Bài 1: Chưa mặn mà với dịch vụ công trực tuyến

Cực nhưng... chắc ăn!

Thách thức trong xây dựng chính quyền điện tử

Việc sử dụng dịch vụ công trực tuyến sẽ giúp người dân nhiều tiện ích thiết thực: tiết kiệm thời gian, chi phí và có thể thực hiện bất cứ lúc nào. Tuy nhiên, ghi nhận của phóng viên Báo SGGP, hiện nay tại hầu hết các quận - huyện TPHCM, người dân chưa mặn mà với dịch vụ công trực tuyến mà vẫn trực tiếp đến cơ quan công quyền để nộp thủ tục hành chính.

Người dân tra cứu thông tin tại UBND quận Bình Thạnh. Ảnh: Vân Anh

Cực nhưng... chắc ăn!

Ghi nhận tại quầy tiếp nhận hồ sơ nhà đất và thành lập - phát triển doanh nghiệp (DN) bộ phận nộp hồ sơ hành chính và trả kết quả của UBND quận 10, người dân đến nộp hồ sơ khá đông. Chị Phan Thị Thao (nhà ở phường 8, quận 10) cho biết, chị đến đây để nộp hồ sơ xin giấy phép xây dựng căn nhà của gia đình từ cấp 4 thành 1 trệt 1 lầu. Hỏi chị Thao sao không khai thủ tục qua mạng cho tiện, chị Thao trả lời chị hoàn toàn không biết có tiện ích này.

“Mình không thấy quận phổ biến thông tin này nên cứ đến đây tìm hiểu thủ tục rồi nộp cho chắc. Nếu khai báo qua mạng mà lỡ sai sót thì cũng phí công”, chị Thao lắc đầu và cho rằng thà cực một chút nhưng lại chắc ăn! Một số người dân đến đây làm thủ tục xin cấp phép xây dựng cũng có suy nghĩ giống chị Thao và cho rằng, cái gì “dính” đến nhà đất là phức tạp nên cứ phải đến tận nơi mới yên tâm. Qua trao đổi với người dân, chúng tôi được biết họ hầu như không quan tâm đến những tiện ích công qua mạng mà nếu có cũng chỉ là… tham khảo. Trong khi đó, trang thông tin điện tử quận 10 thông báo rõ: có 3 lĩnh vực được áp dụng dịch vụ công trực tuyến cấp độ 3 (khai báo biểu mẫu qua mạng), gồm: lĩnh vực thành lập và phát triển DN, lĩnh vực lao động tiền lương tiền công, lĩnh vực cấp phép xây dựng.

Cầm hồ sơ để xin thay đổi giấy đăng ký kinh doanh của DN, bà Hoàng Cẩm Ly cho biết, bà là nhân viên văn phòng của một công ty chuyên sản xuất thiệp có trụ sở ở đường Lý Thái Tổ, quận 10. Nay giám đốc yêu cầu thay đổi nội dung trên giấy phép thì đến quận làm thủ tục chứ tôi không hề biết việc này có thể khai báo qua mạng để tiết kiệm thời gian”. Theo UBND quận 10, nếu người dân thực hiện kê khai qua mạng để xin đổi giấy phép kinh doanh thì trong vòng 1 ngày, người xin đổi giấy phép đã có thể đến quận nhận giấy phép mới.

Thực tế, người dân lơ là với dịch vụ công trực tuyến cũng diễn ra ở nhiều quận - huyện khác, kể cả các quận nằm ở khu vực trung tâm TP mà chúng tôi ghi nhận được. Đơn cử, tại quận 1, quận trung tâm TP được cho là đi đầu trong công tác ứng dụng công nghệ thông tin và cải cách hành chính so với các quận - huyện khác trên địa bàn TP cũng cho thấy tỷ lệ người dân sử dụng dịch vụ công trực tuyến thấp đến… bất ngờ!

