Thành phố Hồ Chí Minh - 30 năm đổi mới và phát triển
Nhớ lại những năm đầu thập niên 1990, nhiều người vẫn không quên trường hợp mỗi lần đến cơ quan hành chính để làm các thủ tục giấy tờ về nhà đất, xây dựng, tư pháp… luôn gặp phải những rắc rối, nhiêu khê và nhiều trường hợp phải đi lại đến cả chục lần mà về vẫn tay không. Sự chuyển đổi tư duy từ “mệnh lệnh hành chính” sang “phục vụ, hướng dẫn”, đã nhanh chóng hình thành một cung cách mới ở các cơ quan hành chính theo hướng giảm tối đa sự phiền hà, nhũng nhiễu cho người dân…
Người dân quận Bình Tân làm thủ tục hành chính. Ảnh: VIỆT DŨNG
Từ “nhiều cửa” đến “một cửa”
“Chú ơi, hồ sơ còn thiếu xác nhận của phường về nơi cư trú”. “Có bản sao y hộ khẩu rồi còn gì” - ông Hùng đáp lại nhân viên tiếp nhận hồ sơ ở UBND phường. “Không được. Chú phải về phường xin xác nhận”. Hôm sau, ông Hùng trở lại quận thì không gặp được nữ nhân viên hôm trước. “Ai hướng dẫn hồ sơ cho ông, việc gì phải xác nhận. Về công an phường xác nhận vào bản sao y hộ khẩu là được” - nam nhân viên này nói. Thế là phải vòng về phường một lần nữa. Lên quận, gặp lại người nhân viên lúc sáng, ông được nghe hướng dẫn để hoàn tất bộ hồ sơ hợp thức hóa nhà phải qua Sở Nhà đất, phòng thuế quận xác nhận mức thuế phải đóng, rồi phòng xây dựng xác nhận hiện trạng nhà, UBND phường xác nhận nguồn gốc nhà đất, UBND quận đối chiếu quy hoạch… Ông Hùng nhẩm tính, để hoàn chỉnh một bộ hồ sơ phải đi qua, đi lại mất… 13 “cửa”.
“Tôi làm đơn xin xây nhà bếp phía sau ngôi nhà đang ở, trong chu vi đất của tôi, nhà và đất giấy tờ đầy đủ. Diện tích nhà bếp 10 thước vuông. Sơ khởi, tôi đi lấy giấy xác nhận của phường rằng tôi đúng là tôi, tôi còn sống, nhà tôi cũng là của tôi, tôi ngụ tại đây mấy chục năm rồi. Tưởng gọn, ai dè phải vòng vo. Tại UBND phường, cô đánh máy lạnh lùng báo rằng, ông chủ phường bận đi họp rút kinh nghiệm về quản lý khu cư dân đô thị, ông phó phường chở con đi học, tôi nên tìm ông thư ký phường. “Ra mấy tiệm cà phê mà kiếm”, cô nói mà chẳng thèm ngó mặt tôi. Quanh trụ sở phường khá nhiều quán. Tìm mãi rồi cũng gặp ông thư ký, không phải tại quán cà phê mà quán bia hơi. Ông hẹn tôi chiều đến phường. Khi tôi đến, ông thư ký vắng mặt, nên tôi gặp ông phó phường. Tôi lột mũ, bắt đầu báo bẩm. Ông ngắt ngang: “Này, tôi là phó chủ tịch phường, không được nói tắt thành phó phường...”. Tôi cười, xin lỗi. “Sao không có sổ đăng ký hộ khẩu?” - ông phó chủ tịch hỏi. Tôi vội vã về nhà lấy sổ hộ khẩu, trở lại thì... hết giờ làm việc. Hôm sau, ông chủ tịch phường nhận tờ khai của tôi, kèm sổ hộ khẩu. Ông nổi quạu: “Làm như tụi tui quan liêu vậy, ông ngụ trong phường này ai không biết, đưa sổ hộ khẩu làm chi?”. Tưởng đã xuôi, ai dè ông hỏi: “Đây là nhà riêng của ông, giấy chủ quyền đâu?”. Lại về nhà, và khi trở lại, phường vừa nghỉ trưa. Chiều đến, ỷ y lời ông chủ tịch, không mang sổ hộ khẩu, tôi bị ông thư ký cự, lại quay về lấy và lại... Mất hai ngày, cuối cùng tôi cũng xin được cái giấy xác nhận vỏn vẹn một câu: Chứng nhận ông Nguyễn Văn M. ngụ tại khu phố X., phường Z., số nhà A. đường C.”.
