Bài 2: Ồ ạt phân lô bán nền

Ai hưởng lợi?
Bài 2: Ồ ạt phân lô bán nền

Từ vụ “phân lô hộ lẻ” ở huyện Hóc Môn

Trở lại xã Thới Tam Thôn, địa bàn phức tạp nhất của huyện Hóc Môn về tình trạng phân lô, bán nền và cả xây dựng nhà trái phép thời gian qua, chúng tôi không khỏi ngỡ ngàng trước tốc độ đô thị hóa đến chóng mặt tại đây. Cả xã như một “đại công trường xây dựng” với những cánh đồng lúa trước kia giờ đang được ồ ạt san lấp, phân lô bán nền…

Những khu nhà

Khoản 1, Điều 3 Quyết định 33 (QĐ 33) quy định các khu phương án hạ tầng phải đảm bảo được hạ tầng kỹ thuật theo quy hoạch và kết nối, đồng bộ với hạ tầng kỹ thuật hiện hữu. Thực tế, như trong bài trước chúng tôi đã nêu, hơn 200 khu phương án hạ tầng trên địa bàn các xã của huyện Hóc Môn phần lớn đều không bảo đảm về hạ tầng và không kết nối được với hạ tầng kỹ thuật khu dân cư hiện hữu. Trong đó, riêng xã Thới Tam Thôn có đến 67 thửa đất làm phương án hạ tầng với diện tích hàng chục hécta và hầu hết các khu dân cư này đều không có hệ thống cấp nước, thoát nước.

Gia đình bà Phương tá túc trong căn nhà lụp xụp đầu con hẻm tuyến Thới Tam Thôn 5, ấp Tam Đông 2, xã Thới Tam Thôn dẫn vào khu phương án hạ tầng với 72 lô đất được san lấp cách đây hơn 1 năm, nay đã có hàng chục căn nhà kiên cố mọc lên. Khu đất hơn 2.000m² này trước kia của ông Ba Đâu, sang lại cho một người tên Hoàng, nhưng hiện nay như bà Phương nói: “Giờ là của ông Quang với ông Xuân rồi; đất đã được tách thửa, ra sổ đỏ hết rồi. Nhưng chú mua đất hay mua nhà?”. “Mua đất, nhưng phải là khu phương án hạ tầng, đã có quyết định phê duyệt của UBND huyện mới được”, chúng tôi đưa ra yêu cầu. “Có hết, quyết định gì cũng có. Một lô ngang 5m, dài 16m phải 1 tỷ đồng”. Nói rồi, bà Phương đưa chúng tôi xem giấy tờ khu đất, có đầy đủ hồ sơ, không thiếu thứ gì. Trong đó có các biên bản nghiệm thu hoàn thành đường giao thông, hệ thống cấp thoát nước…, có chữ ký xác nhận của đại diện Ban nhân dân ấp Tam Đông 2 Nguyễn Văn Phong. Thế nhưng, khi chúng tôi hỏi về tình trạng hạ tầng khu đất này có đúng với các biên bản nghiệm thu không thì bà Phương cười, nói: “Làm gì có. Nước sinh hoạt thì mỗi nhà một giếng đóng hút lên mà xài. Còn nước thải có cống thoát đấy, nhưng đổ hết ra kênh Trần Quang Cơ phía kia kìa. Nhiều nhà còn đào hầm xả xuống đấy luôn chứ thoát đi đâu”.

Một khu đất tại ấp 3 xã Xuân Thới Thượng không bảo đảm yêu cầu hạ tầng kỹ thuật nhưng vẫn phân lô bán nền, xây dựng nhà ở

Các khu đất phân nền khác trên đường Trịnh Thị Miếng, ngã năm Tam Đông - phía sau Trường Tiểu học Tam Đông và hàng chục khu phương án hạ tầng từ đầu tuyến Thới Tam Thôn 5 giáp ngã ba đường Tô Ký đến cuối ấp Tam Đông 2 cũng đều là những khu dân cư “không thành có” như trên. Ở những khu vực này, tình trạng “cò kéo” giới thiệu mua bán nhà đất khá rầm rộ, giá nào cũng có, thậm chí có nhiều khu đang làm thủ tục chờ ra sổ đỏ cũng được rao bán, mỗi lô từ 48m² - 80m² có giá từ 600 triệu đến cả tỷ đồng. Cùng với các khu nhà “3 chung” (chung sổ đỏ, chung giấy phép xây dựng và chung số nhà) mà Báo SGGP đã nhiều lần phản ánh, các khu phương án hạ tầng đang băm nát quy hoạch sử dụng đất ở xã nông nghiệp này và càng làm cho tình hình an ninh, trật tự trên địa bàn thêm phức tạp.

