Bài 1: Đóng tiền thật, được nhà ảo

Bỏ thì đau, vương thì khổ!
Bài 1: Đóng tiền thật, được nhà ảo

Hậu bong bóng bất động sản - Ai bảo vệ người dân?

Sau đợt vỡ bong bóng bất động sản (BĐS) năm 2007 - 2008, nhà nước phải liên tục ra tay “cứu” thị trường. Thế nhưng, những người dân muốn có nhà ở, đã lỡ góp vốn mua nền dự án, căn hộ thì phải dở khóc dở cười vì các dự án ma. Nhiều chủ đầu tư 3 không: không đủ năng lực, không ký quỹ, không có tiền thực hiện dự án… khiến người dân mắc kẹt giữa dòng, không biết kêu cứu ở đâu.

Bỏ thì đau, vương thì khổ!

Cứ mỗi năm, hàng trăm người dân lại tụ tập khiếu nại Công ty Đại Thành thực hiện dự án Chung cư Đại Thành (ở đường Trịnh Đình Trọng, quận Tân Phú). Lý do, nhiều người đã nộp đến 90% giá trị hợp đồng, chỉ chờ bàn giao nhà, nộp đợt cuối là xong. Thế nhưng, đã 7 - 8 năm trôi qua, công trình vẫn trơ xương phơi mưa, phơi nắng. Càng chậm xây dựng, công trình thô phơi nhiều năm như thế sẽ giảm sút chất lượng, người dân càng lo lắng cho sự an nguy khi sau này đưa vào sử dụng. Dù người dân mỏi mòn khiến nại, họp hành, bàn giải pháp, cuối cùng doanh nghiệp (DN) vẫn… trơ ra đó, không có khả năng xây dựng tiếp. Mỗi lần họp bàn, giải pháp Công ty Đại Thành đưa ra đều là bắt dân phải nộp trước tiến độ trong hợp đồng thì công ty mới có tiền xây tiếp. Bà Nguyễn Tuyết N. nghi ngờ: “Công ty dùng vốn của chúng tôi nộp đầu tư vào chỗ khác nên mới hết tiền xây dựng. Tính đến nay, Công ty Đại Thành đã vi phạm thời hạn giao nhà 6 năm rồi, và chúng tôi không biết kiện ở đâu, khi nào thì mới được nhận nhà để ở”.

Tương tự, từ đầu năm 2004, ông Phạm Phú Quý góp 350 triệu đồng mua nền đất dự án Khu dân cư xã Phước Kiểng, huyện Nhà Bè của Công ty Thái Sơn. Thời hạn giao nền không quá 24 tháng kể từ ngày ký hợp đồng. Thế nhưng, đến giờ đã hơn 10 năm công ty vẫn chưa giao nền. Nhiều trường hợp khác còn khổ hơn, bị chủ dự án tự phân lô lại, đánh số lại, mang đi thế chấp khắp nơi. Có dự án vừa thế chấp, vừa bán một sản phẩm cho nhiều người xong, chủ đầu tư… bỏ trốn! Khi dân tố cáo, công an bảo là vụ việc dân sự, không thụ lý; chuyển sang Tòa án thì đương sự đã bỏ trốn không cung cấp được hồ sơ nên không xử được. Những người dân nghèo, cán bộ nhân viên dành dụm cả đời, được ít tiền với ước mơ có căn nhà để ở, giờ không biết kêu cứu ở đâu…

Dự án Phi Long (huyện Bình Chánh, TPHCM) bị bỏ hoang từ nhiều năm nay Ảnh: THANH HẢI

Có rất nhiều phản ánh về tình trạng nhà đầu tư “bắt chẹt”, ăn chặn của khách hàng. Chúng tôi theo chân khách hàng đến tìm hiểu sự thật tại một dự án điển hình và thật sự ngỡ ngàng với những lời giải thích lập lờ của chủ đầu tư. Đó là ở dự án của Công ty TNHH Kinh doanh nhà Đồng Danh (MST: 0301979195) ở huyện Bình Chánh… Chuyện là 8 năm trước, N.N góp vốn mua nền đất với giá thanh toán là 275 triệu đồng, nhưng trong hợp đồng chỉ ghi 139 triệu đồng. Số còn lại công ty ghi phiếu thu nhưng không đưa vào hợp đồng. Đến nay, nếu khách hàng muốn xây dựng hay sang nhượng, Công ty TNHH Kinh doanh nhà Đồng Danh buộc khách phải ký lại hợp đồng mới theo khung giá đất tại thời điểm hiện nay, tăng lên thành hơn 650 triệu đồng. Khi ký lại hợp đồng mới, công ty còn đưa thêm quy định buộc khách phải nộp thuế giá trị gia tăng (VAT) theo giá của hợp đồng mới (tức phải đóng thêm 65 triệu đồng thuế VAT). Nếu khách phản ứng không ký hợp đồng mới, công ty sẽ bồi hoàn lại tiền cho khách nhưng chỉ căn cứ trên mức ghi trong hợp đồng là 139 triệu đồng nhân lãi suất 0,9%/tháng cho đến nay (có nghĩa là tính cả lãi suất, cộng vốn, khách sẽ nhận bằng số tiền thực đóng cách đây 8 năm - PV)!?. Lý giải về việc bồi hoàn vô lý này, lãnh đạo công ty giải thích: “Vì công ty cũ không còn nữa, họ đã chuyển nhượng rồi, đổi giấy phép kinh doanh luôn rồi. Hồ sơ công ty cũ chuyển cho chúng tôi là theo giấy tờ trong hợp đồng, nên những khoản thu ngoài chúng tôi không có trách nhiệm…”.

