Bài 2: Chung sức xây dựng nông thôn mới

Bài 2: Chung sức xây dựng nông thôn mới

Xây dựng nông thôn mới - nông nghiệp đô thị ở TPHCM

Trong 5 năm thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, TPHCM đã phát động phong trào thi đua “Thành phố chung sức xây dựng nông thôn mới”; qua đó đã huy động được nguồn lực xã hội to lớn cho yêu cầu xây dựng các tiêu chí nông thôn mới tại 56 xã của 5 huyện ngoại thành…

Huy động tổng lực

Ngay khi phong trào thi đua “Thành phố chung sức xây dựng nông thôn mới” được phát động đã có nhiều cá nhân, đơn vị, tổ chức, doanh nghiệp đăng ký tham gia vào các phần việc và nội dung xây dựng các tiêu chí nông thôn mới ở từng địa bàn cụ thể. UBMTTQ Việt Nam TPHCM được giao làm đầu mối đứng ra ký kết hỗ trợ, hợp tác xây dựng nông thôn mới với Hội Nông dân TP, 19 quận, 25 Đảng ủy cấp trên cơ sở và các tổng công ty. Trong đó, Tổng Công ty Điện lực TPHCM đã xây dựng hẳn chương trình với mục tiêu hoàn thành tiêu chí 4 về cung cấp điện cho 56 xã của các huyện ngoại thành.

Tuyến đường 708 ấp Trung Bình, xã Trung Lập Thượng (huyện Củ Chi) do người dân đóng góp hơn 300 triệu đồng xây dựng

Ông Lê Văn Phước, Tổng Giám đốc Tổng Công ty Điện lực TPHCM cho biết: Trong 5 năm, ngành điện đã đầu tư gần 2.000 tỷ đồng xây dựng 5.965 trạm biến áp với tổng dung lượng 2.144MVA, 2.017km đường dây trung áp và 3.564km đường dây hạ áp. Các công trình trên đã giúp ngành điện hoàn thành mục tiêu đưa điện đến 100% hộ nông dân các huyện ngoại thành trước kế hoạch đề ra. Một số công trình trọng điểm được thực hiện như: lắp đặt hệ thống điện năng lượng mặt trời cho hơn 180 hộ dân ấp Thiềng Liềng thuộc xã đảo Thạnh An (huyện Cần Giờ); xây dựng tuyến cáp ngầm 22kV vượt biển, cấp điện cho xã đảo Thạnh An và hoàn thành, đóng điện đúng vào dịp kỷ niệm 40 năm ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Giai đoạn tiếp theo, ngành điện tiếp tục đầu tư gần 3.000 tỷ đồng hiện đại hóa lưới điện nông thôn và nâng cao chất lượng điện năng phục vụ nông nghiệp ngoại thành để đáp ứng mục tiêu xây dựng nông thôn mới theo hướng đô thị của TPHCM. Trong các hoạt động xã hội, Tổng Công ty Điện lực TPHCM cũng dành ra gần 10 tỷ đồng xây mới, sửa chữa 128 căn nhà ở xã đảo Thạnh An; tặng quà tết, học bổng cho học sinh nghèo, gia đình chính sách của các xã ngoại thành và triển khai các chương trình “Nguồn sáng an toàn, văn minh, tiết kiệm vì an sinh xã hội”, “Chung sức trẻ thực hiện an toàn, tiết kiệm vì an sinh xã hội”, “Tuyến hẻm kiểu mẫu có hệ thống điện an toàn, mỹ quan, tiết kiệm”, “Thắp sáng niềm tin”… Các chương trình trên đã huy động sự tham gia của hàng ngàn đoàn viên thanh niên, nhân dân trên địa bàn cùng chung sức tham gia xây dựng nông thôn mới, tạo thành phong trào sâu rộng và có sức lan tỏa xã hội to lớn.

Ghi nhận từ phong trào “Thành phố chung sức xây dựng nông thôn mới” những năm qua cho thấy đã có nhiều phương thức và cách làm hiệu quả của các đơn vị, tổ chức, doanh nghiệp của TPHCM với mục tiêu thiết thực chăm lo đến đời sống vật chất, tinh thần cho người dân và giảm nghèo bền vững. Trong đó, chương trình xóa nhà tạm, dột nát đạt được kết quả cao nhất với 2.367 căn được sửa chữa, xây mới với tổng kinh phí gần 100 tỷ đồng. Qua chương trình đã huy động được hàng vạn cán bộ, đảng viên, hội viên, đoàn viên của các đơn vị, tổ chức, doanh nghiệp và các tổ chức đoàn thể tham gia bằng chính công sức, đóng góp vật chất của mình chăm lo cho người dân có được mái ấm khang trang, sạch đẹp. Có nhiều bạn sinh viên, học sinh góp từng đồng tiền tiết kiệm nhỏ của mình, từng ngày công tham gia lao động; nhiều đơn vị vận động cán bộ, công nhân viên làm thêm giờ, tiết kiệm chi phí sản xuất để dành một khoản tiền xây nhà tặng người dân ngoại thành, tặng học bổng, xe đạp cho các em học sinh vùng sâu, vùng xa đi học được thuận lợi hơn…

Vì một nông thôn mới phát triển vững bền

Đó là mục tiêu mà Đảng bộ, chính quyền và nhân dân TPHCM hướng đến cho giai đoạn tiếp theo của Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, giai đoạn 2016-2020. Trong đó, lấy việc huy động nguồn lực xã hội làm trọng tâm để nâng cao chất lượng các tiêu chí xây dựng nông thôn mới. Phong trào “Thành phố chung sức xây dựng nông thôn mới” cũng sẽ tiếp tục được triển khai với nhiều nội dung phong phú, đa dạng và thiết thực, thu hút mọi tầng lớp nhân dân trong xã hội cùng tham gia, tạo thành phong trào thi đua yêu nước sôi nổi cùng hướng đến mục tiêu “Vì một nông thôn mới phát triển vững bền”.

Các nội dung về hỗ trợ phát triển sản xuất, chế biến, tiêu thụ hàng hóa, nông sản; tặng học bổng, giảm hộ nghèo ở vùng sâu, vùng xa; các chương trình an sinh xã hội, đường giao thông, trường học, nhà văn hóa… sẽ được tập trung nguồn lực đầu tư, để bảo đảm nâng cao mức sống của người dân ngoại thành, giảm khoảng cách đời sống sinh hoạt, hưởng thụ vật chất, tinh thần của người dân vùng ngoại thành với nội thành. Mục tiêu mang tính nhân văn sâu sắc này chắc chắn sẽ được người dân TPHCM hưởng ứng tham gia với những giải pháp, cách làm sáng tạo hơn, hiệu quả hơn, để mục tiêu của giai đoạn 2016-2020 xây dựng nông thôn mới ở TPHCM về đích trước cả nước với kết quả cao nhất.

HOÀI NAM

Kết quả huy động nguồn lực xây dựng nông thôn mới từ 2011-2015:

Tổng vốn huy động trên 41.871 tỷ đồng, trong đó:

* Ngân sách Trung ương: 20 tỷ 230 triệu đồng.
* Ngân sách thành phố: 9.485 tỷ 246 triệu đồng.
* Vốn nông thôn mới: 5.133 tỷ 201 triệu đồng.
* Vốn lồng ghép: 4.352 tỷ đồng.
* Vốn huy động từ cộng đồng trên 32.366 tỷ đồng.

(Nguồn: Ban Chỉ đạo Thành ủy về xây dựng nông thôn mới TPHCM)

>> Bài 1: Điểm sáng xây dựng nông thôn mới

Tin cùng chuyên mục