Ai hưởng lợi?

Chắc chắn không phải người dân nghèo, hộ thu nhập thấp được hưởng lợi từ chủ trương thực hiện các khu dân cư phương án hạ tầng theo QĐ 33 mà trong báo cáo ngày 27-11-2015 của UBND huyện Hóc Môn đề cập. Trong báo cáo này, UBND huyện còn cho biết, hơn một năm thực hiện QĐ 33 mới có 262 thửa đất được phê duyệt theo phương án hạ tầng với khoảng gần 3.000 lô đất được phân lô, tách thửa. Thế nhưng, thực tế lớn hơn nhiều, vì có nhiều thửa đất dù chưa được phê duyệt thực hiện phương án hạ tầng, chưa được chuyển mục đích sử dụng đất đã tách thửa, phân lô bán nền như trong bài trước chúng tôi đề cập… Nếu tính cả số khu dân cư “3 chung” và hàng trăm khu phân lô tự phát, theo cách gọi của các đầu nậu đất là “khu mật độ” (chia nhỏ đất nông nghiệp hoặc đất thổ cư vài trăm mét vuông), thì con số những thửa đất nông nghiệp đã được phân lô không sao tính được.

Trong vai một người hỏi mua đất, chúng tôi được một “cò” tên Trang chỉ cho lô đất trong khu phương án hạ tầng cuối tuyến Thới Tam Thôn 5 được hình thành từ đầu năm 2015. Bà Trang nói: “Khu này tiếp giáp phường Hiệp Thành (quận 12) nên giá cao lắm, lô 70m² phải trên 1 tỷ đồng”. “Sao chung quanh là ruộng, có phải là khu dân cư hiện hữu đâu mà giá cao vậy”. Nghe vậy, bà Trang lấy ra một xấp giấy tờ giải thích đường đi của khu đất từ người chủ đất ban đầu là ông Phạm Văn Phinh, sau đó ký “giấy sang nhượng đất vĩnh viễn” cho ông Lê Văn Thăng; ông Thăng lại ký “Hợp đồng chuyển nhượng” cho ông Dư Quang Võ. “Giờ tới chủ nào tôi cũng không biết, chỉ biết có người nhờ giới thiệu mua bán, kiếm chút đỉnh tiền cò”.

Do QĐ 33 không nói rõ trong hồ sơ thỏa thuận phương án hạ tầng kỹ thuật gồm những thủ tục cụ thể nào, nên mỗi quận huyện có cách làm khác nhau. Thế nhưng, tối thiểu cũng phải có các thủ tục gồm: Bản vẽ hiện trạng, bản đồ quy hoạch sử dụng đất, bản đồ quy hoạch giao thông và hạ tầng kỹ thuật, bản đồ hệ thống thoát nước, bản đồ hệ thống giao thông mặt cắt ngang dọc đường nội bộ, bản đồ bó vỉa, hệ thống cống, các bản vẽ kết cấu thép vị trí đặt cống, bản vẽ hệ thống hố ga; phương án thỏa thuận đã đầu tư hoàn chỉnh hệ thống hạ tầng kỹ thuật, đường giao thông mới hình thành, hệ thống thoát nước, cấp nước, cấp điện… Trong nhiều hồ sơ của các khu phương án hạ tầng tại xã Thới Tam Thôn và nhiều xã khác, chúng tôi thấy rất sơ sài, hoặc thiếu nhiều thủ tục nhưng vẫn được đại diện chính quyền từ các ban nhân dân ấp đến UBND xã và UBND huyện ký xác nhận và phê duyệt.

Hầu hết các khu phương án hạ tầng trên địa bàn xã Thới Tam Thôn và nhiều xã khác của huyện Hóc Môn đều được mua bán, chuyển nhượng lòng vòng. Các đầu nậu đất bỏ tiền ra làm phương án hạ tầng, chạy lo thủ tục xin phép… rồi lấy tên người chủ đất cũ còn đứng tên trong sổ đỏ để làm hồ sơ. Giá chuyển nhượng đất nông nghiệp của người đầu tiên chỉ vào khoảng vài trăm ngàn đồng đến 1 triệu đồng/m², nhưng khi đã tách thửa, ra giấy bán cho người mua làm nhà thực sự để ở, giá trị của mỗi lô đất hơn 70m² có thể lên tới hơn 1 tỷ đồng.

HOÀI NAM

>> Bài 1: Những khu dân cư giữa đồng ruộng

Tin cùng chuyên mục