Bài 3: Kỳ vọng về một đề án

Công khai giải quyết kiến nghị của cử tri
Bài 3: Kỳ vọng về một đề án

Hoạt động tiếp xúc cử tri: Thực tế và kỳ vọng

Từ những hạn chế khách quan, chủ quan trong hoạt động tiếp xúc cử tri, để đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của cử tri đối với hoạt động dân cử, Thường trực HĐND TPHCM đang xây dựng Đề án Nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của HĐND TPHCM trong bối cảnh TP thí điểm không tổ chức HĐND huyện, quận, phường. Đề án này được kỳ vọng sẽ tạo bước đột phá trong việc nâng chất hoạt động HĐND TP cũng như công tác tiếp xúc cử tri.

Đại biểu Từ Minh Thiện đặt câu hỏi chất vấn tại hội trường trong kỳ họp thứ 7, HĐND TPHCM khóa VIII (tháng 12-2012).

Đại biểu Từ Minh Thiện đặt câu hỏi chất vấn tại hội trường trong kỳ họp thứ 7, HĐND TPHCM khóa VIII (tháng 12-2012).

Công khai giải quyết kiến nghị của cử tri

Không chỉ thẳng thắn chỉ ra những khó khăn, tồn tại để khắc phục mà Đề án Nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của HĐND TPHCM còn đưa nhiều nhóm giải pháp nâng chất hoạt động của HĐND TP nói chung và hoạt động tiếp xúc cử tri nói riêng. Theo đề án này, Thường trực HĐND TP sẽ phối hợp với Ban Thường trực UBMTTQ TPHCM và UBND các quận, huyện thực hiện đổi mới công tác tiếp xúc cử tri. Trong đó, nội dung, chương trình, lịch tiếp xúc cử tri của đại biểu HĐND TP sẽ được thông báo công khai trên phương tiện thông tin đại chúng để cử tri có thể tham dự các cuộc tiếp xúc. Tại các buổi tiếp xúc sẽ tạo không khí cởi mở, dân chủ, trao đổi thẳng thắn giữa cử tri và đại biểu. Bí thư cấp ủy, Chủ tịch UBND các quận, huyện, phường có trách nhiệm cử cán bộ lãnh đạo tham gia tiếp xúc cử tri. Ngoài ra, chính quyền địa phương (quận - huyện, phường) phải phân công các cơ quan chuyên môn liên quan tham dự để trả lời các ý kiến, kiến nghị của cử tri.

Hình thức tiếp xúc cử tri cũng được thực hiện linh hoạt, tạo điều kiện cho đại biểu tiếp xúc cử tri tại nhiều địa điểm để đảm bảo trong 1 năm, tất cả phường, xã, thị trấn đều có tổ chức tiếp xúc cử tri ít nhất 1 lần để nắm bắt, tìm hiểu tâm tư, nguyện vọng của cử tri hay tiếp xúc cử tri theo chuyên đề, lĩnh vực, đối tượng, địa bàn… mà đại biểu quan tâm hoặc theo yêu cầu, nguyện vọng của cử tri. Đề án này cũng sẽ phân định trách nhiệm giải quyết kiến nghị của từng cấp, từng cơ quan, tổ chức; tiếp nhận, xử lý các kiến nghị hoặc kịp thời chuyển các kiến nghị đến cơ quan, tổ chức có thẩm quyền giải quyết; thông báo công khai, kịp thời kết quả tiếp xúc cử tri trên các phương tiện thông tin đại chúng. Đề án khẳng định: “Việc giải quyết kiến nghị và thông báo kết quả giải quyết đến cử tri, bảo đảm để mọi kiến nghị của cử tri đều được trả lời công khai, kịp thời” và sẽ được cập nhật trên website của HĐND TP.

Đi đến cùng vụ việc

Tiếp tục nâng chất hoạt động tiếp xúc cử tri, Thường trực HĐND TPHCM cho biết đang dự thảo kế hoạch Quy chế phối hợp tiếp xúc cử tri giữa Thường trực 3 đơn vị: HĐND, UBND và UBMTTQ TPHCM, quy định về phương thức tiếp dân, tiếp xúc cử tri, thu thập ý kiến người dân. Đặc biệt là quy định rõ trách nhiệm việc giải quyết kiến nghị cử tri của các cơ quan liên quan.

Trước mắt, theo Chủ tịch HĐND TPHCM Nguyễn Thị Quyết Tâm, các đại biểu phải đeo bám tới cùng việc giải quyết các kiến nghị, khiếu nại của bà con cử tri. Muốn làm được điều này, các đại biểu phải sử dụng hết quyền năng của người đại biểu mà luật pháp đã trao cho. Nếu yêu cầu mà cấp có thẩm quyền không trả lời hoặc giải quyết không thấu đáo thì phải gặp trực tiếp để nghe, để chất vấn hoặc gửi phiếu chất vấn giữa hai kỳ họp để giải quyết thấu đáo cho người dân.

Theo đại biểu HĐND TP Lê Mạnh Hà, đã đến lúc phải xây dựng quy chế công khai, minh bạch quy trình giải quyết kiến nghị của cử tri. Theo đó, tổng hợp thật đầy đủ kiến nghị của bà con cử tri. Đối với những kiến nghị chưa được cơ quan chức năng giải quyết, phải trả lời nguyên nhân vì sao. Đây nên là cơ sở để cơ quan quản lý cấp trên đánh giá, bỏ phiếu tín nhiệm đối với cán bộ mình. “Nếu không có một cơ chế quy trách nhiệm rõ ràng, đại biểu cảm thấy như bị xem thường khi bao nhiêu kiến nghị của cử tri gửi gắm bị phớt lờ” - đại biểu Lê Mạnh Hà nói.

Đại biểu Lâm Thế Quân cho rằng, Thường trực HĐND TP cần mở rộng bộ máy giúp việc, ít nhất mỗi quận huyện nên có một thư ký giúp cho việc phối hợp liên lạc, lên lịch, phân phối tài liệu và ghi nhận ý kiến cử tri chứ không nên khoán trắng việc này cho MTTQ như hiện nay, để đảm bảo kiến nghị của cử tri được tập hợp đầy đủ.

Góp ý chung cho hoạt động tiếp xúc cử tri của QH và HĐND, cử tri Tạ Quang Hưng (phường Tân Định, quận 1) kiến nghị QH bổ sung Điều 84 và Điều 117 của Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992 quy định về nhiệm vụ của đại biểu QH và đại biểu HĐND. Cụ thể, trách nhiệm của đại biểu QH và đại biểu HĐND không dừng lại ở việc “theo dõi, đôn đốc” mà phải “đi đến cùng” các kiến nghị, khiếu nại, tố cáo của cử tri và báo cáo kết quả với cử tri. “Khi chưa đi đến cùng khiếu nại, phản ánh bức xúc của cử tri cũng có nghĩa là người đại biểu đó chưa làm tròn trách nhiệm của một đại biểu dân cử” - cử tri Tạ Quang Hưng bày tỏ.

Vân Anh

Hoạt động tiếp xúc cử tri: Thực tế và kỳ vọng

- Bài 1: Có bước tiến nhưng chưa toàn diện

- Bài 2: Tiếng nói người trong cuộc

Tin cùng chuyên mục