Việc của dân là việc của mình

Bài 1: Làm việc giúp người - chuyện của chị Hương So

Cô cũng có nguyên tắc riêng khi tiếp nhận tiền từ thiện. Bạn bè, người quen thân lẫn không thân, ai cho tiền xây cầu làm nhà đến lần thứ ba mà không chịu đi khảo sát, dự lễ khánh thành là cô không nhận tiền nữa.
LTS: TPHCM có hơn 8 triệu dân, có 24 quận - huyện với vô số những vấn đề phát sinh hàng ngày. Và nếu như không có những chiếc cầu nối an dân - đó là công tác dân vận và những người làm công tác này - có lẽ vẫn còn bộn bề những vấn đề đau đầu cần giải quyết. Những câu chuyện nhỏ mà chúng tôi kể ra dưới đây, chắc không chỉ nên nhắc trong Ngày truyền thống công tác Dân vận của Đảng, mà cần phải được nhắc nhớ, để biết rằng, làm công tác vận động quần chúng ở cơ sở, được dân tin, dân yêu và nghe theo, thật khó vô cùng. 
“Chị Hương lên phường mần giúp tụi em nha. 
Làm gì chú, làm việc giúp người đúng hông, mà không bắt tui đi họp nha, hổng họp tui mới nhận. 
Yên tâm, không bắt chị đi họp đâu”. 
Có nhiêu đó mà cô Phạm Thị Hương gật đầu cái rụp, dấn thân vô cái việc mà người đời hay đặt để là “ăn cơm nhà, vác tù và hàng tổng”.
1. Mần việc “ăn cơm nhà, vác tù và hàng tổng” kiểu cô Phạm Thị Hương (người thân thường gọi là cô Hương So, ghép tên cô và ông xã vô chung) cũng không dễ chút nào. 
Hôm tới một xã nghèo ở Bến Tre khảo sát tặng nhà tình thương, cô được cán bộ địa phương dẫn xuống nhà một bà cụ trong diện được xã khoanh vùng trao nhà tình thương. Xuống tận nơi, thấy bà già cũng nghèo nhưng nhìn qua căn nhà còn khá chắc chắn, cột kèo cũng còn mới tinh chưa đến nỗi nào, cô nói luôn: “Mấy anh ở xã xây cho bà già mấy bức tường chắc chắn hơn nha. Chớ căn nhà ngó bộ còn coi được”.
Thấy “vuột” mất bà mạnh thường quân từ Sài Gòn về, mấy anh xã nói luôn: “Thôi chị ráng lội qua căn khác coi nha, nhà này khó khăn hơn”.
Lội bộ mấy trăm mét vô ruộng, cô Hương So tới căn nhà khác của hai vợ chồng nghèo với hai đứa con. Căn nhà lụp xụp tồi tàn, nước đọng sau mưa từng vũng. Vợ chồng nhà này làm nghề nhổ lông vịt mướn, tiền công 3.000 đồng/con nên căn nhà bốc mùi ghê gớm. Vô tới nơi, nhìn qua tình cảnh, cô Hương So quyết cái rụp, đồng ý chi 30 triệu đồng mà cô vận động từ người quen để xây nhà tình thương.  
Bài 1: Làm việc giúp người - chuyện của chị Hương So ảnh 1 Cô Phạm Thị Hương nấu ăn cho các bệnh nhân tại Khu điều trị phong Bến Sắn (tỉnh Bình Dương)
“Sao xây nhà tình thương mà chỉ có 30 triệu đồng?”, cô Hương thiệt thà nói: “Mình hỗ trợ 30 triệu đồng, 10 triệu đồng còn lại xã sẽ hỗ trợ thêm để họ có trách nhiệm với dân xã mình chớ. 10 triệu đồng đó, cô lại góp vô xây căn nhà khác”.
Còn chuyện xây cầu ở vùng sâu vùng xa, cô suy nghĩ thật lòng: “Bà con mình sống trong bưng trong biền, đau ốm bệnh tật ẵm lên ghe mà gặp nước ròng thì sao đi, rồi bệnh sinh nặng, không may qua đời thì tội quá. Có cây cầu bê tông nông thôn, người bệnh, học trò đi lại dễ dàng. Xuống miền Tây sông nước mới thấy có cây cầu bà con mình khỏe tới mức nào”.  
2. Từ lúc bắt đầu thấy cô ra làm “việc chung”, đi vận động quà, tiền bạc chăm lo gia đình chính sách, hộ nghèo rồi ấp ủ xây cầu làm nhà cho đồng bào mình còn khó khăn, nhiều người bạn đã tin tưởng và hỗ trợ cô rất nhiều. Thời buổi này, đâu dễ tin ai mà đưa cả mấy chục triệu đồng cho người ta đi làm từ thiện. Vậy nhưng, bạn bè, người quen cô thì khác…
