Thách thức trong xây dựng chính quyền điện tử
Trong khi dịch vụ công trực tuyến tại các quận, huyện TPHCM hoạt động èo uột vì thiếu sự đồng hành của người dân, thì nhiều ứng dụng tại các sở, ngành TPHCM lại phát huy hiệu quả. Nguyên nhân vì sao? Có phải “công dân điện tử” - sự góp sức của người dân và doanh nghiệp là nhân tố quyết định?
Quyết tâm
TPHCM đề ra mục tiêu từ nay đến năm 2025 cơ bản xây dựng TPHCM trở thành đô thị thông minh. Chính quyền điện tử là phần lõi của đô thị thông minh. Muốn có chính quyền điện tử thì phải có công dân điện tử. Nói điều này để thấy rằng, một khi người dân còn đứng ngoài bộ máy dịch vụ hành chính công thì vẫn còn trở ngại lớn đối với chính quyền TPHCM trong xây dựng chính quyền điện tử. Cùng với đó, sự quyết tâm làm trong sạch bộ máy, cải cách con người chính là yếu tố quan trọng để cải cách hành chính mang lại hiệu quả.
Dịch vụ trực tuyến của Phòng Quản lý Xuất nhập cảnh, Công an TPHCM được nhiều người dân sử dụng Ảnh: HỒNG NHUNG
Không phải là đơn vị đi tiên phong trong việc áp dụng dịch vụ công trực tuyến nhưng kết quả mà Phòng Quản lý xuất nhập cảnh Công an TPHCM (PA72) đạt được rất ấn tượng. Theo lãnh đạo PA72, sau gần 2 năm thực hiện cấp hộ chiếu qua Internet ở cấp độ 3, đến nay tỷ lệ hồ sơ kê khai trực tuyến qua mạng đã lên đến 74% với 153.000/220.000 hồ sơ được cấp trong năm 2016.
“Tỷ lệ này vượt qua sự mong đợi ban đầu của chúng tôi. Rõ ràng việc áp dụng tờ khai điện tử trong cấp hộ chiếu đã tạo cho người dân có nhiều sự chọn lựa về cách thức nộp hồ sơ. Người dân có thể khai hộ chiếu tại cơ quan, tại nhà, qua mạng, qua điện thoại thông minh, qua hệ thống máy tính đặt tại phòng quản lý xuất nhập cảnh đều được giải quyết”, Đại tá Nguyễn Văn Anh, Trưởng phòng PA72, chia sẻ.
Theo kinh nghiệm của lãnh đạo đơn vị này, muốn áp dụng tờ khai điện tử, ứng dụng công nghệ thông tin trong cải cách thủ tục hành chính thì việc quan trọng đầu tiên là cần có kinh phí đầu tư cơ sở vật chất và nguồn nhân lực. “Một khi tất cả cán bộ, nhân viên cũng như lãnh đạo đều quyết tâm chuyển mình thì khó mấy cũng vượt qua”, Đại tá Nguyễn Văn Anh nhấn mạnh.
Thêm nữa, theo Đại tá Nguyễn Văn Anh, cái được lớn nhất khi thực hiện dịch vụ hành chính công qua mạng là công khai minh bạch thủ tục hành chính cho người dân, kế đến là việc phòng ngừa tiêu cực nội bộ rất hiệu quả. “Tất cả hồ sơ đều hiển thị trên màn hình máy tính. Cả mức phí, số thứ tự cũng rõ ràng nên không còn tình trạng chen lấn, cò chụp hình, cò bán hồ sơ, cò khai hồ sơ. Văn minh công sở cũng thay đổi hoàn toàn”, Đại tá Nguyễn Văn Anh phân tích.
TPHCM là trung tâm kinh tế lớn của cả nước, với gần 300.000 doanh nghiệp (DN) đăng ký hoạt động, chiếm hơn 30% số DN cả nước. Do vậy, nhu cầu giải quyết thủ tục đăng ký DN cũng rất cao. Để tạo điều kiện cho DN thực hiện thủ tục đăng ký thành lập thuận lợi, Sở Kế hoạch và Đầu tư đã đi đầu khi triển khai dịch vụ đăng ký DN qua mạng. Theo đó, cá nhân, tổ chức chỉ cần ngồi tại nhà để thực hiện thủ tục qua mạng. Về phía cơ quan chủ quản, Sở Kế hoạch và Đầu tư sẽ phản hồi, hướng dẫn không nhiều hơn 2 lần để hoàn chỉnh hồ sơ đăng ký kinh doanh cho DN trong ngày. Qua thống kê trong năm 2016, Sở Kế hoạch và Đầu tư đã hướng dẫn cho gần 50.000 lượt DN đăng ký thành lập qua mạng, trong đó có hơn 23.000 lượt DN đã được cấp giấy chứng nhận đăng ký DN.
