Giúp nông dân làm giàu
Chính quyền mang đến đồng vốn ưu đãi, bà con nông dân tích cực làm ăn, hai yếu tố này đã giúp chương trình chuyển đổi sản xuất sang nền nông nghiệp đô thị thành công lớn ở các huyện ngoại thành TPHCM. Tuy nhiên, bên cạnh những câu chuyện đổi đời lý thú, cũng có những trường hợp đắng cay…
Trại bò sữa 60 con của gia đình anh Nguyễn Hùng Dũng, ấp 3A, xã Tân Thạnh Đông, huyện Củ Chi.
Để không vỡ vụn giấc mơ
Bãi biển Cần Giờ là một vựa nghêu lớn. Nếu nói đến độ sạch của loài nhuyễn thể, thì sạch như nghêu là cùng: sống trong cát và lớn lên nhờ biển, không phải cho ăn bất kể thứ gì. Mà nuôi nghêu sướng như thế là cùng: vung vãi ra bờ biển nước ngập xâm xấp nước, lâu lâu chủ đầm bước trên bãi cát vọc lên xem độ bung vỏ của nghêu, nếu dày quá thì cang cho mỏng ra, cho nhanh lớn. Chỉ thế thôi!
Vì quá đơn giản, nhưng khi thu hoạch bán giá cao nên nghêu trở thành hấp lực cực lớn. Nhưng ở đời, cái gì lợi nhuận cao thì rủi ro cũng không kém! Những ngày ở Cần Giờ chúng tôi nghe chuyện thật mà như giai thoại. Nhiều năm trước, Cần Giờ có nhiều “vua nghêu”, mô tả độ giàu có như sau: khi thu hoạch, có chủ nghêu phải mua 2 máy đếm tiền đặt trước sân nhà để thu tiền cho kịp. Nhưng rồi, lần lượt những “vua nghêu” lìa cõi đời. Có người bị bệnh, ra bãi nghêu rồi qua đời tại đó! Ông Huỳnh Thanh Hà, Giám đốc Ngân hàng NN-PTNT, chi nhánh huyện Cần Giờ, cho biết: “Nghêu dễ nuôi nhưng cũng dễ chết. Chỉ cần một ngày nắng đổ lửa bất chợt, gặp lúc nước triều xuống, nghêu dễ chết. Đó là chưa nói đến môi trường và dịch bệnh. Mà 2 năm trước, hầu hết chủ đầm nghêu rơi vào cảnh như thế, quặng lòng nhìn nghêu chết há miệng trắng hếu, trôi dạt trên bãi biển! Chủ nghêu trắng tay, nhưng ngân hàng cho vay cũng xót xa không kém”. Hiện có đến 107 hộ dân vay tổng cộng 267 tỷ đồng để nuôi nghêu, không có khả năng trả nợ vì nghêu chết, chủ yếu tập trung ở xã Long Hòa, Cần Thạnh. Ngân hàng rất muốn tạo điều kiện để người dân trả nợ, nhưng không có nghề phụ nên khả năng trả tiền cho ngân hàng là bất khả thi.
Giấc mơ tôm, một thời mê hoặc rất lớn. Mảnh đất ven biển Cần Giờ không thiếu dấu chân các đại gia ném những canh bạc nhiều tỷ đồng xuống đầm tôm. Dọc xã An Thới Đông, nhất là Lý Nhơn bạt ngàn vuông tôm, đầu những năm 2000 khu vực này vào ban đêm sáng đèn đến sáng, nhưng rủi ro của nghề này cũng khôn lường. Vấn đề dịch bệnh làm cho không ít gia đình phải lao đao, mới nhất người ta kể về một đại gia từ nội thành đầu tư trên 50 tỷ đồng nuôi tôm nhưng phải rao bán trang trại vì không khắc chế được dịch bệnh như những chủ trại khác. Theo “chủ nợ” Ngân hàng NN-PTNT Chi nhánh Cần Giờ, hiện có 85 hộ vay 116 tỷ đồng mất khả năng chi trả. Chỉ có điều, cũng là “cặp đôi hoàn cảnh” nhưng con tôm được nhà nước cho khoanh nợ ba năm, còn nghêu lại không!
Hai con tôm, nghêu dù rủi ro khá lớn, nhưng về tổng thể vẫn là mũi nhọn phát triển kinh tế của địa phương. Việc nhà nước hỗ trợ lãi suất cho người dân là cần thiết nhưng chưa đủ, bởi khi mất trắng thì mất quá nhiều hoặc mất hết, còn lãi suất hỗ trợ lại không đáng bao nhiêu. Nếu khuyến khích chuyển đổi, bên cạnh việc hỗ trợ vay vốn, nhà nước cần có thêm những giải pháp khác nông dân. Hiện không ít vùng nuôi tôm, đường sá đi lại còn khó khăn, phải dùng máy phát điện, do đó phải đầu tư thêm kết cấu hạ tầng. Ngoài ra, hệ thống thủy lợi dẫn nước vào, ra từ đầm tôm chưa đồng bộ làm nguồn nước bị ô nhiễm và dễ lây lan. Việc kiểm dịch con giống cần được quản lý và kiểm soát chặt chẽ hơn. Vai trò của khuyến ngư cần được phát huy tác dụng hơn để người dân nhận biết được nguy cơ của con giống trôi nổi. Dù từng hộ nuôi đơn lẻ nhưng tính cộng đồng của nuôi tôm rất lớn. Và điều quan trọng, phải làm cho được, đó là bảo hiểm trong sản xuất nông nghiệp. Đó mới là việc làm căn cơ khi dịch bệnh hay thiên tai xảy ra, người dân không bị mất hết vốn.
