Hồ sơ về trùm buôn lậu vũ khí Victor Bout

Bài 1: “Lái buôn thần chết”

Bài 1: “Lái buôn thần chết”

Được coi là một trong những trùm buôn lậu vũ khí lớn nhất thế giới, nhân vật Victor Bout - vừa bị bắt giữ hôm 6-3 tại Thái Lan - thậm chí còn được “hình tượng hóa” lên màn ảnh qua bộ phim nổi tiếng “Lord of War” do ngôi sao Nicolas Cage đảm nhận vai chính.

Chặng đường biến tướng từ một công dân Nga bình thường trở thành một “Lái buôn thần chết” (theo như phương Tây vẫn gọi) của Victor Bout đã vắt qua rất nhiều biến động của lịch sử, cũng như những quốc gia luôn phải gồng mình vì nghèo đói và chiến tranh tại châu Phi…

Tội phạm đặc biệt

Chính quyền Thái Lan đã phải huy động cả một số lượng lớn nhân lực cho việc bắt giữ thương gia người Nga Victor Bout. Ngoài hơn hai chục nhân viên cảnh sát đứng gần kín tầng 27 của khách sạn Sofitel Silom Road (thủ đô Bangkok), còn có cả tá điệp viên mặc thường phục khác.

Đích thân lãnh đạo Ban điều tra trung ương - trung tướng cảnh sát Adisorn Noncy - đứng ra điều hành chiến dịch bắt giữ này. Đại diện từ phía cơ quan hành pháp Mỹ là Thomas Pascuarello cũng có mặt để giám sát. Tất cả những yếu tố trên cho thấy, Victor Bout được đánh giá là một tội phạm đặc biệt.

Bài 1: “Lái buôn thần chết” ảnh 1

Victor Bout (phải) khi bị bắt giữ tại Thái Lan

Victor Bout bị bắt giữ vào lúc 3g chiều (giờ địa phương) ngay khi vừa chân ướt chân ráo bay tới Bangkok. Lệnh bắt Bout được tòa án Thái Lan đưa ra theo yêu cầu của Bộ Tư pháp Mỹ.

Vụ bắt giữ Victor Bout tại Bangkok là điểm kết thúc của một chiến dịch đặc biệt bắt đầu từ tháng 11 năm ngoái và được triển khai khắp cả 3 châu lục.

Theo hồ sơ, Victor Bout sinh ngày 13-1-1967 tại Dushanbe. Nhưng về sau khi trả lời phỏng vấn báo chí, anh ta lại cho biết mình sinh ra tại Askhabad.

Là cựu quân nhân, Victor Bout thuộc về một thế hệ mới của những tên trùm buôn lậu vũ khí tư nhân, xuất hiện trên thị trường thế giới sau khi Liên Xô tan rã.

Hồi đầu những năm 1990, các nước thuộc khối Đông Âu cũ có thể coi là thị trường đầy rẫy những kho tàng vũ khí cũ không có nhu cầu sử dụng của thời chiến tranh lạnh. Trong khi tại nhiều nước thuộc thế giới thứ ba, nhu cầu về loại vũ khí này thường rất cao. Nắm bắt thời cơ này, Victor Bout nhanh chóng trở thành một trùm buôn lậu vũ khí trái phép hàng đầu.

Các dấu vết về hoạt động buôn bán vũ khí của Bout có thể tìm thấy tại hầu hết các “điểm nóng” ở châu Phi.

Tốt nghiệp Trường Đại học ngoại ngữ quân sự tại Moskva vào năm 1991, Bout được đồn là có thể nói thành thạo tới 6 thứ tiếng. Ông ta bắt đầu việc kinh doanh vận chuyển hàng hóa qua đường hàng không bằng việc mua lại một chiếc máy bay cũ để vận chuyển hoa tươi tới các nước Vùng Vịnh.

Khi tích lũy được vốn lớn hơn, Bout chuyển sang xuất khẩu gà đông lạnh tới Nigeria, rồi cuối cùng là mặt hàng siêu lợi nhuận - vũ khí. Các quan sát viên LHQ buộc tội Bout cung cấp vũ khí cho các nhóm chống chính phủ tại Angola, Sierra-Leon và chế độ độc tài của Charles Taylor tại Liberia.