“Hồ sơ không đủ, bà về làm lại khi nào đủ mang lên nộp”. “Thế hồ sơ gồm có những gì hả cô” - bà Thuận hỏi lại. “Tôi biết bà có cái gì mà bảo đủ hay không. Về hỏi người nhà xem ai biết thủ tục thì đi làm, chứ lên đây không ai rảnh đâu mà hướng dẫn…” - nữ nhân viên phường trả lời thủng thẳng…
Những câu chuyện trên được cho là “chuyện thường ngày ở huyện”, xảy ra tại các cơ quan hành chính vào đầu những năm 1990, được người dân nhiều lần phản ánh qua báo chí và gửi lên lãnh đạo TPHCM. Ông Trần Thành Long kể: “Năm 1994 lúc tôi làm Phó Chủ tịch UBND TP, nhiều chuyện hết sức nhiêu khê về thủ tục hành chính, nhũng nhiễu, hành dân ở các cơ quan công quyền nhức nhối lắm. Cuối năm đó, TP có chủ trương và chỉ đạo đẩy mạnh công tác cải cách hành chính, chọn việc tổ chức mô hình thí điểm cơ chế “một cửa” và “một dấu” tại UBND quận, huyện để đột phá cải cách về thủ tục hành chính. Thế nhưng, phải đến cuối năm 1995 chủ trương này mới được Chính phủ đồng ý, và TP đã chọn quận 1, 5 và huyện Củ Chi làm thí điểm cơ chế “một cửa”, “một dấu”. Cơ chế này là khởi đầu cho tiến trình mở rộng cải cách hành chính tại TPHCM và cả nước sau này”…
Cũng theo ông Trần Thành Long, cơ chế “một cửa” có nghĩa là người đi làm thủ tục của bất kỳ lĩnh vực gì chỉ đến một nơi tiếp nhận hồ sơ là đủ, và nơi đây phải có trách nhiệm công khai, hướng dẫn mọi thủ tục cho người dân. Đến ngày lấy kết quả giải quyết theo hẹn, người dân cũng chỉ đến nơi đã nhận hồ sơ, không phải đi lại nhiều lần. Còn cơ chế “một dấu” được áp dụng với UBND cấp quận, huyện, để khẳng định ở cấp chính quyền đó chỉ có một pháp nhân công quyền duy nhất, các phòng ban chuyên môn chỉ là cơ quan tham mưu, giúp việc cho UBND chứ không phải pháp nhân riêng. Tổ chức khu hành chính tập trung tại trụ sở UBND quận, huyện; tiến hành thu hồi dấu của các phòng ban chuyên môn, chỉ sử dụng dấu quốc huy duy nhất của UBND trong mọi hoạt động điều hành…
Kết quả thực hiện thí điểm cơ chế này đã khẳng định là hướng đi đúng, dẫn đến Quyết định 972/1997/QĐ-TTg ngày 15-11-1997 của Thủ tướng Chính phủ cho mở rộng áp dụng cơ chế “một cửa”, “một dấu” đối với các sở ngành và UBND quận, huyện ở TPHCM.
Một cửa liên thông
“Xin mời số 045 đến quầy số 7”. Nghe đọc tên số thứ tự hồ sơ của mình, ông Minh vội lật các giấy tờ cần thiết rồi tiến lại quầy số 7. “Chú khai mẫu đơn xin thành lập doanh nghiệp, kèm CMND, đăng ký địa điểm kinh doanh là xong” - nữ nhân viên quầy số 7 vừa nói vừa chỉ vào tờ mẫu đơn hướng dẫn ông Minh cách viết theo các ô. Thấy ông Minh loay hoay, chưa hiểu cách điền mẫu, nữ nhân viên này mời ông đến bàn bên cạnh có một nam nhân viên chờ sẵn hướng dẫn ông điền hồ sơ và sắp xếp lại các giấy tờ không cần thiết. Điền xong hồ sơ, ông Minh quay lại quầy số 7 nộp thì chỉ vài phút sau, nữ nhân viên trong quầy đưa lại ông tờ biên nhận số 002873, hẹn 7 ngày sau quay lại lấy kết quả. “Vậy là xong” - ông Minh nói với chúng tôi. Đứng bên cạnh là người phụ nữ đi làm thủ tục mở chi nhánh công ty, nói chen vào: “Giờ nhanh và đơn giản hơn trước nhiều. Chỉ một cửa này là người dân có đầy đủ từ giấy phép thành lập doanh nghiệp, hóa đơn, mã số thuế, khắc dấu, khỏi phải đi lại mất thời gian”.
Nhận xét trên của người phụ nữ đúng với tinh thần cải cách thủ tục hành chính trong lĩnh vực cấp phép thành lập doanh nghiệp mà Sở Kế hoạch - Đầu tư TPHCM thực hiện trong nhiều năm qua theo cơ chế “một cửa liên thông” được triển khai tại 6 sở ngành và các quận huyện trên toàn thành phố. Các nhóm thủ tục hành chính thuộc lĩnh vực nhà đất, xây dựng, hộ tịch, BHYT và đăng ký, quản lý cư trú cũng được triển khai thực hiện theo cơ chế “một cửa liên thông” đến tận 322 phường, xã, thị trấn để tạo điều kiện tốt nhất cho người dân. Để giải quyết nhanh, đúng hẹn các thủ tục hành chính cho người dân, hầu hết các cơ quan hành chính từ cơ sở đến quận huyện, sở ngành thành phố đều áp dụng hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn ISO; đồng thời cứ 2 năm một lần TP tiến hành khảo sát, đánh giá mức độ hài lòng của người dân về thủ tục hành chính và chất lượng cung ứng các loại dịch vụ công. Qua đó, giúp chính quyền các cấp có thêm cơ sở để đề ra các giải pháp nâng cao hiệu quả công tác cải cách hành chính và cải tiến chất lượng cung ứng dịch vụ công, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân ngày một tốt hơn.
Phục vụ hữu hiệu cho cơ chế “một cửa”, “một cửa liên thông” là việc ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác quản lý Nhà nước. Hệ thống “một cửa điện tử” được vận hành chính thức từ năm 2006 đã phát huy được hiệu quả việc ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý Nhà nước. Việc áp dụng hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn ISO 9001:2000 vào hoạt động các cơ quan Nhà nước giúp người dân và doanh nghiệp hạn chế thời gian đi lại nhưng vẫn theo dõi và nắm được việc thụ lý hồ sơ của mình và giúp lãnh đạo các cơ quan hành chính thành phố giám sát, theo dõi tình hình xử lý hồ sơ… TRƯƠNG VĂN LẮM, Giám đốc Sở Nội vụ TPHCM |
HOÀI NAM-ÁI CHÂN
>> Bài 11: Liên kết vùng và vai trò “nhạc trưởng”