Bài 3: Thời đẹp nhất

Tổ quốc ơi, ta yêu người mãi mãi. Từ trận thắng hôm nay, ta xây lại bằng mười…, nhóm tốp ca nam nữ vừa ca đến đoạn cuối của bài Tình đất đỏ miền Đông thì ngay sau lưng họ, tiếng rền của trận pháo kích vang lên từng chập. Chỉ trong tích tắc, khói đã bốc lên cách đó chừng hơn 1km. Dù nét mặt tái đi đôi chút nhưng Ánh Hồng, Kiều Giang và mấy anh chị em vẫn siết chặt tay nhau, hát tiếp đoạn điệp khúc. Tiếng nổ đùng đoàng ngày càng gần…
Bài 3: Thời đẹp nhất

CHUYỆN Ở BIÊN GIỚI TÂY NAM

Tổ quốc ơi, ta yêu người mãi mãi. Từ trận thắng hôm nay, ta xây lại bằng mười…, nhóm tốp ca nam nữ vừa ca đến đoạn cuối của bài Tình đất đỏ miền Đông thì ngay sau lưng họ, tiếng rền của trận pháo kích vang lên từng chập. Chỉ trong tích tắc, khói đã bốc lên cách đó chừng hơn 1km. Dù nét mặt tái đi đôi chút nhưng Ánh Hồng, Kiều Giang và mấy anh chị em vẫn siết chặt tay nhau, hát tiếp đoạn điệp khúc. Tiếng nổ đùng đoàng ngày càng gần…

Tiếng hát trên tuyến lửa

Ánh Hồng, cũng như nhiều bạn trẻ thành phố khác, tình nguyện tham gia lực lượng thanh niên xung phong (TNXP) vào một đơn vị thuộc Liên đội 2 đóng quân tại Nông trường Lê Minh Xuân. Một lần ở đơn vị có hội diễn văn nghệ, Hồng hát liên khúc một lèo 12 bài nên được chú ý. Anh em trong đội văn công tuyển ngay cô gái có chất giọng vang rền khỏe khoắn này vào đội. Còn Kiều Giang, được bổ sung vào đội ngay trên đất Campuchia, sau khi anh em đội văn công phát hiện được năng khiếu ca hát của Giang.

Hồi đó, đội văn công đi tới đâu, nơi đó vui như hội. Anh em lấy đèn dầu bỏ vô xô để giảm ánh sáng, tránh bị đánh bom. Sân khấu có vậy thôi nhưng bộ đội, TNXP vẫn đứng vây quanh nghe văn công hát. Nhiều anh em nghe hát, đứng khóc ngon lành vì nhớ quê hương, gia đình và đồng đội đã mất. Chỉ có cái accordeon, mandolin, mấy cái trống là đội văn công có thể trình diễn. Nơi chiến hào, chốt gác, ngay đồng hoang; chỉ cần có bộ đội, có TNXP là có tiếng hát động viên. Anh chị em chủ yếu hát chay, không micro nhưng tiếng hát vẫn vang trên chiến hào, đi sâu vào trái tim người nghe. Rồi có khi sân khấu là mấy miếng gỗ để tạm, anh em vừa hát vừa múa tưng bừng. Nguyễn Đức Trung, thành viên đội văn công, vừa hát vừa dẫn chương trình, kiêm luôn diễn viên múa và cả sáng tác nữa. Anh cũng như các đồng đội không ngại bom đạn. Có lần, đội di chuyển, gặp đúng trận địa ném bom của địch, mấy anh chị em nằm xuống bụi cây ven đường, kết thúc trận pháo lại í ới gọi nhau tiếp tục lên đường. Lần khác, cả đội gặp toán Pol Pot ngay phía trước, cách chừng vài chục thước. Anh em ẩn nấp tỉnh bơ rồi tiếp tục lao lên tuyến đầu biểu diễn phục vụ. Ở chỗ nào có TNXP là có văn công.  

Tốp ca nữ đội văn công TNXP TPHCM

Kiều Giang nói nhẹ tênh: “Tuổi trẻ lúc đó không nghĩ đến thiếu ăn thiếu mặc. Mọi người tiến lên, mình tiến theo. Mọi người làm, mình làm. Mọi người hát, mình hát. Chúng tôi đã sống rất hồn nhiên như thế. Không chỉ cất tiếng hát phục vụ anh em nơi chiến trường, nhiều lúc chúng tôi còn kiêm thêm nhiệm vụ cổ động tinh thần bộ đội. Ở phía trước các anh chiến đấu với địch, chúng tôi ở phía sau la to “xung phong” để các anh có thêm dũng khí chiến đấu. Đó là thời đẹp nhất của tuổi trẻ”.

