Câu chuyện bảo hộ xe hơi trong nước ở Malaysia

Bài 1: Niềm tự hào dân tộc

LTS
Bài 1: Niềm tự hào dân tộc

LTS: Trong khi ngành công nghiệp ô tô Việt Nam vẫn còn đang loay hoay giải bài toán “nội địa hóa” và xây dựng thương hiệu ô tô sản xuất trong nước thì ngay từ những năm 1990, Malaysia đã sản xuất được xe hơi nội địa 100%. Từ số báo này, ĐTTC xin giới thiệu câu chuyện phát triển công nghiệp xe hơi của Malaysia để bạn đọc tham khảo.

Khi đặt chân đến thủ đô Kuala Lumpur du khách không khỏi choáng ngợp trước tòa tháp đôi Petronas vút đến tận trời xanh và dòng xe hơi nườm nượp lưu thông trên phố. Để ý thêm một chút, người ta dễ dàng nhận ra hầu hết các “con xe” đang lăn bánh đều mang nhãn hiệu Proton, một hãng xe hơi “chính hiệu” Malaysia.

“Xe nội, giá nội, chất lượng ngoại”

Bài 1: Niềm tự hào dân tộc ảnh 1
Xe Proton luôn được ưu ái ở Malaysia những năm 1990.

Được thành lập từ năm 1985 theo sáng kiến của cựu Thủ tướng Malaysia Mahathir Mohamad, Proton là niềm tự hào của đất nước 23 triệu dân này.

Hãng xe 100% vốn nhà nước này là biểu tượng cho sự tự lực tự cường công nghiệp hóa, đổi mới và chủ nghĩa yêu nước. Điều này khá dễ hiểu, vì với Proton, người Malaysia có thể khẳng định rằng họ đã xây dựng được một nền công nghiệp xe hơi độc lập, có thể sản xuất một chiếc xe nội địa 100%.

Thật ra, lúc đầu Proton dựa vào công nghệ của Nhật Bản, qua tay hãng Mitsubishi Corp. Hãng này chịu trách nhiệm cung cấp động cơ và một số phụ kiện quan trọng cho nhà sản xuất trong nước. Qua thời gian, Proton dần dần tiếp thu được công nghệ và cho ra đời dòng xe 100% nội địa Gen-2 vào năm 2004.

Vào thời kỳ “vàng son”, người ta ước lượng cứ 10 chiếc xe hơi lưu thông trên phố thì có hơn 7 chiếc mang nhãn hiệu Proton. Các hãng xe có tiếng trên thế giới như Toyota, Honda, Daihatsu... dù dưới bất kỳ hình thức kinh doanh nào, độc lập hay liên kết, liên doanh với các đối tác Malaysia khác đều gặp nhiều khó khăn trong việc tiêu thụ và tranh giành thị phần với Proton.

Khi chiếc Proton đầu tiên xuất hiện trên đường phố Malaysia với tên gọi Proton Saga, người địa phương đã gọi chệch thành “Potong Harga”, nghĩa là “xe hơi giá rẻ”. Quả thật, khi đó giá một chiếc Proton rẻ hơn giá xe ngoại với dung tích động cơ tương đương ít nhất 20%, chỉ chừng 3.000 USD/chiếc.Mức giá ưu đãi này không đến từ việc ráp bằng các loại linh kiện rẻ tiền, mà từ chính sách bảo hộ cao của nhà nước đối với ngành xe hơi nội địa.

Trong suốt 23 năm cầm quyền, để bảo vệ đứa “con cưng” của mình, Thủ tướng Mahathir thẳng tay đánh thuế từ 150-300% đối với các hãng xe nước ngoài muốn “dòm ngó” thị trường Malaysia. Thêm vào đó, các hãng xe hơi nội địa như Proton còn được ưu đãi về thuế suất, khiến chi phí sản xuất một chiếc xe của họ thấp hơn nhiều lần so với các đối thủ nước ngoài.

