Bài 2: Trong vàng thu sông Seine và những dòng ký ức...

Bài 2: Trong vàng thu sông Seine và những dòng ký ức...

Đêm rằm ở Paris, bất giác nhớ về những đêm sáng trăng nằm nơi hiên nhà ngắm chú Cuội, chúng tôi rủ nhau lên ngồi hóng mát trên cây cầu gỗ Pont des Arts bắc ngang sông Seine. Trăng vàng trên đầu, sóng bạc lăn tăn dưới mặt nước. Một chiếc tàu chở khách du lịch đi qua với những chùm đèn sáng rực, hắt xuống sông những hạt sáng lóng lánh như kim cương. B., người bạn thân định cư ở Pháp cũng trên 40 năm, thầm thì: Đẹp quá, thơ quá! Rồi giọng anh chợt chùng xuống: Nhưng chẳng đâu bằng quê hương mình!...

  • Nỗi nhớ quê xa
Bài 2: Trong vàng thu sông Seine và những dòng ký ức... ảnh 1

Các ban nhạc biểu diễn trên đường phố là nét đẹp văn hóa không thể thiếu của Paris.

Tôi hiểu nỗi niềm của B., anh đang là giảng viên đại học tại Pháp, đời sống khá ổn định; xa quê hương từ khi còn rất nhỏ (đã trên 40 năm), ký ức về nơi “chôn nhau cắt rún” cũng mờ mịt. Vậy mà, lúc nào anh cũng đau đáu cho một chuyến trở về ở hẳn tại quê hương. Nhưng bao lần anh về để tìm một chỗ làm là bấy nhiêu lần thất bại. Bởi, cơ chế của ngành giáo dục chưa cho phép các trường tuyển giảng viên thực thụ từ nước ngoài trở về (ngoại trừ thỉnh giảng). Tôi an ủi B. và hứa liên hệ tìm cho anh một chỗ để trở về.

Điều làm tôi khá ngạc nhiên khi nghe N., một chuyên viên kinh tế, tâm sự: 30 năm trước, cha mẹ anh trong cơn hoảng loạn, đã rời xa ngôi biệt thự thơm ngát hương ngọc lan, và phải bỏ ra đến cả “ rổ kim cương” để dẫn các con tìm đường ra đi đến miền đất… hứa xa xôi.

Sau đó nhiều năm, đứa con trai nhỏ ngày nào đã trưởng thành và tìm về nguồn cội, giờ thì anh đã phải lòng một cô gái Hà Nội xinh xắn, chuyện về lại càng thôi thúc tâm can người chuyên viên này. Anh hỏi: Có cách chi giúp mình một chỗ về? Không chỉ B., N., mà tôi có ít ra là 4-5 người bạn đang định cư tại Paris đang nuôi một giấc mơ về cố hương, nhưng cái giá của việc trở về lại rất khó khăn.

Sao vậy? Đôi lúc tôi tự hỏi như vậy. Các nhà lãnh đạo đất nước đã có Nghị quyết 36 để tạo cơ hội cho các kiều bào về phục vụ và sinh sống tại quê nhà. Song, việc làm ra cơ chế cụ thể của các bộ - ngành lại quá chậm chạp. Họ về đâu phải để dạo chơi, để tìm một nơi cư trú, đó là chuyện của người già. Họ về để làm việc và họ cần những điều kiện tối thiểu để có thể làm việc hiệu quả, tính hiệu quả là đòi hỏi hàng đầu. Điều này tạo nên niềm khắc khoải trong biết bao trái tim người Việt xa xứ.

  • Tự tình trong nắng

Bà bác sĩ T. có bà ngoại là người Việt, đang ở Bordeaux, nghe tin gia đình chúng tôi đến Paris, bà vội điện lên mời đến sống tại căn hộ của bà. Ngay đêm đó, người con trai lớn của bà đã mang chìa khóa nhà đến giao cho chúng tôi. Điều lạ là, dù đã 70 tuổi, chỉ còn 25% dòng máu Việt trong người, chồng và con là dân Tây thứ thiệt, rời VN đã 60 năm, vậy mà bà T. nói tiếng Việt khá lưu loát.

