Bài 2: “Phương thuốc” nào cho ngành đường sắt?

Những yếu kém nội tại của ngành ĐSVN càng bộc lộ rõ hơn khi từ tháng 4-2014, Bộ GTVT và các địa phương quyết tâm siết chặt tình trạng xe quá tải nhằm bảo vệ cầu đường và tạo sự công bằng trong kinh doanh vận tải, thiết lập mặt bằng giá cước mới minh bạch hơn. Chưa bao giờ ngành đường sắt lại đứng trước cơ hội rộng mở như vậy khi khách hàng tự động tìm đến. Thế nhưng, một lần nữa ngành đường sắt lại làm khách hàng thất vọng.
Bài 2: “Phương thuốc” nào cho ngành đường sắt?

“Đại phẫu” ngành đường sắt - Yêu cầu bức thiết!

Những yếu kém nội tại của ngành ĐSVN càng bộc lộ rõ hơn khi từ tháng 4-2014, Bộ GTVT và các địa phương quyết tâm siết chặt tình trạng xe quá tải nhằm bảo vệ cầu đường và tạo sự công bằng trong kinh doanh vận tải, thiết lập mặt bằng giá cước mới minh bạch hơn. Chưa bao giờ ngành đường sắt lại đứng trước cơ hội rộng mở như vậy khi khách hàng tự động tìm đến. Thế nhưng, một lần nữa ngành đường sắt lại làm khách hàng thất vọng.

Thói quen độc quyền

Biết được vị thế quan trọng của mình trong mạng lưới vận tải quốc gia, ngành đường sắt cứ mặc nhiên duy trì một hệ thống, cung cách quản lý của thời bao cấp cách đây hàng chục năm. Ông Nguyễn Đạt Tường, nguyên Tổng Giám đốc Tổng Công ty ĐSVN, người đã gắn bó lâu năm với ngành đường sắt thừa nhận, những bất cập trong công tác quản lý ngành đã thể hiện ngay trên giá cước vận tải. Về giá cước vận tải hành khách, hiện vé tàu đang quá cao so với cước của nhiều loại hình vận tải khác. Đơn cử, giá vé tàu nằm mềm, điều hòa Hà Nội - Sài Gòn của tàu Thống Nhất từ 1,7 triệu đồng/vé đến gần 2 triệu đồng/vé, trong khi giá vé ô tô từ Hà Nội đi Sài Gòn cũng giường nằm, máy lạnh chỉ trên dưới 1 triệu đồng/vé. Nếu so với giá vé máy bay loại tiết kiệm của Vietnam Airlines (khoảng từ 1,4 đến 2 triệu đồng) thì vé tàu tương đương nhưng lại thua xa về thời gian và chất lượng dịch vụ. Còn nếu so với giá của một số hãng hàng không giá rẻ thì vé tàu đắt hơn rất nhiều. Đó chính là lý do hành khách đang quay lưng với nhà tàu. Thông tin từ cuộc họp sơ kết 6 tháng đầu năm 2014 cho biết, lượng hành khách đi tàu đang tiếp tục giảm, hiện chỉ còn 5,9 triệu lượt, bằng 96% so cùng kỳ năm trước.

Đường sắt Việt Nam thường quá tải trong dịp cao điểm Tết Nguyên đán và các ngày nghỉ lễ.

Đường sắt Việt Nam thường quá tải trong dịp cao điểm Tết Nguyên đán và các ngày nghỉ lễ.

Lãnh đạo ngành đường sắt thừa nhận, ĐSVN đang trong thực trạng lạc hậu về công tác bán vé thủ công, dịch vụ trên tàu còn nghèo nàn, đắt đỏ, cơ sở hạ tầng thiếu thốn, yếu kém, tàu thường chậm giờ và đặc biệt, giá vé không rẻ so với các loại hình vận tải khách khác. Vì thế, hành khách đi tàu đường dài giảm rất mạnh. Nhà tàu chỉ đắt hàng vào những dịp lễ tết nhưng đó là khoảng thời gian kinh hoàng nhất của cả 2 phía bởi đường sắt có căng mình phục vụ vẫn “lực bất tòng tâm”, còn hành khách phải hãi hùng, chật vật với mua được 1 vé và sau đó còn khổ sở suốt hành trình dài.