Vì vậy, người Malaysia lúc đó tự hào Proton Saga là “xe nội, giá nội, chất lượng ngoại” và trong công chúng lan truyền một quan điểm rằng, ai mua xe hơi 4 chỗ mà không mua xe Proton là người đó... “không yêu nước”!

Chỉ 3 năm sau khi “chào đời”, Proton đã vượt qua tất cả các đối thủ khác để trở thành “thủ lĩnh” của thị phần xe hơi trong nước (hơn 73%) và cùng với hãng nội địa khác là Perodua (đang chiếm gần 20% thị phần), xe hơi nội địa của Malaysia đã chiếm đến 90% thị trường xe hơi trong nước.

Trong suốt thập niên 1990, số sản xuất bình quân mỗi năm của Proton vào khoảng 105.000 chiếc. Tính đến năm 2003, Proton vẫn là doanh nghiệp làm ăn có lãi hàng đầu ở Malaysia, nắm trong tay một khoản tiền mặt trị giá gần 4 tỷ ringgit (tương đương 1,05 tỷ USD).

Những tồn tại

Proton được ngợi ca là tác nhân trực tiếp giúp thay đổi bộ mặt của Malaysia từ một nước nông nghiệp trở thành một nước công nghiệp. Ngành xe hơi phát triển kéo theo nhiều ngành khác như sản xuất thép, xi-măng (để làm cầu đường)... Đặc biệt, việc tung ra loại xe chỉ có 3.000 USD bán theo hình thức trả góp đã khiến tỷ lệ người sắm xe hơi tăng lên đáng kể.

Sự phát triển này giúp tái cấu trúc lại đô thị vì người dân sau khi có xe hơi đã dễ dàng đồng ý chuyển đến ở những khu vực xa trung tâm các khu đô thị hơn. Xe hơi phát triển cũng giúp ngành cầu đường phát triển theo. Những công trình xây dựng theo dạng BOT (thu phí) nở rộ. Tất cả những điều này giúp Malaysia nhanh chóng thay đổi bộ mặt hạ tầng cơ sở.

Tuy nhiên, cách chiếm lĩnh thị trường của Proton đã bị nhiều chuyên gia cảnh báo là “thiếu lành mạnh”. Vì hãng này không vươn lên bằng chính “bánh xe” của mình, mà bằng sự đỡ đầu của chính phủ. Nhiều người lo ngại một khi chính phủ không còn “chống lưng”, không còn giúp ngăn chặn các đối thủ từ bên ngoài, Proton sẽ rớt thảm hại.

Mặt khác, giới chuyên môn cho rằng với một dân số xấp xỉ 23 triệu người, Malaysia là một thị trường quá nhỏ để có thể “nuôi” nổi ngành xe hơi. Họ cho rằng trong lịch sử chưa hề có một quốc gia nào có dân số dưới 50 triệu lại đủ sức mạnh để duy trì một thương hiệu ô tô khi chỉ dựa vào thị trường nội địa.

Trong thực tế, thị trường xe hơi Malaysia cũng không ổn định. Vào năm 1983, khi ý tưởng về một hãng “xe hơi nội địa” được nhen nhóm trong chính phủ, thị trường Malaysia lúc đó tiêu thụ khoảng 100.000 chiếc mỗi năm và tăng trưởng hàng năm 20%. Nhưng khi các nhà máy của Proton đi vào hoạt động (1985), thị trường xe hơi Malaysia bất ngờ tuột xuống chỉ còn 47.000 chiếc/năm. Năm sau còn tệ hơn, chỉ đạt 35.000 chiếc.

Tất cả những nguy cơ tiềm ẩn này “hứa hẹn” sẽ trở thành những cơn lốc xoáy thổi tung các xưởng sản xuất của Proton trong nay mai, một khi Malaysia buộc phải giảm thuế suất nhập khẩu xe hơi từ các nước Đông Nam Á xuống bằng 5-0% theo Hiệp định Tự do Thương mại ASEAN (AFTA).

Văn Cường

Kỳ tới,  Bài 2: Khi không còn “bóng cả”

Tin cùng chuyên mục