Phòng khám bệnh của hai vợ chồng bà đã gần như một địa chỉ quen thuộc của những du học sinh và người Việt tại Bordeaux. Và cũng rất lạ, bác sĩ T., một “ông tây” chính gốc lại yêu vô cùng những người bạn VN. Nhớ năm nào, khi chúng tôi về Bordeaux, ông đã tha thiết mời và đích thân chở chúng tôi đi thăm hàng loạt château, đến bãi biển Arcachon, nơi ông có ngôi biệt thự nghỉ mát cuối tuần. Một tuần trước khi mất, ông vẫn nhắc vợ một chuyến về thăm VN.

Mười năm trước, khi chồng được bổ nhiệm làm Tổng Giám đốc Khách sạn M. ở Hà Nội, bà Herbert, vốn là giáo viên Anh ngữ tại Paris cũng theo về. Bởi, theo bà, đó là quê cha. Cha bà vốn là một luật sư VN, lấy vợ đầm. Quen bà từ những ngày còn ở VN, lúc ấy bà dạy tôi tiếng Anh, còn tôi dạy lại cho bà tiếng Việt. Bà đã có những buổi kể tôi nghe về những con người,vùng đất, cảnh vật quê cha vẫn còn hằn sâu trong tâm trí một cô bé 10 tuổi khi bước chân rời VN về Pháp.

Có phải chăng, khi tuổi già đến, người ta lại hay nhớ về thuở ấu thơ? Hay tình yêu VN luôn nung nấu trong lòng người phụ nữ mang hai dòng máu Việt - Pháp? Gặp nhau lại tại Paris, dù chồng bà mới qua cuộc phẫu thuật tụy tạng, người phụ nữ đã bước vào tuổi 60 vẫn hỏi thăm chúng tôi về người xưa, cảnh cũ – những nơi chốn bà đã sống và đi qua.

Hình như cuộc đời luôn đặt sẵn cho mỗi con người một số phận, mà trong đó những đứa trẻ chẳng bao giờ được chọn cửa để sinh ra. Với J., cuộc đời bà là một chuỗi dài đi tìm mẹ. Mẹ Việt, bố Tây, bà rời VN theo cha “hồi cố quốc” khi mới 3 tuổi vào những năm VN - Pháp ký Hiệp định Genève. Người cha giận cô vợ trẻ không chịu theo ông về Pháp nên suốt cuộc đời ông câm lặng không nói nửa lời cho đứa con gái nhỏ về mẹ nó.

Mang nỗi hận lòng, bà không lập gia đình, sống cô đơn. VN thống nhất, chiến tranh đã qua đi, bà kể: “Tôi như được tái sinh!”. Thu xếp valy và hành trang là những tấm ảnh một cô thôn nữ bế bé gái đã phai mờ theo năm tháng, bà về quê mẹ. Cuộc hành trình đi tìm mẹ suốt 10 mùa hè, theo những địa danh mà trong giây phút bất chợt nào đó của cuộc đời, người cha vô tình đề cập tới. Từ Bắc vào Nam, vùng đồng bằng sông Cửu Long là điểm cuối dừng chân của người mẹ và bà không còn để lại một dấu tích nào. Thất vọng, J. trở về Pháp, gửi gắm lại cho chúng tôi có dịp sẽ tiếp tục tìm kiếm hộ bà. Cậy nhờ bạn đồng nghiệp ở các tỉnh đồng bằng kiếm giùm, nếu có tình cờ biết được người đàn bà nào có hoàn cảnh giống như vậy.

Cách đây 4 năm, từ một lời nhắn ở Đồng Tháp, chúng tôi xuôi chuyến xe đò đêm tìm về một ngôi chùa nhỏ, hẻo lánh, để được một sư bà cho xem lại hình ảnh và kể về cuộc đời của mẹ cô, suốt bao năm nương nhờ cửa Phật và bà đã mất trước đó một năm. Cái trớ trêu của cuộc đời, đặt để hai mẹ con bà đã có lúc đứng cách nhau không đầy một cây số mà không hề biết, để rồi vĩnh viễn xa nhau. Nước mắt lưng tròng, J. nói: “Không còn mẹ, nhưng VN vẫn là một phần máu thịt của tôi. Tôi sẽ trở về”!

