Làn sóng Hàn Quốc: Toàn cảnh lộ trình chuyên nghiệp

Bài 2: Văn hóa thúc đẩy kinh tế

Lan rộng tầm ảnh hưởng
Bài 2: Văn hóa thúc đẩy kinh tế

Ngày nay, dù đã đạt được dấu ấn nhất định trên trường quốc tế nhưng các nhà hoạch định chính sách văn hóa Hàn Quốc vẫn ghi nhớ ba biện pháp cơ bản: bảo tồn bản sắc văn hóa đã bị mai một trong thời kỳ Nhật Bản chiếm đóng; xây dựng bản sắc văn hóa bằng cách giảm bớt những mặt tiêu cực của văn hóa nước ngoài; đương đầu với quá trình toàn cầu hóa về văn hóa đang ngày càng mạnh mẽ.

Lee Young Ae một trong những nữ hoàng quảng cáo ở Hàn Quốc.

Lee Young Ae một trong những nữ hoàng quảng cáo ở Hàn Quốc.

Lan rộng tầm ảnh hưởng

Đối với các bộ phim truyền hình, từ năm 1998, hàng loạt phim Hàn Quốc đã làm mưa làm gió trên thị trường phim Trung Quốc,Việt Nam, Singapore, Indonesia, Philippines… bởi kịch bản hấp dẫn, diễn viên đẹp, diễn xuất hay. Từ năm 1997 đến năm 2000, tổng cộng 24 phim truyền hình Hàn Quốc được trình chiếu trên đài CCTV của Trung Quốc, chủ yếu là những bộ phim về đề tài tình yêu và cuộc sống thành thị. Trong đó có các bộ phim khá quen thuộc với khán giả Việt Nam như: Nàng Daejanggeum, Trái tim mùa thu, Bản tình ca mùa đông. Với Bản tình ca mùa đông, khi nam diễn viên chính của phim là Bae Young-joon đến Nhật Bản năm 2004, 3.500 phụ nữ trung niên hâm mộ anh đã đổ xuống đường chào đón. Mỗi tấm ảnh của nam diễn viên này được bán với giá 150 USD! Các nhà làm du lịch Nhật Bản đã nhanh chóng bắt tay với đối tác Hàn Quốc để mở các tour du lịch đến Hàn Quốc, lịch đặt phòng ở khách sạn nơi được lấy làm bối cảnh quay phim cũng kín trong nhiều tháng. Viện nghiên cứu Hyundai đã thống kê, Bae Young-joon đã giúp kim ngạch thương mại Nhật-Hàn tăng 4 tỷ USD trong năm 2004.

Nếu Bản tình ca mùa đông  được xuất khẩu sang 20 nước thì bộ phim Nàng Daejanggeum lấy bối cảnh Hàn Quốc thế kỷ 16 đạt kỷ lục khi được xuất sang 87 quốc gia. Đây cũng là bộ phim mở đầu cho sự xâm nhập phim Hàn Quốc vào thị trường Trung Đông.

Sau điện ảnh, công nghệ âm nhạc Hàn Quốc – K-pop có mặt ở thị trường nước ngoài từ năm 1999. Tuy không rầm rộ như phim ảnh nhưng đủ chinh phục khán giả Trung Quốc, Việt Nam, lãnh thổ Đài Loan (Trung Quốc) sau vài năm xuất hiện. 450.000 đĩa nhạc của nhóm CLON đã được tiêu thụ ở Đài Loan trong năm 1999. Bài hát đinh trong đĩa nhạc này đã được ông Trần Thủy Biển sử dụng thành công trong chiến dịch tranh cử vị trí lãnh đạo. Ở Nhật Bản, BoA và TVXQ làm mưa làm gió. Trong khi đó, Shinhwa, Wonder Girls, Girls Generation, Super Junior độc chiếm thị trường Trung Quốc, Đông Nam Á. Phải mất trung bình 3-7 năm, một ca sĩ K-pop mới hoàn thành khóa đào tạo để chính thức ra mắt công chúng. Lịch trình tập luyện gian khổ của các nhóm nhạc chủ yếu là về vũ đạo, giọng hát không quan trọng vì tiêu chí trong bài hát K-pop phải có lời thật đơn giản. Chi phí đào tạo một nhóm nhạc cũng khá tốn kém. Đại diện Công ty giải trí SM, đơn vị quản lý nhóm Girls Generation cho biết phải đầu tư 2,5 triệu USD cho nhóm này. Lợi nhuận mà công ty này đạt được trong năm 2011 là gần 100 triệu USD, tăng từ 62 triệu USD trong năm 2009.

