Kích cầu tiêu dùng - cách nào?
Nghị quyết 02 ra đời được kỳ vọng như một làn gió mới “thổi” vào các doanh nghiệp vốn đang bị thiếu sức sống. Nhưng tại thời điểm này, đại đa số các doanh nghiệp đều cho rằng, phải tự cứu mình trước, không nên trông chờ vào chính sách.
Vượt khó bằng sản phẩm mới
Một cuộc khảo sát bằng bảng câu hỏi có kết hợp phỏng vấn sâu đối với 180 doanh nghiệp (DN) do Trung tâm Nghiên cứu kinh doanh và hỗ trợ DN (BSA) thực hiện trong tháng 9-2013 đã đưa ra kết luận: Tất cả các DN được phỏng vấn đều xem việc đổi mới sáng tạo về sản xuất, sản phẩm và công nghệ quản trị là yếu tố then chốt nhất trong hành trình phát triển DN. Nhưng trên thực tế lại không có nhiều DN đủ sức đầu tư và theo đuổi một cách bài bản, dài hạn.
Theo kết quả cuộc khảo sát, chỉ có chưa đến 20% trong số 180 DN tham gia khảo sát có tổ chức bộ phận nghiên cứu và phát triển (R&D) có đủ khả năng để “sáng tạo” ra những cú đột phá mới của DN. Phần lớn còn lại đều là những thành viên trong DN kiêm nhiệm.
Ông Lý Ngọc Minh, Tổng Giám đốc Công ty gốm sứ Minh Long I nhìn nhận, để vượt qua giai đoạn khủng hoảng hiện nay và phát triển trong tương lai, cùng với tiết kiệm chi phí, tái cấu trúc DN, phát triển thị trường mới… công ty đã không ngừng đầu tư cho việc nghiên cứu, sáng tạo và đổi mới trong sản xuất kinh doanh. Đây chính là lực đẩy, là giải pháp quan trọng cho DN Việt Nam cũng như hàng Việt.
Theo ông Lý Ngọc Minh, việc đầu tư phải dựa trên từng thời điểm, và nhu cầu thực tế của người tiêu dùng. Điều này đồng nghĩa, việc đổi mới phải sáng tạo phải dựa trên nền tảng là những sản phẩm mang yếu tố cốt lõi của DN. Cụ thể, tại Minh Long I, sản phẩm mới phải đáp ứng được các tiêu chí: lạ, có tính sáng tạo, mang tính thiết thực; và phải có đầy đủ các yếu tố trên thì mới có thể đảm bảo cho sản phẩm mới “sống” lâu dài. Cùng với chất lượng, yếu tố quyết định sự thành công khi đưa ra một sản phẩm mới chính là giá bán ngày càng tiệm cận được túi tiền của khách hàng. Về phía người tiêu dùng, họ nhận ra sản phẩm Minh Long không chỉ là bộ chén dĩa không chứa chì, không có cadbumin an toàn cho sức khỏe, độ bền của lớp men… mà còn là kiểu dáng mỹ thuật, hoa văn, màu sắc đến thiết kế. Người tiêu dùng ngoài chọn lựa theo công năng, giờ đây có thể hãnh diện trưng ra một số sản phẩm do DN trong nước sản xuất. Chính điều này đã giúp Minh Long I giữ vững tốc độ tăng trưởng cả thị trường nội địa lẫn xuất khẩu.
Thực tế để vượt qua khó khăn thì tự thân DN phải bươn chải nhiều hơn, phải thường xuyên tái cấu trúc hoạt động sản xuất kinh doanh để tiết kiệm chi phí ở mức cao nhất. Việc đưa ra những sản phẩm mới phải được dựa trên việc khảo sát nhu cầu thị trường thật kỹ lưỡng, không thể đầu tư dàn trải. Ông Cổ Gia Thọ, Chủ tịch HĐQT Công ty Thiên Long, dẫn chứng, sở dĩ sản phẩm của Thiên Long cạnh tranh tốt ở nhiều thị trường là do công ty đã không ngừng đưa ra những sản phẩm mới, với giá bán cạnh tranh.
