Bài 1: Đắp đập, dồn cát, trồng rau xanh

Nhóm PV
Bài 1: Đắp đập, dồn cát, trồng rau xanh

Nỗ lực vượt qua đại hạn

Cả nước đang đối mặt với đại hạn, khan hiếm nguồn nước, miền Trung và Tây Nguyên cũng vất vả chống hạn suốt nhiều tháng qua. Nhiều vùng dường như bất lực nhưng trong cái nắng cháy vẫn còn những mô hình sản xuất có thể giúp người nông dân vượt qua đợt hạn lịch sử này.

Hơn 200 hộ dân xã đảo Tam Hải, huyện Núi Thành, tỉnh Quảng Nam đang phải sử dụng nước phèn để tắm giặt

Cùng với nạn sâu bệnh, chuột bọ bùng phát, sản xuất nông nghiệp tại các tỉnh, thành miền Trung tiếp tục chống chọi với khô hạn kéo dài trên diện rộng. Bên cạnh đó, do nguồn nước từ các con sông, khe suối cạn kiệt và nhiễm mặn đã đẩy hàng vạn hộ dân nơi đây vào tình cảnh thiếu nước sinh hoạt.

Héo hon vì hạn

Xã Thượng Trạch, huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình là địa bàn sinh sống của đại đa số đồng bào Ma Coong, đi đâu cũng nghe mọi người than, gần 4 tháng trời ròng rã không hề có giọt mưa nào khiến mọi thứ cuộc sống bị đảo lộn. Đinh Ngu, Trưởng bản Nịu, xã Thượng Trạch cho biết: “Hạn hán khốc liệt làm con suối trơ đáy nên cái rẫy không nảy mầm hạt giống được… Đồng bào lại sắp đói cái ăn nữa rồi!”. Còn ông Đinh Hợp, Chủ tịch UBND xã Thượng Trạch phân trần: “Ngoài 8ha lúa nước ít ỏi và 60ha bắp, sắn mà đồng bào xuống giống từ sau tết phần chết khô, phần héo hon không phát triển được, hạn hán kéo dài còn khiến đồng bào phải quay quắt đi tìm nguồn nước phục vụ sinh hoạt và cả nước uống cho 1.421 con trâu bò”. Hiện nay, bà con chỉ biết phát rẫy, ngóng trời mưa xuống mà gieo trỉa 280ha lúa rẫy. Tuy nhiên, khung lịch thời vụ đã sắp hết mà trời vẫn không mưa… Gieo trỉa không đúng kế hoạch thì khoảng 70% số hộ trong xã, tương đương 2.017 nhân khẩu người Ma Coong sẽ đối với mặt với tình trạng thiếu ăn ngay từ tháng 4 đến tháng 10-2016.

Tại huyện Quảng Điền, tỉnh Thừa Thiên - Huế cùng với việc triển khai các biện pháp chống hạn, mặn xâm nhập sớm, bà con nông dân ở đây đang nỗ lực triển khai các biện pháp diệt chuột, chống sâu bệnh cắn phá lúa. 4.258ha lúa đông xuân tại Quảng Điền giai đoạn đẻ nhánh làm đòng, nhưng có đến 321,5ha bị bệnh đạo ôn, nặng nhất ở 2 xã Quảng Thái và Quảng Vinh (18,5ha bệnh đạo ôn, tỷ lệ gây hại trên 20%), 303ha còn lại rải rác ở các hợp tác xã khác với tỷ lệ gây hại từ 8% - 10%. Tương tự, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Thừa Thiên - Huế, cho biết, tính đến ngày 23-3 đã có 844,5ha lúa bị bệnh đạo ôn (tăng 694,5ha so với cùng kỳ năm trước), tỷ lệ bệnh nơi cao nhất 30% - 40%, phân bố chủ yếu ở các thị xã Hương Thủy, Hương Trà và các huyện Phong Điền, Phú Vang và Phú Lộc.

