
- “Hàng tép” di động

Trưởng Công an phường Nguyễn Cư Trinh quận 1, ông Nguyễn Trường Phước bộc bạch: “Mả Lạng vẫn là khu vực nóng về buôn bán ma túy. Biết thế nhưng mà muốn làm trong sạch địa bàn thì không thể làm ngay được, đây là cả một chiến dịch dài hơi chứ không thể ngày một ngày hai...”. Chỉ trong vòng 6 tháng đầu năm 2004, công an phường kết hợp với lực lượng phòng chống tội phạm ma túy đã phá 13 vụ mua bán ma túy và bắt 18 đối tượng cũng như kiểm tra, xử lý 213 đối tượng vào khu Mả Lạng, hẻm 21 Cống Quỳnh. Theo công an phường, ngoài việc bán tại Mả Lạng, đa số các đối tượng trên đi bán ma túy dạo ở các khu vực đông người như siêu thị, bến xe buýt, công viên...
Suốt một tuần liền, chúng tôi chia nhau ngồi mục kích tại các địa điểm chuyên bán “hàng tép” để quan sát các cảnh mua bán. Tại bến xe buýt phía sau cây xăng đối diện chợ Bến Thành, cảnh mua bán ở đây diễn ra chớp nhoáng. Người bán là một phụ nữ tuổi độ 50, thường mặc đồ bà ba, khẩu trang che kín khuôn mặt, còn người mua chỉ cần ghé xe vào lề thì hàng được giao tận tay.
Theo Đội phó Đội phòng chống tội phạm ma túy Công an quận Thủ Đức, Nguyễn Ngọc Thanh, các đối tượng buôn bán ma túy trên địa bàn quận ngày càng cơ động hơn. Như hơn 10 ngày theo dõi đối tượng Lương Hảo Vương mới bắt quả tang đối tượng này tại chân cầu vượt Bình Phước cùng 24 cục heroin với tổng trọng lượng là 1,783g. Qua khai thác, đội bắt thêm đồng phạm Vũ Quốc Trung. Cả hai đối tượng này chia ca nhau ngày và đêm để đi bán ma túy cho các con nghiện bằng cách dùng điện thoại di động để liên lạc và thông tin điểm hẹn để con nghiện đến địa điểm hẹn trước “nhận hàng”.
Thời gian, địa điểm luôn thay đổi tùy lúc tùy nơi. Hai đối tượng mua bán ma túy trên đều chỉ khai là mua lại ma túy ở Cầu Kho, quận 1. Ngày 13-8-2004, đội cũng bắt hai đối tượng là Đặng Trâm Thư và Nguyễn Hồng Phước với tang vật tịch thu gồm 4 cục heroin với tổng trọng lượng là 0,364g. Lực lượng trinh sát phòng chống tội phạm ma túy theo dõi hai đối tượng này trong vòng 8 ngày và bắt quả tang cả hai đang bán ma túy tại khu phố 3, phường Hiệp Bình Chánh, Thủ Đức... và vẫn dùng điện thoại di động để hẹn thời gian, địa điểm để các con nghiện đến “nhận hàng”. Theo anh Thanh, “hàng tép” len lỏi khắp các con phố, nhận diện được nó chỉ còn cách kiên trì...
- “Cá” ngày càng bự và tinh vi
Nhận xong heroin từ Ươn (Campuchia) ở phía bên kia biên giới VN-Campuchia, Phan Thị Kim Anh đón xe ôm vượt qua cửa khẩu Mộc Hóa (Long An)... Vì số lượng giao nhận mỗi lần từ 1 đến 3 bánh heroin nên Kim Anh luôn thay đổi cách giấu “hàng”. Có khi, thị nhét trong giỏ đựng trái cây, có lúc Kim Anh lại mua một bao tải gạo Thái Lan và nhét “hàng trắng” vào trong đó rồi phủ gạo lên trên; lại có lần vì chỉ mang vỏn vẹn 1 bánh, Kim Anh nhét luôn vào… trong áo ngực mang hàng về VN giao cho Nguyễn Minh Tòng. Tại đây, hàng lại tiếp tục được đưa về khu Mả Lạng để giao cho các “đại lý” nhằm phân ra thành “cây, chỉ, phân” hay “cục, tép” để bán sỉ và lẻ. Bằng cách đó, từ tháng 9-2000 đến tháng 11-2001, đường dây này đã đưa trót lọt 101 bánh heroin từ bên kia biên giới về tiêu thụ tại TPHCM.
Cũng từ nguồn Campuchia về, các đối tượng có tên là Sắt, Pha Ly, Khum đã vận chuyển qua cửa khẩu Mộc Bài, Tây Ninh hàng chục bánh heroin. Đến địa phận Việt Nam, các đối tượng này giao cho Trần Văn Phước đi xe gắn máy, giấu hàng vào trong cốp xe mang về TPHCM. Từ cái giá 77 triệu đồng (6-2001) mỗi bánh, heroin về đến thành phố được mua giá 82 triệu đồng/bánh. Giá hàng đến Sài Gòn thì vô chừng, mỗi bánh heroin (loại 350g) sẽ được đại lý chia thành cây (35g/cây). Các đại lý nhỏ hơn mua về rồi chia nhỏ thành chỉ (3,5g/chỉ) rồi phân tép bán lẻ. Thử làm bài toán nhỏ, mỗi bánh heroin lúc đó có giá trung bình 80 triệu đồng ở biên giới - về đến TPHCM đã được phân ra khoảng 10.600 tép, bán lẻ với giá 20.000đ/tép- thì đã lên đến trên 212 triệu đồng (!?).