Mở rộng hộ và diện cho vay
|
Ông Nguyễn Hữu Hoài Phú, Phó Chủ tịch UBND huyện Củ Chi, cho biết, trước đây việc cho nông dân vay ưu đãi tiến triển khá chậm, toàn huyện chỉ có khoảng 1.000/23.000 hộ dân được tiếp cận chính sách ưu đãi này. 2 năm qua huyện huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc, tại từng xã phải bố trí người viết phương án cho vay, đảm nhận vai thường trực. Nhờ đó, người dân không biết viết phương án vay vốn, lên xã sẽ được hỗ trợ ngay nên tổng hộ được vay hiện nay đã trên 5.000 hộ. Ban đầu chỉ có một ngân hàng cho vay, nay mở rộng cho 14 tổ chức tín dụng tham gia, tránh tình trạng quá tải. Tiếp đó, bổ sung các đơn vị thường trực của ban chỉ đạo để biết sự việc vướng ở đâu mà tháo gỡ, có tháng giao ban hai lần, thành lập đường dây nóng để tiếp nhận phản ánh…
Cũng theo ông Phú, đồng tiền hỗ trợ lãi suất đến tay người dân, sự hồ hởi mừng vui nhưng cũng là lúc nhiều bất cập xuất hiện. Cây hiệu quả cao như rau an toàn phát triển mạnh nhưng người dân không thể vay vì chu kỳ ngắn hạn, loay hoay chưa xong đã trả nợ. Kế đó, cách tính phức tạp hóa nhưng lại khó kiểm soát. Ví dụ quy định chỉ nuôi bò sữa, nhưng con trâu lại không được hỗ trợ, thực tế nuôi trâu lấy thịt cũng hiệu quả, dễ nuôi và lời cao hơn; lý do đơn giản là vì trâu không có trong danh mục xét duyệt cho vay. Con cá cũng vậy, có hàng trăm loại, mà quy định chi tiết có khi quá dư mà có lúc lại bỏ sót. Ban chỉ đạo cần bổ sung danh sách nuôi trồng hàng quý, chứ 2 - 3 năm bổ sung một lần thì chậm quá. “Nói chung quy định chi tiết cây, con hiệu quả nên giao cho địa phương chịu trách nhiệm”, ông Phú đề xuất. Thực tế cho thấy, ngân hàng chỉ duyệt cho nông dân vay khi có tài sản thế chấp, nhưng đất nông nghiệp bị định giá quá thấp theo bảng giá đất nhà nước, do đó để được vay, người dân phải thế chấp nhiều tài sản khác nhưng không phải ai cũng có. Điều này làm hạn chế khả năng vay vốn mở rộng sản xuất hay đầu tư mới của dân.
Chủ trương tái cơ cấu sản xuất nông nghiệp của TP đã có hơn 10 năm trước nên giờ đây bắt đầu gặt hái kết quả: Tốc độ tăng trưởng GDP nông - lâm - ngư nghiệp TP giai đoạn 2009 - 2013 là 5%/năm so với cả nước 2,9%. Giá trị sản xuất bình quân 1ha đất canh tác gần 240 triệu đồng/năm, tăng hơn gấp đôi so với năm 2008, bình quân cả nước là 81 triệu đồng/ha/năm. Tỷ lệ hộ nghèo vùng nông thôn chỉ còn 2,12% so với 8,4% trước đó. Theo chuẩn quốc gia, TPHCM không còn hộ nghèo. Nếu năm 2008, thu nhập bình quân đầu người ở thành thị cao gấp 1,8 lần so với dân cư nông thôn thì hiện nay chỉ còn 1,24 lần, tức đã thu hẹp lại. Tất nhiên, những kết quả đó không chỉ từ sự hỗ trợ vốn vay mà là tổng hòa các chính sách TP đầu tư cho ngoại thành.
Bất cứ chủ trương phù hợp nào nếu người dân chưa thể tiếp cận cũng sẽ hạn chế việc phát huy tác dụng. Điều đó cho thấy, vai trò người thực thi rất quan trọng và nếu như cách mà huyện Củ Chi đã làm gần 2 năm qua được nhân rộng, những bất cập được kịp thời sửa đổi, ắt hẳn sẽ còn nhiều nông dân tiếp cận vốn vay và bộ mặt nông thôn TP sẽ còn thay đổi tích cực hơn.
CÔNG PHIÊN - LƯƠNG THIỆN