Nâng chất hoạt động HĐND TPHCM - Cách nào?
|
Tuy nhiên, hoạt động của HĐND TPHCM thời gian qua, dù có nhiều cố gắng, nhưng chưa đáp ứng yêu cầu của cuộc sống, nguyện vọng của cử tri. Trước bối cảnh hội nhập quốc tế diễn ra ngày càng sâu rộng, cùng với yêu cầu thúc đẩy TPHCM phát triển nhanh, bền vững, nâng chất lượng sống của nhân dân, HĐND TPHCM đứng trước đòi hỏi phải không ngừng đổi mới và nâng cao hiệu quả hoạt động hơn nữa trong nhiệm kỳ tới.
Đổi mới để nâng chất lượng hoạt động của HĐND TPHCM là yêu cầu thường xuyên, liên tục, toàn diện theo hướng gần dân hơn, công khai hơn, phản biện sắc sảo hơn, đi đến cùng sự việc, sáng tạo và độc lập hơn. Theo đại biểu Đinh Phương Duy, Phó Hiệu trưởng Học viện Cán bộ TPHCM, để nâng cao hiệu quả hoạt động của HĐND TPHCM, trước tiên phải giải quyết tốt bộ máy, con người của cơ quan này.
Cơ quan dân cử còn “theo sau” chính quyền
Không chỉ đại biểu Đinh Phương Duy mà nhiều đại biểu - tức những người trong cuộc - cùng nhìn nhận thực tế: Tiếng là cơ quan quyền lực nhà nước tại địa phương nhưng hoạt động của HĐND TPHCM thời gian qua vẫn còn “theo sau” UBND TP. “Nói ra thực tế này không yêu cầu phải tạo căng thẳng giữa cơ quan chính quyền và cơ quan dân cử. Tuy nhiên, nếu như cơ quan dân cử cứ theo sau cơ quan chính quyền như hiện nay thì không thể nào phát huy tốt được vai trò như luật định”, đại biểu Đinh Phương Duy nêu chính kiến.
Vị đại biểu trên dẫn dụ, tại các kỳ họp HĐND TP vừa qua, một số tờ trình của UBND TP không được HĐND TP xem xét, thông qua. Tuy nhiên, việc không xem xét thông qua ấy đôi khi phải trao đổi, bàn bạc và thống nhất trước đó giữa hai cơ quan mà không phải quyết ngay tại nghị trường kỳ họp. Kế đó, các nghị quyết chất vấn là trả lời chất vấn tại các kỳ họp - với nội dung chốt lại các lời hứa, cam kết của chính quyền, các sở ngành nhưng lại không được giám sát tới nơi tới chốn hay khi các cơ quan quản lý nhà nước này không thực hiện thì cũng chẳng sao.
Đại biểu Nguyễn Văn Hiếu chất vấn tại kỳ họp HĐND TPHCM. Ảnh: VIỆT DŨNG
Cùng quan điểm, theo đại biểu Lâm Thiếu Quân, nhiều báo cáo, các tờ trình UBND TP gửi HĐND TP để đại biểu nghiên cứu trước kỳ họp thường chậm trễ, không có thời gian cho đại biểu nghiên cứu sâu trước khi biểu quyết, gây ảnh hưởng đến chất lượng hoạt động của đại biểu, của kỳ họp nhưng vẫn không thấy HĐND TP có giải pháp mạnh mẽ khắc phục tình trạng này. Hoặc nhiều vấn đề nóng diễn ra cùng thời điểm kỳ họp HĐND TP nhưng HĐND TP chưa thật sự mạnh mẽ để đưa các vấn đề này ra kỳ họp, như vấn đề liên quan đến chương trình tiếng Anh tích hợp, dư luận tại thời điểm đó vô cùng bức xúc nhưng kỳ họp lại không đưa nội dung này vào phiên chất vấn, trả lời chất vấn để sáng tỏ vụ việc.
Trưởng ban phải ngang tầm với giám đốc sở
Nhận diện các tồn tại, nhiều đại biểu cho rằng cần phải xây dựng bộ máy HĐND TP đủ mạnh. Nói cách khác, đã đến lúc phải nâng tầm bộ máy cơ quan dân cử này để khắc phục nhiều hạn chế, đáp ứng yêu cầu thực tiễn… Theo cơ cấu hiện nay, Thường trực HĐND TP gồm 1 chủ tịch, 1 phó chủ tịch và 1 ủy viên thường trực. Tuy nhiên, theo Luật Tổ chức chính quyền địa phương (được xây dựng trên cơ sở sửa đổi toàn diện Luật Tổ chức HĐND và UBND năm 2003 phù hợp với tinh thần Hiến pháp năm 2013), thì tới đây Thường trực HĐND TP được cơ cấu mới gồm 1 chủ tịch, 2 phó chủ tịch, không còn chức danh ủy viên thường trực. Trưởng các ban chuyên trách của HĐND TP được cơ cấu trong Thường trực HĐND TP.
Việc củng cố, hoàn thiện bộ máy tổ chức theo Luật Tổ chức chính quyền địa phương nhằm nâng cao hiệu quả, hiệu lực, vai trò của HĐND TP. Tuy nhiên, theo đại biểu Đinh Phương Duy, như thế vẫn chưa đủ mạnh. Từ thực tiễn hoạt động, ông cho rằng về con người cụ thể, việc cơ cấu trưởng các ban chuyên trách của HĐND TP phải ngang tầm với giám đốc các sở. Thậm chí, trưởng các ban có thể là Thành ủy viên. Chưa kể, cũng theo Luật Tổ chức chính quyền địa phương, HĐND TP sắp tới có thêm Ban Đô thị. Đây là ban được đánh giá có vai trò rất quan trọng đối với một đô thị lớn nhất nước như TPHCM, do vậy cơ cấu lãnh đạo ban này cũng cần phải xứng tầm để thực thi nhiệm vụ được hiệu quả.
Cũng đặt vấn đề nâng chất lượng hoạt động của cơ quan dân cử, nhiều ý kiến cho rằng về số lượng, chỉ tiêu, cơ cấu đại biểu cũng cần phải tính toán lại theo hướng hạn chế tối đa đại biểu là lãnh đạo các sở ngành. Thực tế nhiệm kỳ qua, nhiều kỳ vọng đại biểu dân cử là lãnh đạo các sở ngành có kiến thức chuyên môn sâu cùng lãnh đạo các ban của HĐND thực hiện tốt hơn trong hoạt động giám sát tại cơ sở, đơn vị. Thế nhưng thực tế, khi đến cơ sở thì các đại biểu này thường ngại nói do không muốn đụng chạm với ngành mình. “Tôi đã từng góp ý, mặc dù phải mặc hai “áo” - “áo” của lãnh đạo cơ quan chuyên ngành và “áo” đại biểu HĐND - thì khi anh khoác áo của người đại biểu, phải cố gắng làm tròn nhiệm vụ của mình, nhưng thực tế rất khó, anh em ngại nói vì sợ đụng chạm”, một đại biểu HĐND TP chia sẻ.
Cùng với đó, nhiều ý kiến cho rằng, cơ cấu đại biểu HĐND TPHCM nên bớt những người có chức vụ, có quyền hạn, tăng cường đại biểu trong giới trí thức. Bởi lẽ, đại biểu ít liên quan đến chức quyền mới mạnh dạn phát biểu.
VÂN ANH - HỒNG HIỆP - ÁI CHÂN