CIA sẽ bị xóa sổ?

Bài 2: Ai đang nhắm bắn CIA?

Bài 2: Ai đang nhắm bắn CIA?

Bản báo cáo dày 400 trang

Trong những ngày đầu tháng 7 này dư luận Washington đang hồi hộp xem cuộc đọ sức ngầm giữa Langley và Ủy ban tình báo của Thượng viện sẽ kết thúc như thế nào. Đềø tài tranh chấp là nên công khai hóa bao nhiêu trang trong bản báo cáo dày 400 trang mà ủy ban này điều tra về những sai sót ở khâu thu thập tin tình báo dẫn đến việc chính quyền Mỹ đã xua quân đánh Iraq dựa trên “bằng cớ” nước này đã có sẵn vũ khí hủy diệt hàng loạt. 

Bài 2: Ai đang nhắm bắn CIA? ảnh 1
Bìa cuốn sách phê phán CIA.

CIA đề nghị cắt bỏ hơn một nửa bản báo cáo ấy nhưng không được chấp thuận. Chủ tịch Ủy ban tình báo Thượng viện, nghị sĩ Pat Roberts, đảng Cộng hòa, cho biết: “Chắc chắn là chúng tôi phải yêu cầu CIA tiến hành cải tổ tận gốc”. Còn nghị sĩ Richard Durbin, đảng Dân chủ, một thành viên của Ủy ban Tình báo Thượng viện, cho biết nội dung báo cáo là “rất khắt khe, trực diện và hoàn toàn công bằng” và đã được toàn thể các thành viên thuộc hai đảng trong ủy ban nhất trí thông qua. Theo nhiều nguồn tin giấu tên, bản báo cáo này thực sự là một bản kết án CIA.

Nhân vật sẽ phải hứng chịu những mũi tên bắn ra từ Ủy ban tình báo Thượng viện chính là Phó giám đốc CIA John McLaughlin, người thay ông George Tenet tạm lãnh đạo cơ quan này kể từ sau ngày 11-7. Và nhìn ở góc độ này thì việc ông Tenet nộp đơn xin từ chức hôm 2-6 được nhiều quan sát viên nhận định là một hành động “trốn chạy trách nhiệm” và cũng là dấu hiệu nội các của Tổng thống Bush đang rơi rụng vì mất đoàn kết và khủng hoảng nội bộ. 

Khi chỉ còn 5 tháng là đến ngày bầu cử tổng thống nhiệm kỳ 2005-2008, Tổng thống Bush đang phải đứng trước tình hình nguy kịch vì ngoài sự ra đi của hai ông chánh, phó CIA ra thì Ngoại trưởng Colin Powell đã cố tình tách mình ra xa hơn khỏi các đồng nghiệp trong nội các, Bộ trưởng Quốc phòng Donald Rumsfeld và Bộ trưởng Tư pháp John Ashcroft thì bị dư luận Mỹ áp lực đòi họ từ chức (vì đã để xảy ra xì căng đan lính Mỹ tra tấn tù binh Iraq ở nhà tù Abu Ghraib)...

Người ta cho rằng có thể ông Tenet không chịu nổi áp lực nặng đang đè lên mình sau khi đã liều quả quyết với Tổng thống Bush hồi đầu năm 2003 rằng việc xác minh Iraq đã có vũ khí hủy diệt là một ca chắc chắn như “cú đập bóng mạnh vào rổ”. Nhưng cũng có thể chính Tổng thống Bush đã muốn cắt bỏ “thực thể cần thiết cho tổng thống” khi thấy diễn biến về bằng chứng dỏm này ngày càng khiến chính quyền của ông bị chỉ trích nặng hơn vì đã gây ra chiến tranh Iraq. Nghị sĩ Dân chủ Robert Graham, cựu chủ tịch Ủy ban tình báo Thượng viện, nói rằng Tổng thống Bush đã truất Tenet ra khỏi CIA để dành phần an toàn chính trị cho mình trong mùa bầu cử tổng thống. 

  • Những “viên đạn bạc” bắn vào CIA
Bài 2: Ai đang nhắm bắn CIA? ảnh 2
Câu hỏi hiện nay ở Washington là giải thể hay cải tổ CIA?

Thực tế là Phó tổng thống Dick Cheney, người được biết là đã có những cuộc đụng độ nẩy lửa với Tenet đã chỉ có thông báo ngắn với 3 câu để “chia tay” với Tenet. Tổng thống Bush thì có 4 đoạn văn để cám ơn Tenet đã phục vụ hết mình cho nước Mỹ. 

Ngoại trưởng Powell không nói gì nhiều về sự ra đi của ông Tenet nhưng hiển nhiên là ông đã phần nào xả được nỗi uất ức. Vì tin tình báo sai cung cấp bởi CIA (sau khi bị áp lực mạnh từ Nhà Trắng và nhóm các quan chức dân sự lãnh đạo Lầu Năm Góc, tức Bộ trưởng Donald Rumsfeld và Thứ trưởng Paul Wolfowitz) mà chính ông, hồi tháng 2 năm ngoái, đã mạnh dạn tuyên bố trước Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc rằng Iraq đã vi phạm lệnh cấm sản xuất vũ khí hủy diệt. 

