trên rừng dương. Vì “chiều” nhà đầu tư, nên xảy ra chuyện phá vỡ mỹ quan.

Bài 1: “Ăn” mất biển ảnh 2

Mái ngói resort nhìn từ biển vào trông như những dãy nhà tập thể.

Một chuyện khó hiểu khác, quy định về xây dựng bắt buộc chủ đầu tư phải xây dựng công trình cách mép nước biển lúc thủy triều cao nhất là 25m. Tuy nhiên, tất cả các khuôn viên resort đã xây dựng xong chỉ cách mép nước biển chừng 5m. Như vậy biển chỉ thuộc về resort?!

Mặt khác, các khu resort nằm san sát nhau, có đoạn dài hơn 1km mới có lối đi xuống bãi tắm dành cho cộng đồng. Lối đi hẹp, bãi tắm nhỏ đã gây nên tình trạng quá tải, chật chội vào những chiều hè oi ả. Điều này cũng xảy ra tương tự tại Mũi Né, Bình Thuận.

Một vấn đề nan giải khác là việc tổ chức tái định cư khi di dời người dân nằm trong quy hoạch dự án. Hơn một năm qua, anh Diệp Minh Hùng, thôn Kê Gà, xã Tân Thành, huyện Hàm Thuận Nam, Bình Thuận rất bức xúc trước chuyện di dời vì nằm trong quy hoạch phát triển du lịch. Từ khi có dự án về làng, chính quyền không cho xây cất nhà cửa, cả làng bị quy hoạch “treo”.

Anh băn khoăn: “Mảnh đất tôi đang ở mua cách nay 8 năm, gia đình sống bằng nghề biển ổn định. Nếu di dời thì phải đi đâu, giá cả đền bù thế nào, ở xa biển thì làm gì?”. Đây là thực trạng chung của những người dân đang bị ảnh hưởng bởi 80 dự án xây dựng resort trên toàn xã.

Tại cuộc họp vào cuối tháng 5-2005, Công ty Tư vấn thiết kế Thùy Dương, tỉnh Bình Thuận làm tư vấn cho 2 khu tái định cư đã đưa ra phương án đền bù áp giá đất nông nghiệp là 6.700đ/m2, đất màu 10.500đ/m2. Đại diện UBND xã không chấp thuận vì đây là tính theo giá đất cũ, còn bảng giá đất mới ban hành đầu năm 2005 theo quy định của Luật Đất đai, đất nông nghiệp loại 2 phải là 32.000đ/m2, đất màu loại 1 là 54.000đ/m2.

Cũng trong thời điểm này, xã Tân Thành lại nhận công văn thông báo của Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận với nội dung: Bồi thường về đất nông nghiệp là 40.000đ/m2. Người dân ta thán không biết cách tính này nằm trong khuôn khổ nào!”. Một chuyện lo lắng khác, ngư dân vùng biển không phải ai cũng nhiều ruộng đất. Có hộ chỉ “lận lưng” được vài sào đất, nếu dời vào khu tái định cư có giá vài trăm triệu đồng một nền đất thì lấy tiền ở đâu để mua đất, xây nhà?  

LƯƠNG THIỆN- CHIẾN DŨNG

Tin cùng chuyên mục