Bout cùng những máy bay trong các hãng hàng không của ông ta còn tham gia vào nhiều chiến dịch tại Cameroon, Cộng hòa Trung Phi, Cộng hòa Dân chủ Congo, Guinea Xích Đạo, Kenya, Libya, Ruanda, Nam Phi, Sudan, Swaziland, Lesotho và Uganda.

Làm ăn với Taliban lẫn al-Qaeda

Iohan Peleman - cố vấn người Bỉ của nhóm các chuyên gia LHQ chuyên về vấn đề buôn bán vũ khí trái phép - nhận định về Victor Bout: “Chúng tôi biết tới hắn lần đầu tiên vào năm 1994, khi theo dõi các đường dây cung cấp vũ khí cho các nhóm phiến loạn Ruanda sau vụ thảm sát hàng loạt tại đây khiến cho hơn một triệu người chết. Hai năm sau, khi các cuộc bạo động bùng lên tại Congo, chúng tôi lại tiếp tục điều tra về nguồn vũ khí ở đây. Tại Ostend, chúng tôi đã may mắn tìm được đủ bằng chứng để có cơ sở khẳng định Bout có dính dáng đến các việc cung cấp súng đạn cho quân nổi loạn tại Congo”.

Cũng theo lời của Peleman, khi Victor Bout bắt đầu kinh doanh tại Bỉ, hắn chỉ có vỏn vẹn một máy bay, còn hai chiếc khác phải thuê. Chỉ khoảng 3-4 năm sau, Bout đã có trong tay cả một đoàn máy bay lớn từ 50-60 chiếc. Chỉ riêng số liệu trên đã cho thấy quy mô hoạt động cùng với lợi nhuận khổng lồ của tên trùm buôn bán vũ khí.

Bước ngoặt quan trọng trong sự nghiệp buôn lậu vũ khí của Bout diễn ra vào năm 1995, khi ông ta thuê một chiếc máy bay của hãng hàng không “Aerostan” để vận chuyển một đợt hàng khoảng 30 tấn gồm súng tiểu liên AK-47 và các trang bị quân sự khác tới Kabul, khi đó đang dưới quyền kiểm soát của chính phủ Burkhanuddin Rabbani (đang chống đỡ một cách tuyệt vọng trước sức tấn công của quân Taliban).

Chiếc máy bay do nguyên nhân kỹ thuật đã buộc phải hạ cánh xuống Kandahar dưới quyền kiểm soát của Taliban. Trong quá trình đàm phán suốt hơn một năm nhằm giải phóng cho phi hành đoàn và chiếc máy bay, Victor Bout từ một người bạn của Akhmad Sakh Masood đã nhanh chóng trở thành kẻ cung cấp vũ khí cho lãnh tụ Taliban là Omar.

Sự kiện tại Kandahar đã nhanh chóng đưa Bout vào tầm ngắm của các cơ quan mật vụ phương Tây mà trước tiên là Mỹ. Tháng 1-2000, Bộ trưởng của Anh về các vấn đề châu Phi - Peter Hein - đã lần đầu tiên công khai buộc tội Bout về việc cung cấp vũ khí trái phép cho UNITA, lực lượng nổi loạn chống Chính phủ Angola khi đó.

Các chuyên gia độc lập cho biết, trong các phi vụ làm ăn với Taliban và sau đó là al-Qaeda, Victor Bout đã kiếm được không ít hơn 50 triệu đô la. Mật vụ phương Tây còn khẳng định, Bout đang tham gia vào một chiến dịch sơ tán vàng của al-Qaeda tới Sudan.

Theo họ, một vài chuyến hàng chất đầy vàng đã được chuyển từ cảng Carachi của Pakistan qua đường biển tới Iran, nơi đang có hai thành viên cao cấp của al-Qaeda đang ẩn náu là Mafus Walid và Saif al-Adel. Từ đây, các máy bay của Bout sẽ đảm nhiệm việc chuyển vàng tới điểm cuối là thủ đô Khartum của Sudan.

Bài 2: Những phi vụ tại châu Phi 

LINH NGA (tổng hợp)

Tin cùng chuyên mục