Bài 2: Tích tụ ruộng đất trên quy mô lớn

Đầu tư vào nông nghiệp công nghệ cao đang trở thành “sự kiện hot” khi Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo nâng mức vốn tín dụng cho các doanh nghiệp (DN) vay từ 60.000 tỷ lên 100.000 tỷ đồng. Tuy nhiên, hiện vẫn còn có những khó khăn cản trở DN không chỉ câu hỏi vốn từ ngân hàng nào mà còn là đất, hạn điền… và làm sao để thu hút các DN vào đầu tư, có đất dụng võ?
Bài 2: Tích tụ ruộng đất trên quy mô lớn

Nông nghiệp công nghệ cao - chìa khóa cho tái cơ cấu

>> Bài 1: Không lo đầu ra, chỉ cần khát vọng

Đầu tư vào nông nghiệp công nghệ cao đang trở thành “sự kiện hot” khi Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo nâng mức vốn tín dụng cho các doanh nghiệp (DN) vay từ 60.000 tỷ lên 100.000 tỷ đồng. Tuy nhiên, hiện vẫn còn có những khó khăn cản trở DN không chỉ câu hỏi vốn từ ngân hàng nào mà còn là đất, hạn điền… và làm sao để thu hút các DN vào đầu tư, có đất dụng võ?

Mới 1% doanh nghiệp làm nông nghiệp

Số liệu giá trị kim ngạch xuất khẩu các sản phẩm nông lâm thủy sản mỗi năm của nước ta cho thấy sản phẩm nông nghiệp vẫn đang là một trong những chủ lực của nền kinh tế (ví dụ như năm 2016 là 32,1 tỷ USD). Tuy nhiên, theo số liệu của Bộ NN-PTNT, hiện nay số lượng DN đầu tư vào nông nghiệp chỉ chiếm 1% so với tổng số DN đang đầu tư hoạt động, cho thấy có sự mất cân đối và DN chưa mặn mà đầu tư vào nông nghiệp. Vụ trưởng Vụ Kế hoạch, Bộ NN-PTNT, bà Nguyễn Thị Hồng cho biết, mặc dù số lượng DN đầu tư vào nông nghiệp - nông thôn đã tăng đáng kể, từ 2.397 DN năm 2007 lên 4.080 DN tính đến tháng 9-2016 nhưng như vậy vẫn còn quá thấp so với con số hơn 420.000 DN đang hoạt động cũng như tiềm năng của ngành nông nghiệp. Còn theo TS Nguyễn Đỗ Anh Tuấn, Viện trưởng Viện Nghiên cứu chính sách và chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn, số lượng DN đầu tư trong lĩnh vực nông nghiệp không chỉ ít về số lượng mà còn cả về quy mô. Có tới 55% DN đầu tư vốn chỉ dưới 5 tỷ đồng.

Chăm sóc rau trồng trong Khu Nông nghiệp công nghệ cao TPHCM. Ảnh: CAO THĂNG

Lý do vì làm nông nghiệp hay gặp rủi ro cao do ảnh hưởng thiên tai, dịch bệnh, lợi nhuận thấp, thị trường tiêu thụ bấp bênh, có ngành hàng yêu cầu vốn lớn. Để giảm bớt rủi ro thì đầu tư cho nông nghiệp công nghệ cao là giải pháp khả thi, nhưng để làm nông nghiệp công nghệ cao lại cần vốn lớn. Trong khi có tới 90% DN đầu tư vào nông nghiệp hiện có quy mô từ “nhỏ đến rất nhỏ”.

Để tìm kiếm các đầu tàu dẫn dắt trong mục tiêu đầu tư nông nghiệp công nghệ cao, nhiều năm qua chúng ta cũng mở chính sách, trông đợi vào các DN có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI). Tuy nhiên, theo Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ KH-ĐT), tính đến tháng 9-2016, cả nước cũng chỉ thu hút được 518 dự án FDI trong lĩnh vực nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản với tổng vốn 3,54 tỷ USD (chiếm 2,4% tổng số dự án và 1,2% tổng vốn đầu tư của tất cả các lĩnh vực). Quy mô vốn trung bình của dự án FDI trong ngành nông nghiệp khoảng 6,7 triệu USD/dự án. Rõ ràng, ngay cả mức vốn đầu tư của DN FDI vào nông nghiệp cũng chưa thu hút được tốt.

Rào cản đất đai

Tuy nhiên, theo Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Xuân Cường, khó khăn về vốn chỉ là một phần, cái chính hiện nay là cơ chế, chính sách về đất đai đang trở thành rào cản đối với DN muốn nhảy vào nông nghiệp. Lâu nay, nhiều DN kêu khó đầu tư vào nông nghiệp vì không có đủ mặt bằng để dụng võ, trong khi để có “cánh đồng lớn” thì phải đền bù giải phóng mặt bằng với nhiều quy trình, thủ tục phức tạp, quan niệm về bỏ hạn điền vẫn còn có những suy nghĩ khác nhau.