Nhờ áp dụng tiến bộ khoa học công nghệ vào sản xuất mà vùng cát hoang hóa tại Hà Tĩnh trở thành vựa rau xanh giữa mùa khô hạn

Vựa rau xanh trên vùng cát nóng 50°C

Nắng hạn bất thường kéo dài nhiều tháng qua khiến dải đất miền Trung dài dằng dặc trở nên xơ xác khi tất cả các loại cây trồng héo dần. Nhưng lạ thay, trên vùng đất cát bạc màu vùng bãi ngang ven biển huyện Thạch Hà và Cẩm Xuyên của tỉnh Hà Tĩnh vốn bỏ hoang do khí hậu khắc nghiệt nay lại mướt xanh hoa trái đơm bông, kết trái giữa mùa khô hạn. Đây là kết quả ban đầu từ dự án “Xây dựng mô hình rau, củ, quả trên vùng đất cát, bạc màu, hoang hóa vùng ven biển Hà Tĩnh” do Tổng Công ty Khoáng sản và Thương mại (Mitraco) Hà Tĩnh phối hợp với Sở NN-PTNT tỉnh này triển khai từ năm 2013.

Ông Bùi Quốc Hoàn, Trưởng ban Dự án rau sạch Mitraco Hà Tĩnh cho biết, dự án triển khai trên vùng cát trắng có những ngày nắng nóng vượt ngưỡng 50°C, đến những loài cây có khả năng chống chịu hạn tốt nhất như: phi lao, keo… cũng khó bén rễ, nên không mấy ai tin các loài cây rau, củ, quả có thể nảy mầm. Ban đầu trồng thử nghiệm măng tây, hành tây, hành lá, cà rốt, khoai lang, củ cải trắng, cải bẹ, đậu phộng, dưa hấu, dưa chuột, cải thảo, cà chua, đậu tứ quý, ớt Đà Lạt, bí Israel... trên diện tích 12ha đất cát tại xã Thạch Văn, huyện Thạch Hà vừa cải tạo bằng thảm thực vật, phân động vật, thân cây và lá khô héo, cây trồng có chất lượng thấp... làm phân hữu cơ bón cho cát. Cùng với đó, các hố thu gom mạch nước ngầm nhân tạo dung tích 5.000m³/hố được thiết kế tại chỗ cung cấp nước tưới cho vườn rau bằng hệ thống phun mưa bán tự động (tiết kiệm nước tưới và hạn chế tình trạng cây ngã đổ)... Chỉ hơn 2 tháng xuống giống, các loại rau, củ, quả này đều phát triển rất tốt, cây khỏe, thân mập mạp, rau lá xanh và dày. Đặc biệt, một số đã cho thu hoạch, năng suất rất cao (củ cải trắng đạt từ 20 - 22 tấn/ha, cà rốt 8 - 10 tấn/ha, cà chua 10 - 12 tấn/ha, cải bẹ 3,2 - 3,5kg/m²…). Theo giá trị trường hiện nay thì củ cải lớn, củ cải nhỏ và cải bẹ có giá nhập khoảng 8.000 - 9.000 đồng/kg; cà rốt khoảng 10.000 - 12.000 đồng/kg, măng tây cao nhất từ 70.000 - 80.000 đồng/kg. Riêng đối với măng tây trồng một lần cho thu hoạch liên tục trong vòng 10 năm, trung bình thu hoạch từ 8 - 10 tấn/năm, lợi nhuận đạt khoảng 70%, trừ hết các khoản chi phí, đạt khoảng trên dưới 100 triệu đồng/ha/vụ.

Cùng với việc đẩy mạnh liên kết với các doanh nghiệp để mở rộng thị trường; vận động các hợp tác xã và hộ gia đình mở rộng diện tích trồng rau, củ, quả thêm hơn 200ha trên cát, UBND tỉnh Hà Tĩnh còn tiến hành hỗ trợ 100% kinh phí giống, phân bón, đào tạo, chuyển giao công nghệ; hỗ trợ từ 50% - 80% kinh phí đầu tư san lấp mặt bằng lần đầu, đào hồ thu nước, kênh tưới, tiêu, bơm nước, hệ thống ống tưới; hỗ trợ một phần kinh phí cho các đơn vị trực tiếp thu mua, bảo quản, vận chuyển và tiêu thụ sản phẩm… Qua đó tạo việc làm ổn định cho hàng trăm lao động trực tiếp, với mức thu nhập từ 3,5 - 6 triệu đồng/người/tháng. Sản phẩm do Mitraco Hà Tĩnh nhận bao tiêu.