Lúc ấy ông Powell đã đòi giám đốc CIA phải ngồi ngay sau lưng Mỹ với hàm ý cho giới ngoại giao quốc tế biết rằng tất cả những bằng chứng ông nêu ra đều xuất phát từ cơ quan tình báo này. Kết quả là Mỹ đã bắt đầu tấn công Iraq vào ngày 19-3-2003. Hơn một năm qua đi, vào ngày 7-6-2004, khi được nữ cố vấn an ninh quốc gia Condoleezza Rice yêu cầu xuất hiện trên truyền hình để có tiếng nói bênh vực CIA, ông Powell đã từ chối mà trả lời rằng: “Tôi không còn tin những thông tin phát đi từ cơ quan này nữa !”.

Nghị sĩ Dân chủ Evan Bayh thì cho rằng giám đốc CIA đã trở thành “con dê tế thần” vì dây chuyền trách nhiệm phải lần đến tận phòng bầu dục trong Nhà Trắng... Sau biến cố 11-9, chúng ta đã để mất cơ hội lý tưởng để đánh đổ các rào ngăn quan liêu hành pháp”. Việc cải tổ CIA vì thế theo ông hiện là nhu cầu tối cần thiết.

Nhưng CIA sẽ còn bị phê phán nặng hơn nữa khi Ủy ban điều tra biến cố 11-9 sẽ nộp báo cáo chính thức vào ngày 26-7 tới đây. Ủy ban sẽ làm rõ những liên hệ sâu đậm giữa các chính quyền Mỹ với tổ chức khủng bố Al-Qaeda vì Al-Qaeda chính là “con ghẻ” của CIA từ sau khi cuộc chiến Liên Xô-Afghanistan kết thúc hồi cuối thập niên 1980. Tuy nhiên họ cũng kể rằng CIA trong thời gian được chỉ huy bởi ông Tenet kể từ ngày 11-7-1997 trở đi đã phạm rất nhiều sai sót.

Đáng kể nhất là thiếu sót lớn ở khâu dự báo phòng chống khủng bố ngay trong những ngày gần nhất ngày xảy ra các vụ khủng bố tấn công Mỹ sáng 11-9-2001. Ngoài ra CIA còn bị chỉ trích vì đã không dự báo được về các vụ Al-Qaeda tấn công hai sứ quán Mỹ tại Kenya và Tanzania hồi năm 1998 và chiến hạm Cole, thông tin sai về mục tiêu đánh bom ở Belgrade khiến Sứ quán Trung Quốc bị trúng tên lửa của Mỹ hồi năm 1999 cũng như trước đó từng cung cấp tin tình báo sai khiến một nhà máy sản xuất dược phẩm lớn nhất ở Sudan bị bom Mỹ phá hủy vì bị lầm tưởng là nhà máy chế tạo vũ khí hóa học của trùm khủng bố Osama bin Laden.

  • Cải tổ hay giải tán CIA ?

Trong lúc CIA đang bị nhiều thế lực bắn phá thì lại nổ ra vụ khủng hoảng mới xuất phát từ chính trong một tầng hầm ở Langley. Đó là cuốn sách Imperial Hubris: why the West is losing war on terrorism của tác giả giấu tên phê phán từ việc CIA thiếu liên lạc và điều phối với các cơ quan tình báo, an ninh khác khiến để xảy ra các vụ khủng bố đẫm máu đến cuộc chiến và việc chiếm đóng Iraq đã là “món quà lớn mà Osama bin Laden không ngờ được chính quyền Mỹ gửi đến”ø. Tác giả giấu tên trên thực ra là một quan chức cao cấp thuộc chuyên ban mà chính CIA đã lập ra với mục đích điều tra, theo dõi các hoạt động của tổ chức Al-Qaeda và trùm khủng bố Osama bin Laden. 

Theo tác giả trên, những nhân viên tình báo trực tiếp theo dõi hành tung của Al-Qaeda đã ngay từ thời điểm cuối năm 1995, đầu 1996 báo động với cấp trên của họ về mối đe dọa Al-Qaeda âm mưu khủng bố ngay trên lãnh thổ Mỹ. Ông ta cho rằng đã đến lúc phải cải tổ CIA. Câu hỏi hiện nay ở Washington là cải tổ nó như thế nào hay giải tán nó ? Đã có một số nghị sĩ, dân biểu đề nghị thành lập một cơ quan tình báo nội địa giống như cơ quan MI5 của Anh. Có nghĩa là CIA sẽ chỉ còn phụ trách tình báo đối ngoại và giảm vai trò phản gián, chống khủng bố vốn là phần trách nhiệm của FBI lâu nay cũng như của cơ quan mới chính thức chào đời hồi đầu năm 2003 là Bộ An ninh nội địa (DHS).

Và cũng có tiếng nói ủng hộ giải pháp thành lập một siêu bộ tình báo-chống khủng bố dưới sự lãnh đạo của một quan chức ngang hàng bộ trưởng. Tuy nhiên cũng có nhiều ý kiến cho rằng trong tình hình khẩn cấp đối phó với các đe dọa khủng bố hiện nay việc xóa sổ hoặc cải tổ tận gốc CIA là không nên. Họ đề nghị chỉ cơ cấu lại cơ quan này mà cụ thể là cho giám đốc CIA nhiều quyền hạn hơn: lãnh đạo mọi tổ chức tình báo còn lại, nguồn kinh phí cao hơn (vì trong thực tế, 85% tổng kinh phí tình báo hiện nằm trong quyết định chi của Lầu Năm Góc).

NGUYỄN KHÔI tổng hợp

Tin cùng chuyên mục