Những bài hát từ trận địa đã theo đội văn công đi khắp chiến trường. Đó là Những bông hoa trên tuyến lửa được một TNXP - anh Nguyễn Cửu Dũng phổ nhạc từ một bài thơ cùng tên. Đó là Trăng treo đỉnh đầu từ một bài thơ của nhà thơ TNXP Cao Vũ Huy Miên được phổ nhạc bởi một TNXP khác - Lê Đức Du. Đó là Em ở nông trường, anh ra biên giới mà nhạc sĩ Trịnh Công Sơn đã sáng tác ngay sau sự kiện 24 TNXP bị thảm sát… Những bài hát đó đã “theo” đội văn công ra chiến trường, đến chiến hào, kịp thời động viên anh em TNXP cùng với bộ đội vững vàng tay súng, vững chắc đôi vai cáng thương tải đạn.  

Sáng tác từ trận địa

 

Một lần, Lê Văn Lộc dẫn hai mươi mấy đội viên TNXP đi từ đơn vị ngược về tổng đội đóng ở rừng Dương Minh Châu (tỉnh Tây Ninh) để tập huấn. Dọc đường, nhóm gặp một con suối sâu, đúng mùa mưa nên nước càng chảy xiết. Trời chạng vạng, không có đò nhưng lại không thể chờ đến sáng hôm sau, anh quyết định cả nhóm phải sang bờ bên kia trên cây cầu bắc qua suối. Cầu được ghép từ những ván gỗ dạng bậc thang không có tay vịn, đoạn ở giữa dài khoảng 4m chỉ là hai cái cây kê sát nhau nhìn rất chênh vênh. Mỗi bước chân đi qua, cây cầu lại dập dềnh lên xuống. Anh Lộc đi trước, khi đã qua bên kia cầu, anh nhìn lại thấy các cô gái trong nhóm không hề e sợ mà chân bước thoăn thoắt, nói cười ríu rít. Hình ảnh cô gái TNXP gan dạ làm nảy lên trong đầu anh đoạn đầu của bài nhạc Em đi qua cầu cây: Có chiếc cầu cây bắc ngang qua suối. Cao thật cao, không tay vịn. Em đi qua chiếc cầu rung rinh. Dòng nước lung linh soi bóng em đi. Mấy ngày sau, anh Lộc hoàn thành bài nhạc với những tình cảm tha thiết dành cho những nữ đồng đội dũng cảm: Cầu tre lắc lẻo chân em vững vàng. Có ai mà ngờ em qua cầu hay. Chính em là người thanh niên xung phong. Và Em đi qua cầu cây trở thành một trong những ca khúc tiêu biểu về những chàng trai, cô gái TNXP không ngại gian khổ phục vụ chiến đấu ở vùng biên giới Tây Nam của Tổ quốc.

 

Những năm sau giải phóng, anh em bộ đội lẫn TNXP lúc đó vẫn chủ yếu hát nhạc sến, nhạc vàng. Anh em Ban chỉ huy Liên đội 303 vò đầu bứt tóc. Sau chiến tranh, chẳng lẽ không có nhạc viết về chính những TNXP, về chuyện cáng thương tải đạn, về những câu chuyện hàng ngày của mình, mà cứ mãi ê a nhạc sến sẩm? Yêu cầu đặt ra, phải vận động anh em sáng tác cho lực lượng mình. Mấy anh em trong ban chỉ huy còn kể chuyện vui: Có lần, anh em cánh báo chí phỏng vấn một cô mậu dịch viên được tuyên dương hoàn thành tốt nhiệm vụ:

- Làm gì cũng tốt nhưng sao chị không tham gia viết báo tường?

- Dạ, em chỉ bán hàng, đâu biết viết báo đâu mấy anh.

- Vậy có bao giờ người ta đưa tiền lộn cho chị không?

- Dạ có.

- Vậy chị tính sao?

- Em trả lại chứ ai lại ham tiền không phải của mình...

Thì đó, viết báo tường đâu cần “đao to búa lớn”. Cứ thấy cái hay, cái đẹp xung quanh thì mình viết thôi…  

Câu chuyện đó tác động đến một số. Lê Văn Lộc, trợ lý chính trị Liên đội 303, là một trong số đó. Biết chút ít nhạc từ thời đi học, Lộc cũng suy nghĩ lắm về chuyện thử sáng tác xem sao. Chuyện TNXP diễn ra hà rầm, có chuyện vui, chuyện ý nghĩa, sao không thử sáng tác?

