Vi phạm hành lang an toàn lưới điện ở TP Hồ Chí Minh

Bài 3: Những tai nạn được báo trước

Những tai nạn khi sống cạnh tử thần
Bài 3: Những tai nạn được báo trước

TPHCM là địa phương thu hút nguồn lao động lớn từ các tỉnh về tìm việc. Trong khi nguồn đất của TP ngày càng thu hẹp. Đất chật người đông khiến cho tình trạng các căn nhà tạm bợ, nhà không phép và nhà lấn chiếm lộ giới ngày càng phổ biến. Không ít trường hợp vi phạm hành lang an toàn lưới điện (HLATLĐ) đã phải trả bằng giá quá đắt. Thế nhưng làm thế nào để ngăn chặn tình trạng trên, cho đến nay vẫn là bài toán chưa có lời giải...

Những tai nạn khi sống cạnh tử thần

Bài 3: Những tai nạn được báo trước ảnh 1

Nhà nằm dưới đường dây điện cao thế tại khu phố 3, phường Tân Thới Hiệp, quận 12.

Thông tin từ Xí nghiệp Điện cao thế cho biết, vào lúc 15 giờ ngày 3-9-2003, tại số nhà 23/15 đường Huỳnh Tấn Phát, phường Bình Thuận, quận 7 xảy ra tai nạn điện.
}
Theo báo cáo, do căn nhà trên vi phạm khoảng cách thẳng đứng từ dây dẫn thấp nhất đến mái nhà là 1m (theo quy định đối với đường dây 110kV là 4m) nên đã thuê anh C.K.T. đến tháo dỡ phần vi phạm. Khi đang thi công, do khoảng cách tới đường dây quá gần nên xảy ra hiện tượng phóng điện làm anh Triển bị phỏng nặng, lột da toàn thân, phải đưa đi cấp cứu.

Cũng tại địa chỉ trên, vào lúc 13 giờ 40 phút ngày 29-8-2007, trong quá trình lắp và kéo dây mạng Internet, một công nhân của Công ty Viettel đã bị phóng điện gây phỏng. Tai nạn đã làm gián đoạn cung cấp điện đường dây 110kV Nam Sài Gòn 1 – Việt Thành 2 trong hơn 1 giờ.

Ông Trần Ngọc Lâm, tổ trưởng tổ kỹ thuật lắp đặt Xí nghiệp Điện cao thế cho biết, khi phát hiện trường hợp vi phạm trên, xí nghiệp đã phối hợp với chính quyền địa phương yêu cầu dỡ bỏ phần vi phạm, đồng thời yêu cầu gia đình niêm phong cửa ra vào gần đường dây cao thế. Tuy nhiên, do hộ dân không thực hiện đúng quy định, nên đã xảy ra hai tai nạn đáng tiếc.

Ông Hoàng Lê Khương, Phó Trưởng phòng Kỹ thuật an toàn bảo hộ lao động, Công ty Điện lực TPHCM cho biết, trong 8 tháng đầu năm 2007 đã xảy ra 10 vụ tai nạn điện mà nguyên nhân do người dân vi phạm HLATLĐ gây ra. Điển hình như trường hợp của anh T.T.P., trong lúc đứng trên gác kéo cây tre gắn ăngten lên nóc nhà định vị đã không đảm bảo khoảng cách an toàn điện, gây ra phóng điện làm anh bị bỏng vùng mặt, hai tay, ngực và chân.

Thương tâm hơn là trường hợp anh N.T.D. đang thao tác trên kèo sắt công trình xây dựng tại nhà số 36 Tăng Nhơn Phú quận 9, vì không đảm bảo khoảng cách an toàn điện nên đã bị phóng điện và tử vong… Bệnh viện Chợ Rẫy đã công bố, chỉ trong tháng 5, 6-2007 số lượng bệnh nhân bị tai nạn về điện tăng đột biến, có đến 18 trường hợp bị phỏng điện mà nguyên nhân chủ yếu do chưa ý thức hết vấn đề sử dụng điện an toàn.