Cũng là heroin nhưng đường dây đưa ma túy từ Lào qua Nghệ An rồi vào TPHCM là một đường dây lớn! Có một đầu mối tiêu thụ hàng tại TPHCM rất hữu hiệu, đó là vợ chồng Chu Đức Hải-Nguyễn Thị Nga. Những người này cùng với các chân rết đã mua bán trên 22,7kg heroin (vẫn còn 11kg chưa kịp tiêu thụ) và dù đang là đối tượng bị truy nã của Công an Nghệ An, vợ chồng Hải-Nga vẫn chấp nhận lao vào… con đường chết. Chuyên án 204-A của Công an quận 6 mới đây đã “cất vó” thành công, bắt hai đối tượng Trần Anh Tài và Điền Thị Chung, thu giữ 2,7kg thuốc phiện. Thượng tá Ngô Văn Thêm –Phó CA quận 6 - cho biết: “Từ năm 2000 đến nay, chúng tôi đã phá 459 vụ án liên quan ma túy, bắt 573 tên nhưng không vì thế mà giới buôn bán ma túy chùn bước”.
Tại cuộc họp thường kỳ với báo chí vào ngày 18-8-2004, ông Phan Anh Minh – Phó Giám đốc Công an TPHCM cho rằng ông không cảm thấy vui mừng khi phá được những vụ án ma túy lớn vì ở góc độ nào đó cho thấy hoạt động mua bán ma túy khá nghiêm trọng. Theo ông, chủ trương hiện nay không đánh lớn mà phát hiện đến đâu thì xử lý đến đó. Cụ thể là tháng 12 năm nay sẽ xét xử 18 đối tượng liên quan đến ma túy. Ông Minh còn đưa ra nhận định hiện TPHCM đang trở thành điểm trung gian vận chuyển ma túy của các đối tượng buôn bán ma túy. Cuộc chiến sẽ khốc liệt hơn.
Vì là thành phố đông dân, nhiều đầu mối giao thông thuận tiện... nên TPHCM còn là điểm trung chuyển lý tưởng các loại ma túy đi nước ngoài. Cách giấu heroin trong tranh sơn mài do đã quá cũ nên hết “linh”. Bây giờ những tay buôn bán ma túy nghĩ ra những cách tinh vi, thậm chí tàn nhẫn hơn như ép thứ “bột trắng chết người” vào gót giày, bình ga. Một tay chơi vốn là Việt kiều Úc cho biết, hiện nay hải quan Úc kiểm soát rất gắt gao giày, dép của hành khách đến từ Việt Nam.
- Luật pháp cần nghiêm khắc hơn
Theo cơ quan phòng chống tội phạm ma túy quốc tế của Liên hợp quốc (UNODC), đến nay trên thế giới đã có trên 200 triệu người sử dụng trái phép các chất ma túy. Do tác động của tình hình ma túy trên thế giới và khu vực cộng với những khuyết điểm trong quản lý xã hội nên ở nước ta, tội phạm ma túy và đối tượng nghiện ma túy vẫn tiếp tục diễn biến phức tạp, không chỉ xảy ra ở miền núi và thành thị như trước đây mà đã lây lan về cả vùng nông thôn và xâm nhập vào cả trường học... ma túy thật sự trở thành mối lo ngại cho toàn xã hội.
Chính từ lẽ đó, TPHCM đã bỏ ra hơn 500 tỷ đồng để đưa các đối tượng bị nghiện đi cai nghiện, kế đó là “chương trình sau cai nghiện”, điều này cho thấy quyết tâm trong việc đưa con người lầm lỡ trở lại với ánh sáng. Mới đây, phường Đa Kao, quận 1 và quận Tân Bình có quy định người đăng ký tạm trú phải kèm theo hình trên giấy đăng ký… việc này cũng không nằm ngoài mục đích nhằm nắm vững địa bàn, nhằm biết được nhất cử nhất động của các đối tượng, đặc biệt là các đối tượng buôn bán ma túy để có “hành động cắt nguồn”.
Bên cạnh đó, khung pháp lý để xử lý các đối tượng buôn bán ma túy cũng là vấn đề cần suy nghĩ thêm, như lời của một chiến sĩ thuộc lực lượng phòng chống tội phạm về ma túy của Công an TPHCM với gần chục năm “trong nghề”: “Các đối tượng buôn bán với trọng lượng 100g heroin trở lên mới bị tử hình là quá nhẹ, điều này làm nhiều đối tượng buôn bán ma túy không chỉ “lờn thuốc” mà còn có đường “lách luật”. Có rất nhiều đối tượng buôn bán ma túy đã chạy tội bằng đường này, dù lực lượng phòng chống tội phạm ma túy biết rõ chúng buôn bán với nguồn hàng lớn hơn nhiều lần”. Trong khi đó ở các nước lân cận như Singapore, Malaysia… đối tượng nào buôn bán với 15g ma túy đã bị nhận án tử hình. Vì thế, thiết nghĩ để đấu tranh phòng chống tội phạm ma túy ở nước ta hiệu quả hơn, khung pháp lý về tội phạm buôn bán ma túy cũng cần “cứng” hơn….
NHÓM PV