Bài 3: Nhận diện cơ hội và thách thức

Những năm qua, mô hình tăng trưởng kinh tế TPHCM từng bước chuyển đổi từ chiều rộng sang phát triển theo chiều sâu, chỉ số năng suất các yếu tố tổng hợp (TFP) bình quân giai đoạn 2006-2010 là 17,4% vào tăng trưởng GDP của thành phố; giai đoạn 2011-2015, TFP ước tỷ trọng đóng góp đạt 33,1% (cao gấp 1,89 lần so với giai đoạn trước). Qua 30 năm đổi mới, kinh tế TPHCM tăng trưởng khá bền vững, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh ngày càng cao. Trong 5 năm tới, TPHCM vẫn đứng trước nhiều cơ hội và cả những thách thức mới đầy cam go.
Bài 3: Nhận diện cơ hội và thách thức

Đột phá - Bắt đầu từ đâu?

Những năm qua, mô hình tăng trưởng kinh tế TPHCM từng bước chuyển đổi từ chiều rộng sang phát triển theo chiều sâu, chỉ số năng suất các yếu tố tổng hợp (TFP) bình quân giai đoạn 2006-2010 là 17,4% vào tăng trưởng GDP của thành phố; giai đoạn 2011-2015, TFP ước tỷ trọng đóng góp đạt 33,1% (cao gấp 1,89 lần so với giai đoạn trước). Qua 30 năm đổi mới, kinh tế TPHCM tăng trưởng khá bền vững, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh ngày càng cao. Trong 5 năm tới, TPHCM vẫn đứng trước nhiều cơ hội và cả những thách thức mới đầy cam go.

Có vị trí, vai trò rất quan trọng đối với cả nước và Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, TPHCM là đầu tàu, là hạt nhân để tạo động lực cho quá trình phát triển kinh tế - xã hội của các tỉnh trong khu vực những năm qua và trong tương lai. Thực tế trong những năm qua, TPHCM luôn đạt tốc độ tăng GDP hàng năm gấp 1,6 lần so với cả nước. Năm 2014, TPHCM chiếm 21,5% tổng GDP, 30,9% tổng thu ngân sách nhà nước, 21,4% tổng kim ngạch xuất khẩu, 20,5% tổng vốn đầu tư phát triển cả nước; cơ cấu chuyển dịch theo hướng khá bền vững (dịch vụ - công nghiệp, xây dựng - nông nghiệp). Năm 2015, tỷ trọng của các khu vực kinh tế lần lượt là 59,9% - 39,2% - 0,9%. Đối với Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, năm 2014 TPHCM chiếm 50,2% tổng GDP, 52,6% tổng thu ngân sách nhà nước, 44,4% tổng kim ngạch xuất khẩu, 57,3% tổng vốn đầu tư phát triển toàn vùng. Điều này khẳng định TPHCM đã góp phần quan trọng thúc đẩy tăng trưởng kinh tế cả nước nói chung và Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam nói riêng.

Tấp nập hàng hóa xuất nhập khẩu tại cảng Hiệp Phước (Ảnh: Việt Dũng)

Trong những năm tới, TPHCM luôn nhận thức rằng còn rất nhiều thách thức ở phía trước để đạt mục tiêu trở thành một đô thị văn minh, hiện đại, phát triển bền vững, có chất lượng tăng trưởng cao, có vị trí xứng đáng và ngang tầm với các đô thị lớn trong khu vực. Từ thực tiễn TPHCM cho thấy, để đạt được mục tiêu công nghiệp hóa, hiện đại hóa, ngoài việc đổi mới cơ chế kinh tế, cải cách mạnh mẽ nền hành chính và tài chính quốc gia, tạo môi trường cạnh tranh bình đẳng và thuận lợi trong mọi thành phần kinh tế, cần tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật về kinh doanh phù hợp với những yêu cầu hội nhập kinh tế khu vực và quốc tế. Từ thực tiễn quản lý, lãnh đạo, chỉ đạo và điều hành phát triển thành phố qua 30 năm đổi mới, một số bài học kinh nghiệm được rút ra trong tư duy phát triển kinh tế như sau:

Thứ nhất: Để xây dựng và phát triển đô thị loại đặc biệt, với tính chất đặc thù như TPHCM, việc cho phép thành phố được thực hiện thí điểm đối với những vấn đề mới phát sinh mà thực tiễn thành phố đặt ra trong quá trình phát triển, nhưng chưa có quy định hay những định chế của Nhà nước, theo tinh thần Nghị quyết 20/NQ-TW trước đây và hiện nay là Nghị quyết 16/NQ-TW của Bộ Chính trị là chủ trương rất đúng đắn, không chỉ có ý nghĩa trong giai đoạn hiện nay mà còn trong nhiều năm tiếp theo của tiến trình đổi mới và hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng XHCN ở nước ta.