Điều đáng nói là những vụ tai nạn điện luôn để lại những di chứng rất nặng nề vì vết phỏng thường sâu, rộng, rất khó chữa trị cũng như phục hồi. Đa phần những nạn nhân khi bị phỏng điện thường mang thương tật suốt đời, thậm chí là tử vong. Thế nhưng bất chấp những cảnh báo mà ngành điện đưa ra, nhiều hộ dân vẫn cố tình xây dựng lấn chiếm HLATLĐ.

Áp dụng biện pháp mạnh: chờ đến bao giờ?

Bài 3: Những tai nạn được báo trước ảnh 2

Biến thế Hiệp Bình 4 nằm trong khuôn viên nhà số 236 quốc lộ 13, quận Thủ Đức. Ảnh: Đức Trí

Ông Đỗ Ngọc Giang, Phó Giám đốc Điện lực Chợ Lớn cho biết, Công ty Điện lực TPHCM đang trình xin ý kiến từ Sở Công nghiệp để có thể tiến hành biện pháp ngưng cung cấp điện cho đến khi chủ hộ khắc phục xong việc vi phạm HLATLĐ.

Trên thực tế, việc áp dụng biện pháp này đã được áp dụng ở một số hộ nhỏ lẻ và đạt được những hiệu quả nhất định. Tuy nhiên, kiến nghị đó của ngành điện chưa nhận được ý kiến từ Sở Công nghiệp. Về phía Sở Công nghiệp, cũng đã nhiều lần kiến nghị việc ban hành chỉ thị cho phép Công ty Điện lực được ngưng bán điện cho các hộ dân xây dựng hoặc cơi nới nhà, công trình vi phạm HLATLĐ lên UBND TP nhưng đến nay, các biện pháp xử lý đa số chỉ là những… đề nghị, kiến nghị và ngành điện đành phải tiếp tục chờ.

Tháng 7 – 2007, UBND TPHCM đã ra quyết định ban hành “Quy chế hoạt động của Ban chỉ đạo xử lý vi phạm hành lang bảo vệ an toàn lưới điện cao áp TPHCM”. Tuy nhiên, cho đến nay văn bản này cũng chỉ dừng lại ở cấp “Ban chỉ đạo” chứ chưa đưa ra được giải pháp cụ thể, hợp lý nào cho việc xử lý tình trạng vi phạm HLATLĐ trên địa bàn TPHCM.

Về phía Công ty Điện lực TP, trong khi chờ các giải pháp có thể coi là giải quyết triệt để, tận gốc tình trạng vi phạm HLATLĐ thì hàng năm ngành điện vẫn phải đang bỏ ra hàng chục tỷ đồng để triển khai các giải pháp kỹ thuật như thay đà, đẩy lưới, bọc hóa, nối đất… để giảm khoảng cách quy định an toàn từ lưới điện đến nhà dân, ngăn ngừa những vụ tai nạn điện đáng tiếc có thể xảy ra.

Song song với việc này, ngành điện còn gửi thông báo tới các hộ dân nằm trong danh sách vi phạm HLATLĐ nhằm nâng cao ý thức người dân, lưu ý tránh tai nạn điện có thể xảy ra; phối hợp với chính quyền địa phương yêu cầu chủ đầu tư khi muốn cấp giấy phép xây dựng phải liên hệ với công ty điện lực để thỏa thuận về khoảng cách HLATLĐ...

Tuy nhiên, phải thừa nhận rằng những biện pháp trên chỉ mang lại hiệu quả nhất thời và không thể ngăn chặn dứt điểm. Do đó, các cơ quan chức năng cần sớm bắt tay nhau để cùng đưa ra những biện pháp xử lý kiên quyết hơn mới mong giải quyết dứt điểm thực trạng này, vốn đã tồn tại dai dẳng từ nhiều năm nay.

Nhóm PV

Tin cùng chuyên mục