Theo Viện nghiên cứu Samsung và Trung tâm văn hóa Hàn Quốc (KOCIS), K-pop đến nay dường như có mặt ở khắp các châu lục, tại các quốc gia. Tính đến năm 2011, đã có 2,3 tỷ lượt theo dõi các clip nhạc K-pop trên trang YouTube.

Lợi nhuận khổng lồ

Ẩm thực Hàn Quốc cũng đã có mặt ở nhiều nước, tạo nên một làn sóng ẩm thực có tên là Hansik. Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hàn Quốc cho biết, lượng khách du lịch tới Hàn Quốc chỉ trong tháng 7 năm nay là 1 triệu người, cao nhất từ trước đến nay. Những hình tượng ngôi sao bóng bẩy của Hàn Quốc cũng là yếu tố thúc đẩy nhu cầu làm đẹp của khán giả hâm mộ. Năm 2011, doanh số bán mỹ phẩm của các công ty Hàn Quốc đạt gần 9 tỷ USD. Các chuyên gia kinh tế phân tích, doanh số mỹ phẩm tăng mạnh phần do nhu cầu của chính người dân Hàn, phần nhờ du khách nước ngoài đến thăm Hàn Quốc có xu hướng mua mỹ phẩm Hàn Quốc liên quan đến Hallyu. Nhiều thương hiệu mỹ phẩm Hàn Quốc nhanh chóng đặt chi nhánh tại nhiều nước mà Hallyu đã chinh phục thành công.

Mục đích cuối cùng Chính phủ Hàn Quốc muốn đạt đến là sử dụng Hallyu làm công cụ thu lợi nhuận. Các tập đoàn như Hyundai, Samsung, LG liên tục có những bản nghiên cứu thị trường sát sao để vạch hướng tập trung đầu tư quảng cáo. Năm qua, những vụ tranh chấp bản quyền giữa Samsung với Apple càng khiến danh tiếng của Samsung được quảng bá rộng rãi. Đây là “đại gia” gắn bó khá mật thiết với công nghiệp giải trí Hàn Quốc. Chỉ trong 3 tháng qua, hãng này đã bán được 20 triệu chiếc Galaxy SIII.

Theo nhận định của nhiều chuyên gia văn hóa, xét nghiêm túc, Hallyu chỉ đạt được mức văn hóa bình dân. Ngoài một số bộ phim được đầu tư nghiêm túc, tô đậm nết văn hóa truyền thống thì phần lớn những bộ phim mô-típ quen thuộc, xen quảng cáo sản phẩm khá thô, có phần gây phản cảm với những người thuộc giới chuyên môn. K-pop tạo ra sự hâm mộ thái quá từ giới trẻ qua những hình tượng hào nhoáng nhưng khá yếu đuối, về lâu dài sẽ tạo nên ảnh hưởng không tốt đến việc định hướng nhân cách cho khán giả trẻ. Mặt tích cực của Hallyu là đưa Hàn Quốc lên thành quốc gia có thương hiệu mạnh nhưng mặt trái là tạo sức ép khốc liệt trong ngành công nghệ giải trí. Nhiều vụ bê bối, lạm dụng, tự tử xảy ra hàng loạt.

Tuy nhiên, bài học sử dụng thành công “sức mạnh mềm” của Hàn Quốc thực sự là hiện tượng toàn cầu mà những quốc gia chưa có tiềm lực kinh tế mạnh cần học hỏi. Quan trọng là xác định được hướng đầu tư và kiên trì theo đuổi mục đích.

Như Quỳnh (Tổng hợp)

- Bài 1: Sức mạnh Hallyu

Tin cùng chuyên mục