Hội thảo “Các giải pháp hỗ trợ ngư dân phát triển kinh tế biển”
Mặc dù đã có những tác động tích cực từ các chính sách để ngư dân yên tâm bám biển, thúc đẩy sản xuất, tuy nhiên, tại hội thảo “Các giải pháp hỗ trợ ngư dân phát triển kinh tế biển”, nhiều đại biểu cho rằng vẫn còn đó những khó khăn và thách thức trong quá trình triển khai thực hiện. Để chính sách hỗ trợ của Nhà trước đối với ngư dân hiệu quả hơn, cần thiết phải thiết kế hệ thống các chính sách trong chuỗi các khâu từ hạ tầng sản xuất đến công tác tiêu thụ sản phẩm cho ngư dân.
Hệ thống hóa chính sách
Thời gian qua, Đảng và Nhà nước đã ban hành nhiều chính sách cho ngư dân phát triển kinh tế biển. Tuy nhiên, câu hỏi đặt ra là bên cạnh hiệu quả đạt được, sức lan tỏa của các chính sách vì sao chưa như mong muốn? Ở nhóm giải pháp về phương tiện khai thác, theo ông Lê Nam, Phó trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Thanh Hóa, các chính sách khá rải rác, không tập trung và khó thực hiện. Ví dụ, định mức hỗ trợ dầu cho tàu đánh bắt hải sản theo các dải công suất quá rộng, chưa phù hợp với mức tiêu hao nhiên liệu giữa tàu công suất lớn và tàu công suất nhỏ; các chính sách về hỗ trợ dầu và thay máy mới còn nhiều bất cập, rất ít chủ tàu được hưởng chính sách này vì khó khăn trong đảm bảo các thủ tục, giấy tờ hợp lệ theo quy định.
“Chính bởi những nguyên nhân này, việc hiện đại hóa đội tàu còn gặp nhiều khó khăn. Tàu đánh bắt cá hiện nay chủ yếu là tàu gỗ, khả năng khai thác kém, như vậy làm sao phát triển được”, ông Võ Thiên Lăng, Phó Chủ tịch Hội Nghề cá Việt Nam bổ sung.
Ở nhóm giải pháp cơ sở hạ tầng, ông Nguyễn Văn Đoàn, Phó Vụ trưởng Vụ Kinh tế nông nghiệp (Bộ KH-ĐT) cho biết: Thời gian qua Bộ KH-ĐT đã đầu tư các chương trình như: khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá; đầu tư cảng cá, bến cá; thí điểm hỗ trợ ngư dân đóng tàu vỏ thép khai thác thủy sản xa bờ; đầu tư hạ tầng nuôi trồng thủy sản, phát triển giống thủy sản. Tuy nhiên, đánh giá chung là hệ thống hạ tầng khai thác và nuôi trồng vẫn chưa “đủ lực” để khai thác tiềm năng biển rộng lớn của đất nước.
Về nhóm giải pháp tín dụng cho kinh tế biển, theo Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Vũ Văn Tám, hiện đã có nhiều cơ chế hỗ trợ vốn cho ngư dân nhưng vẫn áp dụng như chính sách tín dụng thương mại thông thường nên tính hiệu quả chưa cao. Trong chính sách hỗ trợ rủi ro cho ngư dân, sẽ bổ sung chính sách bảo hiểm cho ngư dân trên biển như một số đề nghị tại hội thảo, bởi hiện nay mới có chính sách bảo hiểm cho lĩnh vực nuôi trồng thủy sản. Bộ NN-PTNT cũng sẽ kiến nghị cơ chế hỗ trợ cho chính sách đào tạo nhân lực cho ngành thủy sản, đồng thời thí điểm đưa tàu cá ra nước ngoài khai thác thủy sản, giảm áp lực trong nước và tăng hiệu quả cho hoạt động khai thác thủy sản của ngư dân.
“Đăng đàn” vào đầu giờ chiều, ông Trần Quốc Khánh, Thứ trưởng Bộ KH-CN đã mang đến hội thảo những thông tin vui: Giai đoạn 2011 - 2015, Bộ KH-CN triển khai 27 đề tài nghiên cứu khoa học công nghệ về biển, trong đó chủ yếu nghiên cứu về biến đổi khí hậu, đa dạng sinh học từ Quảng Bình trở ra. Bên cạnh đó, Bộ KH-CN đang tổ chức điều tra, đánh giá tổng thể nguồn lợi thủy sản, ngư trường trên vùng biển Việt Nam.
“Ngư trường lớn” trên biển
Từ thực tiễn đang đặt ra cấp bách trong phát triển kinh tế biển, các đại biểu tại hội thảo đã nêu nhiều giải pháp nhằm đổi mới toàn diện quá trình phát triển kinh tế biển hiện nay. Theo đó, việc đổi mới phương thức sản xuất, quan hệ sản xuất và lực lượng sản xuất là rất cần thiết. Nguyên Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Huy Ngọ đặt vấn đề: “Trong sản xuất lúa, chúng ta có mô hình cánh đồng lớn, liên kết nông dân lại với nhau, tại sao trong phát triển kinh tế biển, chúng ta không xây dựng “ngư trường lớn”, liên kết ngư dân lại với nhau để hình thành những đoàn tàu hùng mạnh?”.