Tại một buổi chia sẻ về những giải pháp thu hút đầu tư DN vào nông nghiệp tổ chức ở Hà Nội, ông Lê Văn Tam, Chủ tịch HĐQT Công ty Mía đường Lam Sơn (Thanh Hóa) nói rằng, đất đai đang là rào cản đầu tiên khi DN muốn đầu tư vào nông nghiệp. Ở nhiều nơi, đất đai đang bỏ hoang hoặc sử dụng không đúng tiềm năng mục đích nhưng DN không dễ nhảy vào, dù có tiền. Bởi theo Luật Đất đai, ruộng đất là tài sản thuộc Nhà nước, nông dân không có quyền đổi, bán… Vì thế, DN muốn có diện tích lớn để đầu tư rất khó. Do đó, cần có cơ chế, chính sách cụ thể về bỏ hạn điền để tạo cơ hội tích tụ cho DN đầu tư. Cần phát triển nền nông nghiệp bền vững, tổ chức lại sản xuất theo hướng tập trung, quy mô lớn. Hiện cả nước đang có 13,8 triệu hộ nông dân với 78 triệu mảnh ruộng nhỏ lẻ. Thủ tướng đã chỉ đạo các bộ, ngành tập hợp những nội dung cụ thể để tập trung tháo gỡ “nút thắt” về hạn điền. Chính phủ sẽ sửa đổi những nghị định, Bộ NN-PTNT, Bộ TN-MT sẽ sửa đổi những quy định thuộc thẩm quyền, ở cấp địa phương cũng vậy. Mục đích cuối cùng là tạo ra việc tích tụ đất đai trên quy mô lớn, phù hợp với quy mô sản xuất của từng ngành hàng, đối tượng sản xuất.

Theo Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường, tái cơ cấu nông nghiệp cũng gắn liền với việc tổ chức lại hộ sản xuất theo quy mô hợp tác xã, gắn kết với DN, hình thành những vùng nông nghiệp tập trung và ứng dụng công nghệ cao. Để nền nông nghiệp Việt Nam có thể cạnh tranh bằng chất lượng và giá thành thì không có con đường nào khác ngoài ứng dụng công nghệ cao. Cần có chính sách rõ ràng, ưu đãi để thu hút được nhiều DN hơn nữa tập trung đầu tư vào nông nghiệp. Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cũng cho rằng, bây giờ cũng cần thay đổi cái nhìn về việc giữ 3,8 triệu hécta đất lúa. Chủ trương bảo vệ đất lúa là đúng nhưng trong bối cảnh hiện nay khi chúng ta đang chịu ảnh hưởng nghiêm trọng của biến đổi khí hậu, hạn hán và sản xuất lúa gạo lại phụ thuộc quá nhiều vào nguồn nước từ hệ thống sông Hồng và sông Cửu Long. Lượng nước tưới cho lúa gạo quá lớn, nếu một năm cả nước sử dụng 85 tỷ mét khối nước cho hoạt động kinh tế thì riêng cây lúa đã dùng tới 80%. Trong khi đó, hiện nay nhu cầu gạo trên thế giới đang có xu hướng giảm dần, giá trị xuất khẩu lúa gạo cũng suy giảm mạnh. Vì vậy, đến lúc chúng ta phải tính toán lại bài toán đầu tư và quy hoạch đất đai. Bộ NN-PTNT đang đề nghị sửa đổi, dành khoảng 3 triệu hécta đất trồng lúa ứng dụng công nghệ để cho năng suất cao hơn. Còn lại, sẽ chuyển đổi từ 600.000 - 800.000ha sang trồng cây ăn quả, nuôi trồng thủy sản…

Mới đây, tại lễ khởi động dự án nông nghiệp công nghệ cao ở tỉnh Hà Nam, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết sẽ báo cáo Quốc hội việc sửa Luật Đất đai 2013 như kiến nghị của các địa phương, yêu cầu quy hoạch sử dụng đất ở các địa phương theo hướng mở rộng hạn điền, quy hoạch các điều kiện để hỗ trợ phát triển nông nghiệp công nghệ cao như chế độ nước tưới, kênh mương, hỗ trợ hạ tầng… Cùng với tạo điều kiện tích tụ ruộng đất mạnh mẽ hơn, sẽ đẩy mạnh chuyển giao khoa học công nghệ vào nông nghiệp. Phải có vốn cho nông nghiệp công nghệ cao. Thủ tướng nhấn mạnh, phải nâng gói hỗ trợ cho đầu tư nông nghiệp công nghệ cao từ 60.000 - 100.000 tỷ đồng và giao Ngân hàng Nhà nước vận động các ngân hàng có gói tín dụng hỗ trợ cần thiết để làm vấn đề này. Bên cạnh đó, nguồn nhân lực từ nông dân để làm nông nghiệp công nghệ cao phải được tập trung đầu tư phát triển, không để tồn tại mãi hình ảnh “con trâu đi trước cái cày theo sau”. Mở rộng thị trường, nâng cao chất lượng mẫu mã, bao bì, xây dựng thương hiệu, áp dụng thương mại điện tử trong tiêu thụ nông sản.

PHÚC HẬU

Tin cùng chuyên mục