                                            Ngôi nhà đang xây dở dang tại dự án nhà Đồng Danh

Chưa hết, nhiều người dân góp vốn mua nền đất giờ không đủ tiền xây nhà, muốn sang nhượng lại cho người khác thì phải mất số tiền quá lớn, ngoài 10% VAT còn bị công ty thu thêm 3% phí chuyển nhượng (trong khi những dự án lớn như Phú Xuân, Nhà bè cũng chỉ thu phí 5 triệu đồng/lần chuyển nhượng). Có nghĩa là người sang nhượng phải mất đến 15% giá trị hợp đồng (10% VAT, 3% phí chuyển nhượng cho công ty và 2% thuế thu nhập cá nhân). Nếu bán với giá 650 triệu đồng, người dân mất gần 100 triệu đồng. Còn nếu không sang nhượng mà không đủ tiền xây, thì công ty thu lại với giá còn…bèo hơn!

Khi chủ đầu tư “nắm đằng chuôi”...

Khi chúng tôi đi tìm hiểu tư cách pháp lý của Công ty TNHH Kinh doanh nhà Đồng Danh tại cơ quan thuế. Ông Nguyễn Xuân Thành, Chi cục trưởng Chi cục thuế huyện Bình Chánh, khẳng định: cơ quan thuế quản lý DN Đồng Danh xuyên suốt từ hơn chục năm nay, là một pháp nhân duy nhất, không có thay đổi. Việc chủ DN nói chuyển nhượng, thay người đại diện trước pháp luật, thay tên công ty, cũng không làm thay đổi tư cách pháp nhân của DN, vì DN vẫn giữ nguyên mã số thuế cũ. Ngay cả việc Đồng Danh thu thuế VAT như thế cũng không đúng. Vị lãnh đạo này giải thích, thuế VAT 10% không phải đánh trên toàn bộ giá trị hợp đồng, mà phải trừ tiền sử dụng đất nộp cho ngân sách nhà nước, trừ chi phí bồi thường giải phóng mặt bằng theo quy định pháp luật, số còn lại mới phải nộp thuế  (tức chỉ chịu thuế cho tiền đầu tư cơ sở hạ tầng và tiền lãi). Do vậy, những lời tuyên bố hợp đồng vô hiệu vì DN không còn tư cách pháp nhân, cũng như ép người dân nộp 10% VAT trên giá trị hợp đồng là ăn gian thuế, bắt chẹt người dân!

Dự án nhà ở Đồng Danh (huyện Bình Chánh, TPHCM)  Ảnh: THANH HẢI

Điểm chung trong các dự án chây ì này, đó là phần thiệt luôn thuộc về người dân. Do nhiều năm trước, các quy định về quản lý thị trường BĐS của ta chưa chặt chẽ, các bản hợp đồng góp vốn dự án đều được soạn thảo theo hướng có lợi cho chủ đầu tư và bất lợi cho người mua. Cụ thể như trường hợp Công ty Đại Thành, do không có khả năng tiếp tục thực hiện dự án, nhiều lần kêu bán dự án lại cho chủ đầu tư khác. Thay vì thoả thuận với chủ đầu tư mới để bảo vệ quyền lợi của khách hàng cũ, Đại Thành lại mời khách đến thanh lý hợp đồng, trả lại tiền. Nếu khách muốn mua thì phải ký lại hợp đồng với giá cao hơn. Khách hàng từ chối,  dự án không bán được, lại nằm đó, dân và chủ dự án gồng mình chờ nhau! Ở Công ty Thái Sơn cũng thế, đã chậm bàn giao nền chục năm, nay lại mời khách hàng đến thông báo không đền bù giải tỏa được, và yêu cầu khách hủy hợp đồng, công ty sẽ trả lại tiền cùng lãi suất 7%/năm. Khách hàng Phạm Phú Quý bực tức nói: “Lúc chúng tôi đóng tiền khi vàng chỉ vài triệu đồng/lượng, nay giá vàng tăng lên gấp 5 - 6 lần. Nền đất đó có lúc lên đến 2 tỷ, nhưng chúng tôi vẫn giữ để xây nhà nên phải chờ đợi hơn chục năm nay. Giờ thị trường ấm lên, công ty muốn hoàn tiền, số tiền 350 triệu đồng của 12 năm trước, nay bồi thường thành 600 triệu đồng thì chúng tôi làm được gì…”


HÀN NI

Tin cùng chuyên mục