Không thể yên tâm với kết quả đạt được, Sở Kế hoạch và Đầu tư TPHCM tiếp tục nghiên cứu để mô hình dịch vụ công qua mạng ngày càng hoàn thiện hơn. Một lãnh đạo của sở này thừa nhận: “Thực tế qua theo dõi, chúng tôi nhận định đối tượng đăng ký DN qua mạng không phải do DN đó trực tiếp thực hiện mà đa phần là thông qua các dịch vụ làm thay như hội luật gia, công ty tư vấn, các công ty dịch vụ…”.
Cũng theo phân tích của vị lãnh đạo này, để thực hiện các loại thủ tục qua mạng đòi hỏi DN cần có am hiểu cơ bản về pháp luật, chuyên môn, sử dụng công nghệ… Do đó, nếu DN không quen thao tác, kê khai thủ tục qua mạng rất dễ sai sót hay làm đi làm lại hồ sơ. “Để đỡ tốn thời gian khi xin giấy phép kinh doanh, DN thường thực hiện thông qua dịch vụ hay đơn vị tư vấn. Đây cũng là nhu cầu có thật, có lợi cho DN bởi suy cho cùng, yếu tố quan trọng của DN vẫn là tiết kiệm thời gian và mang lại hiệu quả”, đại diện Sở Kế hoạch và Đầu tư chia sẻ.
Xác định được đối tượng “công dân điện tử của mình” trong lĩnh vực đăng ký DN đa phần là đơn vị dịch vụ, Sở Kế hoạch và Đầu tư đang tích cực và chủ động làm việc với các tổ chức làm vai trò cầu nối trong quá trình tham gia dịch vụ hành chính công trực tuyến như Hội Luật gia TP, các quận huyện, các công ty tư vấn, công ty dịch vụ để lắng nghe họ trình bày những thuận lợi, khó khăn cũng như đề xuất các giải pháp nhằm đẩy mạnh việc sử dụng dịch vụ công trực tuyến. “TPHCM có thế mạnh phát triển các loại hình dịch vụ nên nếu tháo gỡ, tạo điều kiện cho các tổ chức này hoạt động cũng là cách thức thúc đẩy một loại hình dịch vụ mới nhằm đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của xã hội”, lãnh đạo Sở Kế hoạch và Đầu tư nêu quan điểm.
Chọn dịch vụ nhu cầu lớn để phát triển
Nhìn ở góc độ tổng thể, ông Trương Văn Lắm, Giám đốc Sở Nội vụ TPHCM, cho rằng lâu nay khi nói đến việc ứng dụng công nghệ thông tin để giải quyết thủ tục hành chính cho dân, chúng ta cứ ngại rằng, người dân thiếu trình độ về công nghệ để tham gia thực hiện. Tuy nhiên, đây không phải là nguyên nhân chính mà mấu chốt chính là chính quyền các cấp, các sở ngành chưa cung cấp đầy đủ thông tin, tổ chức hướng dẫn một cách kịp thời và khoa học cho người dân. Và một khi những tồn tại này được giải quyết thì người dân sẽ chọn cách kê khai qua mạng thay vì đến tận nơi để làm thủ tục như hiện nay. “Đặt trường hợp làm thủ tục qua mạng nhưng người dân không có máy tính và cũng không biết thao tác thì có thể đến UBND phường, vì vậy, UBND phường, xã phải có bộ phận hướng dẫn người dân thực hiện. Đơn giản hơn, hiện nay hầu như mỗi người dân đều có điện thoại thông minh nên việc thao tác, kê khai qua mạng lại càng thuận tiện và dễ dàng hơn”, ông Lắm đề nghị.
Đồng tình quan điểm này, Phó Chủ tịch UBND TP Trần Vĩnh Tuyến cho biết: Để khuyến khích cũng như hỗ trợ người dân sử dụng các dịch vụ công trực tuyến, TP sẽ nghiên cứu triển khai lắp đặt hệ thống máy tính kết nối mạng tại UBND phường, xã, đi kèm cán bộ hướng dẫn cách thực hiện để người dân làm quen hơn với các thiết bị điện tử. Chẳng hạn như khi đến trụ sở UBND phường, người dân sẽ được cán bộ hướng dẫn kê khai các thủ tục qua mạng đối với những lĩnh vực mà quận, huyện, TP có áp dụng dịch vụ công trực tuyến, bất kể thẩm quyền giải quyết là của quận huyện, sở ngành hay UBND TP.
Ở một góc nhìn khác, ông Lê Mạnh Hà, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ, Tổng Thư ký Ủy ban Quốc gia về ứng dụng công nghệ thông tin, cho rằng, để việc thực hiện dịch vụ công trực tuyến được tiết kiệm, trọng tâm và không dàn trải, TPHCM cần tiến hành khảo sát, đánh giá để phân loại những dịch vụ công nào người dân, DN có nhu cầu sử dụng qua mạng cao thì tập trung đầu tư cải tiến. Tránh những trường hợp chỉ có vài chục lượt người sử dụng một năm mà đầu tư, dẫn đến lãng phí.
VÂN ANH - VÕ LÊ
>> Bài 1: Chưa mặn mà với dịch vụ công trực tuyến