  • Ký ức, hoài niệm và những quan tâm của người thành đạt

Mời chúng tôi một bữa cơm VN tại chợ Tàu, quận 13 (Paris), ông Trịnh Xuân Phú, Việt kiều Pháp mới vừa lãnh bằng khen của UBND TPHCM, vì những đóng góp của ông cho đất nước, lại tiếp tục hàn huyên những câu chuyện về quê nhà; về những dự định của ông sắp tới sẽ đưa một nhà đầu tư Pháp về tìm hiểu môi trường làm ăn tại VN. Suốt một buổi sáng, qua chúng tôi, ông tìm hiểu về công nghệ, phương thức đầu tư, và từ chuyện bắt đầu gặp gỡ ai để xúc tiến.

Mối quan tâm của Pierre, một chuyên viên kinh tế Pháp đang làm việc ở lĩnh vực công nghệ cao lại khác. Công ty của anh đang muốn đầu tư về VN mở một xí nghiệp sản xuất các con chip điện tử dùng trong công nghiệp. Công ty anh đánh giá rất cao lao động VN: kiên nhẫn hơn lao động Hoa, cần cù và thông minh, có thể tiếp thu nhanh quy trình công nghệ mới… nhưng điều anh lo lắng nhất là việc bảo vệ sở hữu trí tuệ tại VN… còn yếu quá.

Công ty của anh sợ bị mất bản quyền công nghiệp. Tôi vội nói, tôi cũng có người bạn là Việt kiều đã đầu tư tại VN sản xuất con chíp điện tử và công ty đang “ăn nên làm ra”, tôi sẽ giới thiệu cho anh làm quen và hỏi thăm tình hình. Mừng rỡ, anh cảm ơn rối rít. Pierre có bà cố ngoại là người VN nên: “chuyện yêu VN là lẽ thường tình!”. Tôi đùa: “Này Pierre, đầu tư về VN vì yêu quê ngoại hay vì tìm thấy mảnh đất đó sống và làm ăn được”.

Anh cười sảng khoái : “Trước hết là chuyện làm ăn, kế đến là tình cảm, còn chuyện sống ở VN tôi chưa nghĩ đến vì các con tôi đang học tại Paris và Francoise đang có một chỗ làm rất tốt ở đây!”. Pierre không khách sáo, trong suy nghĩ của những người có học và thành đạt, công việc, sự nghiệp và gia đình là mối quan tâm hàng đầu. Họ sẵn sàng đi bất cứ nơi đâu nếu có một viêïc làm tốt, điều kiện làm việc được cung ứng đủ để họ phát huy khả năng. Nhưng trong sâu thẳm… những lúc thoát khỏi cuộc sống bận rộn, họ lại nhớ…

Mới năm 2003 đây, cả gia đình Pierre sang VN nghỉ hè, họ về một huyện ở Cần Thơ và khi gặp chúng tôi, Pierre thích thú khoe: Tôi tìm đến được ngôi nhà cũ và vào đến tận căn phòng của mẹ tôi ngủ cách đây 50 năm, trong khi Pierre sinh ra tại Pháp và mới 39 tuổi. Anh và vợ – Francoise - một chuyên gia tài chính giữ chức vụ cao trong một công ty lớn có căn hộ khá sang trọng ngay giữa trung tâm Paris.

…Dòng sông cuộc đời cứ mãi trôi chảy, chuyên chở trên đó biết bao thân phận, biết bao con người với những cuộc sống khác nhau. Nhưng, mọi người cùng giống nhau ở một điểm: luôn ký ức, hoài niệm về một mảnh đất dù đó chỉ là vùng quê nghèo khó.

MAI LAN

Bài 1: Chiêm nghiệm Paris 
 

Tin cùng chuyên mục