Nhận trồng rừng để...phá rừng!
>> Bài 2: Dự án một đường, triển khai một nẻo
Trong những năm qua, các tỉnh Tây Nguyên đã chuyển đổi hàng trăm ngàn hécta rừng tự nhiên cho các doanh nghiệp (DN) thực hiện dự án xây dựng thủy lợi - thủy điện, trồng cao su, khai thác khoáng sản… Nhưng sau khi các dự án đi vào hoạt động, họ không chịu trồng rừng thay thế như đã cam kết trong dự án. Trong khi đó, các địa phương lại kêu khó trong việc trồng rừng vì chính sách không đáp ứng được yêu cầu thực tế. Vì thế, việc “trả lại màu xanh” cho Tây Nguyên không biết đến bao giờ mới thành hiện thực?
Địa phương kêu khó…
Từ đầu năm 2016 đến nay, trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng đã trồng được 1.231,4ha, trong đó có 123ha rừng phòng hộ và 1.108ha rừng sản xuất. Mặc dù vậy, việc tổ chức trồng rừng trên diện tích chuyển đổi rừng tự nhiên sang rừng kinh tế tại một số đơn vị, DN thuê rừng vẫn chưa triển khai kịp tiến độ. Tại một số vùng, người dân đã tự ý trồng cây ngắn ngày trên đất lâm nghiệp. Tại huyện Đam Rông, qua kiểm tra đã có 90ha đất lâm nghiệp trồng rừng 30a bị người dân chuyển sang trồng các loại cây như cà phê, bắp, mì... Trong dự án trồng rừng 30a, bà con sẽ nhận đất trồng rừng sản xuất (trồng keo), nhưng giá nguyên liệu quá thấp nên dù nhận thức không được chuyển sang cây trồng khác nhưng nhiều người vẫn chuyển đổi. Bên cạnh đó, hiện một số đơn vị, DN thuộc diện đóng tiền để trồng rừng thay thế, nhưng chậm nộp với số tiền lớn cũng là nguyên nhân khiến việc trồng rừng còn gặp nhiều khó khăn.
Năm 2016, tỉnh Đắk Nông có kế hoạch trồng 2.674ha rừng thay thế, nhưng đến nay mới trồng được khoảng 940ha, chỉ đạt khoảng 35% kế hoạch. Tỉnh đã giao cho 22 đơn vị thực hiện nhưng tiến độ triển khai chậm. Nguyên nhân chính là do địa phương thiếu quỹ đất để trồng rừng. Theo Sở NN-PTNT Đắk Nông, trong tổng số 2.674ha diện tích đất đã được UBND tỉnh giao, chỉ có 2.248ha có thể đưa vào trồng rừng thay thế năm 2016. Diện tích còn lại không thể thực hiện trong năm nay vì các lý do như: Đơn vị được giao trồng rừng đã giải thể, khó khăn trong việc giải quyết đất lấn chiếm... Trung đoàn 726 - Binh đoàn 16 là đơn vị được tỉnh giao kế hoạch trồng rừng thay thế với diện tích tương đối lớn, khoảng 500ha. Tuy đã chuẩn bị đầy đủ về nhân lực, vật lực nhưng đến nay đơn vị chỉ trồng được gần 100ha. Báo cáo của Trung đoàn 726 cho biết, phần lớn diện tích còn lại đang bị tranh chấp, lấn chiếm nên không thể trồng rừng.
Gỗ rừng tự nhiên bị cưa xẻ công khai tại một dự án chuyển đổi rừng trồng cao su ở xã Ia Tăng (huyện Sa Thầy, tỉnh Kon Tum). Ảnh: CÔNG HOAN
Theo Ban Chỉ đạo Tây Nguyên, các tỉnh Tây Nguyên đã bước vào giữa mùa mưa và là mùa trồng rừng, nhưng hiện nay (đã trồng được 3.522ha rừng tập trung) đang thiếu vốn. Trong công tác trồng rừng phòng hộ, nguồn vốn ngân sách Trung ương hỗ trợ cho các tỉnh quá thấp, chỉ 15 triệu đồng/ha cho 4 năm (1 năm trồng, 3 năm chăm sóc), trong khi đơn giá bình quân 1ha rừng phòng hộ tại Tây Nguyên phải từ 65 triệu đồng/ha trở lên. Bên cạnh đó, cơ chế tín dụng đầu tư trong lâm nghiệp chưa thoáng. Việc đầu tư trong lĩnh vực trồng rừng có chu kỳ kinh doanh dài, lợi nhuận thấp, mức độ rủi ro cao, nên các ngân hàng thương mại cũng chưa quan tâm đầu tư.
Nâng độ che phủ của rừng
Tại hội nghị về các giải pháp khôi phục rừng bền vững vùng Tây Nguyên nhằm ứng phó với biến đổi khí hậu giai đoạn 2016-2020 được tổ chức ở TP Buôn Ma Thuột vào tháng 6 vừa qua, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã chỉ đạo các địa phương phải đóng ngay cửa rừng tự nhiên. Đồng thời xử lý nghiêm những hành vi vi phạm pháp luật về bảo vệ và phát triển rừng; trong đó có các tổ chức, cá nhân bao che, tiếp tay cho lâm tặc phá rừng, lợi dụng chủ trương cải tạo, chuyển đổi rừng nghèo để trục lợi và các đối tượng chống người thi thành công vụ… Tại hội nghị, Bộ NN-PTNT cho biết sẽ phối hợp các bộ, ngành và địa phương xây dựng, triển khai Dự án bảo vệ, khôi phục và phát triển rừng khu vực Tây Nguyên giai đoạn 2016-2020, với nguồn vốn lên tới 8.927 tỷ đồng. Mục tiêu đặt ra đến năm 2020 sẽ khôi phục 2,71 triệu hécta rừng Tây Nguyên và nâng độ che phủ rừng lên 49,8%.