Ổn định giá, tăng cường khuyến mãi
Nếu như các DN sản xuất xác định phải đầu tư cho nghiên cứu để đưa ra thị trường những sản phẩm mới, khác biệt nhưng giá bán ngày càng cạnh tranh thì các nhà phân phối lại cho rằng, việc tổ chức thường xuyên các chương trình khuyến mãi mới có thể kích thích mua sắm, tiêu dùng. Theo thống kê của một hệ thống siêu thị hàng đầu tại TP, trong 3 năm gần đây, ở bất cứ ngành hàng nào, nếu không thực hiện khuyến mãi sẽ không bán được hàng.
Nói cách khác, khuyến mãi chính là cách làm duy nhất để đẩy nhanh việc luân chuyển hàng hóa, thu hồi vốn. Đây chính là lý do các siêu thị ngày càng “tăng liều” cho khuyến mãi, giảm giá.
Ông Nguyễn Thành Nhân, Phó Tổng Giám đốc Saigon Co.op, chia sẻ: Mục tiêu hàng đầu của Saigon Co.op hiện nay là tăng cường tìm kiếm các mặt hàng mới để làm đa dạng và phong phú hàng hóa bày bán trên các quầy kệ. Saigon Co.op cũng xác định, từ nay đến cuối năm, kinh doanh sẽ ngày càng khó khăn hơn nên Co.opMart cũng sẽ giúp người tiêu dùng tăng cường nhận biết những mặt hàng có giá tốt, thông qua các chương trình khuyến mãi để cùng khách hàng giảm bớt chi tiêu, tăng tiết kiệm.
Trong tháng 11 sắp tới, Saigon Co.op sẽ tiếp tục tổ chức các chương trình khuyến mãi đặc biệt. Theo đó, hình thức khuyến mãi cũng sẽ thiết thực và phù hợp hơn. Chẳng hạn, trước đây Co.opMart dùng xe, dùng nhà áp dụng cho chương trình bốc thăm trúng thưởng, thì năm nay Saigon Co.op sẽ dùng chính phiếu quà tặng để thực hiện chương trình mua sắm miễn phí 3 tháng, 6 tháng và 12 tháng cho khách hàng. Song song đó, Saigon Co.op cũng tăng cường các dịch vụ cộng thêm, giúp khách hàng đi siêu thị trong thời gian ngắn nhất nhưng có thể chọn mua được nhiều mặt hàng thiết yếu chất lượng với giá bán tốt nhất. Saigon Co.op phối hợp chặt chẽ với các nhà cung cấp để đảm bảo nguồn hàng luôn dồi dào, giá bán ổn định từ nay đến cuối năm.
Với các nhà sản xuất, họ không thụ động trông chờ vào các nhà phân phối mà đã tự thân vận động trong việc tìm đầu ra cho sản phẩm. Đẩy mạnh việc đưa hàng đến tận tay người tiêu dùng ở các vùng miền, thông qua các phiên chợ hàng Việt về nông thôn cũng đã được các DN khai thác triệt để.
Theo dự báo của ông Antoine Louat De Bort, Giám đốc khách hàng Công ty Nghiên cứu thị trường Kantar Worldpanel, sức mua trong những tháng cuối năm sẽ được cải thiện. Để giành lợi thế cạnh tranh trong bối cảnh kinh tế hiện tại, các nhà sản xuất cần tiếp tục đầu tư vào truyền thông để xây dựng thông điệp về giá trị sản phẩm, bắt kịp với các thay đổi của người tiêu dùng về giá, về bao bì và cần điều chỉnh các chiến lược phân phối phù hợp.
Ở góc độ vĩ mô, các chuyên gia cho rằng, cần thực hiện tốt hơn Nghị quyết 02 về tháo gỡ khó khăn cho hoạt động sản xuất kinh doanh, đồng thời kiểm soát chặt chẽ việc tăng chi phí đầu vào, đặc biệt là giá điện, nước, than, xăng dầu… Có kế hoạch giãn tiến độ điều chỉnh giá các mặt hàng và dịch vụ một cách hợp lý để tạo đà cho DN phát triển, tạo niềm tin nơi người tiêu dùng nhằm khơi thông sức mua.
THÚY HẢI
- Bài 1: Người dân chắt bóp chi tiêu