
Có thể nói làn sóng cách mạng XHCN lần thứ nhất xuất phát và đạt được một số thành quả tại châu Âu, thì làn sóng cách mạng XHCN lần thứ 2 đang trỗi dậy ở Mỹ Latinh. Câu hỏi mà thế giới đang đặt ra: Tại sao là Mỹ Latinh? Nhiều nhà nghiên cứu chính trị thế giới và Mỹ Latinh đã đi tìm câu trả lời. Hiện tại, khu vực này có những tiền đề nhất định cho việc hình thành một con đường mới đi lên XHCN.
- Tia lửa cách mạng XHCN vẫn âm ỉ
Trong khu vực có một tấm gương kiên trì con đường cách mạng XHCN là Cuba. Dù đất nước còn nghèo do bị Mỹ bao vây cấm vận kinh tế nhưng với những thành tựu về chăm lo sự phát triển con người, Cuba đang là một xã hội mà nhân dân các nước Mỹ Latinh mong muốn. Ở các nước như Brazil, Argentina có nền kinh tế đứng hàng top 10 thế giới nhưng khoảng cách giàu nghèo rất lớn, và phần lớn của cải xã hội nằm trong tay giới chủ tư bản, nhân dân các nước này luôn xem xã hội Cuba là hình mẫu lý tưởng.
Tiếp bước theo Cuba là Venezuela, với những kết quả bước đầu trong việc phân phối lại thu nhập quốc dân, dùng lợi nhuận từ việc khai thác tài nguyên khoáng sản quốc gia, mà chủ yếu là dầu mỏ, để chăm lo cho người lao động. Chính quyền Caracas đang từng bước rút ngắn khoảng cách giàu nghèo, đảm bảo cho người lao động được chăm sóc y tế và học hành miễn phí, xóa bỏ tình trạng nông dân bị bóc lột bằng việc thành lập những nông trang tập thể…
Có thể nói từ những năm 1960 và 1970, kể từ khi cách mạng Cuba thành công và hàng loạt các nước thuộc địa trên thế giới lần lượt giành độc lập, khu vực Mỹ Latinh đã bắt đầu hình thành phong trào cách mạng nhằm xóa bỏ bất công xã hội, chống chủ nghĩa tư bản, chủ nghĩa đế quốc, có khuynh hướng XHCN. Một số tổng thống do dân bầu lên có cảm tình với cách mạng XHCN đã dự định tuyên bố đi theo con đường XHCN. Dù các chính phủ cánh tả bị các chế độ độc tài quân sự, dưới sự hỗ trợ của Mỹ, lật đổ nhưng suốt những năm 1980, 1990 tia lửa cách mạng vẫn âm ỉ trong lòng xã hội Mỹ Latinh. Điều này cũng giải thích được vì sao các đảng cánh tả hình thành khá thuận lợi và nhận được sự tín nhiệm của người dân.

Ngọn lửa cách mạng XHCN ở Mỹ Latinh do Fidel Castro (phải) và Che Guevara nhen nhóm từ những năm 1960.
- Những điểm tương đồng
Bên cạnh đó, nguyên nhân quan trọng nhất chính là sự hợp tác chặt chẽ của các nước trong khu vực Mỹ Latinh và sự hợp tác chặt chẽ đó bắt nguồn từ lý do các nước này có những điểm tương đồng về nguồn gốc lịch sử và văn hóa. Cùng là miền đất của các thổ dân da đỏ với những nền văn minh cổ đại rực rỡ như Maya, Inca, rồi cũng từng là thuộc địa của Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha, sau đó cùng đứng lên đấu tranh giành độc lập và có khuynh hướng thiên tả, để rồi khiến Mỹ lo ngại và ra tay tiêu diệt các chính phủ có cảm tình với CNXH trong thập niên 1960 - 1970, dựng lên các chế độ độc tài trong khu vực.
Dưới chế độ độc tài, sự bất bình đẳng trong xã hội tăng lên một cách nghiêm trọng, phân hóa giàu nghèo sâu sắc ở mức độ báo động, nợ quốc gia chồng chất lên vai người lao động, những nhà hoạt động có tư tưởng tiến bộ bị mất tích hay lưu đày. Có lẽ khét tiếng nhất là chế độ độc tài Pinochet ở Chile. Sau khi tướng Pinochet, dưới sự hỗ trợ của quân đội Mỹ, lật đổ vị Tổng thống thiên tả Allengde do dân bầu lên, Chile đã trải qua một thời kỳ đen tối trong lịch sử với hàng triệu người mất tích, tù đày…
Sự bất bình đẳng trong xã hội, phân hóa giàu nghèo để lại hậu quả nặng nề trong xã hội các nước này và đó là lý do từ đầu thế kỷ 21 các đảng khuynh hữu chủ trương đi theo con đường tư bản chủ nghĩa với cơ chế thị trường đã thất bại trước các đảng cánh tả, những người chủ trương xóa bất công trong xã hội, thu hẹp khoảng cách giàu nghèo, chăm lo cho cuộc sống người lao động.
Cuối thế kỷ 20, đầu thế kỷ 21, một số đảng cánh tả đã giành chiến thắng trong các cuộc bầu cử và lên cầm quyền, nhưng đa số ủng hộ con đường cải cách nền kinh tế tư bản, như chính phủ của Tổng thống Brazil Lula de Vinci, Argentina, Paraguay… và ngay cả Venezuela. Nhưng những chính sách cải cách cũng không cải thiện được tận gốc những bất công trong xã hội, trong khi lợi ích của giới chủ tư sản ngày càng được nhân lên do họ lợi dụng chính sách trợ cấp nhà nước. Và người nghèo vẫn hoàn nghèo, người giàu ngày càng giàu sụ, tội phạm gia tăng báo động, bất ổn xã hội đe dọa sự cầm quyền của đảng cánh tả. Ngay thời điểm đó, một số lực lượng cánh hữu cũng chứng tỏ khả năng giành lại được quyền lực.
