Trung Quốc: Sự thần kỳ và những mặt trái

Bài 1: Một cường quốc đang trỗi dậy

Bài 1: Một cường quốc đang trỗi dậy

Sự phát triển thần kỳ của nền kinh tế Trung Quốc với tỷ lệ tăng trưởng nhanh nhất thế giới - hơn 9% năm 2004 - đánh dấu một mốc quan trọng trong quá trình hiện đại hóa và phát triển đất nước. Nhưng tấm huy chương luôn có mặt trái của nó, bên cạnh sự thần kỳ, Trung Quốc cũng đang phải đối mặt với nhiều vấn đề nan giải.

  • Tỏa sáng ở Phương Đông
Bài 1: Một cường quốc đang trỗi dậy ảnh 1

Thành phố Shenzhen được chọn làm thành phố phát triển đặc biệt về kinh tế.

Hiện nay Trung Quốc là nước sản xuất than, thép, xi măng lớn nhất thế giới; đứng thứ hai về tiêu thụ năng lượng và là nước đứng thứ ba về xuất khẩu.

Một ví dụ rõ ràng nhất đó là sự phát triển của Thượng Hải. 50 năm trước đây, Pudong, nằm ở phía Đông Thượng Hải, là một vùng quê nghèo và kém phát triển.

Ngày nay Thượng Hải đã là trung tâm tài chính của Trung Quốc, lớn gấp 8 lần trung tâm tài chính mới của Luân Đôn (Anh) và chỉ nhỏ hơn Chicago (Mỹ) mà thôi.

Ở đỉnh cao của cuộc cách mạng công nghiệp, nước Anh đã từng được xem như là “Phân xưởng của thế giới” nhưng giờ đây danh hiệu đó đã thuộc về Trung Quốc, nước sản xuất ra 2/3 máy photocopy, lò sóng vi ba, đầu máy DVD và giày dép trên thế giới. Trung Quốc đã thống trị lĩnh vực các mặt hàng giá rẻ như thế nào?

Câu trả lời nằm ở Wal-Mart - một tổ hợp kinh doanh lớn nhất của Mỹ (và cũng có thể là của thế giới). Lợi nhuận hàng năm của Wal-Mart lớn gấp 8 lần của Microsolf và chiếm 2% tổng sản phẩm quốc nội của Mỹ. Số lượng người làm việc cho Wal-Mart lên đến 1,4 triệu người còn lớn hơn cả CM, Ford, CE, IBM cộng lại. Khả năng thực sự của Wal-Mart phải nói là một huyền thoại và phương châm của nó là cung cấp các sản phẩm có giá rẻ nhất cho người tiêu dùng.

Để làm được điều đó Wal-Mart cần phải sử dụng công nghệ, kỹ thuật, luôn đổi mới trong quản lý và một yếu tố đặc biệt nhất, đó là Trung Quốc. Năm ngoái Wal-Mart nhập khẩu một lượng lớn lớn hàng hóa trị giá 18 tỷ USD từ Trung Quốc. Wal-Mart có đến 6.000 nhà cung cấp trong đó có đến 80% - khoảng 5.000 - nhà cung cấp không phải của Mỹ mà thuộc một quốc gia ở châu Á: Trung Quốc.

Còn có những minh chứng thể hiện được sự vượt trội của Trung Quốc trong cuộc cạnh tranh với Mỹ. Intel là hội chợ lớn nhất trong lĩnh vực khoa học và kỹ thuật, được tổ chức cho tất cả các sinh viên trên thế giới có khả năng tham gia. Năm ngoái dường như là một tín hiệu vui cho nước Mỹ khi có 6.500 sinh viên tham gia nhưng lại chẳng hề thấm gì so với 6 triệu sinh viên Trung Quốc tham gia những hội chợ như thế. Liệu những hội chợ công nghệ ở Trung Quốc có tốt hơn ở Mỹ?

Có những tiêu chí đánh giá khác nhau và bạn cũng không thể so sánh giữa trái táo và quả cam. Nước Mỹ ngày càng khó cho ra lò những nhà khoa học, kỹ sư và những kỹ thuật viên - nền tảng cho một nền kinh tế công nghiệp - cho dù có những trường đại học hàng đầu thế giới; trong khi đó khoảng 5 năm gần đây ngày càng nhiều kỹ sư, tiến sĩ... là người Trung Quốc và Ấn Độ.

Sự vươn lên của Trung Quốc lại còn được minh chứng qua tốc độ phát triển kinh tế nhanh nhất thế giới và đứng thứ hai trong trao đổi và dự trữ ngoại tệ, chủ yếu là đôla Mỹ.