Một ngày nọ, khi đang gác đêm ở bìa rừng, Lộc bắt gặp một nhóm 4-5 nữ TNXP đi tới. Thấy chốt gác, các cô khe khẽ hát để bộ đội biết là người nhà. Lộc liền lên tiếng:

- Nè, mấy đồng chí nữ, khuya rồi về ngủ đi.

- Đồng chí nam hổng biết đúng không? Người yêu của nhỏ này còn tải đạn chưa về, nó lo, ngủ không được…

Chuyện có vậy, nhưng Lộc liền sáng lên suy nghĩ: Chuyện chờ người thương đi tải đạn, gần gũi vậy sao không thử viết nhạc coi sao. Chờ anh tải đạn về là tên bài hát mà Lộc lôi bút giấy ra hí hoáy sáng tác ngay: Đêm qua anh đi tải đạn đến nửa khuya vẫn chưa về. Em trông, em ngóng mong từng phút giây. Ngoài trời tối đen, súng thù rộn rã vang về xa xa. Anh ơi có tình nào mà không nhớ không mong… với nét nhạc vui tươi, sinh động.

Hôm sau, Lộc cầm bản nhạc lên ban chỉ huy, khẳng định chắc nịch: “Cái này là cuộc sống hôm nay của TNXP nè”. Nói rồi anh cầm đàn, hát luôn một lèo. Sau đó, anh em trong liên đội kết luôn bài hát mới, ở góc nào cũng thấy anh em lôi đàn guitare ra hát hò khí thế. Thế rồi, những sáng tác về TNXP trong đơn vị lần lượt ra đời, cái gì đẹp, cái gì tiêu biểu cho cuộc sống của TNXP đều được sáng tác.

Cũng từ những gì mắt thấy, tai nghe đã hình thành nên một bài hát tiêu biểu của TNXP trong những năm ở biên giới Tây Nam: Những vết chai cho Tổ quốc. Một lần đi tải đạn, Lộc gặp pháo kích. Anh và đồng đội phải nhào xuống bụi cây ven đường tránh pháo. Người đồng đội nằm bên cạnh anh, bồng đạn đeo trên lưng lệch qua một bên, lộ trên lưng áo mỏng tang một vết hằn sâu. Những vết chai cho Tổ quốc ra đời như thế đó: Chiều mưa trong đạn dội, ngoài chiến trường. Có anh thanh niên xung phong đi tải đạn, đi cáng thương. Bồng đạn choàng trên lưng anh, nằm trên vai em làm xước da. Theo tháng ngày, thành vết chai. Bàn chân ta đi, băng suối qua bao rừng. Bàn chân đi mãi gai góc phải cúi đầu. Bàn chân nay đã hằn những vết chai. Ơi những vết chai cho Tổ quốc. Những vết chai dưới gót chân, trên tấm lưng, trên bờ vai người anh hùng.

Thành tích tham gia làm nghĩa vụ quốc tế của Lực lượng TNXP TPHCM:

- 10.000 lượt TNXP tham gia phục vụ chiến đấu và chiến đấu.

- Khai hoang, mở đường mới 4km, sửa chữa - chống lầy 1.283km đường, làm 86 cầu, 14 cống, xây dựng 20 ngầm qua suối, 3 bến phà, đào đắp 10.000m3 làm công sự chiến đấu.

- Vận chuyển 75.762 lượt thương binh, hiến 6.200cc máu cứu thương binh. Vận chuyển pháo ra trận 44 lần, vận chuyển 262.105 tấn hàng hóa ra mặt trận.

- Trực tiếp đánh địch 96 trận, tiêu diệt 1.200 địch, bắt sống 208 tên địch, truy kích 159 lần, tiếp nhận 59 hàng binh, rà mìn trên diện tích 3.852m2.

- Giúp chính quyền Campuchia ổn định đời sống nhân dân, giữ vững an ninh trật tự tại 42 thành phố, thị trấn; xây dựng và sửa chữa 18 trường học; bảo vệ 140 phum sóc; sửa chữa 512km đường giao thông và giúp định cư 25.000 dân tại các phum sóc.

- Với thành tích trên, Lực lượng TNXP TPHCM được Nhà nước tặng 26 Huân chương Chiến công các loại, 20 bằng khen của Thủ tướng Chính phủ; Trung ương Đoàn tặng 5 cờ, 26 huy chương và 26 huy hiệu; được UBND TPHCM tặng 4.091 bằng khen…

ÁI CHÂN - TÂN VĂN

Tin cùng chuyên mục