Bắt đầu vào năm 2005, Tổng thống Hugo Chavez tuyên bố xây dựng CNXH Thế kỷ 21 trên đất nước Venezuela. Tuyên bố có vẻ gây sốc thế giới nhưng rõ ràng nó đã khai thông nền tảng tư tưởng cho khu vực rằng chỉ có CNXH mới có thể giúp các đảng cầm quyền thực hiện những cam kết xóa bỏ bất công, xây dựng một xã hội vì con người. Rõ ràng việc các đảng cánh tả giành thắng lợi trong các cuộc bầu cử mới chỉ là thắng lợi bước đầu. Và để bảo vệ thành quả bước đầu, các đảng cầm quyền phải đoàn kết trong một tổ chức thống nhất để hợp tác từng bước xây dựng nền tảng cho cuộc cách mạng XHCN.
- Truyền thống hợp tác
Mỹ Latinh là một khối tương đồng về hợp tác kinh tế. Họ đã thành công với tổ chức hợp tác Nam Mỹ, MERCOSUR, trong đó các quốc gia hợp tác trên cơ sở bình đẳng, tôn trọng lẫn nhau và các bên cùng có lợi. Bên cạnh mối quan hệ bình đẳng, cùng có lợi, một số nước như Cuba, Venezuela đã tạo ra mối quan hệ không có tiền lệ trong thế giới tư bản: Giúp đỡ, hỗ trợ nhau và không đặt lợi ích kinh tế lên hàng đầu. Bằng chứng là Cuba đã tình nguyện giúp đỡ các nước trong khu vực về chăm sóc sức khỏe và giáo dục, còn Venezuela sẵn sàng bán dầu giá rẻ cho các nước nghèo.
Trong những năm cuối của thập niên đầu thế kỷ 21, phong trào cánh tả và cuộc cách mạng XHCN đang đóng vai trò quan trọng trong việc thống nhất và đoàn kết các quốc gia Mỹ Latinh có chung chí hướng: Xây dựng một xã hội công bằng và đặt trọng tâm vào sự phát triển con người.
Có thể nói các nước Mỹ Latinh đang đạt được sự đồng thuận hơn bao giờ hết. Bằng chứng là ngay khi quân đội Honduras bao vây Tổng thống Manuel Zelaya và buộc ông phải sống lưu vong thì tất cả các tổng thống Mỹ Latinh, trong đó có cả đồng minh của ông Zelaya và các tổng thống thân Mỹ đều lên án vụ đảo chính và quyết định họp thượng đỉnh ngay ngày hôm sau. Họ yêu cầu quân đội trao trả quyền lực cho ông Zelaya và một số nước rút đại sứ khỏi Honduras. Theo Reuters, đó là dấu hiệu gần đây nhất cho thấy Mỹ Latinh đang đoàn kết nhằm tăng cường khả năng đương đầu với những cuộc khủng hoảng đe dọa những nguyên tắc dân chủ.
Năm 2008, các chính phủ từ Argentina cho đến Mexico đều đồng loạt kêu gọi các cuộc họp khẩn cấp để kiềm chế những cuộc nổi loạn ở Bolivia và những nguy cơ đe dọa xung đột giữa Colombia, Ecuador và Venezuela. Dư luận thế giới nhận định vai trò quan trọng mới nổi lên của khối các đảng cầm quyền cánh tả, dẫn đầu là Tổng thống Chavez, đã giúp khu vực ổn định trở lại và tạo nên một sự thống nhất ngoại giao mới ở vùng đất này.
Có người còn cho rằng nếu như vào thời điểm đó các chính phủ cầm quyền là lực lượng cực hữu bảo thủ thì chiến tranh có thể đã xảy ra. Sự thống nhất đã giúp Mỹ Latinh giải quyết các cuộc khủng hoảng trong khu vực và giúp Mỹ Latinh tự tin hơn, độc lập hơn với Mỹ, và quan trọng nhất nó đã giúp nâng cao uy tín của các lực lượng cánh tả.
Sự tương đồng về lịch sử, văn hóa, ngôn ngữ; sự hợp tác chặt chẽ, đồng thuận trong nhiều vấn đề khu vực và thế giới cùng với những tia lửa cách mạng âm ỉ trong lòng xã hội, ngọn lửa cách mạng XHCN đã được thổi bùng lên ở miền đất của những nền văn minh cổ đại rực rỡ. Nhưng còn rất nhiều thách thức đang chờ đợi phía trước, trong đó chắc chắn rằng chủ nghĩa tư bản sẽ không bao giờ chịu ngồi yên nhìn những miếng mồi béo bở biến mất và đặc biệt là Mỹ sẽ không bao giờ chịu mất vùng đất mà họ cho là sân sau của mình
VIỆT TRUNG
Cuộc đấu tranh vì mục tiêu CNXH trong Thế kỷ 21:
Bài 1: Lời kêu gọi của Tổng thống Venezuela: Quốc tế 5 - Đoàn kết người lao động vì một xã hội XHCN
Bài 2: Venezuela và “vai trò tiên phong”
Đón xem: Bài 4: Việt Nam - Ứng cử viên cho người đến đích đầu tiên