Ngược lại với giá cước hành khách, hiện giá cước vận chuyển hàng hóa bằng đường sắt lại đang khá thấp. Nhưng điều bất cập là vận tải đường sắt mới chỉ chịu trách nhiệm từ ga đến ga. Như vậy, nếu cộng cả các cước phí khác để hàng hóa từ “cửa đến cửa” thì tổng chi phí lại đội lên cao không kém so với vận tải bằng ô tô, chưa kể còn rất nhiều phiền nhiễu do cơ chế độc quyền đã bén sâu gốc rễ ở tổng công ty này. Tại cuộc họp mới đây tại Bộ GTVT, đại diện Công ty Phân đạm Hà Bắc chia sẻ: “Chúng tôi không thể vận tải hàng hóa bằng đường sắt chính bởi thói độc quyền của đơn vị này”. Tương tự, đại diện Tổng Công ty Mía đường, Công ty Thép Thái Nguyên, Công ty Lương thực Miền Nam… đều bày tỏ bức xúc vì những khó khăn khi tiếp cận vận tải hàng hóa đường sắt. Nhiều khách hàng cho biết, rất khó để có thể được ký hợp đồng vận tải với ngành đường sắt, muốn ký được phải đi lại rất nhiều lần và kèm theo nhiều tiêu cực phí mới có thể trót lọt. Kể cả khi đã ký hợp đồng nhưng để được xếp lịch chạy tàu cũng lại phải bỏ nhỏ với cán bộ phụ trách các đầu mối.

Buộc tái cơ cấu

Vì sao ở bất kỳ khâu nào của ngành đường sắt cũng có tiêu cực, từ bán vé, soát vé cho đến các bộ phận kinh doanh dịch vụ, đầu tư hạ tầng…? Ông Trần Ngọc Thành, Chủ tịch Hội đồng thành viên Tổng Công ty ĐSVN thừa nhận: “Ngành đường sắt hiện đang tồn tại hàng loạt bất ổn về cơ cấu tổ chức; bộ máy cồng kềnh, kém hiệu quả, thậm chí có dấu hiệu lợi ích nhóm”. Ông Vũ Tá Tùng, tân Tổng Giám đốc Tổng Công ty ĐSVN, nhận định: “Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng tụt hậu của vận tải đường sắt, trong đó có phần do hệ thống cơ sở hạ tầng cũ kỹ lạc hậu, vốn đầu tư phát triển hạn chế song phải thẳng thắn nhìn nhận, một trong những nguyên nhân chính do ngành chậm đổi mới, chậm thích ứng với sự cạnh tranh, với cơ chế thị trường”.

Sau rất nhiều cuộc họp của lãnh đạo Bộ GTVT với ngành đường sắt và các chuyên gia kinh tế, con đường thoát khỏi “vũng lầy” nhiều chục năm nay của ngành đường sắt là phải tạo ra bộ máy, cơ chế quản lý hoàn toàn mới, trong đó việc tách thành 2 khối hạ tầng và kinh doanh sẽ là một liều thuốc hữu hiệu giúp ngành đường sắt qua cơn “trọng bệnh”. Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng cho rằng: Cũng như ngành hàng không, việc tách hạ tầng và kinh doanh vận tải sẽ làm đường sắt tốt hơn. Cùng với cổ phần hóa, sự tham gia của tư nhân là con đường ngắn nhất để chấm dứt việc “nấu canh bằng nước lã, dịch vụ kém chất lượng”. Dự kiến, trong năm 2014, ngành đường sắt sẽ hoàn thành việc tách thành 2 khối độc lập là quản lý nhà nước về hạ tầng đường sắt và khối sản xuất kinh doanh. Sau đó, khối kinh doanh vận tải sẽ sắp xếp lại tổ chức, các đầu mối, nâng cao quản trị doanh nghiệp bằng cách rà soát các quy chế hiện hữu, tiến tới cổ phần hóa. Chỉ có tái cơ cấu toàn diện, ĐSVN mới có cơ hội hồi sinh.

MINH DUY

>> Bài 1: Người khổng lồ mang trọng bệnh

Tin cùng chuyên mục