Thứ hai: Một vấn đề dù khó đến đâu, nếu có chủ trương đúng, có quyết tâm chính trị cao, huy động sức mạnh tổng hợp của hệ thống chính trị, sự đồng thuận xã hội, có sự bố trí nguồn lực tương xứng, chỉ đạo thực hiện sâu sát, có biện pháp đột phá khắc phục khó khăn, vướng mắc kịp thời đều đạt được kết quả tốt. Tạo sự đoàn kết nhất trí trong toàn bộ hệ thống chính trị ở các cấp và sự đồng lòng của người dân đối với chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước là nhân tố tổng hợp quan trọng, đưa kinh tế thành phố tăng trưởng cao, vượt qua mọi thách thức về suy thoái kinh tế, nâng cao chất lượng tăng trưởng. Đây thực chất là đổi mới phong cách làm việc, vừa phải đề cao dân chủ, phát huy trí tuệ của tập thể và nhân dân, vừa phải tăng cường trách nhiệm cá nhân; từng thời điểm phải có sự tập trung cao, dám quyết đoán, dám đưa ra giải pháp mang tính đột phá, nhưng phải đảm bảo tính khả thi và hiệu quả; biết tổ chức sự phối hợp chặt chẽ, đồng bộ giữa các sở, ngành, quận, huyện, các doanh nghiệp Trung ương và thành phố.

Thứ ba: Tiếp tục tăng cường các hoạt động thu hút đầu tư nước ngoài, đặc biệt tập trung các hoạt động xúc tiến nhằm cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, hỗ trợ các doanh nghiệp nâng cao chất lượng hoạt động, tăng hiệu quả đầu tư và phát triển các ngành theo đúng định hướng phát triển của thành phố. Tiếp tục tập trung vào các thị trường truyền thống trong khu vực ASEAN như Campuchia, Lào, Myanmar. Bên cạnh đó, đẩy mạnh xúc tiến thương mại và đầu tư tại các thị trường trọng điểm lớn trên thế giới như Hoa Kỳ, EU, Nhật Bản; đồng thời tăng cường hoạt động xúc tiến tại các thị trường tiềm năng như Ấn Độ, Indonesia, Philippines, Liên bang Nga… và tìm kiếm các thị trường mới như các nước Mỹ La tinh, Trung Đông, các quốc gia thuộc khu vực châu Phi, Tây Á, Nam Á… Hỗ trợ hiệu quả cho doanh nghiệp tích cực, chủ động thực hiện Hiệp định Đối tác chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP), gia nhập Cộng đồng kinh tế ASEAN, các hiệp định thương mại tự do (FTA).

Thứ tư: Quán triệt sâu sắc quan điểm giải quyết đồng bộ giữa tăng trưởng kinh tế với phát triển cơ sở hạ tầng và vấn đề bảo vệ môi trường, đảm bảo phát triển bền vững; phát triển kinh tế - văn hóa - xã hội hài hòa với quy hoạch phát triển đô thị và công bằng xã hội; thực hiện tốt các chính sách xã hội... kéo giảm khoảng cách giàu nghèo trong quá trình xây dựng TPHCM thành một thành phố có chất lượng sống tốt, văn minh, hiện đại, nghĩa tình. Luôn quan tâm tổng kết thực tiễn và kiên trì, chủ động phối hợp với các bộ, ngành, đề xuất Trung ương sửa đổi, bổ sung những cơ chế, chính sách không còn phù hợp hoặc kiến nghị cho thành phố thực hiện thí điểm những cơ chế, chính sách mới, để tổng kết, nhân rộng; bên cạnh đó, phải luôn nhạy bén, sáng tạo, bám sát thực tiễn, mạnh dạn giải quyết những vấn đề mới nảy sinh, giữ được vai trò, vị trí của TPHCM đối với khu vực và cả nước.

Tiến sĩ TRẦN ANH TUẤN
Quyền Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển TPHCM

>> Bài 2: Cải cách hành chính - Cần những việc làm thiết thực, phục vụ dân

Tin cùng chuyên mục