Ngăn đập giữ nước

Bài 1: Đắp đập, dồn cát, trồng rau xanh ảnh 3

Người dân xã Bình Dương, huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi làm đập tạm ngăn mặn, giữ ngọt sông Trà Bồng phục vụ sinh hoạt và sản xuất nông nghiệp

Nằm sát ven biển nên xã Bình Dương, huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi những năm trước đây thường gặp muôn vàn khó khăn trong sản xuất nông nghiệp, nhất là vụ hè thu khi ruộng vườn nhiễm mặn, phèn. Nhiều buổi họp bàn, cuối cùng chính quyền và người dân nơi đây “đánh liều” ngăn mặn bằng những con đập tạm trên sông Cáp Gia và Trà Bồng. Ông Đỗ Minh Huấn, Chủ tịch UBND xã Bình Dương cho biết, đập được làm từ những tấm tre đan ép vào hệ thống cọc phi lao và thân tre đóng thành hai hàng ngang cách nhau 1,2 - 1,5m từ bờ này sang bên bờ kia con sông. Tiếp đó, dồn cát vào bao nấp giữa tạo nên con đập chắn ngang sông Cáp Gia và Trà Bồng. Dự kiến đến trung tuần tháng 8, chúng tôi sẽ phá đập tạo lại dòng chảy cho con sông, tránh ngập lụt về mùa mưa… Cách giữ nước ngọt trên không những đảm bảo nguồn nước tưới cho 500ha lúa và hoa màu của địa phương (trước khi có sáng kiến làm đập, cả xã Bình Dương chỉ canh tác được trên dưới 100ha lúa vì phần lớn đất đai bị nhiễm mặn vào cuối vụ - PV) mà những xã kế bên ngược về phía thượng nguồn các con sông Cáp Gia và Trà Bồng như Bình Thới, Bình Nguyên, Bình Trung cũng được hưởng lợi khi nước sông dồi dào để tưới cho ruộng đồng phì nhiêu. Sông ngòi được giữ ngọt còn đảm bảo nguồn nước sinh hoạt hàng ngày cho hàng vạn hộ dân trong vùng giữa mùa khô hạn vì mạch nước ngầm ở các giếng không bị tụt giảm và cạn kiệt như các năm trước.

Người dân Quảng Trị dùng máy khoan giếng tại chỗ lấy nước tưới vườn hồ tiêu khô hạn

Ứng phó với tình hình khô hạn, ngành nông nghiệp tỉnh Quảng Trị tiến hành chuyển đổi hơn 1.000ha diện tích đất lúa thiếu nước hoặc có nước hiệu quả thấp sang trồng cây cạn như bắp, đậu xanh có hiệu quả kinh tế cao hơn và mở rộng tối đa diện tích sản xuất trên đất màu. Đồng thời triển khai các biện pháp chống hạn từ đầu vụ. Riêng tại thôn Kim Giao, xã Hải Dương, huyện Hải Lăng, tỉnh Quảng Trị - nơi có gần 10ha ruộng lúa không có cách nào tiếp cận được nguồn nước tưới từ hệ thống kênh mương nội đồng nên địa phương này đã phải khoan giếng rồi dùng máy bơm nước chạy bằng điện (loại máy bơm nước gia đình) ngay tại chân ruộng để lấy nguồn nước sản xuất. Từ một vài giếng khoan ban đầu, nay toàn thôn đã có khoảng gần 30 giếng khoan và 15 máy bơm điện do người dân tự bỏ tiền làm phục vụ sản xuất. Ông Châu Ngọc Chương, thôn Kim Giao, vui vẻ cho biết: “Chưa có giếng khoan, bà con chỉ biết tận dụng nguồn nước tại các ao, hồ, hố bom... làm nước tưới cho vụ đông xuân còn hè thu thì để đất hoang. Chủ động nguồn nước tưới cho cây lúa, chúng tôi thâm canh thêm vụ đậu xanh lãi ròng 60 triệu đồng/ha/vụ hay dưa quả thu nhập trên 80 triệu đồng/ha/vụ... Bình quân mỗi hộ bỏ ra số tiền khoảng 200.000 - 300.000 đồng thuê thợ đào giếng, mua thêm máy bơm điện khoảng 800.000 đồng nữa là có được hệ thống nước nông nghiệp cá nhân. Giếng khoan dùng trong nhiều vụ, máy bơm thì 2, 3 gia đình dùng chung cho tiết kiệm chi phí”.

Nhóm PV

Tin cùng chuyên mục