Sự phát triển của Trung Quốc còn đem lại lợi ích thiết thực cho thế giới, đặc biệt là Mỹ. Theo Ngân hàng Mỹ Morgan Stanley, nhập khẩu rẻ từ Trung Quốc đã tiết kiệm cho Mỹ 600 tỷ USD trong thập kỷ qua. Tạp chí Kinh tế (Mỹ) đã viết: “Phải nên cảm ơn lợi ích mà sự thần kỳ của nền kinh tế Trung Quốc đem lại cho thế giới”.

400 năm qua, có hai sự biến chuyển mạnh mẽ làm thay đổi cục diện thế giới: đó là sự vươn lên của châu Âu vào cuối thế kỷ 17 trở thành một lục địa giàu có, mạnh mẽ và đầy tham vọng. Thứ hai là sự bứt phá của Mỹ vào cuối thế kỷ 19 đầu thế kỷ 20 trở thành một quốc gia quyền lực trên thế giới. Ở thế kỷ này lại chứng kiến một sự chuyển biến mạnh mẽ ở châu Á mà Trung Quốc cùng Ấn Độ và Nhật Bản là đại diện cho quyền lực đang vươn lên.

Trung Quốc đang ngày càng thách thức vị trí độc tôn về quyền lực và kinh tế của Mỹ và một khi vai trò lãnh đạo thế giới bị thách thức bởi một cường quốc đang trỗi dậy, hai nước sẽ phải cạnh tranh khốc liệt.

  • Người Trung Quốc đã làm như thế nào?
Bài 1: Một cường quốc đang trỗi dậy ảnh 2

Trung tâm tài chính Thượng Hải, tiêu biểu cho sự phát triển của Trung Quốc.

Văn hóa của Trung Quốc gắn liền với đạo Khổng. Đạo Khổng là trái tim, linh hồn của dân tộc Trung Hoa và đạo đề cao kỷ cương, nguyên tắc, sự học hỏi và sự trung thành - đó cũng là lý do giải thích sự thành công của Trung Quốc.

Sau một thời gian dài chìm trong nghèo nàn, chậm phát triển và trì trệ, Trung Quốc đã bắt đầu phát triển vào những năm 1980 - thời điểm chuyển đổi. Năm 1979 là năm đánh dấu bước ngoặt lớn trong lịch sử Trung Quốc - cải tổ nền kinh tế, đây cũng là năm diễn ra Đại hội khóa 3 lần thứ 11 của Đảng Cộng sản Trung Quốc.

Năm đó, Tổng Bí thư Đặng Tiểu Bình đã nêu quan điểm về sự phát triển và hiện đại hóa bằng câu nói thực dụng: “Không phân biệt mèo đen hay mèo trắng, chỉ cần bắt được chuột thì là một con mèo tốt”. Từ đó về sau, Trung Quốc đã đi theo cải cách, hiện đại hóa và phát triển đất nước triệt để, thiết thực và không duy ý chí.

Kết quả thật đáng khâm phục: năm 2004 tốc độ phát triển kinh tế với tỷ lệ tăng trưởng hơn 9%, cao nhất trong 25 năm qua. Sự phát triển này là một mốc quan trọng trong lịch sử Trung Quốc, đồng thời đưa 300 triệu người thoát khỏi cảnh nghèo túng và nâng cao mức thu nhập hàng năm của Trung Quốc.

Khác với Nhật Bản, một quốc gia chú trọng vào việc nâng cao xuất khẩu sang thị trường nước khác và bảo hộ thị trường nội địa, Trung Quốc luôn mở rộng cửa đối với các nhà đầu tư và ngành thương mại ngoài nước. Kết quả là có rất nhiều nước chọn đầu tư vào thị trường Trung Quốc. Từ Mỹ, Đức cho đến Nhật Bản đều xuất khẩu sang Trung Quốc.

Tháng 10-2004, Tổng thống Mỹ W.Bush và Chủ tịch Trung Quốc Hồ Cẩm Đào đã đều đi thăm các nước châu Á. Một nhà báo của Malaysia viết về chuyến thăm của hai vị nguyên thủ như sau: “Bush chỉ nói về khủng bố. Ông ta nhìn chúng tôi qua lăng kính của quan điểm đó. Đúng là chúng ta luôn phải lo lắng về tình trạng khủng bố nhưng nó chưa phải là tất cả. Chúng tôi còn có nhiều vấn đề khó khăn khác đang phải đối mặt và đang cố gắng giải quyết như kinh tế, sức khỏe, xã hội và môi trường. Còn Chủ tịch Hồ Cẩm Đào thì lại nói về mọi vấn đề, về kỷ nguyên của mọi quốc gia chứ không phải của riêng một nước nào”.

Và vì thế từ Indonesia đến Brazil, Trung Quốc đã có thêm được những đồng minh mới. 

NGUYÊN TÂM tổng hợp 

 

Tin cùng chuyên mục