Ông Phạm Ngọc Nghị, Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Lắk, cho hay: Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, tỉnh Đắk Lắk sẽ triển khai nhiều giải pháp tích cực để thu hồi gần 51.000ha đất rừng bị lấn chiếm trái phép để trồng lại rừng. Huy động tất cả các lực lượng và nguồn lực thực hiện mục tiêu bảo vệ rừng hiện có và trong thời gian tới phải ngăn chặn được nạn phá rừng, lấn chiếm đất lâm nghiệp, khai thác, vận chuyển lâm sản trái phép. Phấn đấu đưa độ che phủ từ 38,7% hiện nay lên 40,4% vào năm 2020 và 42,1% vào năm 2030.
Tại Đắk Nông, công tác quản lý, bảo vệ và khôi phục, phát triển rừng cũng đang được UBND tỉnh chỉ đạo thực hiện. Theo ông Nguyễn Bốn, Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Nông, ngoài việc đóng cửa rừng tự nhiên, các cấp, ngành trong tỉnh đang tăng cường kiểm tra, kiểm soát, ngăn chặn và xử lý nghiêm minh các hành vi vi phạm Luật Bảo vệ và phát triển rừng. Tỉnh đang rà soát, chấn chỉnh công tác giao và cho thuê rừng, đất rừng để tất cả diện tích đất lâm nghiệp đều có chủ quản lý. Khẩn trương thực hiện sắp xếp, đổi mới và phát triển, nâng cao hiệu quả hoạt động của các công ty nông - lâm nghiệp; quy hoạch sắp xếp dân cư, nhất là dân di cư tự do. Triển khai có hiệu quả công tác trồng rừng tập trung, trồng rừng thay thế, trồng rừng nông - lâm kết hợp và trồng cây phân tán nhằm từng bước nâng cao độ che phủ của rừng…
Còn theo Ban Chỉ đạo Tây Nguyên, các tỉnh Tây Nguyên cần rà soát, quy hoạch lại các vùng đất trống, đồi núi trọc chưa có rừng, đất nương rẫy lấn chiếm trên đất lâm nghiệp, để có kế hoạch đưa vào trồng rừng phòng hộ, đặc dụng, rừng sản xuất. Đồng thời, khuyến khích, thu hút các nguồn lực xã hội tham gia phát triển rừng bằng cách tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các chủ rừng, chủ đầu tư, người dân tham gia trồng rừng sản xuất bằng cơ chế, chính sách hỗ trợ theo quy định của Nhà nước. Cụ thể là hỗ trợ cơ sở hạ tầng, dịch vụ trồng rừng, liên doanh liên kết với các đơn vị chế biến, trồng rừng kết hợp với tiêu thụ sản phẩm, hỗ trợ lương thực cho người dân trồng rừng thay thế nương rẫy, áp dụng biện pháp luân canh rừng - rẫy. Các tỉnh cũng cần tiếp tục nghiên cứu giải pháp tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp tiếp cận được vốn vay ưu đãi để thực hiện các dự án trồng rừng... nhằm góp phần đẩy nhanh tiến độ trồng rừng phủ xanh đất trống, đồi núi trọc trên địa bàn.
Để mất rừng, một doanh nghiệp bị đề nghị bồi thường 9,5 tỷ đồng Ngày 23-8, Sở NN-PTNT Đắk Nông cho biết, vừa đề nghị UBND tỉnh yêu cầu DNTN Phạm Quốc bồi thường hơn 9,5 tỷ đồng vì để mất hơn 137ha rừng. Vào năm 2008, DNTN Phạm Quốc được UBND tỉnh Đắk Nông cho thuê hơn 318ha rừng, đất rừng tại xã Đắk Ngo (huyện Tuy Đức) để thực hiện dự án quản lý bảo vệ rừng, trồng rừng và trồng cao su. Nhưng doanh nghiệp này không triển khai trồng rừng, chỉ chủ yếu trồng cao su với diện tích 240ha, trồng ngoài quy hoạch hơn 226ha. Trong khi đó, diện tích rừng bị phá sau thời điểm bàn giao lên tới hơn 137ha. Hầu hết diện tích đất giao cho DN này đã bị người dân lấn chiếm trồng cây công nghiệp như cà phê, cao su, tiêu… Lâm Đồng rà soát các dự án liên quan đến đất rừng Sau khi Báo SGGP khởi đăng loạt bài “Nhận trồng rừng để... phá rừng!”, ông Phạm S, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng, đã chỉ đạo các sở, ngành khẩn trương tham mưu thành lập đoàn kiểm tra, rà soát các dự án đầu tư nguồn vốn ngoài ngân sách liên quan đến rừng và đất lâm nghiệp. Đồng thời, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát tình hình thực hiện các dự án đầu tư liên quan đến rừng, đất lâm nghiệp phải chuyển đổi sang mục đích sử dụng khác; xác định những thiệt hại về tài nguyên rừng bị thiệt hại, xem xét yêu cầu doanh nghiệp bồi thường; thu hồi một phần hoặc toàn bộ các dự án đầu tư chậm tiến độ, chậm bồi thường thiệt hại tài nguyên rừng được thuê. |
CÔNG HOAN - ĐOÀN KIÊN