Rõ ràng, đã đến lúc không thể có kiểu làm ăn riêng lẻ nữa mà cần liên kết, phối hợp, từ khâu đánh bắt tới tiêu thụ, chế biến và thị trường. Theo Tổng cục Thủy sản, đến nay cả nước đã có 3.156 tổ đội sản xuất trên biển, trung bình mỗi tổ đội có 3 - 6 tàu cá. Hoạt động khai thác hải sản tập trung ở các ngư trường Tây Nam bộ, Bắc bộ, Đông Nam bộ và khu vực quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa và phân theo vụ cá Bắc và vụ cá Nam. Nhiều địa phương đã hình thành mô hình liên kết khai thác trên biển như Cà Mau, Kiên Giang, Bình Thuận, Thanh Hóa, Phú Yên…
Tại các địa phương trên, nếu như trước đây những công việc trên thường khép kín, cụ thể như tàu nào khai thác sản phẩm đầy tàu thì phải tự chở sản phẩm vào bờ rồi mới tiếp tục trở ra biển. Các trường hợp khác cũng trong tình trạng tương tự, như vậy rất tốn kém, mất thời gian. Gần đây, đã hình thành dịch vụ vận chuyển sản phẩm có nhiệm vụ chuyên chở sản phẩm từ biển vào bờ để giao cho các nhà máy chế biến. Dịch vụ bao tiêu tiêu thụ sản phẩm trực tiếp làm môi giới trong mua bán sản phẩm. Dịch vụ cung ứng nhiên liệu tham gia vận chuyển xăng dầu, nước đá từ đất liền ra biển cung cấp cho các tàu đang hoạt động xa bờ. Dịch vụ sửa chữa nhanh là lực lượng có tay nghề sửa máy nổ, vá lưới, sửa tàu hư hỏng... Nhờ có sáng kiến thành lập các loại hình dịch vụ như vậy nên đã giảm chi phí khoảng 50 triệu đồng/tàu mỗi chuyến đi biển.
Lực lượng sản xuất cho ngành thủy sản cần được coi trọng đúng mức. Mặc dù Chính phủ đã có Quyết định 1956/QĐ-TTg về đào tạo nghề cho lao động nông thôn, tuy nhiên lực lượng lao động trong ngành vẫn còn trình độ rất thấp, chủ yếu theo kinh nghiệm thực tiễn. Do vậy, cần thiết rà soát đội ngũ lao động trong ngành để có kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng thêm những kỹ năng và công nghệ mới phục vụ cho hoạt động khai thác, nuôi trồng góp phần nâng cao năng suất.
Theo PGS-TS Nguyễn Phú Hòa (Khoa Thủy sản Trường Đại học Nông Lâm - TPHCM), cần thiết phải quy hoạch và nâng cấp các trường đào tạo chuyên về thủy sản một cách bài bản và hệ thống. Ngoài ra, những chính sách ưu đãi, khuyến khích đối tượng theo học cần được quan tâm đúng mức từ phía nhà nước để họ yên tâm với nghề nghiệp của mình trước những quy luật của kinh tế thị trường.
Đồng thuận, quyết tâm
Hiện Việt Nam đã trở thành một trong 4 cường quốc đứng đầu về xuất khẩu thủy sản trên thế giới. Theo đó, doanh số xuất khẩu thủy sản tăng liên tục qua các năm với mức tăng khoảng 15% - 20% năm. Giá trị xuất khẩu thủy sản Việt Nam liên tục tăng, từ 2 tỷ USD năm 2002 đến 6,4 tỷ USD năm 2012.
Với thế mạnh đó, việc nâng cao công tác quản lý nhà nước, vấn đề quy hoạch, sắp xếp lại ngư trường, quy mô phát triển bằng chính sách cụ thể, nhất là đầu tư hạ tầng, hậu cần trên biển, hiện đại hóa đội tàu; mô hình sản xuất và mô hình quản lý ngư nghiệp là việc làm hết sức cần thiết... Thứ trưởng Vũ Văn Tám cho biết Bộ NN-PTNT đã tham mưu cho Chính phủ và Thủ tướng đã ban hành Quyết định 375 về phê duyệt đề án tổ chức lại sản xuất trong khai thác thủy sản. Trong đó, sẽ thí điểm tổ chức lại khai thác cá ngừ theo chuỗi giá trị, sau đó sẽ làm cơ sở nhân rộng ra các đối tượng khác.
Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Nguyễn Văn Giàu cho rằng về quản lý nhà nước đối với ngư dân và kinh tế biển, thời gian tới cần tiếp tục nghiên cứu để hoàn thiện hơn. Trong đó, về quy hoạch cần có mục tiêu, sản phẩm cụ thể. Tại hội thảo, có ý kiến cho rằng “biển thì phải có chủ” và đề nghị nên giao cho chủ thể nhân dân, phân cấp quản lý cho chính quyền địa phương. Theo ông Giàu, đây là vấn đề mới cần nghiên cứu.
Về chính sách tín dụng cho ngư dân, từng là Thống đốc NHNN, ông Nguyễn Văn Giàu thừa nhận là rõ ràng còn bế tắc, kể cả cho vay đóng tàu, trang thiết bị ngư cụ, đến cho vay nguyên vật liệu phục vụ đánh bắt. Theo ông, tháo gỡ vấn đề này chỉ có 2 con đường: thứ nhất là chính sách của nhà nước, thứ hai là ngân hàng thương mại thực hiện cho vay nhưng có một bộ phận chính sách, làm thành một chương trình riêng.
Kết luận hội thảo, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Nguyễn Văn Giàu cho rằng, sau 1 ngày làm việc với 18 ý kiến phát biểu và tham luận, chưa kể hơn 20 tham luận gửi đến hội thảo, chúng ta thấy rằng quá trình thực hiện Nghị quyết Trung ương 7 về nông nghiệp, nông dân và nông thôn, trong đó có giải pháp hỗ trợ cho ngư dân phát triển kinh tế biển đã đạt nhiều thành tựu đáng kể. Qua hội thảo, nhiều giải pháp, kinh nghiệm đã được đúc kết để thực hiện hiệu quả hơn trong thời gian tới. Ban tổ chức hội thảo sẽ tổng hợp, báo cáo các cơ quan có thẩm quyền để nghiên cứu sửa đổi, bổ sung các cơ chế chính sách hỗ trợ ngư dân phát triển kinh tế biển trong thời gian tới, làm tiền đề thực hiện thành công Nghị quyết của Đảng và Chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020.
Vietinbank hỗ trợ ngư dân phát triển kinh tế biển Trong nhiều năm qua, Vietinbank luôn là ngân hàng tiên phong trong việc thực hiện các chính sách của Nhà nước, Chính phủ. Ngay khi Nghị định 41 của Chính phủ về chính sách tín dụng phục vụ nông nghiệp, nông thôn được ban hành, Vietinbank nhanh chóng xây dựng gói sản phẩm riêng biệt với quy trình thẩm định xét duyệt được tinh giản tối đa. Ngư dân được vay vốn theo nhiều mục đích khác nhau từ vay đầu tư đóng mới, cải tạo tàu cá, vay chi phí nhiên liệu, vay mua sắm các trang thiết bị, vật tư, ngư lưới cụ, tới vay thanh toán tiền nhân công, lao động… Bên cạnh đó, thời gian cho vay dài lên tới 7 năm với mức lãi suất thấp và chính sách cho vay không bảo đảm lên tới 50 triệu đồng đã hỗ trợ đắc lực cho nhiều ngư dân ổn định sản xuất, giảm bớt gánh nặng chi phí cho mỗi kỳ. Thời gian tới, phía Vietinbank sẽ tiếp tục duy trì chính sách ưu đãi đặc biệt về lãi suất, quy trình thủ tục, triển khai rộng khắp tới tất cả các tỉnh thành, tiếp tục là điểm tựa tài chính vững chắc giúp ngư dân vượt qua mọi khó khăn về nguồn vốn, yên tâm bám biển, vươn khơi. Ông Nguyễn Hoàng Dũng, ***** Giải pháp mở rộng tín dụng đầu tư kinh tế biển của Agribank Để góp phần vào sự tăng trưởng chung của ngành thủy sản Việt Nam, thời gian tới Agribank xác định phương hướng cho vay ngành thủy sản là: Tiếp tục nâng cao chất lượng tín dụng và mở rộng cho vay đối với lĩnh vực khai thác, nuôi trồng và chế biến thủy sản; tích cực, chủ động phối hợp với chính quyền địa phương và các cơ quan chức năng thu hồi các khoản nợ xấu, nợ đã xử lý rủi ro nhằm nâng cao chất lượng tín dụng thủy, hải sản. Bên cạnh đó, Agribank tập trung cho vay nâng cấp phương tiện để nâng năng lực khai thác, chỉ cho vay mới đối với các phương tiện khai thác có công suất lớn đảm bảo kỹ thuật và an toàn, chủ động phối hợp với chi cục khai thác và bảo vệ nguồn lợi thủy sản tại địa phương để thẩm định về định mức kỹ thuật của tàu cá, đồng thời nắm bắt các chuyến đi biển của con tàu. Khi ký kết hợp đồng tín dụng, các chủ tàu phải cam kết mua bảo hiểm trong suốt thời gian vay vốn, chấp hành đăng ký, đăng kiểm đúng quy định. Ông Phạm Hồng Sơn, |
TRẦN MINH TRƯỜNG
| |
>> Bài 1: Xây dựng “nông thôn mới” cho ngư dân