Cô cũng có nguyên tắc riêng khi tiếp nhận tiền từ thiện. Bạn bè, người quen thân lẫn không thân, ai cho tiền xây cầu làm nhà đến lần thứ ba mà không chịu đi khảo sát, dự lễ khánh thành là cô không nhận tiền nữa.
Cô nói: “Đâu phải ai cũng có điều kiện, mình sử dụng không đúng mục đích đồng tiền mà họ vất vả làm ra và giao cho mình đi giúp người, là sai trái. Vì vậy, bà con hỗ trợ nên đi chung với cô để thấy được việc làm của mình hữu ích tới mức nào”.
Bản thân cô Hương làm từ thiện cũng đâu ra đó lắm. Cô mở tủ, lôi ra lủ khủ đủ các loại sổ sách mà theo lời cô là mấy người bạn thấy cô bận rộn nên làm giúp.
Có hai loại sổ sách, một nháp, một chính thức, được tính toán minh bạch rõ ràng. Tiền tiếp nhận về, cô đưa lên Ủy ban MTTQ Việt Nam TPHCM, sau đó cô tự đi khảo sát, chọn các địa điểm xây cầu và làm nhà, rồi mới lên mặt trận làm thủ tục giải ngân.
Cô nói: “Nhận của người ta 20.000 đồng cũng phải ghi vô sổ rõ ràng mạch lạc, có vậy người ta mới tin, rồi khi mình cần, vận động là mọi người hỗ trợ liền”.
Cô chỉ cho coi “đường dây” chi tiền từ thiện mà cô thực hiện nhiều năm nay. 12 cây cầu ở Cà Mau, Bạc Liêu; gần 60 căn nhà tình thương ở khắp các tỉnh, thành miền Nam… đều được ghi chép rõ ràng rành mạch.
Ở những trang khác, là câu chuyện thu chi của quán cơm chay mà cô gầy dựng, bán ngày rằm và mùng 1 âm lịch hàng tháng, để kiếm thêm tiền lo cho người nghèo… 
3. Chuyện đứng ra vận động người thân bạn bè cùng chung tay lo “việc chung” của cô Hương So được nhiều người biết tới. Chị Nguyễn Thị Kim Vui, Trưởng ban Dân vận quận ủy quận Tân Phú, cam đoan với nhà báo rằng, nhất định phải gặp bằng được cô Hương So, cô dễ thương, độc đáo và thiệt lòng lắm.
Việc vận động người xung quanh cùng chung tay làm việc thiện, không phải ai cũng làm được nhưng với cô, việc khó cỡ nào, cô cũng ráng làm được. Bởi quan trọng nhất, theo chị Kim Vui, cô thật tâm, minh bạch và có uy tín.
Đâu phải với xã hội không đâu, người nhà cô cũng rần rần ủng hộ “bà xã, bà mẹ, bà nội, bà ngoại” làm từ thiện hết mình. Ông xã cô thì khỏi nói, hễ rảnh là tháp tùng bà xã đi tỉnh lo việc chung. Rồi con cháu trong nhà, noi gương cô, cũng tích cực nghĩ chuyện giúp người này, lo cho người kia. Hôm rằm tháng 8, gia đình cô đi tặng bánh Trung thu cho mấy em nhỏ không nơi nương tựa ở chùa Giác Ân.
Chi phí mua quà là từ cháu nội cô đang học cấp 2 vận động ngay chính ở lớp, ở trường mà bé đang học. Hàng năm, 26 Tết, cô trích quỹ từ thiện nấu 400 phần thịt kho trứng đem xuống tận trại phong Bến Sắn ăn tết với những người thiếu may mắn ở đây. 
Tại địa  phương, cô Hương So nhận 2 nhiệm vụ: Trưởng ban Bảo trợ Hội Chữ thập đỏ quận Tân Phú và Phó Chủ nhiệm Câu lạc bộ Nữ cựu chiến binh phường Tân Sơn Nhì.
“Chức” trưởng ban bảo trợ thì cô làm miết rồi, hiệu quả tới đâu bà con cũng thấy hết rồi. Còn chuyện cô tận tâm với đồng đội mình ở phường; tình nghĩa với các Mẹ Việt Nam anh hùng, mẹ liệt sĩ thì cũng nhiều người biết.
Một tay cô lo bữa cơm tình nghĩa, quà tặng cho các đồng đội cựu chiến binh khi có dịp họp mặt; hay việc cô đứng ra tổ chức sinh nhật cho các Mẹ Việt Nam anh hùng trên địa bàn, cô không kể ra thì nhiều người cũng biết.
Cô chỉ kể đơn giản, là mỗi lần tổ chức xong hoạt động kiểu vậy, nhiều cô chú lớn tuổi tới nắm tay “cảm ơn Hương, ráng làm ăn tấn tới để có điều kiện lo cho mọi người nghen”, cô cảm động muốn rơi nước mắt.

Tin cùng chuyên mục