Cụ thể, thời gian qua quận 1 triển khai 3 dịch vụ công trực tuyến cấp độ 3 giải quyết thủ tục cho người dân gồm: đăng ký hộ kinh doanh cá thể, cấp bản sao trích lục hộ tịch và đăng ký lao động qua mạng. Tuy nhiên, với lĩnh vực đăng ký hộ kinh doanh cá thể, trong năm 2016 chỉ có trên 100 trường hợp thực hiện thủ tục này qua mạng (tính cả người Việt Nam và nước ngoài), chiếm chưa đến 10% trên tổng số hơn 1.200 hồ sơ. Tương tự, lĩnh vực cấp bản sao trích lục hộ tịch, số người thực hiện hiện dịch vụ này qua mạng cũng chưa đạt 10%. Điều này cho thấy một thực tế không thể phủ nhận: người dân và doanh nghiệp hầu hết trực tiếp đến quận kê khai thủ tục thủ công.

Đẩy mạnh dịch vụ hành chính công trực tuyến

Dịch vụ trực tuyến của Phòng Quản lý Xuất nhập cảnh Công an TPHCM được nhiều người dân sử dụng. Ảnh: Hồng Nhung

Lãnh đạo quận Bình Thạnh nhìn nhận, tỷ lệ người dân sử dụng dịch vụ công trực tuyến rất hạn chế. Một cán bộ phụ trách bộ phận tiếp nhận hồ sơ cho biết: “Người dân chủ yếu vào website của quận tra cứu thông tin là chính và vẫn có thói quen đi đến tận nơi kê khai thủ tục. Thực tế, các DN thực hiện dịch vụ hành chính công qua mạng nhiều hơn hẳn so với người dân vì các thủ tục về cấp phép kinh doanh, khai báo lao động tương đối dễ thao tác qua mạng hơn các lĩnh vực nhà đất, cấp phép xây dựng”. Theo lãnh đạo quận này, thời gian qua chỉ những phần mềm triển khai phục vụ công tác quản lý nhà nước là phát huy hiệu quả, trong khi đó con người sử dụng phần mềm, tương tác với hệ thống mạng còn quá ít. 

Lý giải việc tỷ lệ người dân sử dụng dịch vụ hành chính công trực tuyến rất thấp, một cán bộ Sở Thông tin - Truyền thông cho rằng: “Có quận - huyện lập trang thông tin điện tử chỉ để giới thiệu thông tin chung chung (địa giới hành chính, thông tin thời sự…), có địa phương xây dựng dịch vụ công nhưng chỉ mang tính phong trào, cũng “gọi là có” như các quận - huyện bạn mà chưa đạt được tiêu chí quan trọng là mang lại tiện ích về dịch vụ công cho người sử dụng”.

Mới đây, tại buổi làm việc với Sở Nội vụ, Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong “sốt ruột” vì kết quả đạt được về cải cách hành chính còn chậm, nên chỉ đạo sở này trong năm 2017 phải đẩy mạnh hơn nữa việc xây dựng chính quyền điện tử. Từng bước xây dựng nền hành chính công hiện đại để công tác quản lý nhà nước trên địa bàn được hiệu quả hơn, mang lại nhiều tiện ích hơn nữa cho người dân và DN. Ngoài ra, định hướng nhiệm vụ công tác cải cách hành chính năm 2017, UBND TP cũng cho rằng sẽ đẩy mạnh phát triển dịch vụ hành chính công trực tuyến cấp độ 3. UBND TPHCM cũng giao Sở Tư pháp phối hợp với Cục Công nghệ thông tin (Bộ Tư pháp); Sở Thông tin - Truyền thông triển khai cung cấp dịch vụ công trực tuyến cấp độ 3, 4 đối với các thủ tục thuộc lĩnh vực hộ tịch, cụ thể là cấp bản sao trích lục hộ tịch, đăng ký khai sinh, đăng ký khai tử và một số thủ tục khác theo nhu cầu trên trang dịch vụ công trực tuyến của TP.

Sự quyết liệt cải cách thủ tục hành chính, xây dựng một nền hành chính công hiện đại của chính quyền TPHCM luôn đi đầu, điều kiện và kinh phí đầu tư cơ sở vật chất của TP cũng không thiếu. Vấn đề còn lại đặt lên bàn chính quyền quận - huyện là cần kéo gần hơn nữa những tiện ích công đến với người dân thông qua cách thức tuyên truyền, hướng dẫn, hỗ trợ để hiệu quả mang lại được thiết thực như mong đợi.

VÂN ANH - VÕ LÊ

Tin cùng chuyên mục